Cải cách tiền lương: Đã đến lúc không thể trì hoãn

Phóng viên VOV bàn luận về câu chuyện này với ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

 

Cải cách chính sách tiền lương (CCCSTL) theo Nghị quyết 27 của Trung ương là chương trình mang tính tổng thể với bản chất là trả lương theo vị trí việc làm, hướng tới mục tiêu cán bộ, công chức, viên chức được trả lương xứng đáng với năng lực, có thu nhập đáp ứng nhu cầu của cuộc sống. Sau nhiều lần “lỗi hẹn”, việc thực hiện CCCSTL đã đến lúc không thể trì hoãn.

Phóng viên VOV bàn luận về câu chuyện này với ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV sẽ bàn việc sớm quay lại thực hiện CCCSTL theo Nghị quyết 27 của Trung ương. Trước mắt là xem xét việc tăng lương cơ sở từ năm 2023. Ông đánh giá như thế nào về sự cấp thiết của việc CCCSTL?
Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, kinh tế đất nước phục hồi rất tích cực nhưng lương công chức, viên chức (CCVC) còn thấp. Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, sẽ xem xét, quyết định các phương án điều chỉnh tiền lương.

Điều đó đã nói lên sự cấp thiết của việc CCCSTL trong điều kiện CCVC hiện nay thu nhập tiền lương chưa đủ sống. Sự cấp thiết của việc CCCSTL có thể được nhìn nhận dưới những góc độ cơ bản sau: Trước hết, tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động và bảo đảm được quá trình tái sản xuất sức lao động, bù đắp được quá trình đào tạo CCVC để họ toàn tâm toàn ý vào công việc.

Thứ hai, tiền lương phải thúc đẩy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác và tăng năng suất lao động; tiền lương đủ sống để CCVC gắn bó với cơ quan, đơn vị tốt hơn.

Thứ ba, CCCSTL để đảm bảo tiền lương là đòn bẩy tăng năng suất lao động và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; nâng cao được chất lượng, phát huy được trí tuệ và năng lực sáng tạo của CCVC.

Đã đến lúc phải CCCSTL để tạo ra một đội ngũ CCVC vừa có chuyên môn, năng lực, vừa có bản lĩnh và tinh thần trách nhiệm để xây dựng đất nước. Tăng lương còn góp phần quan trọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực, dần loại bỏ những hành vi tiêu cực như mưu cầu lợi ích cá nhân, tha hóa biến chất…

Việc CCCSTL để CCVC có mức lương đủ sống không đơn giản là làm phép cộng cơ học mà quan trọng là phải đảm bảo CCVC được trả lương phù hợp với năng lực của họ hoặc phù hợp với vị trí việc làm. Ông có thể phân tích rõ hơn về quan điểm này?

Tiền lương được chi trả theo số lượng và chất lượng của lao động, nó thể hiện nguyên tắc phân phối theo lao động. Do đó, CCCSTL nhằm mục tiêu để CCVC có mức lương đủ sống nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo cho CCVC đó được trả lương phù hợp với năng lực, phù hợp với vị trí việc làm để họ tái sản xuất được sức lao động. Tiền lương thu nhập luôn là điều kiện cần thiết để thu hút và giữ chân người tài. 

Tiền lương phải phản ánh đúng giá trị của sức lao động và bảo đảm được quá trình tái sản xuất sức lao động.

Nếu không CCCSTL thì việc thu hút và giữ chân người tài trong cơ quan, đơn vị rất khó. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, không nên quan niệm là công chức, người lao động đó làm việc ở khu vực công hay tư, mà phải khẳng định là, nơi nào điều kiện làm việc tốt, có thu nhập cao hơn, phát huy được năng lực, sở trường và có khả năng thăng tiến tốt thì đó đều là nơi họ có khả năng cống hiến, đóng góp cho xã hội.

Ông có ý kiến như thế nào về câu chuyện CCCSTL phải gắn với tinh giản biên chế và cải cách bộ máy?

CCCSTL luôn luôn gắn với cải cách bộ máy và tinh giản biên chế, bởi CCCSTL là để CCVC có tinh thần trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị và đóng góp tốt hơn. Chính việc CCCSTL cũng thúc đẩy để sắp xếp, tổ chức bộ máy phù hợp, tạo ra sự phát triển của cơ quan, đơn vị đó, tạo động lực phát triển. Khi chúng ta làm tốt việc đó thì bộ máy tinh gọn, giảm nhẹ và lương cao, nâng cao đời sống thì người ta sẽ cống hiến hết sức mình cho cơ quan, đơn vị, từ đó, công suất, hiệu quả làm việc sẽ tốt hơn. CCCSTL  cùng với cải cách bộ máy sẽ đào thải những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, năng suất lao động thấp và tinh thần trách nhiệm, ý thức đối với cơ quan, đơn vị không tốt. Tiền lương tốt thì bộ máy sẽ có hiệu quả, hiệu lực tốt. Mối quan hệ này tạo được động lực, mối quan hệ để thúc đẩy sự phát triển của cơ quan, đơn vị, Nhà nước.

Có một số ý kiến băn khoăn về tiến độ triển khai bởi trên thực tế Nghị quyết 27 đã được ban hành từ năm 2018 nhưng đã 2 lần hoãn thực hiện. Phiên họp mới đây của UBTVQH cũng trình Quốc hội thảo luận quyết định là chưa CCCSTL theo Nghị quyết 27 mà cần có lộ trình, chỉ chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện điều này. Ông nghĩ như thế nào khi sau 2 lần hoãn thực hiện Nghị quyết 27 thì lần này vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể nào được đưa ra?

Nghị quyết 27 đã đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình, bước đi rất cụ thể. Thế nhưng đại dịch Covid-19 vừa qua là một sự bất lợi. Trong khi đó, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, đang đứng trước những biến động rất nhanh và khốc liệt như dịch bệnh, biến đổi khí hậu và trong điều kiện nguồn lực của đất nước còn đang khó khăn, đang phải tập trung cho đầu tư phát triển để thúc đẩy sự tăng trưởng, đang phải quan tâm cho an sinh xã hội rất nhiều thì việc xác định mức thời gian cụ thể cũng rất khó.

Tuy nhiên, Nhà nước cần có giải pháp tích cực, triệt để để sớm CCCSTL cho cán bộ, CCVC, để tiền lương phản ánh đúng giá trị của sức lao động và được thể hiện bằng giá cả trên thị trường. Mục tiêu của chúng ta là phải đảm bảo đời sống và coi việc CCCSTL là đòn bẩy để thúc đẩy tăng năng suất lao động, góp phần phát triển bền vững của đất nước.

Ngoài điều kiện khách quan như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, theo ông, còn có nguyên nhân nào khác khiến việc thực hiện CCCSTL gặp khó trong thời gian qua?

Năng suất lao động của nước ta còn rất thấp. Suốt 10 năm qua, tốc độ tăng tiền lương bình quân đều nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Quá trình cải cách hành chính, sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm nhẹ biên chế, chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập rất chậm và hiệu quả chưa cao; việc xác định vị trí việc làm thì chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm và chưa có căn cứ khoa học nên không thể bố trí CCVC đúng được với vị trí việc làm, đó mới là căn cứ cơ bản để tinh giản biên chế. Vấn đề cuối cùng là các giải pháp tạo nguồn lực cho CCCSTL hiện nay vẫn là những giải pháp truyền thống, chưa tạo đủ được nguồn lực để thực hiện CCCSTL và chúng ta cũng chưa coi việc CCCSTL là đầu tư cho con người - mà đầu tư cho con người là đầu tư cho sự phát triển - thì rất khó thực hiện.

Muốn có kinh phí để CCCSTL, Nhà nước phải chi một phần ngân sách đủ cho CCCSTL. Điều đó đồng nghĩa phải gắn chặt với nguồn ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, nghĩa là phải dùng ngân sách đầu tư phát triển để CCCSTL. Nói tóm lại, vấn đề quan trọng, có tính quyết định chính là nguồn lực tài chính và tinh giản bộ máy chưa đạt được mục tiêu nên việc thực hiện CCCSTL gặp khó.

Theo ông, để việc tinh giản biên chế hướng đến việc giữ được người có năng lực, sắp xếp vào vị trí phù hợp, tinh giản những người làm việc không hiệu quả thì cần phải tháo gỡ những vướng mắc như thế nào?

Những vướng mắc này chỉ có thể tháo gỡ khi chúng ta thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tinh giản biên chế và phải giảm đúng người cần giảm, chứ không phải giảm một cách cơ học. Do đó, công tác đánh giá CCVC phải thật sự khách quan. Chúng ta phải có tiêu chí cụ thể và phải xây dựng được chức năng, nhiệm vụ phù hợp với chuyên môn đào tạo và nâng cao năng lực phù hợp với vị trí việc làm. Việc này chỉ có thể làm tốt khi phát huy vai trò của người đứng đầu.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và phải được tổ chức thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; tạo sự đồng thuận trong cán bộ, CCVC về giảm biên chế và coi việc giảm biên chế là sự sống còn của CCCSTL. Người lao động, cán bộ, CCVC hiểu rằng đây là sự phân công lại lao động, có sự chia sẻ giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, CCVC và giữa cán bộ, CCVC với nhau để tạo sự tăng trưởng cho xã hội, năng suất lao động sẽ tăng cao hơn, tạo ra động lực phát triển đất nước.

Ngoài ra, muốn CCCSTL, phải chuyển một cách triệt để khu vực sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhưng phải chuyển có điều kiện. Tiếp đó, phải giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, CCVC mà trong quá trình sắp xếp họ không đủ năng lực, trình độ để đáp ứng được nhiệm vụ phải tinh giản biên chế, thì phải tạo cơ hội để họ tìm được việc làm mới, để họ không rơi vào tình cảnh bị bỏ lại phía sau.

Ông có ý kiến thế nào với mức đề xuất tại kỳ họp Quốc hội lần này về việc tăng lương cơ sở trong năm 2023, từ 1 triệu 490 nghìn đồng lên 1,8 triệu đồng?

Điều chúng ta kỳ vọng cần thiết là phải CCCSTL, nhưng cũng phải xem xét kỹ càng bởi nếu CCCSTL trong điều kiện chưa đảm bảo nguồn lực và chưa tinh giản bộ máy thì có thể lợi bất cập hại. Bởi vậy, chúng ta chưa thực hiện cải cách toàn diện mà Quốc hội sẽ bàn để điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8%.

Trong điều kiện hiện nay, điều này có thể chấp nhận được, vì nếu điều chỉnh từ 1/7/2023 thì nhu cầu kinh phí tăng thêm khoảng 54 nghìn tỷ đồng và tác động đến CPI tăng 0,54 điểm %, tương ứng với CPI cả năm 2023 khoảng 4,5%, tức là chúng ta luôn luôn kiềm chế được lạm phát. Vấn đề quan trọng mang tính quyết định là khi Chính phủ điều chỉnh tiền lương thì phải tập trung rất nhiều giải pháp để kìm chế lạm phát, đảm bảo tiền lương của người lao động được điều chỉnh tăng thêm không bị giảm sút do sức mua của thị trường, tức là giá cả tăng lên. Nếu tăng lương mà giá tăng thì đồng nghĩa với việc không giải quyết được vấn đề tăng tiền lương cho cán bộ, CCVC.

Xin cảm ơn ông!


 










 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận