Ý tưởng Cải tạo sông Tô Lịch thành công viên văn hóa - hầm chống ngập

GS.TS Vũ Trọng Hồng, Hiệp hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng bàn luận về câu chuyện này.

 

Mùa mưa năm 2022 mới chỉ bắt đầu nhưng Hà Nội đã liên tục bị ngập úng khi có mưa lớn. Một trong những công tác chống ngập úng thoát nước hiệu quả đó là hệ thống trạm bơm, công trình thủy lợi. Vậy hệ thống này ở Hà Nội hiện nay ra sao, thưa ông?

Hệ thống thoát nước mưa của Hà Nội hiện chưa đồng bộ. Điều quan trọng nhất là vấn đề đầu tư, bởi chúng ta có 10 nghìn tỷ đồng để đầu tư nhưng thực chất mới đầu tư đồng bộ hệ thống sông Tô Lịch và 8 quận, huyện, còn sông Nhuệ và Long Biên chưa được đầu tư nhiều. Quyết định 725 của Thủ tướng năm 2013 phê duyệt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đến nay ta mới thực hiện được hệ thống tiêu nước là sông Tô Lịch, 3 khu vực còn lại chưa có tiền để đầu tư.

Một số công trình thoát nước đã được xây dựng từ nhiều năm, ví dụ dự án trạm bơm tiêu Yên Nghĩa - Hà Đông, nhưng nhiều năm nay tình trạng Hà Nội cứ mưa lại ngập vẫn diễn ra. Phải chăng việc xây dựng hệ thống các công trình thoát nước này chưa thực sự phù hợp?

Trạm bơm Yên Nghĩa - Hà Đông trước khi khởi công xây dựng, tôi đã cùng nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Nguyễn Cảnh Dinh xuống và nghe anh em trình bày thì việc thiết kế của người ta rất cẩn thận, đã rút kinh nghiệm ở trạm bơm Yên Sở.

Trạm bơm Yên Nghĩa đầu mối tốt thế nhưng luôn luôn khô, bởi muốn có nước cho đầu mối thì phải có kênh mương tiêu từ tất cả khu vực xa đưa nước về, nhưng hiện nay chúng ta chưa giải phóng xong những công trình này cho nên ngay từ phường La Khê, quận Hà Đông đã bị tắc rồi, không thể bơm được nước về Yên Nghĩa.

Đây liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và việc đầu tư cho người dân, nếu là đồng ruộng thì phải xin phép như thế nào để dân bỏ ruộng cấy lúa, còn ở khu dân cư thì phải đầu tư cho dân đi đâu. Việc giải phóng mặt bằng rất phức tạp, phải làm lâu dài, nhưng đó là điều quan trọng nhất.

Tuy vậy, nếu giải phóng mặt bằng xong thì công trình kỹ thuật này cũng chưa thể làm được bởi rất nhiều nguyên nhân: Không đồng bộ; kênh mương chưa giải phóng xong, các trạm bơm hỗ trợ cho Yên Nghĩa mới đang đầu tư dần dần nên không đủ nước cho trạm Yên Nghĩa bơm.

Vậy có nghĩa Hà Nội vẫn bị ngập úng trong vài năm tới. Quyết định 725 của Thủ tướng là đến năm 2030 mới có thể hoàn thành được. Bây giờ mới là năm 2022 mà vốn đầu tư theo chủ trương đầu tư công lại phân chia thời hạn cho nên đây cũng là vấn đề còn tồn tại.

Công ty cổ phần tập đoàn môi trường Nhật Việt - JVE mới đây đã đề xuất ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử văn hóa tâm linh kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm. Ông có nhận xét gì về ý tưởng này?

Theo tôi, ý tưởng này có mấy vấn đề trở ngại. Thứ nhất, rất khó làm sông Tô Lịch “sống” lại để làm văn hóa tâm linh. Sông Tô Lịch ngày xưa vẫn “sống”. Năm 1978, tôi là Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy Lợi, tôi từng dẫn sinh viên đi đào kênh, và sau những năm đó, nước sông Tô Lịch còn trong.

Nhưng đến hôm nay, sông Tô Lịch đã khác, nó trở thành hệ thống thoát nước thải cho Hà Nội, không thể dùng làm nơi văn hóa tâm linh nữa. Thứ hai, đường ống dẫn nước thải không có hệ thống thông hơi, không cần khẩu độ rộng, chỉ cần có đủ độ dốc để thoát nước, nhưng hầm ngầm giao thông thì có rất nhiều tuyến: Tuyến chính, tuyến cứu nạn, tuyến cứu hỏa, hệ thống thông hơi. Chúng ta thấy rằng về mặt kỹ thuật là không cho phép và tôi kết luận là không khả thi.

Phối cảnh công viên lịch sử văn hóa tâm linh sông Tô Lịch.

Nghe ý tưởng này, người dân nào cũng ủng hộ bởi ai cũng muốn cải tạo, chống ngập úng. Thực ra đây là ý tưởng nhiều mục tiêu nhưng quá sức với điều kiện kinh tế hiện nay của chúng ta và về kỹ thuật là hoàn toàn khác nhau như ông vừa phân tích. Cá nhân ông nghĩ thế nào về điều này?

Nếu chỉ nghe qua ý tưởng này thì chắc chắn người dân đồng tình, nhưng nếu được các nhà khoa học trực tiếp làm công trình thoát nước, công trình giao thông, công trình về tâm linh phân tích thì sẽ rõ hơn. Thứ nhất nói về tính khả thi của ý tưởng này.

Công trình kết hợp ba trong một thì thời gian thi công phải 20 năm. Mà trong đầu tư công của Nhà nước hiện nay không cho phép như vậy, có chủ trương đầu tư thì phải tiến hành dự án khả thi ngay. Theo tôi biết thì trên thế giới chưa có loại công trình nào như vậy. Nếu Công ty Việt Nhật giới thiệu được công trình nào của Nhật tương tự như vậy thì rất quý để chúng ta có thể tham khảo.

Qua những trận ngập úng từ đầu năm đến nay cho thấy, mực nước ở các con sông như sông Nhuệ, sông Tô Lịch chưa phải quá cao, nhưng nhiều tuyến đường ở Thủ đô đã ngập úng. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập úng đường phố Thủ đô mỗi khi có mưa lớn?

Tình trạng ngập các tuyến phố ở Thủ đô Hà Nội có nhiều điểm đặc biệt. Thứ nhất, việc thoát nước phải có hồ điều hòa. Hệ thống thoát nước mà Công ty thoát nước Hà Nội làm thì họ đã khẳng định, nếu mưa 100mm trong 2 giờ thì họ có thể giải quyết được, nhưng những trận mưa lớn có chỗ lượng mưa tới 150mm, đặc biệt Cầu Giấy là 185mm, thế nhưng chỉ sau 3 tiếng đồng hồ là nước thoát được hết. Như vậy phải nói rằng lượng mưa quá lớn so với hệ thống thoát nước chứ không phải hệ thống thoát nước quá cũ.

Ở Hà Nội hiện nay có 120 hồ điều hòa nhưng chỉ một số ít hồ điều hòa dùng được bởi nối được ra khu ngập úng để bơm ra hồ và chủ yếu những hồ đó nằm trong công viên. Thứ hai, tất cả những vùng chứa nước mưa thì phải cho nó thấm xuống đất bởi mưa chỉ một lúc thôi thì lúc đó phải cho thấm nước rất nhanh. Hiện nay, khi xây dựng đô thị, gần như chúng ta thiếu tiêu chuẩn này bởi bê tông hóa hết.

Tôi từng đến khu nghỉ ở trong Đà Nẵng do nước Anh thiết kế. Chỉ là khu nhà nghỉ thôi nhưng đường bê tông của họ rộng 3m và cứ khoảng 5m lại có đoạn thoát nước, thấm nước xuống, nhưng Hà Nội không có. Tôi đề nghị trong quy hoạch đô thị phải đặt ra một tiêu chuẩn thoát nước cho khu đô thị thì mới khả thi được. 

Từ năm 2011, TP Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên bờ sông tuyến sông Tô Lịch, trong đó yêu cầu tạo lập, phát huy vai trò mặt nước, tạo cảnh quan hai bên bờ sông. Tuy nhiên, đến nay, quy hoạch này vẫn chưa được thực hiện do việc xử lý nguồn nước ô nhiễm tại dòng sông này chưa được giải quyết. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, việc giải quyết ô nhiễm của sông Tô Lịch là một phần thôi, cái chính là số vốn đầu tư. Hà Nội có 4 khu vực để tiêu thoát nước cho nội đô. Khu vực thứ nhất là khu vực sông Tô Lịch tiêu thoát nước cho 8 quận, huyện; thứ hai là khu vực Tả Nhuệ; thứ ba là Hữu Nhuệ; thứ tư là Long Biên, thì Hà Nội mới chỉ đầu tư đồng bộ được có một khu vực tiêu nước là sông Tô Lịch. Lý do chưa đầu tư đồng bộ, quan trọng nhất là do chưa có hồ điều hòa nào có thể dùng để khi mưa lớn thì chuyển nước vào trước khi bơm nước ra; hai là thiếu những trạm bơm ven sông để hỗ trợ trạm bơm chính.

Hà Nội gần đây có vấn đề về mưa cục bộ. Có thể ở đầu quận mưa mà cuối quận lại không mưa. Người ta đổ tại mưa cục bộ là do biến đổi khí hậu nhưng tôi biết rằng, điều này liên quan đến hoạt động của Hà Nội tại các khu vực và nhiệt độ của lượng xe cộ tham gia giao thông, nhất là những buổi chiều khi tan tầm là nhiệt độ lớn nhất, làm cho đám mây hơi nước chuyển động gây ra mưa cục bộ. Mưa cục bộ thì chúng ta không thể giải quyết được bởi có khi mưa lại không ở chỗ có hồ điều hòa.

Muốn làm điều này, trên thế giới có trạm khí tượng bay trên không trung, gọi là bong bóng khí cầu, để đo đám mây mưa. Khi nó phát sang rada, phát hiện ở cách đó mấy kilomet sắp có mưa thì mới kịp ứng cứu. Đội thoát nước Hà Nội rất dũng cảm, mưa như vậy nhưng tất cả miệng cống đều có cán bộ túc trực nhưng họ không biết lúc nào sẽ mưa để có thể chuẩn bị được. Bởi vậy, ngoài việc đầu tư, ngoài tinh thần trách nhiệm thì phải có công nghệ hiện đại mới làm được.

Trở lại với ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh kết hợp với hệ thống hầm ngầm chống ngập và cao tốc ngầm, rõ ràng ý tưởng là rất quan trọng và cần thiết nhưng để trở thành đề án và được triển khai thực hiện thì còn khoảng cách khá xa. Và việc giải quyết úng ngập của Thủ đô Hà Nội không chỉ trông chờ vào một dự án đơn lẻ như vậy, đúng không thưa ông?

Đúng vậy! Hà Nội đặt ra rất nhiều phương án, nhiều cách thức thoát nước trong nội đô. Chỉ trông chờ vào dự án sông Tô Lịch thì hoàn toàn không thể giải quyết được bởi còn có sông Lừ, sông Sét và tất cả những sông đó cũng phải được nạo vét. Một vấn đề lớn của Hà Nội là việc nạo vét từ các tuyến kênh, và qua đây cho thấy sự phát triển của Hà Nội nhanh quá, đô thị hóa nhanh quá, khu dân cư phát triển nhanh quá nên lượng chất thải ra lớn, không nạo vét kịp.

Chúng tôi làm thủy lợi, thường trước khi làm đầu mối trạm bơm phải làm kênh mương trước. Dân cư từ xa hàng chục cây số phải được giải phóng trước, dùng đấy làm đầu mối. Nhưng bây giờ Hà Nội buộc phải làm đầu mối trong khi khu dân cư xa không làm được. Và đấy là điều bất cập của việc phát triển đô thị nhanh quá, trong khi việc đầu tư và khả năng tiêu thoát nước chưa thực hiện được.

Xin cảm ơn ông!









 



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận