Ông Nguyễn Văn Phụng (ảnh trên), Chuyên gia cao cấp về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, nguyên Cục trưởng Cục Thuế Doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cùng bàn luận với phóng viên VOV về câu chuyện này.
Thông tin này đang thu hút sự quan tâm của toàn xã hội về việc Facebook đóng thuế, khai thuế tại Việt Nam. Đây là cả một quá trình chúng ta thực hiện, hoàn thiện chính sách chế độ cũng như các công cụ quản lý đối với các nhà thầu nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam hoặc các nhà thầu ở nước ngoài, không đặt cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng thông qua các phương tiện, nền tảng số của chúng ta mà họ có được thu nhập từ người dân và doanh nghiệp của ta.
Động thái Meta thông báo như vậy cũng thể hiện 2 ý: Thứ nhất là họ đã thực hiện, thực thi tuân thủ luật quản lý thuế của chúng ta. Thứ hai, thể hiện sự cộng tác của cơ quan thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có Facebook.
Phải nói rằng không phải cứ có thuế vào là tăng thu thuế. Chúng ta không thay đổi Luật thuế mà chỉ thay đổi cách thu. Trước đây, những người quảng cáo cũng nộp thuế cho Facebook thông qua thuế nhà thầu và người ta phải tính toán, đăng ký mã số thuế để kê khai.
Bây giờ, thay vì những doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí các cơ quan Nhà nước sử dụng dịch vụ từ nước ngoài phải đăng ký mã số thuế, rồi nộp thuế nhà thầu thay cho họ thì nhà thầu giờ phải thực hiện đăng ký khai thuế, đồng thời cũng công khai danh sách những khách hàng thụ hưởng trên đất nước chúng ta để tiện lợi cho tất cả các bên.
Thuế nhà thầu gồm 2 phần. Đối với tổ chức thì bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Đối với cá nhân, bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, trong đó thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải cấn trừ vào số tiền mà tổ chức nước ngoài được nhận.
Và đối với cá nhân nước ngoài có thu nhập từ chúng ta thì số tiền thuế thu nhập cá nhân đó cũng phải cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của họ. Ví dụ 100USD thì họ chỉ được hưởng 90USD, còn 10USD là thuế cá nhân chúng ta khấu trừ tại nguồn.
Pháp luật thuế của chúng ta trong mấy chục năm qua đã đề cập về vấn đề thu thuế đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành kinh doanh tại Việt Nam, hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam: Thông tư số 37 (1995), Thông tư 169 (năm 1998), Thông tư số 05 (2005), Thông tư số 134 (2008), Thông tư số 60 (2012), Thông tư số 103 (2014). Trong các thông tư này quy định rõ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, những năm qua, ngành thuế chưa có đủ cơ sở vật chất, phương tiện nên chúng ta không có điều kiện để các nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện kê khai thuế ở Việt Nam. Lần này chúng ta tham gia Diễn đàn thuế toàn cầu, các hiệp định thuế, Liên minh các cơ quan thuế các nước và hợp tác quốc tế với các cơ quan thuế các nước để kiểm soát các doanh nghiệp, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất và thực hiện chuyển đổi số trong ngành thuế, trong quản lý xã hội nên đến thời điểm này, chúng ta có đủ điều kiện chín muồi cung cấp công cụ để nhà cung cấp nước ngoài thực hiện tự tính, tự khai, tự nộp thuế.
Và như vậy thì người nộp thuế và doanh nghiệp nước ngoài đều có lợi.
Việc ra đời cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ các nhà cung cấp nước ngoài với mục tiêu lấy người nộp thuế làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế, cũng là một bước tiến để chúng ta thực hiện thu thuế tốt hơn, minh bạch hơn, đồng thời giảm nhẹ nghĩa vụ kê khai, đăng ký cho người nộp thuế là người Việt Nam.
Chúng ta cũng sẵn sàng mở cửa để các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đặt máy chủ, trụ sở tại Việt Nam. Khi đó, họ sẽ được hưởng các biện pháp hỗ trợ đối với người nộp thuế một cách tường minh và tận tụy hơn.
Trước đây phải đăng ký mã số thuế, khai thuế cho người ta, thậm chí phải làm một bảng tính toán tiền trước thuế - sau thuế ra làm sao, nộp thuế như thế nào và cùng một loạt chứng từ nữa thì mới được đưa vào chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp quảng cáo.
Nhưng nay, cổng thông tin điện tử có các ô, mục hướng dẫn người nộp thuế tự đăng ký hoạt động, thông tin về mình và khách hàng của mình cũng như số tiền họ nhận được. Với phương châm lấy người nộp thuế làm trung tâm, cơ quan thuế đã giúp người nộp thuế Việt Nam - là những người quảng cáo trên nền tảng này - tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.
Phải nói rằng Facebook tự nộp thuế nhà thầu là một trong những động thái cho thấy ý thức chấp hành luật pháp của họ. Có rất nhiều nhà cung cấp nước ngoài như: Nexflix, Microsoft, Amazone,… cũng đã đến đặt lịch làm việc về việc đăng ký nộp thuế theo nền tảng này.
Chúng tôi có danh sách gần 70 nhà cung cấp nước ngoài. Cho đến thời điểm này, chúng ta có sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước như: Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, Bộ TT-TT, Bộ Công an, Tổng cục Thuế, đặc biệt là 76 triệu người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức được rằng, dù làm gì, chúng ta cũng phải có nghĩa vụ trả thuế.
Ở đây có 2 khía cạnh, một là phương diện chính sách, hai là phương diện quản lý. Về phương diện chính sách, chúng ta không thay đổi pháp luật về thuế, nghĩa vụ thuế, mà chỉ thay đổi cách thu thuế. Tôi vừa nhận được tin nhắn của một số độc giả gửi đến: “Phải chăng người ta sẽ tăng giá?”.
Câu chuyện này tôi để dành cho nhà cung cấp nước ngoài cùng bàn luận với 76 triệu người tiêu dùng Việt Nam bởi trên thị trường, nếu anh tăng giá nhưng tôi không đồng ý thì tôi có thể từ bỏ anh để đến với các nhà cung cấp khác. Hiện nay, chúng ta đang nhen nhóm có những nền tảng số cũng rất hấp dẫn, có thể cạnh tranh được với các nhà cung cấp nước ngoài. Người tiêu dùng sẽ là người trả lời cho họ là mình dùng nền tảng này hay chuyển sang dùng nền tảng khác.
Về mặt quản lý thuế, chúng ta thay đổi phương thức quản lý, thay vì doanh nghiệp khai thuế, nộp thay nhà cung cấp nước ngoài thì bây giờ nhà cung cấp nước ngoài phải tự khai. Như vậy, một là chúng ta quản lý được, thu thuế được đối với người tiêu dùng là cá nhân - lâu nay gần như đứng ngoài cuộc.
Bây giờ chúng ta bắt nhà cung cấp nước ngoài phải cùng với chúng ta bởi vì anh đã cung cấp dịch vụ vào nước tôi thì anh phải có nghĩa vụ cung cấp danh sách những người tiêu dùng cho chúng tôi, không có lý do gì anh chơi với công dân của chúng tôi mà chúng tôi lại không biết.
Và đây cũng là cả một cuộc đấu tranh rất dài, hàng chục năm giữa cơ quan thuế với các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là công sức của cả ngành thuế, ngành tài chính và các ngành có liên quan, chúng ta chiến đấu với họ trong mấy chục năm qua chứ không phải là chỉ nền tảng cung cấp này mà giải quyết xong.
Đợt này ngành thuế đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng để thực hiện chuyển đổi số một cách tương đối triệt để trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nền tảng số để phục vụ cho quản lý thu thuế đối với nhà cung cấp nước ngoài. Đối với doanh nghiệp trong nước, chúng ta có chương trình về hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123 và Thông tư số 18 mà tới đây ngày 1/7/2022, tất cả các dữ liệu về hóa đơn của các doanh nghiệp và người dân sẽ được kết chuyển về cơ sở dữ liệu tập trung của ngành thuế.
Làm được như vậy, chúng ta quản lý xã hội sẽ tốt hơn. Cổng thông tin điện tử chỉ là một phần trong hệ thống đầu tư của ngành thuế để phục vụ cho người nộp thuế cũng như phục vụ cho việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Chúng ta có kết nối với các cơ quan ngân hàng, các doanh nghiệp làm trung gian thanh toán, cơ quan quản lý về thông tin truyền thông, về mạng, về cơ quan công an để giám sát. Như vậy, trong trường hợp các nhà cung cấp nước ngoài mà chưa kê khai được thì chúng ta sẽ có nhiều biện pháp, mà biện pháp đầu tiên là đăng tên nhà cung cấp đó để khách hàng được biết.
Người tiêu dùng sẽ thấy rằng, đối tác của mình không thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thuế thì người ta sẵn sàng từ bỏ để chuyển sang tiêu dùng của nhà cung cấp khác. Và lần này công khai nghĩa vụ thuế, công khai phương thức quản lý cũng là để người dân tham gia vào chương trình quản lý thuế, giám sát cơ quan thuế cũng như giám sát nhà cung cấp nước ngoài.