Thấy gì từ việc Facebook, Apple, Google... kê khai, nộp thuế gần 1.800 tỷ đồng?

Phóng viên VOV cùng bàn luận với ông Nguyễn Văn Phụng

 

Phóng viên VOV cùng bàn luận với ông Nguyễn Văn Phụng (ảnh nhỏ), chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp - Nguyên Cục trưởng Cục thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
Ông có bình luận gì về con số 1.800 tỷ đồng mà Meta, Google và Apple đã kê khai và nộp qua cổng điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam mà Tổng cục Thuế vừa công bố?
Con số 1.800 tỷ đồng là rất lớn đối với người dân và các hộ kinh doanh nhưng đó là một con số khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp lớn cũng như nền kinh tế của chúng ta. Nhưng dù thấp hay cao, số thuế này cũng thể hiện chúng ta bước đầu đã quản lý thu thuế được đối với các nhà cung cấp nước ngoài kinh doanh dựa trên nền tảng số, nền tảng công nghệ.
Có thể thấy con số thuế nghìn tỷ mà các nhà cung cấp nước ngoài nộp trong ngày đầu Xuân Quý Mão 2023 là kết quả của cả một quá trình từ xây dựng khung pháp lý tới các giải pháp công nghệ để quản lý thuế. Ông nhận định như thế nào về chính sách thuế cũng như các giải pháp quản lý thuế của Việt Nam đối với các nhà cung cấp nước ngoài, các nền tảng xuyên biên giới?
Hệ thống chính sách thuế của ta đã tiếp cận rất sớm việc quản lý thu thuế đối với các nhà kinh doanh nước ngoài tại Việt Nam. Ngay từ khi bắt đầu tiếp nhận đầu tư nước ngoài, chúng ta đã có Thông tư số 37 quy định về quản lý thu thuế đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam mà không hình thành những cơ sở thường trú tại Việt Nam.

Việc thu thuế các tập đoàn công nghệ phải đảm bảo nguồn thu thuế của Chính phủ tương xứng với lợi ích của các tập đoàn này kiếm được từ đất nước ta.

Sau đó, chúng ta đã có Thông tư 05/2005, Thông tư 103/2008, Thông tư 60/2012 và Thông tư 103/2014. Tuy nhiên, chỉ đến khi có Nghị định 126/2020 và Thông tư số 80/2021, chúng ta mới có đầy đủ phương tiện, công cụ cũng như biện pháp để quản lý thu thuế đối với hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng số. Trong việc quản lý thu thuế, ngành thuế có sự nỗ lực vượt bậc trong cả việc đầu tư cán bộ, con người, nguồn lực cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và đặc biệt là các biện pháp phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước để vươn tới quản lý đối với hoạt động này.
Các số liệu mà Tổng cục Thuế công bố cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc trong thu thuế. Nhưng để thu đúng, thu đủ và tương xứng với lợi nhuận, lợi ích mà các công ty công nghệ nhận được khi khai thác thị trường Việt Nam thì còn một chặng đường dài và không dễ đi, thưa ông?
Đúng vậy. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Thông tư số 80/2021 đã dành 1 chương quy định về quản lý thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động dựa trên nền tảng số, hằng quý, các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện việc kê khai thuế. Việc kê khai thuế thì quý này sẽ khai số phát sinh của quý trước, cho nên chúng ta có thể kỳ vọng trong năm nay sẽ đạt số thu khả quan hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu và nếu so với kết quả kinh doanh mà các nhà cung cấp nước ngoài thu được thì con số này chưa tương xứng với tiềm năng. Và khi các đơn vị này khai thuế thì trong thực tế họ lại cộng tiền thuế này vào giá bán dịch vụ trong nước. Đây là vấn đề cơ quan thuế phải tiếp tục suy nghĩ để báo cáo các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có chính sách cho phù hợp. 
Để đáp ứng nhu cầu về quản lý thuế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì còn rất nhiều khó khăn. Hiện nay, một số quốc gia đã đề xuất và triển khai áp dụng thuế kỹ thuật số. Ông nghĩ như thế nào về thuế kỹ thuật số?
Câu chuyện này liên quan đến hai vấn đề. Thứ nhất, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư ra nước ngoài luôn luôn chọn những nơi có thuế suất thấp hoặc những thiên đường thuế để lập trụ sở kinh doanh. Từ các quốc gia này, họ tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư vào các nước khác.

Với xu hướng này, các công ty đa quốc gia thường né tránh thuế. Các nền kinh tế lớn đã nhận thức được vấn đề này nên đã đặt ra vấn đề chống xói mòn cơ sở thuế cũng như chống việc dịch chuyển lợi nhuận giữa các công ty đa quốc gia, đồng thời đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu là 15% thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này có tác động rất lớn đối với những nước nhận đầu tư. Thời gian qua, Việt Nam cũng là một trong những nước thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, cho nên trong chính sách chúng ta đã có những bước thuế thấp để thu hút những “đại bàng” lớn đầu tư vào. Ví dụ thuế suất 10% trong 15 năm; ưu đãi thuế, miễn thuế 4 năm, và giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp theo.

Với ưu đãi thuế như vậy, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào chúng ta có lợi nhiều hơn vì thuế nộp thấp. Các quốc gia là chủ sở hữu của những doanh nghiệp này cũng nhận thức ra vấn đề đó và tìm cách thu lại nguồn thuế đó bằng cách nâng mức thuế tối thiểu toàn cầu, khi đó, việc ưu đãi vào các nước kia không còn hấp dẫn nữa.

Nếu nước ta không nâng thuế thì vô hình trung lại nhường cho các nước khác thu thuế khi người ta thu thêm của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi nâng thuế để bảo đảm phần thu thì môi trường đầu tư lại kém đi, cho nên câu chuyện thuế tối thiểu toàn cầu cũng là một bài toán rất lớn đặt ra cho Chính phủ ta trong việc điều chỉnh các chính sách về đầu tư, về doanh nghiệp để vẫn bảo đảm được quyền thu thuế nhưng cũng không làm kém đi môi trường đầu tư và kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, ai cũng nhìn nhận rằng các nước đều rất khó khăn trong việc quản lý thu thuế đối với các tập đoàn công nghệ. Hiện tại mặt bằng chính sách của chúng ta đã bao quát được những hoạt động thu thuế như thế này nhưng vẫn chưa quản lý được giá của họ, chưa có những chế tài để kết nối giữa nhà nước - người tiêu dùng - nhà cung cấp để bảo đảm tránh hoạt động độc quyền của các nhà cung cấp và khi chúng ta áp thuế thì người ta lại nâng giá lên.

Trong việc này, cần sự phối hợp của cộng đồng quốc tế, cơ quan thuế các nước, sự đồng lòng, hiệp lực của người tiêu dùng với các nhà sản xuất, các nhà cung cấp để giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích. Đặc biệt là cơ quan của Chính phủ khi quản lý các hạ tầng kỹ thuật, các điều kiện kinh doanh đối với hoạt động này cần có những biệp pháp ràng buộc kết nối với cơ quan thuế để bảo đảm nguồn thu thuế của Chính phủ tương xứng với lợi ích mà họ đã kiếm được từ đất nước của chúng ta.
Ông thấy ở nước ta có thể quản lý thuế đối với lĩnh vực đánh thuế trong nền kinh tế kỹ thuật số như thế nào? Và yếu tố nào liên quan đến câu chuyện về thuế kỹ thuật số mà một số nước đang áp dụng, thưa ông?
Có mấy biện pháp sau đây chúng ta phải quan tâm. Thứ nhất, trong quan hệ đối với cơ quan thuế các nước, chúng ta cần trao đổi với họ để đàm phán lại những hiệp định tránh đánh thuế 2 lần bởi trước đây có những hiệp định chúng ta đã ký trong thời kỳ đất nước chưa phát triển như bây giờ, và với cương vị là nước tiếp nhận đầu tư trong điều khoản của những hiệp định tránh đánh thuế 2 lần có một số điều khoản không phù hợp với hiện nay mà chúng ta cần đàm phán lại, nhất là tới đây chúng ta cũng là một nước đầu tư ra nước ngoài nên phải tính toán lại quan điểm về thuế đối với quan hệ quốc tế. Thứ hai, các nhà kinh doanh kỹ thuật số, các cơ sở kinh doanh dựa trên nền tảng số không tự nhiên kinh doanh được nếu không có băng tần, dải sóng để hoạt động. Vì thế, chúng ta cần sắp xếp lại những khoản thu phí, lệ phí, các khoản thuế cho phù hợp, thậm chí đánh vào thuế tài nguyên đối với nguồn tài nguyên số. Đây là một bước đi còn rất lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp của các cơ quan có liên quan trong việc quản lý đối với hoạt động này.
Để tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế, tiệm cận được sự thay đổi nhanh chóng của các phương thức và loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, theo ông cần sửa đổi quy định nào còn thiếu hoặc không còn phù hợp với thực tế?
Trước mắt, chúng ta phải sửa ngay Thông tư số 103 về quản lý thu thuế nhà thầu nước ngoài, đồng bộ với Thông tư 80 hướng dẫn thi hành Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế thì mới đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước khi chúng ta áp dụng các loại thuế này, tránh việc chúng ta thu thuế được của họ thì họ lại cộng thuế vào người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận