Đến thời điểm này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho người nghèo. Tuy nhiên, cần tổ chức giám sát như thế nào để những phần quà được trao đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí hay trùng lắp, bỏ sót đối tượng? Phóng viên VOV trao đổi vấn đề này với bà Trương Thị Ngọc Ánh (ảnh nhỏ), Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hiện nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã có những hoạt động gì để chăm lo, giúp đỡ thiết thực, hiệu quả cho những người nghèo, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, thưa bà?
Chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các gia đình chính sách khó khăn có cuộc sống ấm no hạnh phúc, nhất là trong dịp Tết đến Xuân về - đó không những là tình cảm mà còn là nghĩa cử, trách nhiệm của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và nhân dân cả nước.
Thực hiện Chỉ thị 19 ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư Trung ương (T.Ư) Đảng về chăm lo Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, ngay từ đầu tháng 11/2022, chúng tôi đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ), T.Ư Hội Chữ thập đỏ và các tổ chức đoàn thể trong việc hướng dẫn hệ thống mặt trận, các đoàn thể ở các địa phương vận động nguồn lực để cùng với chính quyền các cấp chăm lo cho cuộc sống của người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến các hộ gia đình chính sách khó khăn, những hộ nghèo, những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trên tinh thần “không để hộ nào, gia đình nào và người nào không có Tết”, ở T.Ư, chúng tôi đã kết hợp vận động nhiều nguồn lực để có được chương trình phối hợp tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm và tặng quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách và công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở 63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là một sự quan tâm đặc biệt, thể hiện sự động viên tinh thần cũng như thăm hỏi ân cần của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với nhân dân các địa phương.
Một điểm mới đáng chú ý là năm nay MTTQ và các tổ chức thành viên có sự phối hợp để đưa những phần quà đến với người dân. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?
Việc phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận để tập trung nguồn lực, có được những phần quà chuyển đến cho bà con vừa tạo sự quan tâm, thống nhất giữa các tổ chức đối với những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần điều tiết các phần quà đến với những địa phương, địa bàn có người dân thực sự khó khăn. Đây là điều được ghi nhận và đánh giá rất cao của cấp ủy chính quyền đối với hoạt động chăm lo cho người nghèo của MTTQ và Tổng LĐLĐ các địa phương.
Tất cả nguồn lực mà địa phương vận động được để đảm bảo điều kiện chăm lo Tết cho người dân được tập trung vào đầu mối là MTTQ Việt Nam nhằm điều phối các nguồn lực, khắc phục tình trạng nơi thì nhận được rất nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn từ thiện, nơi thì không hoặc ít nhận được sự quan tâm ấy. Sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể trong việc tham mưu cho cấp ủy điều tiết phần quà đến với mọi người dân một cách công bằng, rộng khắp như vậy đem lại niềm tin, niềm vui cho người dân, nhất là những địa phương khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Năm nào hoạt động nhân đạo ý nghĩa này cũng được Quỹ Vì người nghèo Trung ương, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên duy trì, vậy năm nay mức quà và số lượng phần quà phân bổ ở mỗi địa phương dự kiến là bao nhiêu, thưa bà?
MTTQ và Tổng LĐLĐ đã huy động khoảng 150.000 suất quà. MTTQ và Tổng LĐLĐ có tổng cộng khoảng 30.000 suất quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động khó khăn ở các địa phương; T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có khoảng 1.000 suất quà và tổ chức ở 10 địa phương chương trình “Tết nghĩa tình” và “Chợ 0 đồng”. Ngoài ra, chúng tôi còn huy động thêm sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm trong cả nước.
Mỗi phần quà cho các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn gồm 1 triệu đồng tiền mặt và quà trị giá 200.000 đồng. Từ các suất quà đó, chúng tôi phân bổ đều đến tất cả 63 tỉnh, thành trên cả nước để các lãnh đạo Đảng và Nhà nước thay mặt cho các cơ quan T.Ư tặng cho nhân dân. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình “Hỗ trợ chăn áo ấm” cho các cháu ở các tỉnh miền núi, các địa phương có thời tiết khắc nghiệt về mùa đông.
Với vai trò của mình, MTTQ đã tổ chức giám sát như thế nào để những phần quà được trao đúng đối tượng và tránh thất thoát, lãng phí, trùng lắp hay bỏ sót đối tượng, thưa bà?
Năm nay, chúng tôi phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam và T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, những phần quà được lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tới tận tay các hộ gia đình chính sách khó khăn, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt trên địa bàn, cho nên chúng tôi tin chắc rằng, địa phương khi chọn các đối tượng để trao tặng quà là những hộ gia đình thực sự có hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Hai là, chúng tôi chỉ đạo hệ thống MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận ở các cấp tăng cường công tác phối hợp, điều tiết nguồn lực vận động được để hỗ trợ các hộ nghèo trên cơ sở danh sách được lập, được giám sát giữa các tổ chức với nhau để khi trao tặng không bị trùng lắp về đối tượng. Như vậy, những nguồn lực vận động được thì các địa phương sẽ kịp thời trao đến đúng đối tượng.
Hơn 2 năm qua, đất nước nói chung và nhiều hộ dân nói riêng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. MTTQ có sự quan tâm chăm lo gì đối với đối tượng đặc thù này, thưa bà?
Đối với các hộ dân chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, đặc biệt các hộ đi làm việc ở các thành phố lớn, do tác động của dịch bệnh Covid-19, việc làm khó khăn nên đã trở về quê với tâm lý không muốn xa quê nữa mà ở lại gắn bó với quê hương.
Chúng tôi khảo sát cuộc sống sinh hoạt của bà con để có những hỗ trợ thiết thực, giúp bà con gắn bó, xây dựng quê hương. Thông qua khảo sát thực tế, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan chức năng tiếp tục có những đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn chưa có khu công nghiệp, chưa có các doanh nghiệp, chưa có cơ sở sản xuất công nghiệp để bà con có cơ hội kiếm được việc làm ngay trên quê hương mình.
Gần 3 năm qua, đã có 103 nghìn căn nhà đại đoàn kết được xây dựng và sửa chữa từ nguồn ủng hộ của các tổ chức, DN và cá nhân. Tết này, những hộ nghèo được đoàn tụ cùng gia đình trong những ngôi nhà mới khang trang và ấm áp nghĩa tình. Vậy MTTQ các cấp đã tổ chức kiểm tra, xác minh như thế nào để việc triển khai xây dựng nhà đại đoàn kết đúng đối tượng, thực hiện tinh thần hỗ trợ một cách khách quan và công bằng?
Để việc hỗ trợ đến đúng đối tượng, đảm bảo thiết thực, đúng với tinh thần, mục đích của Quỹ vì người nghèo cho các cấp, trước hết chúng tôi phải phối hợp với chính quyền các cấp thông qua danh sách xác nhận của các cấp chính quyền về những gia đình hoặc những hộ nghèo có nhà hư hỏng, xuống cấp.
Trên cơ sở danh sách đó, chúng tôi lại tiếp tục xác minh. Ở các khu dân cư, chúng tôi có Ban Công tác mặt trận sẽ đến từng hộ gia đình theo danh sách mà chính quyền cấp để xác minh hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của gia đình đó, lên phương án và mức hỗ trợ cho phù hợp để hỗ trợ hộ đấy làm được căn nhà vững chãi. Chúng tôi cũng vận động cộng đồng đóng góp ngày công, vận động gia đình đó huy động thêm sự ủng hộ của bà con dòng họ để tạo được chỗ ở ổn định, khang trang.
Trên thực tế, có rất nhiều địa phương khi mà Quỹ hỗ trợ người nghèo các cấp chỉ hỗ trợ được 30 - 50 triệu đồng nhưng đã có những hộ gia đình làm được căn nhà lên tới hơn 100 triệu đồng nhờ sự đóng góp thêm của người thân trong dòng họ. Qua đó cho thấy, Quỹ vì người nghèo Trung ương không chỉ hỗ trợ bằng khoản tiền nhất định mà còn động viên, khích lệ và khơi dậy tính cộng đồng của nhân dân để người nghèo nhận thêm được sự hỗ trợ khác, giúp xây được căn nhà khang trang.
Thời gian tới, MTTQ có những hoạt động gì để tiếp tục huy động nguồn xã hội hóa, để cùng các đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương chăm lo cho người nghèo đúng theo tinh thần “không để hộ nào, gia đình nào và người nào không có Tết”, thưa bà?
Năm nào cũng vậy, thông qua “Tháng cao điểm vì người nghèo” và chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” được PT-TH trực tiếp, được nhân dân cả nước đón xem, chúng tôi đều gửi thông điệp đến với các tập đoàn, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong nước và đồng bào đang sinh sống học tập ở nước ngoài để tiếp tục khơi dậy nghĩa cử tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam, quan tâm hỗ trợ cho các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.
Năm 2022, thông qua chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo”, chúng tôi đã nhận được sự đăng ký của hơn 50 tập đoàn, tổng công ty, các DN lớn trong cả nước với sự cam kết đồng hành với MTTQ Việt Nam trong năm 2023 để tiếp tục những chương trình, kế hoạch chăm lo cho người nghèo.
Xin cảm ơn bà!