Giải ngân vốn đầu tư công chậm

Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB tại Việt Nam.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm nay vẫn trì trệ, mới đạt tỷ lệ gần 16,4%, thấp hơn cả cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân và giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công? Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay của nước ta?

Việc giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) trong năm nay rất quan trọng, có tính bản lề không chỉ đối với kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 mà còn bởi việc giải ngân vốn ĐTC nằm trong gói kích thích phục hồi kinh tế.

Nhìn vào tất cả động cơ tăng trưởng của Việt Nam sau đại dịch, chúng ta có thể thấy, từ phía mặt “cung” - ví dụ như công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ - thì những động lực tăng trưởng đó mới đang trên đà phục hồi, chưa thực sự phát huy được đúng chức năng là đầu tàu kinh tế. Về mặt “cầu” cũng tương tự, đang có xu hướng phục hồi, thậm chí dù giải ngân FDI có tăng nhưng các dự án đăng ký FDI giảm.

Trong bối cảnh đó, ĐTC là một động lực chính thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Gói phục hồi kinh tế của Quốc hội, tức là các biện pháp về tài chính và tiền tệ mà Quốc hội vừa thông qua vào tháng 1/2022, trọng tâm chính là các chính sách về tài khóa, trong đó có ĐTC. Vì vậy, nếu chậm trễ trong ĐTC, có nghĩa chúng ta loại bỏ đi một động lực tăng trưởng rất quan trọng của Việt Nam trong vòng 2 năm tới.

Việc chậm trễ giải ngân vốn ĐTC sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phục hồi và phát triển nền kinh tế nước ta, thưa ông?

Bởi gói ĐTC được tập trung vào trong 2 năm tới nên nếu tốc độ giải ngân không đáp ứng được đúng theo kế hoạch của Chính phủ sẽ tác động rất nhiều đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, ngoài cơ sở hạ tầng phục vụ cho phục hồi tăng trưởng trong 5 năm tới, thì còn tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng, công ăn việc làm... Như vậy, sẽ kéo tụt tốc độ tăng trưởng và kỳ vọng Việt Nam có thể đạt được một nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Các nguyên nhân khiến giải ngân vốn ĐTC chậm trễ đã được nhận diện và chỉ ra tại các cuộc họp của Chính phủ về thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC gần đây. Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân khách quan?

Ngoài những nguyên nhân về thời tiết, năm 2022 là một năm đặc biệt ở chỗ khoảng thời gian để chúng ta có thể phục hồi kinh tế rất hẹp ở chỗ Việt Nam đang bị chậm một nhịp so với các nước trong thực hiện các biện pháp phục hồi kinh tế.

Trong khi các nước đã tăng tốc để phục hồi kinh tế, thì chúng ta bây giờ mới bắt đầu thực hiện, các giải pháp tiền tệ và tài khóa mới được duyệt từ tháng 1/2022. Khi mà cơ hội của chúng ta hẹp như vậy thì việc thực hiện phải thật nhanh để không bị lỡ nhịp.

Nhà thầu thi công một dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Trên thực tế, một trong những rủi ro rất lớn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 là lạm phát, nguyên nhân khách quan là giá các nguyên vật liệu tăng 20 - 30%. Thời gian để chúng ta thúc đẩy quá trình giải ngân vốn ĐTC cũng như thực hiện các dự án trong kế hoạch phục hồi kinh tế còn rất hẹp, và lạm phát thì lại bắt đầu tăng rồi.

Theo ông, vì sao các nguyên nhân cũ như khó khăn về thủ tục, vướng về giải phóng mặt bằng, chậm giao vốn,… đã kéo dài nhiều năm rồi mà vẫn lặp lại? Liệu trong một thời gian ngắn như vậy, chúng ta có cách nào để giải quyết không?

Để giải được căn bệnh trầm kha này thì cần cả những biện pháp trước mắt và căn cơ, dài hạn, như: Hành lang pháp lý có hiệu quả không? Con người thực hiện như thế nào? Cơ chế phối hợp chính sách trong tất cả các khâu của một dự án - từ thiết kế cho đến đấu thầu, giải ngân có sự phối hợp đồng bộ hay không?

Về biện pháp ngắn hạn, chúng ta phải nhìn vào trách nhiệm của từng người, từng lãnh đão, từng cán bộ trong vấn đề giải ngân; nhìn vào những khó khăn trước mắt như: lạm phát, tăng giá… như thế nào? Vai trò nhà nước trong việc điều hành giá khi mà các công cụ khác để ngăn chặn, hạn chế được lạm phát còn đang bị vướng như về tiền tệ - chúng ta chưa thể nới lỏng các giải pháp đó. Trước mắt, chúng ta phải tập trung vào biện pháp ngắn hạn.

Liệu có biện pháp đột phá nào trong thời gian ngắn để giải quyết được vấn đề giải ngân vốn ĐTC?

Trước mắt, việc Chính phủ thành lập 6 tổ công tác là một biện pháp hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Những tổ công tác này phải có thẩm quyền quyết định, tức là nếu có những vướng mắc thì phải giải quyết được ngay chứ không phải lại bắt đầu tập hợp rồi trình lại, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Nếu tổ công tác không có thẩm quyền quyết định và bản thân người đứng đầu không thể giải quyết những vấn đề ngay tại chỗ thì bản thân những tổ công tác này lại chính là rào cản mới trong quá trình giải ngân vốn ĐTC.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, số lượng vốn ĐTC cần phải giải ngân rất lớn. Những tổ công tác này cần có những hành động quyết liệt thì mới có thể có đột phá. Hành động quyết liệt ở đây là gì? Là nếu các bộ, ngành, địa phương nào vẫn còn những chậm trễ đâu đó thì tổ công tác là những mũi nhọn, những quả đấm thép để có thể đột phá, xóa bỏ những hàng rào đang ngăn trở đối với việc giải ngân vốn ĐTC.

Ông đánh giá như thế nào về việc chúng ta gỡ những nguyên nhân chủ quan - đó là cải thiện những thủ tục, quy trình ĐTC tại Việt Nam. Theo ông, giải pháp cần chú trọng nhất để tháo gỡ vướng mắc này là gì?

Tôi lấy một ví dụ để so sánh: Nhà máy thủy điện Hòa Bình và đường dây 500kV nếu được xây dựng vào thời điểm hiện nay thì không biết có thể xây dựng được trong vòng 10 năm và 2 năm như trước kia không? Vào thời điểm rất ít hành lang pháp lý thì việc xây dựng những dự án xuyên quốc gia có tầm quan trọng lớn lại rất nhanh.

Ngược lại, giờ có đầy đủ hành lang pháp lý, công việc lại rất chậm. Chúng ta phải đặt vấn đề: Chất lượng hành lang pháp lý như thế nào? Đây là hành lang pháp lý hay là rào cản pháp lý? Hiện nay, có rất nhiều rào cản hành lang pháp lý, nhưng cái chúng ta thiếu là những người “xé rào”.

Bộ Chính trị vừa có một quyết định rất đúng là khuyến khích những sáng kiến để thúc đẩy mọi mặt trong vấn đề tăng trưởng. Nếu chúng ta cứ đi theo quy trình nằm trong thủ tục giải ngân thì không biết đến bao giờ mới khắc phục được căn bệnh trầm kha này.

Cho nên phải có những cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm thì mới có thể hy vọng giải quyết được những rối rắm trong hành lang pháp lý tạo ra. Chúng ta đã có quá đủ hành lang pháp lý, chỉ thiếu vấn đề thực hiện, mà vấn đề thực hiện ở đây là con người - những người lãnh đạo, ra quyết định.

Nhiều nhà đầu tư phản ánh, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ODA) chậm trễ vì những bước quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn khi điều chỉnh dự án cũng như thay đổi đơn giá, quy trình thanh toán và đợi chờ ý kiến không phản đối. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Vốn ODA rất quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong giai đoạn trước đây, nhất là từ năm 2011 - 2015, có rất nhiều dự án ODA đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng, tạo động lực phát triển rất lớn cho Việt Nam như: dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai, dự án như sân bay Nội Bài, nhà ga 2, cầu Nhật Tân,...

Thế nhưng khi Việt Nam chuyển sang vay kém ưu đãi hơn một chút thôi thì các dự án ODA bắt đầu giảm, việc thực hiện các dự án ODA rất chậm trễ. Trên thực tế, thủ tục cho một dự án ODA phải 5 lần qua Thủ tướng xem xét, 3 lần qua Chủ tịch nước, chưa kể một loạt rà soát giữa các bộ, ngành liên quan. Một dự án ODA để đi vào thực hiện, tức là được phê duyệt phải mất ít nhất từ 3 - 4 năm. 

Giải phóng mặt bằng được coi là điểm nghẽn lớn nhất đối với giải ngân vốn ĐTC. Liệu có giải pháp nào mới cho vấn đề cũ này không, thưa ông?

Giải phóng mặt bằng (GPMB) là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến việc giải ngân vốn ĐTC bị chậm trễ, vì thế tạo rất nhiều hệ lụy như tăng vốn chẳng hạn. Gần đây có đề xuất tách dự án GPMB ra thành một dự án riêng để có những giải pháp khắc phục những bất cập.

Đây là giải pháp tương đối hữu hiệu, tất nhiên chúng ta phải thực hiện thí điểm. Công tác GPMB liên quan đến quá nhiều quy định, như Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng… và dưới luật còn một loạt Nghị định. Ngoài ra, còn những quy định của các tỉnh nữa, cho nên hành lang pháp lý liên quan đến GPMB rất rối rắm.

Một vấn đề nữa là lòng tin. Người dân có niềm tin vào việc GPMB hay không bởi vẫn có những băn khoăn về mặt giá cả có công bằng? Phía nhà đầu tư thì cho rằng người dân có những yêu cầu quá mức trong quá trình GPMB. Thiếu lòng tin ở cả hai phía dẫn đến những thủ tục pháp lý càng bị đẩy vào cảnh không có lối thoát bởi không có lòng tin thì rất khó giải quyết.

Chúng ta đang phải chú ý để đẩy nhanh tiến độ ĐTC. Vậy theo ông, phải chú ý điều gì nhất?

Chúng ta phải xác định là trong 2 năm này không có một cơ hội nào khác nữa, cũng không có một giải pháp nào khác ngoài thúc đẩy dự án ĐTC nếu muốn đạt được kỳ vọng tăng trưởng từ 6 - 6,5% trong năm 2022, thậm chí là năm 2023. Vì thế, phải có những hành động rất quyết liệt và đột phá.

Như vậy, các tổ công tác đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra là trách nhiệm của người đứng đầu dám chịu trách nhiệm, dám xé rào để từ đó tạo động lực cho đất nước phát triển.
Xin cảm ơn ông!


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận