Mở 'lối ra' cho các loại xe vi phạm bị tịch thu chờ thanh lý

Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ.

 

Lô xe máy gần 1.000 chiếc tại kho tạm giữ Công an huyện Hóc Môn, TP.HCM sẽ được bán đấu giá với mức giá khởi điểm gần 500 triệu đồng. Nhưng ngay cả với mức giá sắt vụn ấy, lô xe được mang đấu giá 2 lần thì cả 2 lần đơn vị đấu giá đều bỏ cọc, không đến nhận tài sản. Câu chuyện các loại xe vi phạm bị tịch thu chờ thanh lý tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ chưa có hồi kết nếu thiếu quyết tâm mở “lối ra”.
Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với Luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng luật sư Phúc Thọ.
Ông có bình luận gì khi nghe câu chuyện lô xe máy gần 1.000 chiếc được mang đấu giá với giá khởi điểm chỉ hơn 500 nghìn đồng/xe đang gây sốc dư luận tại TP.HCM?
Khi nghe thông tin này, tôi rất bức xúc. Một tài sản khổng lồ của người dân, không chỉ ở Hóc Môn, TP.HCM mà cả ở các thành phố lớn khác đều rơi vào tình trạng này. Nhưng tại sao dẫn đến hậu quả xấu như vậy - một xe máy mà trị giá có 500 nghìn đồng? Có phải do tạm giữ những xe máy vi phạm một cách tràn lan, không có một tiêu chí nào, cứ xe vi phạm là đưa vào tạm giữ? Trong quá trình quản lý những xe vi phạm đó, thấy rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước khi mà tạm giữ xe của dân, hoặc của cơ quan, doanh nghiệp nào đấy mà không có sự bảo quản theo quy định của Chính phủ, dẫn đến hậu quả xấu và bức xúc của người dân.

Xe vi phạm chất chồng tại kho tạm giữ của Công an huyện Hóc Môn.

Để làm giảm được thiệt hại khi bán đấu giá các tài sản này, cơ quan định giá tài sản cần phân loại xe, không trộn lẫn, đánh đồng thì mức giá mới chuẩn được, không làm thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Thống kê của Phòng CSGT Công an TP.HCM cho thấy, tính đến nay, cả thành phố đã tạm giữ hơn 31.500 xe vi phạm gồm ô tô, xe máy và xe đạp. Tại Tiền Giang từ năm 2022 đến tháng 3 năm nay có hơn 41 nghìn xe vi phạm bị tạm giữ. Nếu tính cả nước thì số xe bị tạm giữ là rất lớn. Vì sao số xe bị tạm giữ lại tăng mạnh trong thời gian qua, thưa ông?
Theo tôi, số lượng xe vi phạm bị tạm giữ trên thực tế còn lớn hơn rất nhiều so với con số thống kê của cơ quan chức năng. Ở nhiều tỉnh, thành phố, sự tồn tại và hệ lụy của việc này đã kéo dài 20 - 30 năm nay, mà bây giờ mới được xử lý là quá chậm. Từ sự chậm trễ đó dẫn đến thiệt hại, tài sản lẽ ra đáng giá 10 triệu đồng thì giờ chỉ còn 500 nghìn đồng, Nhà nước không thu được gì, người dân thì bị mất tài sản đó.

Qua đây cho thấy ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người tham gia giao thông rất thấp. Hơn nữa, quy định về việc xe bị vi phạm thế nào mới bị tạm giữ còn chưa rõ ràng, cho nên những người thực thi pháp luật ít nhiều có lạm dụng việc đó: Lẽ ra xử phạt rồi cho người ta đi nhưng lại không xử phạt mà tạm giữ xe vi phạm, trong khi địa điểm giữ xe lại không đảm bảo các điều kiện an toàn như che nắng mưa, phòng cháy chữa cháy và bảo quản.

Nhiều ý kiến của người dân tỏ ra bức xúc về việc hàng nghìn xe vi phạm bị phơi nắng phơi mưa. Đó có coi là một hệ lụy của việc tạm giữ xe vi phạm, thưa ông?
Việc cơ quan nhà nước giữ xe vi phạm là biện pháp mạnh đối phó với những người không tuân thủ luật lệ giao thông. Ý thức chấp hành Luật Giao thông của nhiều người tham gia giao thông rất kém, nếu không có biện pháp mạnh sẽ dẫn tới phá vỡ trật tự giao thông. Nhưng hệ lụy của việc này là bãi giữ xe chiếm diện tích đất rất lớn.

Nếu Nhà nước đầu tư làm bãi giữ xe nhiều tầng theo đúng Nghị định 138 sẽ hạn chế việc mất nhiều diện tích đất, đồng thời đảm bảo an toàn về cháy nổ, xe không bị hỏng, bị thay thế phụ tùng, bị trộm cắp và cơ quan quản lý thu được tiền trông giữ, bảo quản xe. Nếu chủ phương tiện đến nhận xe thì nộp tiền xử phạt, nếu không đến nhận xe thì cơ quan quản lý xe tạm giữ sẽ mang đấu giá, lấy tiền này bù vào số chi phí cho việc giữ xe.

Có ý kiến đề nghị khi xảy ra một vụ vi phạm hay tai nạn giao thông, chủ xe nào đúng thì nên trả lại cho họ, chủ xe nào sai thì thời gian giữ xe cũng không nên quá lâu sẽ khiến chủ phương tiện không đến lấy xe nữa vì cho là xe đã bị hỏng hóc và số tiền phải trả cho việc giữ xe còn nhiều hơn giá trị của xe. Theo đó, ý kiến này cho rằng thời gian giữ xe chỉ nên là 10 ngày?

Đề nghị này cũng đúng. Thế nhưng với những lỗi vi phạm giao thông hoặc vụ tai nạn giao thông chưa thể kết luận được ngay ai đúng ai sai, cần phải điều tra thì trong thời gian ấy, chủ phương tiện cần phải hợp tác với cơ quan nhà nước để vụ việc được điều tra kỹ càng, không có oan sai, không dẫn đến khiếu kiện. Còn thời gian tạm giữ là bao nhiêu, giữ như thế nào thì rất cần cơ quan quản lý nghiên cứu đưa ra phương án hợp lý.

Những xe bị tai nạn giao thông đã điều tra xong thì trong bao lâu sẽ được trả lại chủ phương tiện và phải có giấy hẹn chủ phương tiện đến lấy. Nếu không có giấy hẹn thì lỗi này là của cán bộ làm việc đó, người dân có quyền khiếu nại. Về việc số tiền giữ xe cao hơn giá trị xe là do để xe ở nơi tạm giữ quá lâu bởi chủ phương tiện cố ý không chịu đến nộp tiền phạt để mang xe về thì đương nhiên cơ quan nhà nước phải giữ xe và đem đấu giá. 

TP.HCM đã kiến nghị giảm thời hiệu xử phạt xe vi phạm hành chính từ 1 năm còn 3 tháng. Bên cạnh đó, TP cũng đề xuất rút ngắn quy trình xử lý xe tang vật xuống 2 - 3 tháng thay vì 2 năm. Ý kiến của luật sư về những vấn đề này như thế nào?
Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất này. Xử lý trong thời gian ngắn thì hạn chế hư hỏng xe và tiền thuê bãi. Tuy Nghị định 100 đã có quy định về những vấn đề này nhưng nếu các địa phương đề xuất thì Chính phủ có lẽ sẽ đồng ý.

Hiện nay, với những vấn đề phải thực hiện thì mỗi cơ quan, địa phương lại có cách làm khác nhau, có những cái làm rất tốt, có những cái làm chưa tốt. Nếu các địa phương, cơ quan nhà nước khi tạm giữ những phương tiện vi phạm này thực hiện theo đúng điều 13 Nghị định 138, làm nơi tạm giữ xe vi phạm có đủ điều kiện an toàn, bảo quản,… thì xe để trong nhà tạm giữ ấy sẽ không bị xuống cấp, tài sản mà những người vi phạm cố tình bỏ thì đem bán đấu giá còn có giá trị và Nhà nước thu được giá trị ấy, hạn chế thiệt hại cho nhà nước và người dân. 

Công an TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ, đặt tiền để đảm bảo quyết định xử phạt vi phạm hành chính thay vì tạm giữ phương tiện. Ông có ý kiến gì về việc này?
Đó là một hướng xử lý đúng căn cứ trên thực tế. Việc này cũng cần được sửa đổi trong các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để hạn chế tối đa việc giữ phương tiện. Câu chuyện này không mới, trong Nghị định 138 cũng đã quy định đặt tiền để nộp phạt hoặc để lấy phương tiện ra, nhưng chúng ta có làm thường xuyên, và các cơ quan thực thi pháp luật có nắm được quy định này để hướng dẫn người dân làm hay không?
Ông có đề xuất gì thêm để giảm tải cho kho chứa và hạn chế tình trạng xe vi phạm bị tạm giữ hư hỏng, xuống cấp, lãng phí như hiện nay?
Việc giữ xe vi phạm ở kho bãi đã gây hệ lụy xấu rồi, nhưng bây giờ khắc phục nó như thế nào? Theo tôi, các tỉnh, thành phố nên dành quỹ đất để xây dựng nhà tạm giữ xe để đảm bảo được độ bền của phương tiện.

Quá trình triển khai thực hiện, những chủ xe cố tình không đến nhận theo thời hạn trong giấy hẹn của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan quản lý nên tổ chức đấu giá những phương tiện này mỗi năm 2 lần, đồng thời chọn lọc, phân loại xe khi mang đi đấu giá thì số lượng xe trong các bãi tạm giữ không bị tồn đọng và thu được giá tiền đúng với giá trị của tài sản đó. Trong thời gian xử lý như vậy, cơ quan nhà nước và người dân nên có sự hợp tác chặt chẽ.

Cơ quan nhà nước không chỉ thông báo một, hai lần mà thông báo nhiều lần, nhắc chủ phương tiện vi phạm thực hiện nghĩa vụ nộp phạt vi phạm để đến nhận xe về, và các thủ tục này cần nhanh gọn. Việc giữ xe không phải là biện pháp duy nhất mà thực tế cho thấy đây là biện pháp gây lãng phí rất lớn đến của cải vật chất xã hội. Chúng ta cũng cần tính toán mức xử phạt, hình thức xử phạt và những điều kiện đi kèm để có hình thức xử phạt thỏa đáng, hợp lý hợp tình, không tạo thêm gánh nặng cho cả người dân, lực lượng cảnh sát giao thông và cơ quan quản lý.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận