Nếu như trước đây, số cuộc thi sắc đẹp chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay các cuộc thi này nhiều “đếm không xuể”, khiến công chúng “bội thực” hoa hậu. Không chỉ lạm phát về số lượng, nhiều cuộc thi chất lượng không cao, thậm chí lùm xùm, tai tiếng. Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với PGS.TS Đinh Hồng Hải (ảnh nhỏ), Khoa Nhân học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Buổi tối ngày 22/10 vừa qua, Việt Nam ghi nhận cùng lúc 2 hoa hậu đăng quang tại cuộc thi Hoa hậu Biển đảo Việt Nam và Hoa hậu Toàn Cầu 2022. Việc chỉ trong một đêm có thêm 2 hoa hậu đã nhận nhiều tranh luận trên các nền tảng mạng xã hội. Ý kiến của ông về câu chuyện này?
Trong 1 đêm mà có tới 2 tân hoa hậu thì quá khó hiểu. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên mà Hoa hậu Bùi Bích Phương đăng quang, chúng ta mong ngóng để được nghe, xem chương trình ấy, nhưng bây giờ nhiều cuộc thi hoa hậu đến vậy thì giống như tình trạng chúng ta ăn món gì đó quá nhiều. Trên thực tế, không chỉ có các cuộc thi hoa hậu mà còn vô số các cuộc thi hoa khôi, những danh xưng, danh hiệu nữ hoàng, và có những danh xưng chúng ta không hiểu nổi như: Nữ hoàng than khoáng sản, nữ hoàng vận tải, nữ hoàng thực phẩm, thậm chí có cả nữ hoàng tâm linh… Các cuộc thi sắc đẹp đúng là loạn như khán giả bình luận.
Theo thống kê, năm nay nước ta có tới 22 cuộc thi hoa hậu được cấp phép, trong đó 8 cuộc thi được dồn lại do năm ngoái vướng dịch Covid-19. Đó là chưa tính những cuộc thi nhan sắc cấp tỉnh, thành phố. Là giảng viên Khoa Nhân học, nghiên cứu về con người và cái đẹp, ông nhìn nhận như thế nào về một xã hội bùng nổ các cuộc thi nhan sắc, còn các người đẹp cũng đầy lùm xùm, tai tiếng?
Trên thực tế, Khoa Nhân học của Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội nghiên cứu rất đa diện. Trong các bộ môn của Khoa, chúng tôi có bộ môn Nhân học nghệ thuật. Trong bộ môn này, ngoài nghiên cứu về biểu hiện của nghệ thuật, ý nghĩa của nghệ thuật, còn có khía cạnh xã hội của nghệ thuật.
Đây là vấn đề rất mới và ở Việt Nam chưa được nghiên cứu nhiều. Khía cạnh xã hội của nghệ thuật là một phần nghiên cứu về mối quan hệ nghệ thuật. Đây không còn là vấn đề nghệ thuật, yếu tố sắc đẹp nữa, mà là một vấn đề xã hội. Tìm hiểu khía cạnh xã hội của nghệ thuật đôi khi còn quan trọng hơn việc tìm những biểu hiện của cái đẹp hay ý nghĩa của cái đẹp.
Không ít cuộc thi sắc đẹp đã bị biến thành cái chợ với những lùm xùm, tố cáo mua bán giải, phẫu thuật thẩm mỹ, trình diễn phản cảm và lố bịch, vi phạm quy chế hay trưởng ban tổ chức giải đăng đàn mắng hoa hậu là vô ơn… Điều này gây những hệ lụy gì, thưa ông?
Xuống cấp, bát nháo, mất giá… là những từ nói về các cuộc thi sắc đẹp mà tôi thấy rất đúng với thực trang hiện nay. Và cần thêm vào đó chữ “rẻ tiền” để phù hợp với những gì đang diễn ra với không ít cuộc thi sắc đẹp. Sự bát nháo, rẻ tiền tới mức đau lòng, cảm thấy bị xúc phạm khi nghe những thông tin hoa hậu bán dâm, trong khi hoa hậu được cho là gắn với biểu trưng của cái đẹp phái nữ, đại sứ văn hóa Việt Nam. Những yếu tố bát nháo, rẻ tiền ấy là vấn đề của một xã hội đang xuống cấp, đang có vấn đề, bởi thế, không ít cuộc thi sắc đẹp không thể tạo ra những sản phẩm chân - thiện - mỹ.
Quả là lố bịch. Chúng ta không thể dùng từ gì thay thế cho những vấn đề như thế. Và đây là sự chỉ báo của sự xuống cấp trong xã hội. Chữ hài hước và lố bịch đã mô tả chính xác, cụ thể những gì đang diễn ra trong các cuộc thi nhan sắc hiện nay với sự hỗn độn về mặt giá trị, trong khi giá trị mà chúng ta muốn tìm kiếm ở một cuộc thi hoa hậu là chân - thiện - mỹ. Đấy là những vấn đề chúng ta cần chỉ ra, phân biệt đâu là giá trị đích thực của nghệ thuật, yếu tố thẩm mỹ, đâu là rẻ tiền. Ranh giới giữa hài hước và lố bịch rất mong manh, nhất là trong các cuộc thi nhan sắc.
Ngoài lạm phát về số lượng, ông nhìn nhận ra sao về chất lượng thí sinh và tiêu chí của các cuộc thi sắc đẹp hiện nay?
Không chỉ lạm phát về số lượng, mà còn là sự cẩu thả về chất lượng trong các cuộc thi nhan sắc và chúng ta không thể gắn trách nhiệm này cho các cô gái đi thi bởi suy cho cùng, các bạn ấy mới 18 đôi mươi thì đương nhiên sẽ có những sự cố hoặc những vấn đề cá nhân. Đáng trách nhất là nhà tổ chức, nhà thiết kế cuộc thi hoa hậu - là chương trình tôn vinh cái đẹp, giá trị về mặt tinh thần, hình thể, thẩm mỹ - nhưng một kịch bản hay chương trình cẩu thả sẽ tạo nên sản phẩm rẻ tiền như vậy.
Về câu chuyện ứng xử của thí sinh, có những ứng xử gây bão mạng như: Em muốn đăng quang để được nổi tiếng và có thật nhiều tiền. Điều này rất nguy hại, khiến mọi người cho rằng, trở thành hoa hậu để kiếm được nhiều tiền, trở nên giàu có và suy nghĩ này có thể đã ăn sâu vào rất nhiều cô gái trẻ.
Theo ông, ngoài những nguyên nhân như sự cẩu thả của nhà tổ chức chương trình, tâm lý thí sinh thì còn nguyên nhân nào khác khiến cuộc thi hoa hậu tràn lan và lạm phát như hiện nay?
Trách nhiệm lớn nhất là những người cầm trịch, vấn đề căn bản của nhà thiết kế, nhà tổ chức chương trình chứ không phải là những cô gái trẻ, bởi dù đủ tuổi để có thể chịu trách nhiệm về mặt dân sự nhưng thật ra đó vẫn là những cô gái trẻ mà ứng xử, tâm lý còn non nớt.
Nếu nhà tổ chức định hướng cho một cuộc thi hoa hậu là về mặt trục lợi kinh tế chứ không phải giá trị thẩm mỹ, tinh thần thì chắc chắn sẽ tạo ra những sản phẩm không có giá trị. Với nội dung, kịch bản rẻ tiền, chúng ta đừng mong đó là chương trình có giá trị về mặt văn hóa nghệ thuật, đó chỉ là kinh doanh hoa hậu, kinh doanh thân xác.
Một nguyên nhân nữa là sau khi có Nghị định 144 trong hoạt động cấp phép biểu diễn, trong đó có cuộc thi tổ chức người đẹp, người mẫu, được Trung ương phân cấp về chính quyền địa phương, không hạn chế số lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định này là bước tiến lớn, đã cởi trói cho các đơn vị tổ chức. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, các cuộc thi sắc đẹp mọc lên như nấm đã gây lên phản ứng tiêu cực. Nên chăng cần sớm rà soát lại quá trình triển khai Nghị định 144, cởi mở cũng phải có ranh giới nào đó, thưa ông?
Tôi nghĩ đây là điều hết sức cần thiết mà các cơ quan quản lý cần phải hiện thực hóa nó chứ không phải chỉ đề cập trên văn bản. Các cuộc thi phải có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Điều nào cần điều chỉnh thì hãy điều chỉnh trong thời gian sớm nhất. Hãy để thị trường, khán giả quyết định sự tồn tại của các cuộc thi. Cuộc thi nào chất lượng, mang giá trị thực cho xã hội thì sẽ phát triển. Cuộc thi nào kém chất lượng sẽ tự đào thải.
Theo ông, làm sao để trả lại danh xưng hoa hậu và giá trị thực sự của chiếc vương miện để có những cuộc thi hoa hậu chất lượng?
Cái đẹp và nghệ thuật hướng đến sự tinh túy và cao quý. Hoa hậu phải xứng đáng với người đội. Người đội cũng phải xứng đáng với vương miện ấy. Nếu chúng ta không tìm đến cái đẹp, giá trị đích thực về văn hóa thì đó sẽ là những sản phẩm rẻ tiền và sản phẩm ấy sẽ không có giá trị gì cả.
Tại một số nước đã có ngành công nghiệp sắc đẹp. Công nghiệp hóa sắc đẹp hay công nghiệp hóa những yếu tố văn hóa, cần phải hết sức thận trọng khi phát triển loại hình công nghiệp này. Vẻ đẹp luôn đi cùng với chiều sâu văn hóa chứ không tương đồng với những thứ hàng hóa, nhất là hàng hóa giá rẻ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!