Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá của Bộ Công an dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới đây. Mua biển số xe (BSX) qua đấu giá là nhu cầu có thật của người dân. Tuy nhiên, làm sao để minh bạch trong đấu giá BSX? Cần có những hành lang pháp lý nào để quản lý hoạt động đấu giá BSX một cách hiệu quả? Phóng viên VOV trao đổi vấn đề này với Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Thưa luật sư, ông có quan điểm như thế nào về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng BSX thông qua đấu giá do Bộ Công an đề xuất?
Ở nước ta, chủ trương này là mới, nhưng ở nhiều nước trên thế giới đã đấu giá BSX ô tô từ lâu. Tôi cho rằng đây là một xu hướng và chủ trương đúng, không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân mà còn mang lại nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước và tránh được tiêu cực trục lợi trong việc cấp BSX ô tô hiện nay. Ngoài ra, việc đấu giá BSX cũng đảm bảo được tính minh bạch trong quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, để Nghị quyết được triển khai thực sự hiệu quả thì chúng ta phải bàn bạc, thống nhất, lắng nghe sự góp ý, hiến kế của nhân dân và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Vấn đề đặt ra là, BSX ở đây được xác định là tài sản hay hàng hóa, bởi qua đây mới có thể đưa ra những quy định về căn cứ xác lập quyền của chủ BSX trong quá trình sử dụng và quản lý BSX sau này?
Theo Dự thảo Nghị quyết, người trúng đấu giá BSX phải nộp tiền theo kết quả đấu giá này, tức là về mặt bản chất, họ phải bỏ tiền ra mua một BSX của nhà nước. Còn xác định BSX là tài sản hay hàng hóa phải căn cứ vào quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 105 của Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Thương mại, nếu coi BSX trúng đấu giá là hàng hóa thì đương nhiên BSX cũng là tài sản. Ở đây, BSX này là người dân mua của Nhà nước, trả một khoản tiền nhất định nên phải coi nó là tài sản và người trúng đấu giá phải có quyền với tài sản của mình. Điều này cũng thỏa mãn được quy định về quyền tài sản được quy định tại Điều 115 của Bộ luật Dân sự, đó là quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền.
Trong trường hợp Dự thảo Nghị quyết này được thông qua, theo luật sư, cần có hành lang pháp lý ra sao để triển khai có hiệu quả?
Qua theo dõi các trang mạng xã hội, tôi thấy dư luận quần chúng ủng hộ chủ trương này. Nhưng để đề án đi vào thực tế được hiệu quả, các cơ quan chức năng còn phải làm rất nhiều việc, trong đó có việc tạo ra một hành lang pháp lý để làm cơ sở thực hiện. Càng chuẩn bị kỹ sẽ càng tránh được những phát sinh mà không biết giải quyết như thế nào.
Hiện nay, Nghị quyết vẫn chưa đưa ra được quy định có coi BSX là tài sản hay không mà đưa ra 2 phương án, tức là cơ quan chủ trì vẫn đang lúng túng về vấn đề này. Ngoài ra, theo phương án 1: Người trúng đấu giá BSX sẽ được sử dụng nhưng cấm mua bán, trao đổi BSX. Quy định như vậy thì mặc nhiên không coi BSX này là tài sản vì đã là tài sản thì người sở hữu hoàn toàn có quyền mua bán, tặng cho, cầm cố, thế chấp... Không ai bỏ ra một khoản tiền rất lớn để rồi sở hữu một BSX mà suốt đời không được chuyển nhượng, tặng cho. Vậy nếu người sở hữu không may qua đời thì sẽ phải làm thế nào với BSX này?
Thứ hai, người trúng đấu giá rồi lại bỏ cọc đang là một bài học nhãn tiền cho các nhà quản lý và là kẽ hở của pháp luật trong vấn đề đấu giá trong thời gian qua. Việc đấu giá BSX cũng vậy, nếu không có quy định cụ thể, chế tài nghiêm khắc thì rất dễ xảy ra tình trạng bỏ cọc như đấu giá đất. Họ lợi dụng việc đấu giá BSX không nhằm mục đích để sử dụng mà để đầu cơ, mua bán, trục lợi…
Do đó, trước khi triển khai, cơ quan chức năng cần đưa ra nhiều biện pháp, quy định chặt chẽ về pháp luật, chế tài nghiêm khắc để loại trừ những tình huống phức tạp phát sinh trong quá trình thực hiện đề án này. Ví dụ như giá trị đặt cọc phải cao lên, và mức cao lên là bao nhiêu, và để hạn chế việc đầu cơ, mua bán cũng cần quy định cụ thể như trong 6 tháng hay 1 năm, nếu người trúng đấu giá không đưa BSX này vào sử dụng thì mặc nhiên kết quả đấu giá bị hủy bỏ.
Trên thực tế, những BSX đẹp có giá trị rất cao, thậm chí lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo ông, khi người trúng đấu giá đã bỏ ra số tiền lớn như vậy để mua BSX thì nên chăng cần có quy định về quyền lợi của chủ BSX?
Để đảm bảo quyền lợi cho những người trúng đấu giá BSX thì phải coi BSX là tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của họ. Có vậy, quyền lợi của người trúng đấu giá mới được đảm bảo theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo dự thảo Nghị quyết, việc đấu giá BSX được thực hiện theo cơ chế biển số đi theo người. Cần phải làm rõ “đi theo người” là như thế nào? Trường hợp “đi theo người” suốt đời, vậy nếu người đó mất thì làm thế nào khi mà BSX này không được cho - tặng ai? Trường hợp không “đi theo người” suốt đời thì phải có quy định để đảm bảo quyền lợi cho họ. Theo tôi, phải coi BSX là tài sản của người trúng đấu giá và đương nhiên họ có quyền về tài sản đó, có quyền thực hiện quyền của mình với tài sản đó như hiện nay luật pháp quy định.
Theo dự thảo Nghị quyết, việc đấu giá BSX sẽ được thực hiện theo cơ chế biển số đi theo người. Vậy dưới góc độ tăng thu ngân sách thì có nên quy định thời hạn sử dụng của BSX theo niên hạn của xe được gắn với biển số không, thưa ông?
Không nên vì mục đích tăng thu ngân sách mà quy định về thời hạn sử dụng của BSX theo niên hạn của xe hoặc quy định thời hạn sử dụng biển số là bao nhiêu năm. Nếu quy định như vậy thì mục đích, hiệu quả của việc đấu giá BSX sẽ giảm, thậm chí việc tăng thu ngân sách lại bị giảm so với việc BSX sở hữu suốt đời vì ít có người bỏ ra một khoản tiền rất lớn chỉ để sử dụng biển số này trong một thời gian nhất định.
Muốn tăng thu ngân sách thì khi coi BSX là tài sản, vậy chủ BSX dễ dàng chuyển nhượng và khi chuyển nhượng, đương nhiên Nhà nước lại thu được một khoản thuế chuyển nhượng tài sản như hiện nay. Không nên vì lợi ích trước mắt mà quên mất lợi ích lâu dài và quyền lợi của người dân. Theo tôi, khi đã coi biển số đi theo người thì tức là không đi theo xe, do đó không nên quy định thời hạn sử dụng của BSX theo niên hạn của xe, vì khi chuyển nhượng xe, chủ xe được giữ lại BSX để đăng ký cho xe mới của mình.
Các chuyên gia cho rằng, có thể xem xét, cho phép người sử dụng BSX được chuyển nhượng, tặng cho theo quy định của pháp luật. Vậy ý kiến của ông như thế nào?
Tôi đồng ý với ý kiến này. Không chỉ Luật Đấu giá tài sản mà Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại cũng đã có quy định. Điều 105 của Bộ luật Dân sự quy định, quyền tài sản cũng là tài sản. Điều 115 của Bộ luật Dân sự quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền.
Vì vậy, khi BSX trúng đấu giá được quy định là bao nhiêu tiền và như vậy cũng xác định được quyền giá trị được bằng tiền của BSX mà người trúng đấu giá. Ngay trong Nghị quyết phải định nghĩa được BSX là tài sản thuộc sở hữu của người trúng đấu giá.
Vậy phải quy định cụ thể ra sao để xác định BSX là loại tài sản nào theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, vì Luật Đấu giá tài sản cũng quy định rõ: Tài sản đấu giá là tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật?
Không chỉ Luật Đấu giá mà Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại cũng đã làm rõ nội dung này. Quyền tài sản được quy định tại Điều 115 của Bộ luật Dân sự là quyền được trị giá bằng tiền. Vậy rõ ràng khi đấu giá BSX này cụ thể là bao nhiêu tiền và người trúng đấu giá phải bỏ tiền ra mua BSX thì đương nhiên họ phải có quyền về giá trị này của tài sản. Vì vậy, trong Nghị quyết phải quy định rõ BSX thuộc loại tài sản nào để thống nhất về vấn đề này. Dẫn chiếu trên các quy định của pháp luật thì tôi cho rằng, BSX này là tài sản. Khi và chỉ khi BSX được coi là tài sản thì việc đấu giá BSX mới thành công và mục đích đặt ra sẽ đạt được.
Theo ông, việc thực hiện đấu giá nên có sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị nào để có thể kiểm soát hoạt động đấu giá một cách công khai và minh bạch?
Hiện nay chúng ta đã và đang bấm BSX theo dạng ngẫu nhiên và tưởng chừng cách làm này là khách quan, không tiêu cực. Tuy nhiên, máy móc cũng do con người làm ra và vận hành, chính vì vậy, con người hoàn toàn có khả năng can thiệp vào máy móc để áp đặt ý muốn chủ quan của mình, làm thay đổi kết quả theo mong muốn của chính con người đó. Năm 2001, cơ quan điều tra cũng từng khởi tố, xử lý hình sự về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành quyền vụ triển khai tại Phòng Cảnh sát giao thông công an tỉnh An Giang vì đã có dấu hiệu can thiệp vào phần mềm hệ thống quản lý cấp biển số phương tiện giao thông theo quy định.
Nếu việc đấu giá BSX được đưa vào thực hiện thì để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, phòng tránh được sự can thiệp thiếu vô tư của con người, ngăn chặn được các tiêu cực, ngoài lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá có uy tín, cần phải thành lập một trung tâm giám sát việc đấu giá này chứ không thể giao phó hết cho cơ quan công an.
Và trung tâm này cần phải có những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, chuyên môn giỏi, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ và phải được trưng dụng ở nhiều ngành khác nhau. Đặc biệt, trung tâm này phải có bộ phận giám sát hoạt động đấu giá một cách độc lập. Đương nhiên, đây mới chỉ là một vài gợi ý của tôi.
Xin cảm ơn ông!