Giải pháp nào thu hồi triệt để tài sản tham nhũng?

Phóng viên VOV bàn luận vấn đề này với ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.

 

Phóng viên VOV bàn luận vấn đề này với ông Phạm Trọng Đạt (ảnh nhỏ), nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm chỉ đạo, xử lý nhiều vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế, trong đó việc thu hồi tài sản thất thoát là vấn đề trọng tâm và là một trong những mục tiêu chính trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC). Vậy công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua đã đạt được bước tiến ra sao, thưa ông?

Việc thu hồi tài sản rất quan trọng trong việc xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, nó cho thấy sự quyết tâm làm đến cùng của ngành chức năng.

Mấy năm gần đây, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đã có bước tiến tích cực. Công cụ và biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng được củng cố và tăng cường, đồng thời tỷ lệ thu hồi tài sản nâng lên rõ rệt. Trước đây, công tác thu hồi tài sản tham nhũng rất yếu, thậm chí có thời gian dưới 10%. Gần đây, đặc biệt trong năm vừa rồi, tỷ lệ đạt được trên 40%. Đấy là một bước tiến rõ rệt và đáng ghi nhận.

Để đạt được kết quả này, có lý do quan trọng là sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, cụ thể, nghiêm túc, nghiêm minh của Đảng trong việc PCTNTC, nhất là từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác PCTN trên phạm vi cả nước.

Dù có bước tiến lớn trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng nhưng đây chưa bao giờ là việc dễ dàng. Từ thực tế công tác, ông có thể nêu ra những khó khăn của việc thu hồi tài sản tham nhũng?

Cách đây hơn 1 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII đã có Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Đây là Chỉ thị đầu tiên của Trung ương Đảng về vấn đề này và qua hơn 1 năm thực hiện đã góp phần quan trọng, tạo nên bước tiến rất rõ rệt trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Đảng xác định, việc phát hiện, xử lý nghiêm minh vấn đề tham nhũng phải đi đôi với việc thu hồi tài sản thất thoát thì mới là hoàn thành tốt việc chống tham nhũng.

Minh họa: DAD

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, phức tạp. Kẻ phạm tội là người có chức, có quyền, có trình độ học vấn, có sự hiểu biết, có mối quan hệ và có liên quan rất lớn đến tài sản của xã hội, cho nên khi phạm tội tham nhũng, họ tìm mọi cách để che giấu, tẩu tán tài sản đó.

Thứ hai, trong công tác quản lý tài sản nói chung, quản lý tài sản quan chức nói riêng còn rất nhiều bất cập và sơ hở: Không nắm được, không phát hiện được sự biến động và thiếu minh bạch; Chưa có cơ chế giám sát quyền lực một cách chặt chẽ và có nhiều kẽ hở trong quản lý tài sản của quan chức.

Bởi thế, khi xảy ra vụ việc, đến lúc thu hồi tài sản, người ta bảo đấy không phải là tài sản tham nhũng, gây khó khăn cho việc thu hồi.

Thứ ba, về mặt pháp luật, chúng ta có nhiều quy định nhưng còn chồng chéo, chưa thống nhất, vì thế, tạo kẽ hở, độ vênh để tội phạm lợi dụng trong việc xử lý hoặc thu hồi tài sản này, bởi vậy không thu hồi, xử lý được tài sản tham nhũng này. Ví dụ như các luật và quy định về đất đai, quy định về nhà cửa, quy định tài sản gắn liền với đất đai thì mỗi cái một khác, tất cả văn bản pháp luật đó đang chồng chéo và không thống nhất nên khi thu hồi một tài sản đất đai rất khó khăn.

Một khó khăn nữa là sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến việc phòng chống tham nhũng như thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và kể cả thi hành án vẫn chưa chặt chẽ, không có sự đồng nhất, vì thế, mọi thông tin không được cập nhật kịp thời. Mà để thời gian càng lâu thì kẻ phạm tội càng có điều kiện tìm cách tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa..., gây khó khăn cho việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Việc khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng kinh tế là một trong những vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong Hội nghị 10 năm Tổng kết công tác PCTNTC. Tuy nhiên, dư luận cũng lo ngại nếu quá coi trọng việc thu hồi tài sản mà nương tay với hành vi tham nhũng thì sẽ không có tính răn đe, không đảm bảo hiệu quả trong việc PCTNTC. Theo ông, làm sao để đảm bảo hài hòa giữa hai vấn đề này?

Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước luôn có chính sách khoan hồng đối với những kẻ phạm tội biết ăn năn hối lỗi, khắc phục hậu quả, lập công chuộc tội… Và bây giờ có ý kiến đề xuất rằng nên nghiên cứu cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự, thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, thì đó cũng là một ý kiến cần được các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử nghiên cứu, tính toán cụ thể. Nếu không có phương pháp thỏa đáng và không cụ thể hóa bằng pháp luật sẽ dẫn đến dư luận không tốt, rằng có tiền là có tất cả, là giảm được án tù.
Theo tôi, chúng ta dứt khoát thực hiện theo đúng luật pháp. Người có hành vi phạm tội phải bị xử lý nghiêm. Tài sản mà người phạm tội đã chiếm đoạt thì phải được phát hiện, xử lý, thu hồi triệt để. Trong trường hợp bản chất của người phạm tội là tham lam, thiếu đạo đức, không thể cải tạo được thì dù có tiền nộp vào vẫn cần phải chịu án tù, cách ly xã hội để cải tà quy chính, chứ không thể nộp tiền thì được tại ngoại rồi tiếp tục phạm tội.

Nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bị cơ quan điều tra khám xét hôm 14/5.

Với người phạm tội do không tự chủ được, hoặc lòng tham nhất thời nổi lên, hoặc chịu sức ép nên phạm tội nhưng họ ăn năn hối cải, quyết tâm khắc phục, sửa chữa lỗi lầm thì nên giảm bớt mức án để họ có điều kiện làm lại cuộc đời, có thể xử lý hành chính, cảnh cáo, cách chức, khiển trách… Còn làm thế nào để việc này được xử lý thỏa đáng, đúng người đúng tội, nặng nhẹ ra sao thì đấy là trách nhiệm của các cơ quan pháp luật từ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, cơ quan quản lý của Nhà nước và quản lý Đảng. Và trong việc này, đánh giá được đúng bản chất của người phạm tội mới là điều quan trọng.

Theo ông, để thu hồi tài sản đạt hiệu quả cao thì cần thêm những giải pháp mạnh nào?

Trước hết, các cơ quan giám sát quyền lực phải quản lý chặt tài sản của quan chức. Hiện nay, việc kê khai tài sản của quan chức vẫn chỉ mang tính chất tự kê khai, tự chịu trách nhiệm. Vừa rồi chúng ta có tiến bộ hơn là đi kiểm tra xác suất 10% để phát hiện tham nhũng. Ở các nước, nếu không giải trình được nguồn gốc số tiền, tài sản mà bản thân có thì số tài sản đó bị coi là bất minh và sẽ bị thu hồi. Còn ở nước ta thì ngược lại, cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng phải đi chứng minh số tài sản bị can sở hữu là bất hợp pháp mới có thể thu hồi được. Việc chứng minh tài sản bất hợp pháp vô cùng khó khăn, phức tạp, mất rất nhiều thời gian, công sức, vì một phần tài sản tham nhũng đã được bị can chuyển cho người thân đứng tên sở hữu. Các cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam.

Đồng thời, chúng ta phải củng cố chặt chẽ những quy định về công tác quản lý tài sản của xã hội nói chung, trong đó có quản lý về tài sản của quan chức. Và muốn đấu tranh chống tham nhũng, thu hồi được tài sản tham nhũng thì phải minh bạch.

Chúng ta nói: dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng, nhưng nếu không minh bạch, nếu còn che chắn nhiều thứ thì dân làm sao biết. Ngoại trừ những bí mật của quốc gia, của nhà nước liên quan đến sinh mệnh của đất nước, còn những thông tin khác thì phải công khai, có vậy dân mới biết ai làm đúng, ai làm sai và có làm đúng với chính sách của Đảng và Nhà nước không.
Xin cảm ơn ông!

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận