Nghĩ về phát triển vận tải công cộng

Phóng viên VOV bàn luận câu chuyện này với chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong.

 

5 tuyến buýt gồm Nghi Tàm - Bến xe Giáp Bát, Bến xe Giáp Bát - Đức Giang, Công viên Thống Nhất - Đông Anh, Trần Khánh Dư - Bến xe Mỹ Đình và Khu đô thị Times City - Nam Thăng Long sẽ dừng đón trả khách từ ngày 1/8 tới. Ông suy nghĩ thế nào khi nghe thông tin này?

Đây là một minh chứng mới nhất cho thấy sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá cả hàng hóa đang leo thang, nhất là với những DN mà năng lực tài chính có hạn.

Thứ hai, chúng tôi lo lắng cho triển vọng phát triển phương tiện vận tải công cộng ở Hà Nội cũng như nhiều địa phương, nhất là khi mục tiêu giảm lượng xe cá nhân đã đặt ra một áp lực rất lớn. Chính vì vậy, hy vọng cơ quan chức năng có giải pháp để tháo gỡ.

Đây là 5 tuyến buýt xã hội hóa đầu tiên của TP Hà Nội và là những tuyến buýt có trợ giá. Việc Công ty TNHH Bắc Hà là đơn vị đầu tiên tham gia xã hội hóa trong lĩnh vực vận tải công cộng mà bị phá sản cho thấy có rất nhiều điều đáng bàn xung quanh những khó khăn của DN nói chung, DN vận tải nói riêng, sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Với tác động của giá xăng dầu cũng như đại dịch Covid-19 trong thời gian qua, dưới góc độ là chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận thế nào về tác động này tới DN?

Dịch Covid-19 suốt 3 năm qua, cộng với nửa đầu năm nay giá xăng dầu tăng cao và kéo dài nối tiếp đợt dịch đã tạo ra gọng kìm, gánh nặng kép cho DN.

Một mặt DN không có hành khách, mặt khác, chi phí đầu vào tăng. Đối với hoạt động của DN kinh doanh vận tải thì đây là một sức ép chết người bởi nó vừa không cho phép tạo ra nguồn thu dòng tiền, vừa làm tăng chi phí đầu vào, nhất là với một DN phải đi vay toàn bộ vốn để mua phương tiện, sau đó thế chấp bằng phương tiện đó thì việc không có dòng tiền để thanh toán là áp lực rất lớn.

Hai gọng kìm này tác động rất lớn đối với rất nhiều DN chứ không chỉ riêng DN vận tải.

Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như các hoạt động giao thương đã cơ bản quay trở lại hoạt động bình thường sau thời kỳ Covid-19, thế nhưng các tuyến buýt vẫn vắng khách. Theo ông nguyên nhân do dâu?

Về các tuyến buýt vắng khách, chúng ta cũng phải phân biệt 2 trạng thái: Thứ nhất, ở những tuyến đường quan trọng vẫn rất đông khách, thậm chí quá tải, nhưng đồng thời cũng có một số tuyến đường vắng khách. Thứ hai, việc vắng khách đã diễn ra từ trước cả dịch Covid-19. Có một số nguyên nhân nổi bật.

Ví dụ ở Hà Nội thì các điểm ô tô buýt chưa hợp lý, đặc biệt là thiếu sự liên kết, thiếu sự đa dạng hóa trong các loại hình vận tải công cộng nên kéo dài thời gian của người đi, bởi vậy, lượng khách không nhiều.

Hai là lượng khách đi ô tô buýt hiện nay chủ yếu những người đi làm công sở hoặc sinh viên, chứ người buôn bán không đi được bởi họ luôn có hàng hóa đi kèm, trong khi đó xe buýt không cho phép mang hàng hóa lên xe, chưa kể họ cần rẽ ngang rẽ dọc, rất phức tạp so với lộ trình xe buýt, vì thế, tương ứng cung - cầu không phù hợp.

Ba là, việc tập trung của khu dân cư, của những quy hoạch chưa hợp lý, vì thế cũng rất khó cho cơ quan chức năng khi thiết kế các tuyến buýt sao cho thỏa mãn được nhu cầu. Cuối cùng là ở thời điểm hiện nay, người dân vẫn đang hạn chế đi lại, cả do e ngại về dịch bệnh cả do sự tiết giảm nhu cầu thực tế của bản thân.

Nhiều ý kiến cho rằng việc DN giải thể hoặc thành lập mới trong các hoạt động kinh doanh là bình thường, theo quy luật đào thải của thị trường. Thế nhưng, những khó khăn của DN nếu chỉ do tác động khách quan như đại dịch, giá nhiên liệu tăng dẫn đến hàng trăm lao động đứng trước nguy cơ mất việc làm thì nên được ứng xử như thế nào, thưa ông?

Những DN và tổn hại kinh tế do những yếu tố khách quan, đặc biệt do các biện pháp chống dịch thì cần được tính đến một cách đầy đủ để có chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế cho thấy có sự thiếu hụt về chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với các DN vận tải trong bối cảnh dịch Covid-19. Những điều chỉnh đối với chính sách hiện hành cũng chậm. Nên có sự hợp tác giữa các bên có liên quan để tạo ra sự hỗ trợ phù hợp.

Ví dụ Nhà nước hỗ trợ về giá vé, trợ giá xe buýt, tìm cách giảm giá xăng dầu, còn bản thân chủ nợ - cụ thể ở đây là ngân hàng cho Cty TNHH Bắc Hà vay - cũng nên lưu ý nếu bên nợ mà “chết” thì mình cũng rất thiệt thòi, dù có thu hồi ô tô buýt được thế chấp thì khi bán đi giá cũng rẻ hơn so với tính toán mà mình đã có để duy trì trạng thái trả nợ, do đó, việc đàm phán với bên nợ để tìm ra một sự cơ cấu lại nợ theo hướng khoanh nợ, giãn nợ rồi các điều chỉnh theo tinh thần của Nhà nước đối với hỗ trợ tín dụng là cần thiết, không nên để cho sức ép trả nợ, vỡ nợ đến với DN tận cùng khiến DN buộc phải phá sản thì sẽ thiệt hại kép cho cả DN, ngân hàng, Nhà nước và người lao động. Về phía người lao động, nếu DN hợp tác và công khai một cách thân thiện thì cũng nên có sự chia sẻ, ví dụ đồng ý chậm lương hay giảm một phần thu nhập để giảm bớt chi phí cho DN, đồng thời DN cũng nên điều chỉnh để giảm bớt những chi phí không cần thiết. Tất cả tạo nên hợp lực để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. Điều đó đáng lẽ cần phải được làm nhưng dường như các phương án đó không được kết hợp từ nhiều phía và các DN đơn phương chịu sức ép dẫn đến kết quả không tốt.

Hà Nội hay các thành phố lớn của ta phải hướng tới coi vận tải hành khách công cộng là một trong những kênh chủ lực lớn nhất, quan trọng nhất.

Hà Nội đã có khá nhiều nỗ lực để phát triển hệ thống vận tải công cộng, nhưng Trung tâm Quản lý giao thông công cộng ở thành phố cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức như: Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ, thiếu sự kết nối, trung chuyển… Theo ông, với những khó khăn đó, cần phải có những giải pháp mới nào để có thể đạt được các mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng của TP Hà Nội đặt ra trong giai đoạn đến năm 2025?

Trước hết, vẫn cần tiếp tục triển khai các chương trình, dự án phát triển hệ thống giao thông công cộng ở Hà Nội, dựa trên những dự án đã được xây dựng, thiết kế, trong đó bao gồm cả những giải pháp. Về những điểm mới, phải đón bắt cơ hội của phát triển giao thông công cộng ở Hà Nội, đó là nhu cầu đi lại của người dân sẽ ngày càng tăng, hơn nữa, phạm vi hoạt động của ô tô buýt sẽ mở rộng sang vùng lân cận Thủ đô, do đó, tổng cầu sẽ tăng rất mạnh, lượng cung cũng vẫn được tăng bởi khả năng đầu tư xã hội, tham gia xã hội hóa vẫn đang tiếp tục tăng.

Đây là tiền đề rất quan trọng mà thành phố cần lưu ý để từ đó có sự điều chỉnh các quy hoạch, các điểm, tuyến và tăng sự kết nối giữa các điểm, tuyến này, tạo ra mạng lưới phức hợp, thuận lợi và tối ưu cho vận tải hành khách. Thứ hai là những chính sách để thu hút xã hội hóa, hỗ trợ quá trình xã hội hóa này và đặc biệt để giữ ổn định hoạt động và nêu gương cho những DN tham gia xã hội hóa là rất cần thiết.

Nhà nước cần phải quán triệt mục tiêu phát triển vận tải công cộng là mục tiêu chính, sao cho tổng lợi ích lớn hơn tổng chi phí, đặc biệt nên hướng tới cơ chế cho chính sách thay vì cho tiền. Cần những hoạt động hợp tác, hỗ trợ từ cơ quan chức năng đối với DN tham gia vận tải hành khách công cộng, đừng để họ tự chiến đấu, tự bơi... Đây là những điểm rất quan trọng để giúp các DN giảm chi phí đầu vào.

Với các DN tham gia cũng nên lưu ý là thay vì mức lương cứng cố định và khoán trắng công việc theo kiểu cứng nhắc thì nên có điều chỉnh để khuyến khích tinh thần trách nhiệm, tự giác và sáng tạo của các lái xe. Ví dụ, tăng mức lương phù hợp, điều chỉnh những ưu đãi phúc lợi khác cho lái xe, càng nhiệt tình, càng nhiều sáng kiến thì càng hưởng lợi cao. Điều đó tạo ra sự cải biến chất lượng rất quan trọng để từ đó thu hút khách.

Đáng lẽ giá xăng dầu tăng cao thì các phương tiện vận tải hành khách công cộng, mà cụ thể là xe buýt, phải được người dân ưu tiên chọn lựa và qua đó có cơ hội để phát triển loại hình vận tải này. Thế nhưng trên thực tế, người đi xe buýt chưa nhiều. Phải chăng công tác tuyên truyền về loại hình giao thông công cộng này còn có vấn đề?

Công tác tuyên truyền hiện nay có 2 hạn chế, một là việc thông báo lịch trình các tuyến thiếu rõ ràng và đầy đủ; hai là tuyên truyền về lợi ích của việc đi phương tiện công cộng cũng như đi bộ còn quá ít ỏi khiến người dân không cập nhật thông tin về vận tải công cộng vào nhu cầu đi lại của mình.

Từ sự việc một số tuyến xe buýt ở Hà Nội xin dừng hoạt động trong bối cảnh giá xăng dầu tăng như hiện nay, ông nghĩ sao về việc phát triển vận tải hành khách công cộng ở những thành phố lớn?

Sự phát triển vận tải công cộng của Hà Nội, TP.HCM hay các nước đều rất quan trọng. Hà Nội hay các thành phố lớn của ta phải hướng tới coi vận tải hành khách công cộng là một trong những kênh chủ lực lớn nhất, quan trọng nhất trong giao thông của các đô thị lớn.

Thứ hai, cần có những đột phá chính sách, tư duy và quy hoạch để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của hệ thống vận tải công cộng ở các đô thị ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!







 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận