Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất huy động (LSHĐ) sẽ tác động thế nào tới thị trường vốn và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp? Phóng viên VOV cùng chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (ảnh nhỏ) bàn luận về câu chuyện này.
Sau 2 đợt giảm lãi suất vừa rồi của các ngân hàng, ông đánh giá thế nào về sự chỉ đạo điều hành của Ngân hàng Nhà nước và động thái của các ngân hàng thương mại?
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện rất đúng luật kinh tế thị trường. Lãi suất là một trong những công cụ rất tinh tế. Nếu như tỷ giá là công cụ đối ngoại để đảm bảo tính chất xuất khẩu hay tiền tệ chung của quốc gia này với quốc gia khác thì lãi suất ở trong nước chính là giá cả của đồng tiền nội tệ và được NHNN dùng để điều tiết dòng tiền tín dụng cũng như mức độ lạm phát quốc gia, giá tiền tệ.
Thời gian vừa qua, NHNN đã sử dụng rất tích cực công cụ lãi suất, đặc biệt là lãi suất ngân hàng, cộng với các chỉ đạo để các ngân hàng thương mại (NHTM) có sự đồng thuận và điều chỉnh lãi suất để điều tiết dòng tiền cũng như điều tiết mức lạm phát quốc gia. Sự chỉ đạo của NHNN còn có tính chủ động, kịp thời và khá linh hoạt trong việc áp dụng đối tượng để điều chỉnh lãi suất này cũng như đối tượng cho vay để hưởng các lãi suất khác nhau.
Tuy nhiên, sự chỉ đạo này mới dừng ở bước hạ LSHĐ, còn lãi suất cho vay (LSCV) thì chưa đặt tới. Điều này cho thấy hiệu lực thực tế cũng như mục tiêu cuối cùng của sự chỉ đạo này vẫn chưa thật đạt được, bởi mục tiêu cao nhất là LSCV phải giảm để sức của doanh nghiệp chịu được trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Cần có sự điều chỉnh, cân nhắc và thêm những hành động quyết liệt nữa để giảm LSCV.
LSHĐ đã có động thái giảm, còn LSCV tuy đã giảm nhưng vẫn neo ở mức cao. Ông đánh giá về thực tế này như thế nào?
NHNN và NHTM đã thực hiện đúng quy luật thị trường, đúng chỉ đạo của Chính phủ và có trách nhiệm trong vấn đề sử dụng công cụ lãi suất. Tuy nhiên, LSCV còn cao cho thấy đích hướng tới của chính sách lạm phát vẫn chưa thực sự đi vào cuộc sống. Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân LSHĐ mặc dù theo danh nghĩa là giảm nhưng trên thực tế còn khá cao do chính sách khuyến khích các VIP trong quá trình tiền gửi, rồi tránh tình trạng rút tiền ở ngân hàng này để chuyển sang ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.
Thứ hai, cho thấy có sự trì trệ nhất định ở trong lợi ích cơ hội mà các NHTM kỳ vọng. Khi LSHĐ giảm, LSCV tăng cao thì các NHTM thường có xu hướng cho trễ thời gian một chút để hưởng lợi từ sự chênh lệch lãi suất cao. Thứ ba, trên thực tế, nhu cầu vay còn cao, nhất là khi thị trường trái phiếu bị trì trệ thì nhu cầu vay tín dụng tiếp tục để triển khai dự án, để đảo nợ… rất cao và trong nguyên tắc thị trường cung - cầu, khi trần tín dụng mà NHNN cấp cho không được nới rộng quá thì rõ ràng chênh cung - cầu tiếp tục duy trì lãi suất cao như một cái giá phải trả cho doanh nghiệp. Cuối cùng là do kỳ vọng lạm phát, do e ngại nợ khó đòi của các nhà làm thương mại trong quá trình cho vay.
Với mức lãi suất khá cao hiện nay, DN rất khó mở rộng sản xuất kinh doanh, chưa kể việc tiếp cận vốn vay ngân hàng còn khó khăn. Ông bình luận gì về điều này?
Việc tiếp cận vốn dễ hay khó, ngoài lãi suất còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác, như điều kiện về thế chấp của người vay đối với ngân hàng là một trong những điều kiện tiên quyết; tính chất khả thi của dự án mà người vay đưa ra để thuyết phục ngân hàng; tình trạng tài chính của đối tượng vay: Nếu đối tượng vay mà nợ xấu, nợ khó đòi, uy tín thấp thì tiếp cận cũng khó hơn. Về LSCV còn cao, điều này có hai tác động. Nếu tác động tích cực, LSCV cao là một công cụ nhất định dùng để điều tiết dòng tiền tín dụng, làm giảm bớt áp lực lạm phát tiền tệ, chống lạm phát; đồng thời buộc người vay phải sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả hơn.
Bởi vậy, giúp cho đầu tư xã hội nói chung hiệu quả hơn và tránh hoạt động đầu tư tràn lan, đầu tư đầu cơ, đầu tư mang tính chất gây áp lực tiêu cực cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, nếu chi phí vốn còn cao so với mặt bằng chung sức chịu đựng của DN thì đây là một trong những vấn đề không tốt cho nền kinh tế đất nước bởi trước hết nó làm trực tiếp tăng chi phí vốn cho DN, tăng chi phí sản xuất, từ đó DN buộc phải tăng giá thành, tăng giá bán, do đó bị mất sức cạnh tranh, giảm khả năng bán hàng và có thể khiến áp lực lạm phát chi phí đẩy tăng lên.
Đây là một trong những nghịch lý của sử dụng công cụ về mặt lãi suất. Và cuối cùng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN, do đó sự đầu tư tương lai cho DN, sức chịu đựng của DN bị giảm, kéo theo công ăn việc làm, thu nhập của người dân cũng như sự ổn định vĩ mô.
DN muốn giảm lãi vay, nhưng ngân hàng cũng là DN nên làm phải có lãi. Vậy để điều tiết và cân bằng cung - cầu thì cần có sự điều chỉnh như thế nào cho hợp lý trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
Nghịch lý nằm ở chỗ NHNN muốn sử dụng lãi suất để kiểm soát lạm phát tiền tệ, nhưng nếu dùng quá mức sẽ làm tăng áp lực lạm phát chi phí đẩy và làm vỡ mục tiêu kiểm soát lạm phát. Để cân bằng mức LSCV, điều quan trọng là dựa vào lạm phát thực tế, lạm phát kỳ vọng, cộng với mục tiêu để định ra mức chuẩn của LSHĐ.
Về nguyên tắc lãi suất là phải sử dụng công cụ lãi suất thực dương, nghĩa là phải huy động tiền tiết kiệm với mức lãi suất cao hơn mức lạm phát. Hai là LSCV phải cao hơn LSHĐ để đảm bảo thực dương. Với tinh thần ấy, hiện nay, chúng ta kỳ vọng mục tiêu lạm phát là 4 - 5%, thì mức huy động phải từ 7 - 8%, do đó, LSCV tùy theo từng ngân hàng. Ở nước ta hiện nay, các ngân hàng tập trung thu lợi nhuận từ chênh lệch cho vay và huy động, do đó, mức chênh lệch này rất cao, thường trên 3%, trong khi một số nước ngoài như Australia chỉ chênh lệch trên dưới 0,3% mà họ vẫn có lãi bởi họ có rất nhiều dịch vụ khác.
Vì thế, mức chênh lệch lãi suất như thế nào là phù hợp thì phụ thuộc vào mức lạm phát và mức LSHĐ; thứ hai là phụ thuộc vào các dịch vụ ngân hàng cung cấp - càng đa dạng thì nguồn thu càng lớn, từ đó càng giảm nguồn thu kỳ vọng từ mức chênh lệch lãi suất này và như thế, chênh lệch lãi suất sẽ giảm. Thứ ba, điều tiết nội bộ để cân đối chi phí, từ đó giúp giảm được áp lực từ việc LSCV quá cao để ăn chênh lệch.
Vậy ông dự báo mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ diễn ra như thế nào?
Chúng ta đang ở trong một thế giới toàn cầu hóa, và đặc biệt tiền tệ có tính chất toàn cầu rất nhanh. Từ khả năng và vị thế kinh tế của mỗi quốc gia như Mỹ, EU, Nhật… thì đồng tiền của họ luôn là những đồng tiền tham chiếu lớn của các nước khác trên thế giới. Việt Nam tham khảo và phụ thuộc khá nhiều vào đồng tiền tham chiếu, do đó, từ nay đến giữa năm chúng ta chưa thể giảm nhanh lãi suất.
Thứ hai, năm nay lạm phát kỳ vọng cao hơn năm ngoái, và trên thực tế cũng đã khá cao rồi, tháng 2 vừa rồi là 0,45 - mức rất cao so với thời điểm đầu năm - do đó, khả năng cuối năm nay, mức lạm phát sẽ khá cao. Và như đã nói, LSHĐ phải cao hơn lạm phát, và LSCV càng phải cao hơn nữa, cho nên mức LSHĐ và LSCV của Việt Nam cũng khó hạ nhanh được. Thứ ba, các DN hiện nay làm ăn rất khó, các cơ hội đầu tư, các cơ hội lợi nhuận,… rất thấp, thậm chí trong đầu năm nay, lượng DN đăng ký mới còn thấp hơn DN dừng hoạt động và chết.
Đây là một thực trạng rất đáng buồn và lặp lại của năm 2021, một dấu hiệu khá nguy hiểm, trong bối cảnh hiện nay các DN đang bị thu hẹp thị trường xuất khẩu, đơn hàng bị giảm sút,... thì mức lãi suất cũng không thể duy trì một cách quá cứng theo nguyên tắc thị trường hoặc theo kỳ vọng lợi nhuận của DN, của ngân hàng. Do đó, NHNN phải có những biện pháp mềm dẻo, phù hợp hơn nữa để điều chỉnh LSCV sao cho chỉ trên dưới 10%.
Tuy nhiên, mức LSHĐ và LSCV còn phụ thuộc vào các yếu tố khác nữa, ví dụ dòng tín dụng, chính sách của Chính phủ, sự giải ngân của đầu tư công, sự phục hồi của thị trường chứng khoán, nguồn lực huy động khác,… nghĩa là nó phụ thuộc vào các dòng tiền khác nữa, kể cả dòng tiền FDI, kiều hối.
Nếu chúng ta có những dòng tiền về sau bổ sung thì LSHĐ sẽ còn được cải thiện hơn nữa do áp lực về nhu cầu tiền tín dụng sẽ giảm. Chúng ta điều tiết chính sách nhiều khi không hẳn chỉ trực tiếp vào tín dụng mà thông qua các chính sách khác nữa để có lượng tiền bổ sung, giảm bớt áp lực vào lãi suất.
Để DN và người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng; tiền vốn huy động vẫn được duy trì ổn định; kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì thực sự là một bài toán khó. Vậy ông có khuyến nghị gì về chính sách trong thời gian tới?
Một chính sách tích cực trong thời gian tới là một chính sách mà vừa tuân thủ các quy luật kinh tế thị trường, vừa phải bám sát thực tiễn trong nước, đồng thời phù hợp xu hướng chung của thế giới. Đây là bài toán không dễ. NHNN đã làm rất tốt trong thời gian vừa qua cho tới nay. Tuy vậy, chúng ta cần tiếp thu hơn nữa kiến nghị của DN để quán triệt tốt hơn nữa chỉ đạo của Chính phủ, từ đó có chính sách cho vay sao cho hài hòa lợi ích giữa ngân hàng - doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, cần minh bạch và công khai kịp thời thông tin về chính sách để đảm bảo tất cả được rõ ràng, không có rủi ro chính sách hay có sự bóp méo chính sách do thông tin mù mờ, chậm. Cuối cùng, NHNN nên có sự cân nhắc và phối hợp với quốc tế trong chính sách của mình để tạo ra sự phối hợp chung, vừa tránh hiểu nhầm vừa tạo ra kết quả chính sách chung trên thế giới. Các DN và người dân bên cạnh việc kiến nghị cũng cần lắng nghe để triển khai các kênh của mình phù hợp với chỉ đạo chung của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.
Xin cảm ơn ông!