Tham nhũng vặt: Dẹp sao cho hết?

Phóng viên VOV bàn luận nội dung này với Tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Thanh tra viên cao cấp, Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra.

 

Ông nghĩ sao về tình trạng tham nhũng vặt đang diễn ra khá phức tạp và đáng lo ngại là nó dần trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện nay?

Hiện nay, tham nhũng vặt (TNV) đã trở thành nguy cơ hiện hữu dẫn đến sự suy đồi văn hóa, đạo đức của con người, xã hội, là lực cản không nhỏ đối với sự phát triển của đất nước ta. TNV là hành vi của những người có chức vụ quyền hạn, lợi dụng chức vụ quyền hạn đó để nhũng nhiễu, gây khó khăn nhằm vụ lợi từ tổ chức, doanh nghiệp và người dân với giá trị vật chất không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng hành vi này diễn ra từ lâu, gây khó khăn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, làm cho các cá nhân, xã hội bức xúc, bất an.

Những hành vi TNV diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, tổ chức và các vị trí khác nhau ở cấp cơ sở, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, và đặc biệt nguy hại khi đã xuất hiện trong công tác trọng yếu của Đảng, nhà nước và nhân dân, như công tác cán bộ, chính sách, an sinh xã hội.

Theo quan điểm của ông, những con số được đưa ra trong Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2021 có phản ánh đúng tình trạng TNV hiện nay?

Những con số trong Báo cáo đó đã phản ánh được tình trạng TNV trong khu vực hành chính công cấp tỉnh. Nhìn vào những con số này thì thấy rằng, mặc dù công cuộc cải cách hành chính được triển khai khá sâu rộng trong nhiều năm qua với rất nhiều khẩu hiệu và mục tiêu hành động như:

Một cửa một dấu, Một cửa liên thông, Tất cả vì sự hài lòng của người dân nhưng trong thực tế thì người dân muốn nhận nhanh, gọn, sớm đều phải có chi phí lót tay, tiền bôi trơn, tiền bồi dưỡng thì công việc mới nhanh và trôi chảy. Dĩ nhiên, người dân muốn làm các thủ tục hành chính thì phải đi lại nhiều lần, và cũng không phải tất cả đều bị vòi vĩnh, sách nhiễu phí bôi trơn, có thể cũng do người dân chưa thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước.

Tuy nhiên, nếu mỗi cán bộ, công chức viên chức có tâm, và hướng dẫn tận tình thì người dân sẽ đỡ vất vả, rồi lại phải bôi trơn để công việc trôi chảy. 

Với sự gia tăng của TNV sẽ gây ra những hậu quả như thế nào cho xã hội, thưa ông?

TNV mang lại mấy hậu quả lớn, rất khó lường như sau: Thứ nhất, đó là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lối sống, diễn biến tự chuyển hóa trong nội bộ cán bộ công chức, viên chức; làm xói mòn giá trị đạo đức nghề nghiệp của đạo đức công vụ, làm hư hỏng cán bộ, gây phiền toái cho người dân và những công chức, viên chức chân chính. TNV còn là cái cớ để các thế lực thù địch lợi dụng công kích chống phá Đảng, chế độ và làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với thể chế chính trị, giảm uy tín của Đảng, nhà nước trong lòng nhân dân và trên trường quốc tế.

Tham nhũng vặt làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với thể chế chính trị, giảm uy tín của Đảng, nhà nước trong lòng nhân dân và trên trường quốc tế. Minh họa: Ngọc Diệp

Thứ hai, TNV có tác động lớn và trực tiếp tới người dân. Điều này do TNV gắn với việc cung cấp các dịch vụ công phổ biến như giáo dục, y tế, thủ tục hành chính… cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Vì thế, việc trả hối lộ để tiếp cận với các dịch vụ này sẽ tác động trực tiếp và đáng kể tới chất lượng cuộc sống của mọi người dân, nhất là với người nghèo. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của TNV tới người nghèo nghiêm trọng hơn với người giàu vì các khoản hối lộ chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập của người dân nghèo, làm khó khăn, cùng cực hóa cuộc sống của những người dân yếu thế trong xã hội.

Đây cũng chính là những người dân mà Đảng và nhà nước rất quan tâm chăm lo đời sống và thực hiện những chế độ an sinh xã hội.

Thứ hai, TNV gắn với việc cung cấp các dịch vụ công phổ biến bao gồm các dịch vụ hành chính công nên nó cũng có tác động tiêu cực đến các tổ chức, doanh nghiệp. Những khoản hối lộ tuy nhỏ nhưng với tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại thì cũng thành khoản chi phí đáng kể, làm giảm sức tăng trưởng và năng suất hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Quan trọng hơn là sự phổ biến của TNV tạo ra những rủi ro về mặt pháp lý, ví dụ làm chậm, làm sai lệch các quy trình, thủ tục hành chính, làm nản lòng các nhà đầu tư, phá hoại môi trường kinh doanh, và gây lên tiền lệ xin - cho - lót tay trong đấu thầu, kinh doanh.

Thứ ba, TNV làm xói mòn môi trường pháp lý và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, tác động tiêu cực và lâu dài tới chất lượng quản trị nhà nước và môi trường pháp lý của một quốc gia; là nguyên nhân thúc đẩy các quan chức tham nhũng và tạo ra quy định, những hạn chế, những thủ tục rườm rà để tăng cơ hội bòn rút tiền hối lộ từ người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đó cũng là cơ sở để tham nhũng lớn, làm lũng đoạn xã hội.

Thứ tư, TNV làm giảm nguồn thu của ngân sách quốc gia, ngân sách của Nhà nước. Với hầu hết các quốc gia, nguồn thu chủ yếu của ngân sách là từ thuế, trong khi TNV hoành hành, việc hối lộ có thể được sử dụng trong mục đích trốn thuế, từ đó làm giảm đáng kể nguồn thu của ngân sách.

Với những tác hại như vậy, tại sao TNV lại chưa được xử lý triệt để, hơn thế nữa lại đang dần bị bình thường hóa. Nhiều người dân, doanh nghiệp không bỏ chi phí bôi trơn là thấy không yên tâm. Ông lý giải như thế nào về điều này?

Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng TNV, trong đó nguyên nhân chủ quan là do tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của bộ phận cán bộ đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của chúng ta chậm chuyển biến.

Công tác cải cách hành chính còn chậm, lúng túng. Nạn giấy tờ hành chính còn phiền hà, bất hợp lý. Các chế độ kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ, công vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức cũng chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả. Chế độ tiền lương đối với đội ngũ cán bộ công chức, viên chức còn một số điểm bất hợp lý, chậm được cải cách. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng ngừa đấu tranh phòng chống TNV cũng chưa toàn diện, chưa đồng bộ, thiếu những nội dung có tính đột phá, thậm chí còn coi nhẹ ở một số cơ quan, đơn vị. 

Việc phát hiện cán bộ công chức, viên chức vi phạm chưa kịp thời, khi xử lý còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; chưa có cơ chế để khen thưởng những người kiên quyết đấu tranh chống hiện tượng TNV và có nhiều thành tích trong loại bỏ tệ nạn xã hội. Nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng còn chưa rõ ràng, chồng chéo, cơ chế phối hợp chưa cụ thể, những công cụ phát hiện xử lý tham nhũng, TNV chưa thật sự hữu hiệu.

Việc huy động, phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ, báo chí trong đấu tranh phòng chống tham nhũng vặt chưa được quan tâm đúng mức, còn hình thức, có lúc kém hiệu quả. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề này cũng chưa tạo được sự chuyển biến tích cực.

Vậy theo ông, cần giải pháp như thế nào cho những vấn đề này?

Theo tôi, để phòng chống được tình trạng TNV hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp: Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò của các tổ chức thanh tra, kiểm tra; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính Nhà nước gọn nhẹ hơn.

Thứ hai, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng. Thứ ba, đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, qua đó chọn lựa được con người vào bộ máy của chúng ta.

Thứ tư, triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa chống TNV, trong đó chú trọng tới việc chuyển đổi vị trí công tác - những vị trí tiếp xúc trực tiếp với người dân và trong giải quyết công việc dễ phát sinh tiêu cực. Quan tâm đến chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức. Nâng cao các giá trị đạo đức, ý thức trách nhiệm công vụ của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, thì khi chưa có đủ nguồn lực để loại trừ được hoàn toàn TNV thì nên tập trung ưu tiên giải quyết một số lĩnh vực ảnh hưởng lớn nhất đến người dân và doanh nghiệp để tạo ra niềm tin và huy động sự tham gia của công chúng vào công cuộc phòng chống TNV.

Chỉ thị số 10 của Thủ tướng ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc cũng là một trong những bí kíp rất quan trọng để chính quyền cấp cơ sở giải quyết tới nơi tới chốn tình trạng TNV.

Song song đó, cơ quan, đơn vị phải ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đặc biệt công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp. Triển khai đồng bộ các hệ thống như ghi âm, ghi hình, camera trực tuyến tại các điểm giao dịch, tiếp xúc trực tiếp người dân, doanh nghiệp, góp phần hạn chế tiêu cực, TNV.

Phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, cộng đồng, doanh nghiệp, người dân trong việc phối hợp hỗ trợ cơ quan nhà nước ngăn chặn xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà của các cán bộ công chức, viên chức chính quyền các cấp. Chỉ khi toàn xã hội đồng lòng, phong trào rộng khắp lên án thì mới có thể loại bỏ được hành vi TNV.
Xin cảm ơn ông!
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận