Phóng viên VOV cùng ông Ngọ Duy Hiểu (ảnh trên), Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam bàn luận về câu chuyện này.
Quy định mới nhất tại Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng dần 62 tuổi đối với nam vào năm 2028, và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035. Nếu giảm số năm đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm và tiến tới 10 năm thì thời gian chờ để nhận lương hưu của người lao động (NLĐ) sẽ càng dài ra. Ông có ý kiến gì về điều này?
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là tiến tới phát triển hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt, nên việc tăng tuổi nghỉ hưu và dự kiến giảm số năm đóng BHXH xuống còn 15 năm làm cho nhiều trường hợp thời gian chờ nhận lương hưu của NLĐ dài thêm, nhưng cũng phải lưu ý rằng, đây là số năm tối thiểu NLĐ được hưởng lương hưu trong trường hợp bình thường, còn để có mức lương hưu cao thì thời gian đóng BHXH của NLĐ phải nhiều hơn và về hưu ở độ tuổi mà Bộ luật Lao động năm 2019 quy định.
Một thị trường lao động linh hoạt thì NLĐ không làm công việc này sẽ chuyển sang công việc khác, nhưng dù chuyển sang công việc khác vẫn nên tiếp tục đóng BHXH để được hưởng mức lương cao hơn. Và ngay cả khi không còn công việc vẫn có thể đóng BHXH tự nguyện, không nên rút BHXH một lần bởi điều đó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của NLĐ cả hiện tại và tương lai, tước đi quyền an sinh xã hội của bản thân.
Trong bối cảnh lao động bước vào già hóa, tuổi thọ bình quân của người dân tăng lên thì bắt buộc phải tăng tuổi nghỉ hưu để kéo dài quá trình đóng và cân đối với thời gian hưởng BHXH. Thế nhưng mô hình kinh tế của Việt Nam vẫn là thâm dụng lao động. Lực lượng công nhân dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử chiếm số đông và khi tới 40 - 50 tuổi thì họ khó có thể tiếp tục làm việc. Như vậy, các điều kiện về quy định pháp luật này đang mâu thuẫn với nhau, thưa ông?
Chúng ta kéo dài tuổi nghỉ hưu khi phần lớn NLĐ không có khả năng kéo dài quan hệ làm việc do đặc thù tính chất công việc, trình độ tay nghề cũng như sức khỏe của lao động Việt Nam hiện nay.
Đó cũng là lý do mà khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019 thì một trong những vấn đề được bàn thảo rất nhiều đó là tuổi nghỉ hưu, nhất là của những công nhân lao động trực tiếp. NLĐ bày tỏ lo lắng khi tuổi nghỉ hưu kéo dài, họ cho rằng khó duy trì được công việc cho đến ngày nghỉ hưu và điều đó đã trở thành một trong những lý do khiến NLĐ rút BHXH một lần.
Chúng ta phải có niềm tin về một thị trường lao động trong tương lai phong phú hơn về nghề nghiệp, có nhiều sự lựa chọn hơn. Với NLĐ chưa có tay nghề thì cũng phải học nghề để chuẩn bị cho việc chuyển đổi công việc bất kỳ khi nào pháp luật quy định về vấn đề tuổi nghỉ hưu chính thức được thực hiện.
Chính sách cần phải tính toán như thế nào đối với một số ngành, nghề đặc thù để giải quyết chế độ nghỉ hưu sớm cho NLĐ, đặc biệt đối với những trường hợp mà NLĐ đã đóng BHXH đủ hoặc vượt thời gian quy định nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu?
Việc thiết kế chính sách để sửa Luật BHXH lần này phải tính đến và giải quyết tất cả bất cập mà chúng ta đã chứng kiến trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không quên nguyên tắc đóng - hưởng là nguyên tắc cơ bản của Luật BHXH, phải đóng nhiều mới được hưởng nhiều.
Các quy định cần phải bao trùm được mọi đối tượng, mọi hoàn cảnh, vừa thu hút được số đông người tham gia BHXH, duy trì việc đóng lâu dài nhưng vừa bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho một bộ phận yếu thế hoặc đặc thù.
Từ góc độ của tổ chức công đoàn, chúng tôi sẽ rất lưu ý vấn đề này khi góp ý sửa đổi Luật: Thứ nhất, trường hợp NLĐ đã đáp ứng được thời gian đóng tối thiểu nhưng lại chưa đến thời điểm tuổi nghỉ hưu thì chúng ta sẽ thiết kế một chính sách là mức hưởng thấp hơn để đảm bảo vừa ổn định Quỹ BHXH nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của NLĐ, hay nói cách khác là tính linh hoạt theo đúng tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành T.Ư phải được thể chế hóa cụ thể trong Luật này.
Chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ cho NLĐ để họ không rút BHXH một lần. Việc đóng BHXH bắt buộc không chỉ để hưởng lương hưu khi về già mà còn hưởng rất nhiều chế độ khác như: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, tử tuất.
Theo kinh nghiệm của các nước, đối với nhóm yếu thế, thực sự khó khăn, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí khi đóng. Ở nước ta hiện mới hỗ trợ cho đối tượng khó khăn, gia đình chính sách đóng BHXH tự nguyện, hoặc hỗ trợ con cái họ để giảm bớt gánh nặng. Theo tôi, đây cũng là một gợi ý rất đáng tham khảo cho Việt Nam khi sửa đổi Luật BHXH lần này.
Pháp luật cũng không hạn chế quyền được hưởng BHXH một lần của người tham gia. Vậy nên điều chỉnh chính sách như thế nào và làm sao tăng quyền lợi để NLĐ thấy ở lại với hệ thống an sinh xã hội thì có nhiều lợi ích hơn là rời đi, thưa ông?
Để hạn chế rút BHXH một lần, chúng ta phải tiến hành rất nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là thiết kế một hệ thống BHXH theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hòa nhập quốc tế như tinh thần Nghị quyết 27 của BCH T.Ư khóa XII; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí còn 15 năm; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; sửa các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đặt mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH.
Bên cạnh đó, tập trung nâng cao đời sống vật chất tinh thần, cải thiện điều kiện lao động của NLĐ. Đây là giải pháp căn cơ và mang tính bền vững nhất. Khi NLĐ có thu nhập ổn định, họ sẽ không cần đến khoản để dành, tức là khoản đóng BHXH, để giải quyết những công việc cấp bách của họ.
Trước nay, đóng BHXH quá lâu khiến NLĐ rút BHXH một lần, và bây giờ có nguy cơ nữa là NLĐ đóng BHXH xong rồi nhưng lại phải chờ đợi mỏi mòn đến ngày về hưu để được lĩnh lương hưu. Đây có thể trở thành lý do khiến NLĐ đi rút BHXH một lần. Mâu thuẫn này, chúng ta phải giải quyết trong việc sửa đổi Luật BHXH sắp tới.
Có ý kiến cho rằng, trước thực trạng rút BHXH một lần ngày càng nhiều thì nên chăng bỏ quy định này, thưa ông?
Đấy là điều không thể vì đây là quyền an sinh xã hội của NLĐ. Việc rút hay không rút BHXH một lần là quyền của họ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là vì lợi ích lâu dài của NLĐ và cả hệ thống an sinh xã hội Quốc gia, chúng ta phải hướng tới duy trì quan hệ đó lâu dài để đảm bảo cho NLĐ vừa được hưởng các chế độ trong thời gian lao động, nhưng quan trọng khi về già họ phải được hưởng lương hưu, nếu không sẽ rất khó khăn.
Và nếu nhiều người không lương hưu như vậy sẽ trở thành gánh nặng về an sinh xã hội Quốc gia. Nên vấn đề đặt ra là cả xã hội, nhà nước và đặc biệt NLĐ phải cùng chung tay để hướng tới một hệ thống BHXH thực sự ổn định, NLĐ sẽ ở lại lâu dài với hệ thống này để được hưởng lương hưu khi về già.
Có ý kiến cho rằng, các nhà làm chính sách luật cần phải tính toán để chính sách không xảy ra tác dụng phụ, nghĩa là phải làm sao để đạt được mục đích nhóm thiểu số tham gia BHXH trễ được hưởng lương hưu mà không khiến đa số lao động bất an đi nhận trợ cấp một lần trước khi Luật được ban hành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Các nhà soạn thảo luật phải lấy ý kiến rộng rãi của các đối tượng bị tác động và cần tính toán rất kỹ cho từng đối tượng cụ thể về ngành, nghề, tuổi lao động.
Chúng ta cũng cần có những chính sách, chế độ đối với từng nhóm người một. Ví dụ những người đóng nhiều, đóng dài năm rồi thì chế độ ra sao.
Tuy nhiên, chúng ta hướng tới đảm bảo cho tất cả NLĐ khi họ nghỉ hưu có lương hưu, đảm bảo được đời sống tối thiểu để tránh gánh nặng về an sinh xã hội cho nhà nước trong tương lai.
Chúng ta cũng phải thiết kế chính sách phù hợp với từng loại hình lao động và khả năng duy trì quan hệ lao động của NLĐ để đảm bảo quyền lợi của họ khi về hưu được hưởng các chính sách của BHXH.
Theo ông, các chính sách về BHXH cần có sự đồng bộ, nhất quán và toàn diện như thế nào để phù hợp với cuộc sống và đáp ứng sự mong mỏi của người lao động?
Chính sách BHXH là một loại chính sách kinh tế - xã hội có tác động rất lớn đối với một bộ phận dân cư rất quan trọng trong xã hội - đó là những người đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất và những người nghỉ hưu là đối tượng an sinh xã hội trong tương lai.
Do vậy, việc thiết kế chính sách phải cần đồng bộ với các chính sách kinh tế - xã hội khác, đảm bảo hài hòa quyền lợi cả trước mắt và lâu dài cho tất cả các bên: Người sử dụng lao động - NLĐ - nhà nước; và phải tính toán rất kỹ đối với từng đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của NLĐ.
Nếu chúng ta thể chế hóa được đầy đủ các quan điểm, định hướng của Đảng tại Nghị quyết 27 khóa XII của Đảng thì chắc chắn sẽ đáp ứng được yêu cầu này.
Với NLĐ, lợi ích rõ ràng, thiết thực sẽ khiến họ an tâm ở lại với hệ thống an sinh.
Hệ thống BHXH có hấp dẫn hay không tùy thuộc vào lợi ích mang lại cho NLĐ, trong đó, số năm đóng tối thiểu để được hưởng lương hưu phải được tính toán hợp lý. Đây là yếu tố hợp lý mang lại lợi ích nhưng tất nhiên đó không phải là tất cả.
Do vậy, chúng ta thiết kế việc giảm số năm đóng BHXH, nhưng đồng thời phải kèm theo một loạt các quy định khác thì việc giảm này mới phát huy được tác dụng trên thực tế.
Xin cảm ơn ông!