Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa gửi thư tới Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc đề nghị phía bạn sớm đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm đón khách đoàn. Công văn được đưa ra sau khi mới đây Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc công bố danh sách 20 quốc gia thí điểm tổ chức du lịch theo đoàn nhưng không có Việt Nam.
Phóng viên VOV bàn luận câu chuyện này với PGS.TS Phạm Trung Lương (ảnh nhỏ), chuyên gia nhiều năm về lĩnh vực du lịch.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành du lịch, Bộ VH-TT&DL có công hàm gửi trực tiếp đến nước bạn để mời khách tới Việt Nam. Ông có bình luận gì về động thái rất mới này của cơ quan quản lý Nhà nước?
Đây là lần đầu tiên chúng ta có một công hàm chính thức đề nghị phía Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm đón khách đoàn. Cách làm này đang thổi một làn gió mới trong quản lý và phát triển ngành du lịch nước ta. Đây là một tín hiệu tốt về sự đổi mới tư duy - chúng ta đã nhận thức được rằng, nếu không vận động, không chủ động thì sẽ mãi ngồi một chỗ. Với tín hiệu này, chúng ta tiếp tục phát huy để tư duy phải thực sự đổi mới theo hướng tích cực. Nếu không đổi mới thì chắc chắn sẽ chậm chân, tụt hậu bởi hiện nay sự cạnh tranh du lịch đang rất khắc nghiệt.
Ông có thể phân tích thêm về ý nghĩa của việc thu hút khách Trung Quốc trong thời điểm hiện nay và cả trong tầm nhìn dài hạn đối với ngành du lịch nước ta và với một số nước Đông Nam Á?
Trung Quốc là một trong những thị trường rất lớn của thế giới, chiếm khoảng 9% thị phần khách du lịch quốc tế, chỉ đứng sau Mỹ, theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới. Như vậy, khách du lịch Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển du lịch toàn cầu nói chung, trong đó có Việt Nam. Theo thống kê, năm 2019, chúng ta đón 18 triệu lượt khách quốc tế thì khách Trung Quốc đã chiếm 1/3. Ở nhiều địa phương, du khách Trung Quốc có thể chiếm đến trên 70% lượng khách. Du lịch không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế, mà còn là lợi ích về văn hóa. Và với số người đi du lịch rất lớn, Trung Quốc chính là một cầu nối rất quan trọng về quan hệ văn hóa giữa các nước.
Thị trường khách lớn nhất thế giới là Trung Quốc mở cửa trở lại đang tạo nhiều cơ hội rất lớn cho ngành du lịch. Song lượng khách Trung Quốc tới nước ta du lịch trong tháng 1 vừa qua chưa đáng kể. Ông có bình luận gì khi nghe thông tin này?
Đây là điều không quá ngạc nhiên. Trong một thời gian rất dài, chúng ta say sưa trên con số khách du lịch của Trung Quốc mà quên đi sự phàn nàn về chất lượng sản phẩm du lịch bởi tour du lịch 0 đồng gây ra. Dù đã có cảnh báo nhưng chúng ta chưa có sự thay đổi thực sự nào về chất lượng của sản phẩm du lịch, dịch vụ để phù hợp với nhu cầu của thị trường Trung Quốc. Đây là một thị trường lớn có rất nhiều phân khúc khác nhau: Có phân khúc đại chúng, nhưng cũng có những phân khúc khá khó tính. Thế nhưng chúng ta vẫn nghĩ rằng, với sự dễ dãi trước đây cũng đón được rất nhiều du khách Trung Quốc, vậy giờ với sản phẩm, dịch vụ ấy, chúng ta cũng sẽ đón được, nhất là sau dịch bệnh nên du khách đang ham đi.
Vì sự chủ quan này mà chúng ta thiếu sự chuẩn bị, không phải chỉ từ doanh nghiệp trực tiếp tiếp xúc với khách, mà còn từ góc độ quản lý nhà nước. Chúng ta có ưu thế lớn là rất gần Trung Quốc, nhưng chúng ta lại chưa tận dụng được ưu thế đó, và đây là lỗi của quản lý Nhà nước. Câu chuyện visa cũng nói rất lâu rồi. Chúng ta chưa có chiến lược riêng để xâm nhập, khai thác thị trường khách Trung Quốc một cách hiệu quả. Chúng ta phải có sản phẩm, dịch vụ, marketing phù hợp với từng phân khúc thị trường khác nhau, chứ không phải cứ thị trường Trung Quốc là ứng xử giống nhau. Chưa kể do dịch Covid-19 kéo dài nên chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ du lịch bị ảnh hưởng - thiếu về số lượng, kém về chất lượng.
Vậy biện pháp nào khắc phục những điều này, thưa ông?
Một tín hiệu rất tích cực là Bộ VH-TT&DL đã có ý kiến và chúng ta đang chờ phản hồi, nhưng cách khắc phục nhanh nhất là quản lý nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp để họ hoàn chỉnh hơn hệ thống sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực. Hai là, để nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc tiếp cận nguồn vốn đối với các doanh nghiệp du lịch cũng cần phải được coi trọng.
Câu chuyện về sự lộn xộn trong những tour giá rẻ 0 đồng đã được nói đến rất nhiều nhưng chúng ta vẫn chưa có biện pháp khắc phục. Theo ông, đâu là mấu chốt để giải quyết được dứt điểm nạn tour 0 đồng gây cảnh tượng xấu xí cho du lịch Việt Nam?
Tour 0 đồng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng đến chất lượng du lịch. Các doanh nghiệp Việt Nam đã phải chịu thiệt thòi bởi họ thậm chí phải trả phí cho doanh nghiệp thu gom khách ở phía Trung Quốc, phải bỏ tiền để làm dịch vụ lưu trú, đi lại, ăn uống cho khách nhưng chỉ hy vọng thu lại từ tour 0 đồng trong việc bán hàng. Điều này làm hư doanh nghiệp Việt Nam bởi không quan tâm đến vấn đề chất lượng dịch vụ du lịch. Để giải quyết câu chuyện này, chúng ta phải kiên quyết dẹp nạn tour 0 đồng đã tồn tại trong quan hệ hoạt động lữ hành giữa 2 quốc gia, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Ông vừa nói đến chiến lược đầu tư bài bản, vậy theo ông, phân khúc nào phù hợp đối với khách Trung Quốc để Việt Nam tập trung vào đó thu hút khách ở thị trường rất tiềm năng này?
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong chiến lược này, ngành du lịch đã nhấn mạnh phải chuyển từ diện sang chất - nghĩa là chúng ta phải quan tâm đến chất lượng tăng trưởng. Quay lại câu chuyện phân khúc thị trường. Thị trường Trung Quốc có nhiều phân khúc thị trường: đại chúng, trung cấp, cao cấp, đẳng cấp. Khách Trung Quốc chi theo đầu người tính ra không nhiều nhưng tổng lượng chi theo lượng khách lại rất lớn. Vậy chúng ta phải có một chiến lược vừa đảm bảo được lượng khách để có thu nhập du lịch nhưng đồng thời phải đảm bảo thỏa mãn các phân khúc thị trường cao cấp, hướng theo tinh thần của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Đối với từng phân khúc, chúng ta phải có dòng sản phẩm riêng. Ví dụ như phân khúc đại chúng, du khách chỉ đi tham quan, tắm biển thì có thể đến những bãi biển tầm vừa.
Với những phân khúc cao cấp hơn, khách chủ yếu đi nghỉ dưỡng thì mình phải hướng họ đến câu chuyện nghỉ dưỡng. Nhưng lâu nay, việc xúc tiến, quảng bá của chúng ta đến với Trung Quốc chủ yếu là tham quan chứ không nói đến Việt Nam có những điểm nghỉ dưỡng tuyệt vời. Đó là thiếu sót của ta trong câu chuyện xúc tiến, quảng bá. Hoặc là những hang động kỳ vĩ, đôi khi họ chỉ nghĩ đến để tham quan chứ không nghĩ điểm đến đó có giá trị quốc tế, phải tới trải nghiệm và muốn đến được thì phải đăng ký sớm. Lỗi này do chúng ta chưa có chiến lược phát triển du lịch bài bản về phân khúc thị trường.
Chúng ta đã bàn rất nhiều về câu chuyện làm thế nào để du khách vào Việt Nam ở lại lâu và tiêu nhiều tiền nhưng hiện nay giải pháp vẫn đang khá rối và chưa mấy hiệu quả, thưa ông?
Theo tôi, câu chuyện này vẫn từ vấn đề quản lý nhà nước. Từ rất lâu nay, chúng ta chưa chuyển biến được nhiều đối với du lịch Việt Nam nói chung và thị trường Trung Quốc nói riêng bởi nhận thức chạy theo số lượng. Nhưng thị trường Trung Quốc cũng là một thị trường khó tính, đẳng cấp chứ không phải chỉ có đại chúng. Vậy nên chúng ta phải có chiến lược bài bản, chuyên nghiệp đối với từng thị trường thì mới khai thác có hiệu quả được.
Theo ông, đâu là những việc cần làm ngay để thu hút du khách Trung Quốc nói riêng, du khách quốc tế nói chung, và du khách tiêu được nhiều tiền ở Việt Nam?
Muốn du khách “mở hầu bao”, chúng ta phải đáp ứng được kỳ vọng của họ khi đến với Việt Nam, nghĩa là sản phẩm du lịch của chúng ta phải rất tốt, giữa quảng bá và thực tế du khách trải nghiệm phải có sự tương đồng. Việt Nam là một điểm đến an toàn, nhưng nếu chúng ta không làm tốt từ việc đơn giản nhất như nhà vệ sinh, chèo kéo du khách… thì câu chuyện thu hút du khách sẽ rất khó. Những chuyện chúng ta tưởng nhỏ nhưng thực ra có ảnh hưởng rất lớn đến cách nhìn nhận về điểm đến, từ đó ảnh hưởng tới sự cạnh tranh của điểm đến.
Xin cảm ơn ông!