Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nêu rõ, Việt Nam đang phát triển, nền kinh tế chuyển đổi, thực tế biến động nhanh, nhiều vấn đề phát sinh mà các quy định không theo kịp. Quá trình xây dựng thể chế trước đó chưa lường hết những yếu tố mới nên còn vướng mắc về cơ chế. Vì vậy, cần mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định.
Phóng viên VOV cùng bàn luận câu chuyện này với bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13.
Yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đặt ra là cần mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định, chưa theo kịp thực tiễn. Muốn làm được như vậy, vai trò của đội ngũ cán bộ công chức rất quan trọng và mang tính quyết định. Bà nghĩ sao về điều này?
Tôi hoan nghênh và đánh giá rất cao người đứng đầu cơ quan hành pháp đã nêu ra được vấn đề này. Sự năng động, sáng tạo của cán bộ là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Trong câu chuyện này, yếu tố con người đóng vai trò quyết định.
Có làm được, có năng động, sáng tạo, xé rào được hay không thì cốt nhất là ở từng con người, từng cán bộ, công chức. Để mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định thì cốt yếu vẫn trông chờ vào đội ngũ cán bộ, công chức phải thật sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Nếu không có những con người năng động, sáng tạo thì không có phong trào năng động, sáng tạo và cũng không thể có sự phát triển bền vững, hiệu quả trong công việc.
Hiện nay còn không ít cán bộ, công chức có tâm lý sợ phải chịu trách nhiệm nên đã chọn giải pháp thúc thủ để yên thân. Đây có phải thực tế đáng lo ngại, thưa bà?
Đây là một thực tế đáng lo ngại, nhưng Kết luận 14 của Bộ Chính trị vừa rồi là chúng ta bảo vệ những người dám đấu tranh, dám sáng tạo vì sự nghiệp chung, công việc chung. Đó là những người đã nghiên cứu rất kỹ và dám dấn thân vào khó khăn, tìm ra các giải pháp vượt khó. Trên thực tế, có không ít người cầm chừng, háo danh, háo lợi, luôn lo lắng để giữ thân, không dám lao vào khó khăn, không dám nghiên cứu, sáng tạo.
Đây là một rào cản rất lớn. Lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ là một tuyên bố làm cho những người năng động sáng tạo dám lao vào cuộc sống, và cảnh tỉnh những người luôn cầm chừng, dền dứ, chỉ vì cá nhân, nặng bệnh thành tích, háo danh, háo lợi. Ngoài ra, cũng cần có những người lãnh đạo, người đứng đầu năng động, sáng tạo thì mới có đội ngũ cán bộ cấp dưới năng động, sáng tạo.
Lý giải về tình trạng có nhiều cán bộ thúc thủ để yên thân, nhiều người cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay còn chưa đồng bộ và thiếu thống nhất. Việc vận dụng quy định trong đạo luật này có thể lại vênh với quy định trong một luật khác. Như một ĐBQH từng thẳng thắn chỉ rõ thực trạng nhiều cán bộ hiện nay có tâm lý thà đứng trước Hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước Hội đồng xét xử. Bà nghĩ sao về tình trạng này?
Hiện nay, trong giai đoạn sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19, có rất nhiều cán bộ cầm chừng, không dám lao vào cuộc sống, không dám gỡ những khó khăn của lĩnh vực mình, của địa phương mình vì để phòng thân. Vấn đề ở đây vẫn là con người, còn hệ thống pháp luật đúng là có chuyện vênh nhau, thiếu đồng bộ nhưng đó không phải là nguyên nhân chính để cản trở các cán bộ công chức năng động, sáng tạo, dám làm việc vì lợi ích chung.
Ví dụ trong trường hợp liên quan đến thuốc của y tế, cứ bảo rào cản Luật Đấu thầu, Luật Giá cho nên chúng ta không có thiết bị, thiếu vật tư y tế để đến mức một số bệnh viện phải mổ theo phiên và muốn đóng cửa. Tôi cho đó là hoàn toàn sai lầm. Tôi nghĩ trong số đó có cán bộ y tế vẫn gỡ được, vẫn lao vào cuộc sống, vẫn giải quyết được vấn đề thuốc, nên đây là vấn đề con người, còn thể chế, luật pháp vẫn là phụ. Đành rằng về lâu dài chúng ta phải đồng bộ luật pháp để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho mọi người, nhưng nếu đổ tại hệ thống luật pháp không đồng bộ thì đó vẫn là đổ cho nguyên nhân khách quan là chính.
Cuộc sống luôn luôn chuyển động, các quan hệ sự kiện pháp lý luôn xảy ra, nhưng pháp luật thì không thể đáp ứng kịp thời do thủ tục ban hành pháp luật cần có khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, pháp luật luôn luôn đi sau thực tiễn. Nếu cán bộ thụ động, chỉ biết trông chờ khi được luật hóa mới dám thực hiện thì có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội phát triển cho đất nước, phải không thưa bà?
Về mặt luật pháp, tôi kiến nghị Quốc hội: Luật nên có tuổi thọ dài hơi. Như vậy, đội ngũ cán bộ, trước hết là các đại biểu Quốc hội cũng phải có trình độ về luật để xây dựng luật thật sát thực tiễn, khả thi. Khi làm luật, chúng ta cần mời những chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng luật để luật có tuổi thọ, khả thi, tránh lãng phí.
Thứ hai, trong quá trình tổ chức thực thi luật pháp thì thực tiễn diễn ra có thể khác với luật, nên phải có những con người sát và hiểu thực tiễn, dám lao vào thực tiễn, thấy khó khăn của thực tiễn để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Và trong trường hợp ấy, chỉ có những con người có đầy đủ năng lực, tích cực, vì cái chung, không vụ lợi cá nhân sẽ thắng lợi, còn nếu không thì rất khó. Nhưng để có đội ngũ con người như vậy thì cần chọn và bổ nhiệm những người đứng đầu vừa có tầm, vừa có tâm.
Nếu không, dù cán bộ cấp dưới năng động, sáng tạo bao nhiêu cũng không thực hiện được ý tưởng ấy bởi người đứng đầu không có tầm thì không thể nhìn ra ai là người năng động, sáng tạo. Còn nếu không có tâm thì dù có nhìn ra mầm năng động, sáng tạo cũng bị thui chột. Giờ đây, Bộ Chính trị ra Kết luận 14 bảo vệ những người dám đấu tranh, dám sáng tạo vì sự nghiệp chung, công việc chung, và Thủ tướng Chính phủ tuyên bố cần mạnh dạn thí điểm các vấn đề vượt quy định, chưa theo kịp thực tiễn, tôi cho diều đó đó mang tính chất đột phá trong vấn đề xây dựng hiệu quả công tác, khuyến khích đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, dám xé rào vì lợi ích chung.
Đột phá, sáng tạo là điều cần có ở mỗi cán bộ nhưng cũng đang đặt ra nhiều thách thức, phải dám làm những điều pháp luật chưa quy định. Đây có phải là một thách thức rất lớn hay không, thưa bà?
Đây đúng là một thách thức, bởi năng động sáng tạo trong những lĩnh vực cụ thể về khoa học thì còn có định lượng để đo được, nhưng năng động sáng tạo trong quản lý, lãnh đạo thì vô cùng khó khăn, nó không có tiêu chí gì để đo, chỉ đo bằng thực tiễn thôi.
Thực tiễn thì phải có khoảng thời gian để trải nghiệm, đánh giá xem cái ý tưởng ấy có đúng không, nên đôi khi chính vấn đề đó làm cho sự năng động, sáng tạo bị hạn chế, kém hiệu quả. Kết luận của Bộ Chính trị có rồi, Thủ tướng Chính phủ nói thế rồi, giờ quan trọng nhất là tổ chức thực hiện như thế nào, ai giám sát chuyện ấy? Ai đứng ra chịu trách nhiệm trước cấp trên về vấn đề đơn vị của mình nếu không năng động, sáng tạo và không bảo vệ được những người, những ý tưởng năng động, sáng tạo thì phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng? Như thế, có lẽ các đồng chí sẽ chú ý hơn tới việc này, phát hiện ra những nhân tố tốt và tích cực trong đơn vị, tổ chức, địa phương, lĩnh vực của mình, nếu không sẽ lại bị thui chột.
Liên quan đến cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá sáng tạo nhưng cũng rất cần phải có cơ chế để bảo vệ những cán bộ có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, mặt khác cũng để phòng ngừa những cán bộ lợi dụng để làm bừa làm ẩu, vì lợi ích riêng. Bà bình luận sao về điều này?
Trong quá trình thực hiện, thực tiễn sẽ dần xây dựng thiết chế để bảo vệ những người năng động, sáng tạo. Theo tôi, nên coi đây là một nội dung, nhiệm vụ trong quá trình kiểm điểm hằng tháng, định kỳ của các tổ chức, cơ quan. Nếu không có năng động, sáng tạo thì đất nước sẽ trì trệ, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang khó khăn sau một chặng dài 2 năm Covid-19 thì càng cần đến điều đó. Nhất định phải có thiết chế để bảo vệ những người năng động, sáng tạo. Nếu không, đội ngũ này bị thui chột đi sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Sau khi Bộ Chính trị khóa 13 ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, hay còn gọi là Kết luận 14 thì hiện nay Bộ Nội vụ đang khẩn trương xây dựng Nghị định về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo để trình Chính phủ ban hành. Thưa bà, Nghị định này cần phải xác định và làm rõ những vấn đề gì để thực sự phát huy hiệu quả?
Trước hết, Bộ Nội vụ cần khẩn trương xây dựng Nghị định này để kịp triển khai, thực thi Kết luận 14. Thứ hai, Nghị định cần phân loại cụ thể về năng động, sáng tạo ở từng lĩnh vực; đồng thời nên nghe ý kiến của dân và xem trong thực tiễn vừa qua tồn tại những gì khiến chưa bảo vệ được người năng động, sáng tạo, từ đó xây dựng nên Nghị định. Khi xây dựng Nghị định cần ngắn gọn, súc tích nhưng cụ thể và việc giám sát Nghị định ấy như thế nào, cần có sự tổng kết định kỳ. Đây là một nội dung vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn này.
Xin cảm ơn bà!