Phát triển điện gió: Cần những nghiên cứu sâu, tổng thể

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khai thác có hiệu quả tiềm năng điện gió là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta.

 

Phát triển năng lượng tái tạo, trong đó khai thác có hiệu quả tiềm năng điện gió là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, tiềm năng có thể khai thác được trên thực tế cũng như có thể hiện thực hoá các tiềm năng này để trở thành nguồn điện, thì còn cần rất nhiều điều kiện khác đi cùng.

Nội dung này được phóng viên VOV bàn luận với chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam.

Tiềm năng điện gió ở Việt Nam đã được quan tâm, đầu tư rất mạnh mẽ. Kể từ khi Chính phủ có cơ chế giá điện ưu đãi cố định, hay còn gọi là giá Vid và được áp dụng trong suốt 20 năm đối với các dự án điện gió có ngày vận hành thương mại trước thời điểm của ngày 1/11/2021 cho thấy chúng ta đã có sự phát triển, thưa ông?

Các nghiên cứu của các tổ chức quốc tế đều cho thấy Việt Nam có tiềm năng điện gió khá tốt cả trên bờ lẫn ngoài khơi. Tuy nhiên, việc huy động được tiềm năng này để phát điện cung cấp cho các nhu cầu về phát triển KT-XH thì nó lại phụ thuộc rất nhiều vào các cơ chế, chính sách khuyến khích, đầu tư của Chính phủ. Ví dụ, chỉ đến khi Quyết định 39 được ban hành vào năm 2018 với mức giá FIT đủ để bù đắp các chi phí phát triển cũng như đầu tư dự án, đồng thời với sự tiến bộ về mặt công nghệ khiến cho giá công nghệ của điện gió giảm đi thì chúng ta mới thấy có sự bùng nổ các dự án đầu tư điện gió.

Sau thời điểm 1/11/2021, các nhà máy điện không còn được hưởng ưu đãi giá cố định, mà chuyển sang việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu thì việc đầu tư vào điện gió có phần chậm lại. Trong bản Quy hoạch điện 8, kế hoạch đến năm 2030, nguồn điện gió trên bờ sẽ 10 - 11%, nguồn điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 3 - 4% tổng công suất nguồn điện của hệ thống. Theo ông, đó có phải là những thách thức?

Trước tiên ta phải nhìn nhận lại giai đoạn bùng nổ của điện gió vừa qua thì cũng một phần nhờ những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy của Chính phủ. Tuy nhiên, như những thông điệp gần đây của Chính phủ cũng như Bộ Công Thương cho thấy cơ chế như giá FIT trong thời gian tới sẽ rất khó được ban hành để hỗ trợ cho các nhà đầu tư.

Vì hiện nay, tỷ trọng của năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện mặt trời hay điện gió đã khá cao trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Do vậy, thách thức rất lớn hiện nay là cơ chế nào sẽ được đưa ra để thay thế cho cơ chế giá FIT trợ giá về mặt năng lượng tái tạo trong thời gian sắp tới để vừa đảm bảo được cơ hội cũng như các quyền lợi của nhà đầu tư nhưng cũng đồng thời không ảnh hưởng tới quyền lợi của các cơ quan khác, đặc biệt như Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc về vấn đề ngân sách Nhà nước. Đây sẽ là bài toán rất khó, cần sự chung tay của rất nhiều bộ, ngành để giải quyết vấn đề này, đặc biệt trong vấn đề phát triển điện gió ngoài khơi.

Đây là thách thức bởi chúng ta chưa có kinh nghiệm, hơn nữa lại có rất nhiều vướng mắc, rào cản liên quan đến cơ chế chính sách mà phải có sự tham gia của rất nhiều bộ liên quan. Chúng ra biết rằng điện gió ngoài khơi thì theo kinh nghiệm quốc tế cần phải mất 7 - 10 năm để thực sự đưa một dự án vào vận hành. 7 năm nữa sẽ là 2029 thì tỷ trọng có đạt được 3 - 4% hay không thì cũng sẽ là một câu hỏi lớn.

Lắp đặt cột điện gió tại Quảng Trị. 	Ảnh: Linh Đoàn

Bên cạnh những dự án khai thác có hiệu quả, có rất nhiều dự án điện gió  đứng bên bờ phá sản khi đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng không kịp tiến độ để hưởng ưu đãi giá FIT của Chính phủ. Ngay cả những dự án đã hoàn thành trước thời điểm 1/1/2021 nhưng khả năng phát điện lên lưới rất thấp, thậm chí không có gió để phát điện. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào điện gió ở Tây Nguyên thì đang gặp những khó khăn do hệ lụy đầu tư “đánh quả”. Ông suy nghĩ như thế nào về các khó khăn này của doanh nghiệp đầu tư vào điện gió?

Những khó khăn của nhiều DN đầu tư vào điện gió ở Tây Nguyên là có thật và không chỉ các DN ở Tây Nguyên mà còn nhiều địa phương khác nữa. Tuy nhiên, câu chuyện không kịp tiến độ và trượt tiến độ còn có nhiều lý do đằng sau nữa. 

Vậy đâu là những điểm nghẽn trong việc phát triển điện gió ở Tây Nguyên thời gian qua?

Chúng ta cũng phải nhìn nhận với nhau là quyết định 39 phải được coi là một quyết định có tính đột phá và mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho các DN đầu tư vào điện gió. Ngay khi ban hành, đã có một số chuyên gia trong lĩnh vực điện gió thừa nhận rằng, mức giá sau khi đã được trợ giá 8,5cent/kWh vào thời điểm đó là mức giá khá phù hợp để đầu tư vào các dự án và ngay thời hiệu đặt ra là đến mùng 1/11/2021, nghĩa là có khoảng 3 năm để các nhà đầu tư chuẩn bị tất cả hồ sơ, thủ tục, nghiên cứu, đặt hàng các trang thiết bị nhập khẩu thì cái này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời cũng có những đánh giá đây sẽ là những rào cản kỹ thuật khiến những nhà đầu tư lướt sóng sẽ không thể có cơ hội để được hưởng giá FIT, mà thay vào đó sẽ là những nhà đầu tư nghiêm túc và có hiểu biết chuyên môn về điện gió thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Đây là thực tế rõ ràng đã xảy ra tại Việt Nam trong thời gian vừa qua chứ không phải chỉ ở Tây Nguyên.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trong giai đoạn từ 2020 - 2021, việc bùng phát đại dịch Covid-19 cũng đã ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ triển khai, chi phí đầu tư của các dự án điện gió. Hiệp hội Điện gió Việt Nam và các ban, ngành đã có những đề xuất với Chính phủ là tạo điều kiện để kéo giãn thời gian.

Thế nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thực tế là có hiện tượng cấp phép đầu tư điện gió khá tràn lan và không đánh giá đầy đủ năng lực của nhà đầu tư ở các địa phương khiến cho các nhà đầu tư có xu hướng đặt cược vào các dự án để có thể phát tài, tham gia để “đánh quả” các dự án. Tuy nhiên, các nhà đầu tư này do thiếu kinh nghiệm nên không lường trước được những thách thức kỹ thuật như là những vấn đề về cơ điện trong lĩnh vực điện gió, logistic để vận chuyển trang thiết bị,... và rất nhiều nhà đầu tư không cập nhật thông tin đầy đủ.
Nhưng cũng không phải tất cả DN đều bị trượt giá FIT, mà có những DN không thua lỗ, đầu tư có hiệu quả, thậm chí vượt tiến độ trước ngày 1/1/2021 để có thể hưởng các chính sách giá FIT của Nhà nước. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan là vướng ở đâu.

Còn một điểm nghẽn rất lớn là liệu có vấn đề thiếu các dữ liệu chi tiết dẫn đến việc đầu tư không có hiệu quả khi đã được hưởng giá FID ưu đãi nhưng khả năng phát điện lên lưới rất thấp. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia cho thấy có không nhiều thời điểm điện gió được phát cao ở mức 50% công suất. Thậm chí có thời điểm nguồn điện gió phát lên chưa được 1%. Vậy thực tế này nói lên điều gì?

Việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam trong thời gian vừa qua có khó khăn, điểm nghẽn rất lớn là vấn đề phát triển những lưới chế tài để kịp tiến độ, giúp giải tỏa công suất cho các dự án điện tái tạo và đưa điện sạch từ các dự án điện mặt trời hay điện gió tới những khu vực có nhu cầu. Ở đây có cả câu chuyện năng lực của thiết kế dự án thì ngoài việc không chuyển tải được toàn bộ sản lượng tạo ra thì việc đầu tư cũng có rất nhiều vấn đề về tính toán, tư vấn thiết kế, năng lực, số liệu nền để sử dụng trong tính toán thiết kế có chuẩn hay không, rồi đặc tính thiết bị, kinh nghiệm của nhà chế tạo như thế nào.
Việt Nam còn gặp khó khăn khi lắp đặt lên rồi thì hệ thống thiết bị lại không hoàn toàn vận hành đúng như thông số thiết kế. Yếu tố nữa là kinh nghiệm lắp đặt của các nhà thầu do tùy thuộc năng lực và đàm phán mà quá trình lắp đặt chúng ta không hoàn toàn đáp ứng yêu cầu.

Về phía các nhà cung cấp thì có vấn đề hiệu chỉnh tua-bin sau khi lắp đặt để đạt hiệu suất cao, đây là thách thức lớn bởi không phải tất cả nhà cung ứng thiết bị đều có đủ kinh nghiệm để đạt hiệu suất cao nhất. Rõ ràng có nhiều lý do đòi hỏi các nhà đầu tư điện gió cần có năng lực trong lựa chọn các nhà cung ứng, nhà thầu để xây lắp, đảm bảo kịp tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư cho dự án.

Điểm mấu chốt ở đây là cần làm gì để việc đầu tư vào điện gió có hiệu quả, thưa ông?

Cần phải có những nghiên cứu tổng thể và sâu hơn, rõ ràng hơn về tiềm năng có thể phát điện gió ở Việt Nam. Đầu tư điện gió khác hẳn với đầu tư điện mặt trời, tính chính xác của số liệu rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng rất nhiều tới đặc tuyến cũng như năng lực phát điện của các tua-bin điện gió tại những vùng nhất định.

Hiện nay, thông thường các dự án điện gió khi thiết kế sẽ dựa trên 3 nguồn số liệu chính. Đầu tiên là trên cơ sở bản đồ gió do thế giới đã công bố, đã được xây dựng trên cơ sở tích hợp các số liệu đo thực tế tại một số vị trí lắp đặt cột đo gió thì cái này đã được triển khai từ rất lâu nay rồi.

Các số liệu được sử dụng bao gồm cả số liệu đo và số liệu khí tượng từ vệ tinh để có thể hiệu chỉnh trong quá trình mô hình hóa để có thể đưa ra các ước tính sơ bộ đầu tiên liên quan đến khả năng phát điện ở các vùng có tiềm năng cao. Thứ hai, nguồn gió cực kỳ quan trọng là nguồn số liệu đo tại khu vực dự kiến để triển khai lắp đặt các tua-bin điện gió. Thứ ba là một số nhà đầu tư trong quá trình đánh giá để đảm bảo hiệu quả thì họ cũng có tiếp cận và mua các số liệu từ các nguồn khí tượng của các tổ chức tư nhân cung cấp dịch vụ số liệu. Đây sẽ là nguồn để hiệu chỉnh, tính toán lại nhằm đảm bảo các thông số thiết kế của dự án điện gió đạt yêu cầu.

Xin cảm ơn ông!













 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận