Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng trước nhiều khó khăn: Đâu là giải pháp?

Phóng viên VOV bàn về nội dung này với chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam.

 

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng ba, ngày 3/4, Thủ tướng chỉ rõ: Chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Điều này cũng đồng nghĩa Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%. Đâu là giải pháp để đạt được mục tiêu trong bối cảnh rất nhiều khó khăn phía trước?

Phóng viên VOV bàn về nội dung này với chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam.
Thưa ông, việc Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2023 và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5% trong rất nhiều khó khăn có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
Việc kiên định mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ trong một điều kiện rất thách thức với những chỉ số trong quý I vừa qua cho thấy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ và sẽ biến thành hành động của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN), các cơ sở kinh tế, địa phương, người dân Việt Nam không lùi bước trước khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay. Quyết tâm, ý chí này được đưa ra không chỉ dựa trên mong muốn mà còn dựa trên một số nhân tố có tính khả thi, có những cơ sở thực tế cho thấy chúng ta có thể thực hiện được. Với mức tăng trưởng 6,5% sẽ là điểm tựa cho chính sách về tài khóa, tiền tệ, lãi suất và một loạt các chính sách khác sẽ được xây dựng, thực thi trong năm nay. Đây chính là ý nghĩa quan trọng của việc Chính phủ kiên định mục tiêu tăng trưởng.

Trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng đã nhấn mạnh việc lấy khó khăn, thách thức, áp lực là động lực để phấn đấu vươn lên, đồng thời nêu nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng cũng phê duyệt đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng của tín dụng này ngay khi có Nghị quyết của Chính phủ. Có thể nói đây là một trong những quyết sách khá mạnh mẽ, thưa ông?
Đây là 2 phản ứng chính sách rất linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn ngay sau khi số liệu thống kê được công bố về tăng trưởng trong quý I/2023 không được như mong muốn. Chính sách về nhà ở xã hội ngoài ý nghĩa về mặt an sinh xã hội còn có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế. Nếu chúng ta thực hiện gói hỗ trợ này một cách rốt ráo, nhanh chóng, hiệu quả sẽ tác động trực tiếp đến việc kích thích cầu tiêu dùng trong nước; và ngoài kích thích nguồn vốn tín dụng của ngân hàng được giải ngân cho mục tiêu này thì còn có nguồn vốn đóng góp của người dân bởi người dân có nhu cầu rất lớn về nhà ở. 

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 tương đối cao nhưng có nhiều yếu tố khả thi.

Bên cạnh đó, sẽ có tác động trực tiếp đến việc hỗ trợ sự phục hồi của ngành bất động sản, giải quyết một số khó khăn của ngành bất động sản hiện nay như sự lệch pha về cung - cầu, kích thích cầu về tiêu dùng của ngành bất động sản, từ đó sẽ kéo theo sự hồi phục, phát triển trở lại của ngành xây dựng và những ngành phục vụ cho ngành xây dựng, và sẽ lôi kéo sự tăng trưởng của một số ngành khác. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi một sự tham gia của nhiều bộ, ngành và địa phương khác. Thời gian qua, chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách rất tốt nhưng quá trình triển khai chưa được như mong muốn. Vì vậy, để thực hiện chính sách này, ngoài vai trò của Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, rất cần sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN và rộng hơn nữa là các ngân hàng thương mại.
Từ thực tế của công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, theo ông, đâu là những nút thắt chúng ta cần tháo gỡ?

Với những kết quả đạt được trong quý I/2023 cho thấy, một trong những nút thắt lớn nhất là quyết tâm, ý chí chính trị của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các nhà thầu, doanh nghiệp trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC). Những khó khăn về thể chế, quy định pháp luật, thị trường,… trong quá trình giải ngân vốn ĐTC vẫn còn đó, nhưng với quyết tâm, ý chí chính trị mạnh mẽ đó, chúng ta có thể giải ngân được vốn ĐTC với tốc độ cao hơn, vượt qua những khó khăn về thể chế, hạn chế trong các quy định về mặt pháp luật; sẽ hỗ trợ để giải quyết được một số khó khăn như quá trình nhận diện - lựa chọn - thẩm định dự án, phân bổ vốn... Với quyết tâm đó, chúng ta cũng có thể tạo những áp lực cũng như hỗ trợ các nhà thầu, các chủ đầu tư trong quá trình giải ngân vốn, tháo gỡ những khó khăn mà họ phải đối diện; đồng thời đẩy nhanh được giải ngân vốn ĐTC trong điều kiện về quy định pháp luật và điều kiện về mặt thị trường trong bối cảnh hiện nay.

Dự báo xuất khẩu trong các tháng tới đây chưa có nhiều cải thiện do thị trường tiếp tục bị thu hẹp bởi các chính sách thắt chặt chi tiêu cũng như chống lạm phát của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia và hàng loạt khó khăn đã được chỉ ra. Vậy đâu là cơ sở để chúng ta có thể đạt được tăng trưởng như các mục tiêu kỳ vọng về tăng trưởng xuất khẩu?

Mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 tương đối cao và có những thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên, nó dựa trên một số yếu tố đảm bảo tính khả thi. Chúng ta có thể nhìn vào rất nhiều yếu tố như vậy, ví dụ ngành nông nghiệp tăng trưởng bền vững, liên tục trong nhiều năm qua và vẫn thể hiện là ngành bệ đỡ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự phục hồi khá mạnh mẽ của ngành dịch vụ trong năm 2022 và quý I/2023. Mức bán lẻ và doanh thu của hàng hóa tiêu dùng cũng tiếp tục tăng. Như vậy, tiêu dùng của người dân đang được đẩy mạnh cũng là một yếu tố quan trọng để hỗ trợ đắc lực cho mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.

Ngoài ra là vai trò của ĐTC, chi tiêu công. Trong năm nay, chúng ta sẽ giải ngân khoảng 35 tỷ USD nguồn vốn ĐTC. Nguồn vốn này, nếu chúng ta thực hiện tốt, rốt ráo một cách có hiệu quả và sớm đưa vào nền kinh tế sẽ có tác động trực tiếp đến phục hồi kinh tế ngay trong quý II và III năm nay. Chúng ta cũng kỳ vọng vào chi tiêu công của Chính phủ. Việc tăng lương vào tháng 7 sẽ hỗ trợ thêm phần chi tiêu công của Chính phủ, từ đó sẽ tác động trực tiếp đến thu nhập khả dụng một bộ phận không nhỏ của người dân - đó là các công nhân viên chức trên toàn quốc. Có nhiều yếu tố khả thi như vậy thì phương pháp của chúng ta là sẽ chắt chiu, tận dụng tất cả cơ hội tăng trưởng, nguồn lực, động lực tăng trưởng hiện có, dù là nhỏ nhất, để đạt được mục tiêu trong năm nay.

Tuy nhiên, trong ba chân kiềng tăng trưởng là ĐTC, xuất khẩu và tiêu dùng thì với bối cảnh hiện nay, chúng ta nên tập trung vào đâu để có thể đạt được hiệu quả cao nhất - mang tính tác động lan tỏa, kích thích tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động, thưa ông?
Tập trung vào ĐTC và chi tiêu công là khả thi nhất bởi với quyết tâm như hiện nay thì đây là lĩnh vực có thể thực hiện với tốc độ nhanh hơn và đảm bảo được mục tiêu mà chúng ta đề ra. Nguồn vốn ĐTC được giải ngân sớm sẽ được chi trực tiếp vào các doanh nghiệp, chủ đầu tư, nhà thầu, sẽ được quay vòng, từ đó có sức lan tỏa rất lớn đối với các DN làm thầu phụ và những công nhân làm việc trong thầu phụ đó, kéo theo sự tác động tích cực đến những ngành nghề xung quanh. 

Điều quan trọng là làm thế nào để tốc độ giải ngân vốn ĐTC được đều trong cả quý II, III, IV, chứ nếu giống như mọi năm vốn ĐTC thường được giải ngân chỉ vào quý IV, thậm chí vào quý I năm sau thì sẽ không có sức lan tỏa lớn. Cũng cần chú trọng vấn đề đầu tư, đặc biệt phải thu hút hơn nữa đầu tư FDI; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khôi phục lại đầu tư FDI, đầu tư của khu vực tư nhân.
Vậy ông nhìn nhận thế nào về chân kiềng dịch vụ tiêu dùng - được coi là một trong những điểm sáng nổi bật của nền kinh tế quý đầu năm?
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ và doanh thu bán hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam hiện nay vào khoảng 250 tỷ USD. Nếu năm nay con số này chỉ cần tăng khoảng 10% thì ta đã có thêm 25 tỷ USD. Con số này sẽ tăng lên 35 - 45 tỷ USD nếu chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng 15 - 20%.

Đây là sức hấp dẫn rất lớn từ sức mua ở trong nước nếu như chúng ta mở rộng được sức tiêu thụ, tiêu dùng trong nước. So với xuất khẩu, nếu tăng được khoảng 10% thì chỉ gia tăng được 35 tỷ USD. Như vậy, trong bối cảnh tiêu dùng nước ngoài đối với dịch vụ hàng hóa suy giảm, nếu chúng ta tận dụng được sức tiêu dùng trong nước thì sẽ bù đắp được rất lớn cho tiêu dùng ở nước ngoài. Nâng cao tiêu dùng trong nước, sức mua trong nước có ý nghĩa không chỉ cho năm 2023 mà đó là một vấn đề dài hạn. Ngoài ra, chúng ta cũng kỳ vọng vào sự hồi phục của ngành dịch vụ như du lịch, tài chính, ngân hàng.
Theo ông, cần có những chính sách cụ thể như thế nào để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
Nhìn lại những biện pháp hỗ trợ trong thời gian vừa qua, dù với những chính sách thực hiện thành công hay chưa thì cũng cho chúng ta bài học kinh nghiệm để thực hiện những chính sách trong thời gian tới. Việc hỗ trợ cho DN phải có trọng tâm, trọng điểm cho những nhóm DN cụ thể và không nên thực hiện với tư tưởng là luôn luôn hỗ trợ, nâng đỡ các DN một cách vô điều kiện.

Việc hỗ trợ và cách thức hỗ trợ phải phù hợp với điều kiện của thị trường, sử dụng cơ chế vận hành của thị trường để biện pháp hỗ trợ đó phù hợp với cách thức vận hành của thị trường, phù hợp với cách thức điều hành của các bộ, ngành, phù hợp với khả năng tiếp cận của các DN, người dân và các cơ sở kinh tế, có vậy mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Tránh hỗ trợ diện rộng, vượt khả năng nguồn lực và không đi đến đối tượng cần thiết nhất.
Các chuyên gia đưa ra quan điểm là từ thắt chặt, kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng, thế nhưng lại lo ngại về lạm phát. Theo ông, chúng ta cần làm gì để có thể đảm bảo được mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát?
Nguy cơ lạm phát vẫn chực chờ, nhất là khi OPEC vừa rồi giảm sản lượng khai thác dầu sẽ tạo áp lực lớn hơn nữa về lạm phát. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta lại hạ lãi suất điều hành nên bắt buộc vẫn phải thực hiện biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng nhưng cần chú ý đặc biệt đến lạm phát.

Để làm được như vậy, phải phân bổ nguồn lực tín dụng đến những khu vực DN, ngành, nghề sử dụng nguồn lực đó một cách tốt nhất, mà cung tiền vẫn trong phạm vi chúng ta khống chế. Không được dàn trải nguồn lực. Việc cơ cấu nguồn lực, cơ cấu tiền sẽ đảm bảo mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Xin cảm ơn ông!
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận