Giải bài toán phân làn giao thông: Cần có giải pháp đồng bộ

Vấn đề này được phóng viên VOV bàn luận với ông Khương Kim Tạo - chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải.

 

748m dải phân cách đã được Sở Giao thông Vận tải Hà Nội dựng lên để thí điểm phân luồng, tổ chức lại giao thông tuyến đường Nguyễn Trãi từ ngày 6/8 đến ngày 6/9. Mục tiêu lớn nhất của việc phân làn giao thông (PLGT) là nhằm giảm ùn tắc, tăng khả năng lưu thông của các phương tiện. Thế nhưng qua thí điểm cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập và chưa hiệu quả.  Vấn đề này được phóng viên VOV bàn luận với ông Khương Kim Tạo - chuyên gia về lĩnh vực giao thông vận tải.

Ở góc độ là người tham gia giao thông, ông suy nghĩ như thế nào về giải pháp PLGT mà Hà Nội đã và đang triển khai?
Một tuyến đường có 5 làn, số lượng ô tô chỉ chiếm khoảng 25% mà được phân 3 làn đường, trong khi số mô tô, xe gắn máy chiếm 75% mà lại có 2 làn, chưa kể còn cộng với xe buýt, xe thô sơ thì rõ ràng là không công bằng cho người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy. Xét đến cùng, chúng ta tổ chức PLGT nhưng nếu không hợp lý, không đủ các điều kiện để tổ chức phân làn - liên quan đến hạ tầng, đến nhiều khía cạnh khác - thì người đi xe gắn máy sẽ cảm thấy khó khăn khi đến nút muốn rẽ trái và dễ bị vi phạm những quy định trong tổ chức phân làn. Với ô tô khi muốn rẽ phải cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Theo ông, nguyên nhân nào khiến việc PLGT chưa mang lại hiệu quả thực tế như mong muốn?
Nguyên nhân chính là chúng ta chưa có đủ điều kiện để tổ chức PLGT. Những điều kiện PLGT cơ bản nhất là bề mặt đường phải đủ rộng, thì bề mặt đường Nguyễn Trãi có 5 làn là được rồi. Thế nhưng khoảng cách giữa các nút giao thông không được gần nhau quá bởi khi đến nút giao thông, người đi xe máy đang đi bên tay phải mà muốn rẽ sang trái thì phải cắt đầu ô tô. Vậy phải tổ chức các dòng xe cho xe máy rẽ trái như thế nào?

Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ nhu cầu giao thông dẫn đến ùn tắc.

Theo tôi, khi tổ chức PLGT thì cách nút rẽ khoảng 150 - 200m không phân làn nữa, mà cho các dòng xe trộn dòng, tức biến dòng xe phân làn thành dòng xe hỗn hợp. Sau khi trộn dòng xong, qua nút lại phải có đoạn tách dòng. Như vậy, trong một đoạn đường, chúng ta phải thực hiện 2 công việc trộn và tách dòng, mỗi công việc khoảng 150m, nếu cung đường chúng ta quá ngắn thì chỉ việc trộn và tách dòng đã hết đoạn đường rồi, và vô hình trung, chúng ta đang biến một giao thông ổn định, bình thường thành một giao thông hỗn loạn, lộn xộn. Vì thế, việc tổ chức phân làn nên áp dụng trong cung đường có độ dài rất lớn như đường quốc lộ, hay một số đường xa chỉ thi thoảng mới có nút giao thông.

Trong thực tế, TP Hà Nội đã nhiều lần tổ chức PLGT như vậy nhưng những bất cập như ông vừa phân tích tại sao vẫn diễn ra?
Chúng ta phải đánh giá cao quyết tâm của ngành giao thông Hà Nội là tìm các giải pháp để hỗ trợ công tác giảm ùn tắc giao thông của thành phố đang có rất nhiều bức xúc, nhưng vẫn chưa nghiên cứu đầy đủ và sâu sắc. Nếu chúng ta không nghiên cứu sâu sát thì khi triển khai sẽ thấy bất cập ngay. 
Có ý kiến cho rằng, PLGT bằng dải phân cách cứng thì chỉ khi đường đủ rộng, còn với tình trạng hiện nay của các tuyến phố nội đô Hà Nội cách phân làn này sẽ gây ùn tắc và làm mất tính linh hoạt của giao thông. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi đồng tình với ý kiến đó. Mục tiêu chính của tổ chức PLGT là để giải quyết vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Còn vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông thì việc PLGT chỉ có tác dụng là cho dòng ô tô được chạy tốc độ nhanh hơn. Nhưng thực tế trong thành phố Hà Nội, ô tô cũng không thể chạy với tốc độ nhanh. Về nguyên tắc, để giải quyết năng lực thông hành của hệ thống, chúng ta phải để giao thông hỗn hợp để các phương tiện giao thông có thể điền đầy vào những vị trí trống trên mặt đường. Giao thông điền đầy có nhược điểm là nhìn lộn xộn nhưng khi chuyển động với tốc độ thấp thì năng lực thông hành của nó là cao nhất. 

Nhiều người kêu PLGT mà ùn tắc giao thông lại tăng, thì đương nhiên là như thế vì có thêm các rào chắn, cản trở việc đi lại, làm mất diện tích mặt đường, mất tính linh hoạt của giao thông… Nếu khoảng cách giữa các nút ngắn mà chúng ta tổ chức PLGT thì mục tiêu đạt được sẽ vô cùng hạn chế.
Là một chuyên gia giao thông, ông có giải pháp nào để vừa cân đối được việc đảm bảo an toàn giao thông vừa giảm được ùn tắc?
Chúng ta muốn đạt được mục tiêu chính thì phải đảm bảo được hạ tầng và phát triển hạ tầng. Phát triển hạ tầng là phải làm con đường mới hoặc cho các phương tiện công cộng, hoặc các phương tiện giao thông đi. Bây giờ mới chỉ có đường sắt trên cao là đường riêng của giao thông công cộng, còn lại ô tô buýt chưa có đường riêng, thông thường là đường bình thường rồi chúng ta vạch sơn ra và quy định đó là đường dành cho xe buýt.

Thứ hai là chúng ta nên hoàn thiện công tác tổ chức giao thông, có thể nghiên cứu hỗ trợ cho vấn đề sử dụng các công nghệ mới để tổ chức giao thông hợp lý hơn. Nhiều người nói do ý thức người dân làm lộn xộn nhưng tôi cho rằng ý thức người dân Việt Nam là tốt, chẳng qua chúng ta tổ chức giao thông có một số vấn đề chưa hợp lý thì dân đi lại sẽ có những vi phạm. Về nguyên tắc tổ chức giao thông thì chúng ta phải tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng, tạo điều kiện cho người dân không vi phạm, chứ không phải là đánh đố người dân.

Để giải quyết ùn tắc giao thông mà chúng ta lại thêm một dải phân cách cứng giữa đường thì càng làm tăng thêm ùn tắc giao thông, bởi năng lực thông hành của dòng xe trong điều kiện vách như thế sẽ hạn chế tính linh hoạt của các phương tiện vì không thể mượn những chỗ có mặt đường trống để đi lên. Đó không phải điều xấu. Mượn đường trống để đi thì khả năng thoát xe tốt hơn nhiều. Nếu ép người tham gia giao thông chỉ đi trên một khuôn nào đó thì khi đó năng lực thông hành sẽ giảm đi và ùn tắc giao thông sẽ tăng lên. Làm dải phân cách cứng, bó vào một khuôn thì dòng xe sẽ ổn định hơn, xe không chạy hỗn loạn nhưng trong điều kiện lượng phương tiện giao thông lớn như hiện nay thì chắc chắn sẽ ùn tắc hơn rất nhiều.

Ông vừa khẳng định ý thức người tham gia giao thông khá tốt. Vậy ông nhận định ý thức của người tham gia giao thông sẽ quyết định bao nhiêu phần trăm thành công trong việc PLGT tại Hà Nội lần này?

Ý thức của người tham gia giao thông không mang tính quyết định thành công của việc PLGT, mà yếu tố quyết định nhất là chúng ta nghiên cứu điều kiện tổ chức PLGT hợp lý, có tổ chức PLGT được hay không và nếu đủ điều kiện PLGT thì tiến hành phân làn. Rõ ràng vấn đề quản lý là mấu chốt cho việc PLGT có thành công hay không. Ý thức chấp hành của người tham gia giao thông tốt hơn rất nhiều, nhưng do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ yêu cầu giao thông nội đô nên mới dẫn đến ùn tắc.
Theo ông, với thí điểm lần này thì mức độ thành công của việc PLGT như thế nào?

Qua nhiều đợt phân làn cho thấy những bất cập và chúng ta phải tạm dừng lại. Đến nay, chúng ta tiếp tục triển khai, thì tôi nghĩ công tác PLGT lần này có hy vọng bởi tuyến đường Nguyễn Trãi có mặt cắt ngang rộng, đủ điều kiện PLGT nhưng ô tô chỉ nên cho 2 làn, xe máy 3 làn. Mục tiêu của chúng ta là phát triển phương tiện công cộng, vì thế, nếu khó khăn quá thì ô tô cá nhân phải để ở nhà để đi phương tiện giao thông cộng cộng, chứ không phải ép xe máy đi giao thông công cộng là không công bằng, không hợp lý.
Việc triển khai phân làn giao thông chỉ là giải pháp mang tính tình thế để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay. Về lâu dài thì việc cần làm là bài toán hạ tầng giao thông. Theo ông, việc đặt ra bài toán kết nối của hạ tầng giao thông đô thị thì chúng ta cần làm những việc gì trong thời gian tới?

Bài toán đầu tiên là Hà Nội cần phải quy hoạch lại thành phố, bao gồm cả quy hoạch giao thông gắn với các kiến trúc và định hướng của thành phố. Sau đó chúng ta phải ứng dụng công nghệ vào công tác quy hoạch để có số liệu, định hướng phát triển các mặt để biết Hà Nội trong tương lai như thế nào, dân số bao nhiêu, định hướng dân số sống bằng cái gì, đi lại bằng cái gì,… để có thể đưa ra một quy hoạch chuẩn xác. Trên cơ sở đó chúng ta mới định hướng được các vấn đề phát triển, dòng phương tiện công cộng như thế nào… Còn nếu quy hoạch vẫn cứ như từ xưa đến giờ, vẫn vẽ mấy con phố với mấy tòa nhà rồi trình lãnh đạo ký, đóng dấu thì sẽ không thể quy hoạch thành công và suốt đời cứ luẩn quẩn như thế thôi. 
Nếu được tham gia đóng góp vào quy hoạch như ông vừa nói thì ông sẽ đóng góp nhiều nhất là về vấn đề gì?
Chúng ta vẫn phải xác định được đời sống của nhân dân, và đầu tiên là tạo dựng bộ máy cán bộ làm công tác quy hoạch phải có đủ năng lực để chúng ta có thể thực hiện quy hoạch, ý tưởng quy hoạch. Quy hoạch bây giờ không phải chỉ có mấy kỹ sư ngành xây dựng với ngành kiến trúc ngồi với nhau mà còn cần những nhà nghiên cứu về xã hội học, tin học và các ngành khác liên quan làm công tác quy hoạch thì người ta mới biết xu thế phát triển của con người, của xã hội, của thành phố như thế nào.
Trong kỷ nguyên kỹ thuật số này, việc chúng ta ứng dụng công nghệ vào công tác điều hành giao thông lẽ ra phải làm từ lâu rồi, còn bây giờ Hà Nội vẫn đang triển khai nhưng chúng ta phải có tập trung, đột phá để có thể giải quyết được tất cả những vấn đề hiện nay còn đang bức xúc, và tư duy nhiều cái còn đang cổ điển.
Xin cảm ơn ông!




 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận