Phóng viên VOV bàn luận về câu chuyện này với ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa XII và XIII.
Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm nay cũng như những báo cáo trước đó của Hà Nội thì trong hơn 10 năm nay, công tác kiểm tra nội bộ của các đơn vị trong TP Hà Nội chưa phát hiện vụ tham nhũng nào. Suy nghĩ của ông như thế nào khi nghe thông tin này?
Nếu thật sự không có vụ tham nhũng nào ở Hà Nội qua kiểm tra nội bộ thì đó là điều đáng mừng. Thế nhưng, trên thực tế thì ngược lại, có rất nhiều vụ tham nhũng xảy ra trên địa bàn Hà Nội và các cơ quan của Hà Nội nhưng không được phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ. Đó là một điều đáng buồn vì sự thật đã bị che lấp đi bởi các góc khuất.
Rõ ràng trong hơn 10 năm qua, Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, nhưng những vụ việc này đều không được phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ. Theo ông, nguyên nhân do đâu?
Cả cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, cơ quan xét xử đều khẳng định: Có rất nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực ở Hà Nội. Theo báo cáo của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, sai phạm do tham nhũng rất nhiều, tới 352 vụ, hơn 1.000 bị cáo và số tài sản thất thoát thu hồi được là 7.600 tỷ đồng. Đó là những con số biết nói để khẳng định rằng: Báo cáo không phát hiện ra một trường hợp tham nhũng nào ở Hà Nội là một báo cáo thiếu trung thực.
Có nhiều nguyên nhân khiến tham nhũng, tiêu cực không được phát hiện qua công tác kiểm tra nội bộ, trong đó có nguyên nhân rất căn bản: Họ đánh bóng mình và chủ nghĩa thành tích lấn át sự thật. Họ muốn báo cáo sáng choang, tròn, đẹp để cộng điểm cho thành tích của Hà Nội trong việc phòng chống tham nhũng.
Nhiều cán bộ, đảng viên, người dân cho rằng, công tác tự kiểm tra phòng chống tham nhũng vẫn là khâu yếu của TP Hà Nội. Ông có bình luận như thế nào về những ý kiến này?
Tôi đánh giá rất cao công tác thanh tra và kiểm tra nội bộ với điều kiện công tác này phải thực chất, trung thực và khách quan. Còn thanh tra, kiểm tra hết năm nọ sang năm kia rồi đi đến kết luận là không có vấn đề gì xảy ra trong nội bộ, trong khi sự thật thì ngược lại, thì đó là kiểu thanh tra, kiểm tra hình thức, che đậy những mảng tối của đơn vị, cơ quan mình, tạo nên những góc khuất bí hiểm. Góc khuất đó làm cho công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ bị mất đi hiệu lực và hiệu quả.
Trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Họ phải có trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm trước toàn bộ hoạt động và những vấn đề xảy ra trong đơn vị, cơ quan mình, đặc biệt là hành vi tham nhũng. Nếu báo cáo đơn vị mình không tham nhũng, nhưng sau này phát hiện có xảy ra tham nhũng, tiêu cực thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm với báo cáo đó.
Trên thực tế, tham nhũng ở Hà Nội vẫn diễn ra rất phức tạp nhưng công tác kiểm tra nội bộ không phát huy được tác dụng trong phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng. Nhiều người đặt câu hỏi: Có cần duy trì hình thức tự kiểm tra nội bộ yếu kém, làm mất niềm tin của người dân?
Như trên đã nói, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ rất quan trọng. Tham nhũng hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực như tín dụng, ngân hàng, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, tài chính, thuế… với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phạm vi lĩnh vực ngày càng rộng.
Nếu như công tác tự kiểm tra nội bộ được thực hiện tốt thì sẽ là một phương thức, công cụ phòng chống tham nhũng hiệu quả bởi qua công tác kiểm tra nội bộ sẽ phát hiện nhanh, sớm các dấu hiệu tham nhũng để từ đó có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để tham nhũng nhỏ trở thành tham nhũng lớn, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội.
Không có gì gần hơn, sát hơn là chính nội bộ. Việc kiểm tra nội bộ giúp phát hiện sớm “ung nhọt” trong đơn vị, tạo điều kiện cho các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc. Bởi thế, không phải cứ làm chưa tốt, chưa hiệu quả, hiệu lực thì bỏ đi. Làm chưa tốt thì phải củng cố, kiện toàn cho tốt hơn, để công tác thanh tra kiểm tra chuyển mình, đi đúng hướng, đi vào thực chất, không “hữu danh vô thực”.
Sự yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ không chỉ ở Hà Nội mà là tình trạng chung của nhiều địa phương, cơ quan, ban, ngành, đơn vị. Nơi nào cũng hô hào quán triệt phải tăng cường công tác tự kiểm tra để ngăn ngừa tham nhũng nhưng kết quả hầu như không phát hiện được vụ tham nhũng nào. Nguyên nhân để xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được nhận diện, nhưng vì sao lại không có biện pháp khắc phục hữu hiệu, thưa ông?
Chủ trương một, quyết tâm mười và giải pháp phải hàng trăm thì mới xử lý được vấn đề. Chỉ trong một thời gian ngắn vừa qua mà hai chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và còn nhiều lãnh đạo, người đứng đầu cao nhất của nhiều địa phương tay đã nhúng chàm, không thể thúc đẩy công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Bởi thế, ở đây cần sự thanh tra, kiểm tra quyết liệt hơn của cơ quan cấp trên, như Thanh tra của Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan giám sát của các cơ quan dân cử là Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Chỉ có như thế mới làm sáng tỏ được những hành vi, góc khuất của tham nhũng.
Trong nhiều giải pháp, có một giải pháp rất quan trọng, đó là kiểm soát quyền lực, bởi người có quyền thường chuyên quyền, lộng quyền, lạm quyền.
Chúng ta cũng giăng mắc rất nhiều cơ quan có chức năng kiểm soát quyền lực như Kiểm tra của Đảng, Thanh tra của Chính phủ và các cơ quan hành chính, rồi giám sát của các cơ quan dân cử, thậm chí có cả vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên, nhưng các tổ chức này đã phát huy hết trách nhiệm chưa khi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng mà người dân ví von rất khôi hài là “con voi chui lọt qua lỗ kim”.
Theo ông, công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để phát hiện, ngăn ngừa tham nhũng còn yếu là do đâu?
Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ còn yếu là bởi năng lực, trình độ, kỹ năng của những cán bộ làm công tác này còn hạn chế, yếu kém.
Ngoài ra, họ chưa làm tròn trách nhiệm của mình bởi ngại va chạm, thiếu bản lĩnh, không muốn phát hiện, xử lý tham nhũng. Thậm chí họ biết đấy nhưng người có dấu hiệu và hành vi tham nhũng là cấp trên của họ, thậm chí là người đứng đầu, nên họ khó đứng ra thanh tra, kiểm tra được.
Thế nên, cần phải có cơ chế, chính sách, pháp luật. Nếu hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, còn những kẽ hở nào đó thì phải bịt hết kẽ hở này để tạo điều kiện cho cán bộ, công chức trong cơ quan, công dân nơi cư trú, nơi công tác của họ có phát hiện; đồng thời có cơ chế để bảo vệ những người tố cáo tham nhũng, tiêu cực bởi những kẻ có hành vi tham nhũng thường có rất nhiều mưu mô xảo quyệt, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả việc trả thù cá nhân.
Nếu do cán bộ thanh tra năng lực kém, không làm được việc thì phải loại ra khỏi bộ máy thanh tra, kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ làm rất tốt nhưng bộ máy thanh tra của các tỉnh, cơ sở làm kém. Trung ương cần kiểm tra, xem xét bộ máy thanh tra của các cấp.
Để việc tự kiểm tra nội bộ được thực hiện tốt, có hiệu quả trong công tác phòng chống, tham nhũng thì cần quan tâm đến những giải pháp nào, thưa ông?
Giải pháp thứ nhất, về khung pháp lý, nếu trong các văn bản pháp luật, như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Cán bộ công chức, Luật Hình sự và một số luật khác có liên quan mà chưa kín kẽ, chưa đầy đủ thì chúng ta phải sửa đổi, bổ sung, đặc biệt ở chương nói về thanh tra, kiểm tra nội bộ.
Thứ hai là trách nhiệm của cơ quan cấp trên đối với từng đơn vị tổ chức. Cơ quan cấp trên là cơ quan quản lý họ thì phải có tầm nhìn và phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra và đánh giá. Nếu họ làm chưa tốt thì phải uốn nắn, củng cố, nhắc nhở.
Thứ ba là trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng. Nếu người đứng đầu tay nhúng chàm, là tấm gương mờ, và lại “thù lâu nhớ dai” thì không cán bộ công chức nào trong cơ quan dám đứng ra tố cáo, phê bình anh ta được.
Cho nên phải có những cơ chế thật rõ ràng để bảo vệ người tố cáo, người phát hiện trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Với việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tiêu cực theo tinh thần của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, theo ông sẽ tác động như thế nào đến công tác tự kiểm tra nội bộ?
Chúng ta phải khắc phục ngay tình trạng “Trên nóng dưới lạnh, giữa thì vừa nóng vừa lạnh”, tạo điều kiện để cấp dưới có căn cứ pháp lý, điều kiện làm tốt hơn công tác phòng ngừa, phòng chống tham nhũng. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tiêu cực là một chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, cơ quan này hoạt động như thế nào, cơ chế hoạt động ra sao để họ không tự tung tự tác, thậm chí nếu không cẩn thận họ sẽ dùng quyền lực của mình để che lấp những vụ việc tham nhũng tại địa phương.
Theo tôi, phải làm thế nào để họ phải trở thành cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương, và Trung ương phải chỉ đạo một cách quyết liệt, sát sao, thường xuyên để họ không lệch khỏi đường ray, quỹ đạo của cơ quan chỉ đạo phòng chống tham nhũng ở Trung ương.
Xin cảm ơn ông!