Thẻ định danh điện tử cho công dân: Cách nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân?

Trao đổi với Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.

 

Bộ Công an và công an các tỉnh, thành phố đang triển khai cấp định danh điện tử (ĐDĐT) cho công dân thông qua cấp thẻ căn cước công dân gắn chip. Nhiều người dân băn khoăn: Làm thế nào để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, bảo vệ tài sản công dân trên môi trường mạng khi tất cả thông tin quan trọng được tích hợp trên một hệ thống dữ liệu kết nối liên thông?

Phóng viên VOV đã trao đổi với Thượng tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, nhiều người dân đang băn khoăn: Tại sao đã có thẻ căn cước công dân gắn chip mà vẫn cần tài khoản ĐDĐT? Hoạt động này có gây lãng phí? Và đâu là sự cần thiết của tài khoản ĐDĐT?

Dữ liệu dân cư là một hệ thống dữ liệu gốc. Đây là nền tảng cơ bản để kết nối liên thông. Người dân chỉ cần kê khai một lần để tham gia vào các hoạt động dịch vụ và được thể hiện trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử. Người dân cầm thẻ này có thể thực hiện được tất cả giao dịch.
Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030. Trong giai đoạn chuyển đổi số, công dân tham gia tất cả hoạt động trên môi trường mạng - tức là người dân sẽ ngồi tại nhà để thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử. Như vậy, chúng ta cần thiết phải có thẻ ĐDĐT để định danh danh tính của công dân. Một trong những mục tiêu của việc cấp thẻ ĐDĐT cho công dân là góp phần đảm bảo chính xác thông tin công dân trên môi trường điện tử, đồng thời tích hợp thẻ CCCD với các loại giấy tờ như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, thực hiện giao dịch tài chính... trên một hệ thống duy nhất.
Chúng ta sẽ chuyển từ môi trường vật lý là chiếc thẻ căn cước gắn chip công dân sang môi trường điện tử để thuận lợi nhất cho người dân tham gia vào các hoạt động khối cơ quan quản lý nhà nước trên môi trường điện tử và cá nhân tham gia vào các tổ chức kinh tế - xã hội trong quá trình giao dịch. Điều này đã được khẳng định rất rõ qua Quyết định 34 ngày 26/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ và thẻ ĐDĐT là một điều kiện căn bản để thực hiện.
Lộ trình triển khai cấp thẻ ĐDĐT cho người dân được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Lộ trình triển khai cấp thẻ ĐDĐT thì căn cứ vào Quyết định số 06 ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án 06 được chia ra từ năm 2022 - 2030, trong đó, Bộ Công an quyết tâm trong năm nay sẽ cấp được 15 triệu tài khoản ĐDĐT. Ở đây, vấn đề đặt ra là: Với thẻ CCCD, người dân đủ tuổi là phải có, còn tài khoản ĐDĐT thì người dân có quyền lựa chọn để thực hiện. Do vậy, chúng ta cần phải khẳng định được sự tín nhiệm của người dân với các giao dịch điện tử, chẳng hạn được triển khai như thế nào và thẻ ĐDĐT sẽ mang lại những tiện ích gì cho người dân? Khẳng định được điều đó, tức khắc người dân sẽ sử dụng. Còn nếu chúng ta đưa ra các lộ trình cấp được bao nhiêu tài khoản ĐDĐT nhưng lại không giải quyết được bài toán tiện ích cho người dân trên cơ sở ĐDĐT thì cũng sẽ là thất bại.
Việc cấp thẻ định ĐDĐT cho công dân thì dữ liệu thông tin cá nhân của người dùng sẽ được tích hợp trên một hệ thống duy nhất. Vậy sự liên kết dữ liệu giữa các cơ quan liên quan như giao thông, y tế, công an hay ngân hàng được triển khai ra sao, thưa ông?
Muốn triển khai thành công Chính phủ điện tử hay xã hội số, nền kinh tế số thì điều đặc biệt quan trọng là dữ liệu liên thông và số hóa dữ liệu để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia vào một giao dịch điện tử với cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ phải kê khai 1 lần. Dữ liệu liên thông với nhau thì chúng ta mới tạo được nhiều thuận lợi cho người dân, từ đó làm cho người dân trở nên thân thiện với ĐDĐT và ĐDĐT thân thiện với người dân.

Công dân thực hiện thủ tục làm căn cước công dân có thể mở tài khoản định danh điện tử.	Ảnh: Trube

Ví dụ, khi muốn triển khai được 1 dịch vụ công về đăng ký thường trú, chúng ta sẽ phải sử dụng ĐDĐT cho người dân kết nối vào Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tham gia dịch vụ này một cách thuận tiện nhất. Thế nhưng dịch vụ này sẽ rất khó khăn nếu như Bộ Công an đã có dữ liệu dân cư rồi, nhưng dữ liệu đất đai lại là của Bộ Tài nguyên - Môi trường.

Vậy Bộ Tài nguyên - Môi trường phải số hóa dữ liệu của mình và được kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình tham gia dịch vụ.
Việc cấp thẻ ĐDĐT mới triển khai được hơn 1 tháng nhưng đã xuất hiện trường hợp giả danh cơ quan công an để thu thập thông tin cá nhân hay rút tiền của người dân. Thực trạng này đã làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ mất an toàn thông tin nếu không may người dân bị hack tài khoản. Ông có phản hồi gì trước những lo ngại của người dân?
Về việc hack tài khoản ĐDĐT, ở đây mấu chốt là người dân bảo vệ tài khoản ĐDĐT của mình như thế nào. Khuyến cáo là, người dân sau khi sử dụng tài khoản ĐDĐT thì phải thoát ra khỏi tài khoản ĐDĐT. Thứ hai là hạn chế tất cả thông tin của mình trên các môi trường mạng khác.
Về vấn đề tích hợp, lấy ví dụ như tài khoản ATM, đang có câu chuyện là Bộ Công an và ngân hàng triển khai thí điểm sử dụng thẻ CCCD để rút tiền. Nghe thì như vậy, nhưng 2 hệ thống này hoàn toàn độc lập và đảm bảo an toàn bảo mật cho nhau chứ không phải toàn bộ tài khoản ngân hàng đó hoặc các giao dịch của ngân hàng đó được đặt vào Bộ Công an.

Hệ thống thứ nhất là tài khoản của ngân hàng vẫn quản lý như xưa, vẫn đảm bảo an toàn bảo mật nhưng giữa thẻ CCCD và thẻ ATM trước đây đều dựa trên trường thông tin cơ bản của công dân và sinh trắc của người dân khi cung cấp cho ngân hàng tại thời điểm tạo lập tài khoản ngân hàng, thì ngày nay người ta tích hợp lại và đưa vào để rút tiền ở các cây ATM.
Trên thực tế, khi người dân đi làm thẻ ĐDĐT tại công an phường thì một số người đã không thể làm được do không nhận dạng được vân tay hoặc ảnh chụp chân dung không nhận dạng được theo thẻ CCCD gắn chip. Những vướng mắc này sẽ được xử lý ra sao, thưa ông?
Khi thực hiện dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip điện tử với khối lượng công việc rất lớn, về mặt kỹ thuật ảnh và vân tay đều phải đạt tiêu chuẩn ICAO và trong quá trình làm có những trường hợp chưa đạt chuẩn ICAO. Ngoài ra, có trường hợp thông tin thu thập trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và hồ sơ làm CCCD lệch nhau, chưa trùng khớp nên phải kiểm tra, đối chiếu lại.
Ở giai đoạn cấp thẻ ĐDĐT thì rút ngắn lại. Nếu người dân lần đầu tiên đi làm căn cước công dân thì chỉ thực hiện nội dung của căn cước công dân, đồng thời được cấp thẻ ĐDĐT ngay. Nếu người dân đã làm thẻ căn cước công dân, nay làm thẻ ĐDĐT thì chúng ta sẽ có quy trình 3 bước là đối sánh ảnh thật hay đường vân tay thật với căn cước công dân.

Chúng tôi đang triển khai thí điểm thiết bị ở giai đoạn đầu này. Do vậy, việc trục trặc như vậy là có và chúng tôi đang khắc phục để chuẩn hóa hệ thống này, sao cho ăn khớp với thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử đã phát hành trước đây. Độc giả có thể gửi lại thông tin cho tôi theo số điện thoại: 0903283338 để tôi trao đổi với các đơn vị, thống nhất một dữ liệu dùng chung nhất để phục vụ người dân làm thẻ căn cước công dân.
Ở các nước, tài khoản ĐDĐT đã được triển khai từ rất lâu. Việt Nam hiện mới đang thực hiện, trong khi người dân đã quen với các giấy tờ vật lý. Vậy việc triển khai cấp thẻ ĐDĐT đang gặp khó khăn, trở ngại gì, thưa ông?
Khó khăn đầu tiên là pháp lý chưa được định hình, chưa triển khai được tất cả những vấn đề tiện ích nhất trên ĐDĐT cho người dân khi họ tham gia vào môi trường quản lý nhà nước. Thứ hai là khi người dân đã có tài khoản ĐDĐT thì pháp lý điều chỉnh sự tích hợp đó như thế nào? Ví dụ bây giờ tích hợp giấy đăng ký xe, bằng lái xe lên trên nền của ĐDĐT, vậy người dân sẽ không mang các giấy tờ vật lý đi để thực hiện nữa mà sẽ đưa tài khoản ĐDĐT cho cảnh sát giao thông.

Vậy chúng ta điều chỉnh câu chuyện thay thế các giấy tờ vật lý đó với tài khoản ĐDĐT thế nào để cảnh sát giao thông chấp nhận câu chuyện đấy. Do vậy, điều quan trọng đặc biệt bây giờ là hành lang pháp lý của ĐDĐT và hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân đó.

Ảnh: Hà Nguyên

Mới đây nhất, Bộ Công an đã thí điểm cho phép người dân rút tiền mặt bằng thẻ căn cước công dân gắn chip tại các cây ATM của ngân hàng. Đây là điểm rất mới và thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, nhưng nhiều người dân cũng lo ngại việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân, thậm chí là tài sản cá nhân?
Việc tích hợp các dịch vụ tài chính ngân hàng đòi hỏi sự phối hợp giữa các bên và cơ quan chức năng để đảm bảo quy trình bảo mật thông tin cũng như đảm bảo an toàn tài sản của cá nhân, doanh nghiệp. Việc quan hệ của doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào các hoạt động tài chính thì luật pháp đã điều chỉnh, nên dữ liệu đó không thể cung cấp cho bên thứ ba, trừ những trường hợp đặc biệt phục vụ cho an ninh quốc gia. Bản thân các giao dịch của ngân hàng đã được quy chuẩn bởi pháp lý, do vậy, giao dịch đó ngân hàng không chuyển cho Bộ Công an, cho bên dữ liệu dân cư được.

Như tôi đã nói ở trên, đây là 2 hệ thống độc lập, chỉ gặp nhau bởi các trường thông tin công dân và sinh trắc để đối sánh, thay thế, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia các loại giao dịch mà không phải mang nhiều loại giấy tờ. Khi tổ chức tiến hành giao dịch thì chỉ có xác thực thông tin trên bề mặt chiếc thẻ căn cước với thông tin tài khoản do ngân hàng cung cấp mà thôi, để nó gặp nhau và thực hiện được các giao dịch chứ không phải 2 hệ thống này được đối khớp với nhau và quản lý lẫn nhau.

Khi cá nhân hay doanh nghiệp tham gia vào giao dịch của ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn, bảo mật cho giao dịch đó. Do vậy, doanh nghiệp và người dân hoàn toàn yên tâm về các giao dịch của mình được ngân hàng bảo hộ.
Xin cảm ơn ông!



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận