Quản lý thu chi tổ chức lễ hội và tiền công đức: Cách nào đúng và khả thi?

TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cùng phóng viên VOV bàn luận câu chuyện này.

 

Việc thu chi tiền công đức tại các di tích và lễ hội lâu nay có những bất cập. Đáng chú ý là tình trạng tù mù, lộn xộn, làm ảnh hưởng đến những giá trị tốt đẹp của di tích và lễ hội. Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã soạn thảo Thông tư quy định về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cùng phóng viên VOV bàn luận câu chuyện này.

Hiện nay, dự thảo Thông tư quy định về việc quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đang được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến lần thứ 3. Theo ông, qua 2 lần chỉnh sửa, đến nay, dự thảo lần thứ 3 của Thông tư này có những điểm mới nào đáng quan tâm?
Thông tư này đã bao quát một vấn đề rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay và gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Theo nhận định của tôi, việc xác định chủ thể của những vấn đề liên quan đến tài trợ, công đức trong lễ hội một cách rõ ràng và đưa ra được những quy định để cho việc quản lý công đức thông qua các chủ thể quản lý này là một hoạt động hết sức rõ ràng và là một bước tiến lớn trong thông tư lần này. Chúng ta xác định được chủ thể, xác định được các hoạt động có liên quan đến công đức, tài trợ sẽ tạo ra một môi trường tốt, có được những quy định phù hợp để tạo điều kiện cho hoạt động công đức và tài trợ công khai, minh bạch hơn, và đặc biệt giúp hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, giá trị lễ hội tốt hơn.

Việc ban hành thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội có thật sự cần thiết trong giai đoạn hiện nay hay không, thưa ông?

Khi xã hội phát triển, các hoạt động công đức và tài trợ cho lễ hội, cho di tích càng trở nên quan trọng, đóng góp rất lớn cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, giá trị của lễ hội. Đây không phải là vấn đề mới. Từ năm 1957, Bộ Văn hóa đã có Thông tư số 580 ngày 2 tháng 5 năm 1957 đưa ra những nguyên tắc thu chi của lễ hội.

Hoạt động công đức và tài trợ gắn với bản chất của lễ hội, của di tích như một truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào giai đoạn nền kinh tế thị trường, khi hoạt động công đức tài trợ cho lễ hội nhiều hơn và đặc biệt ở trong hoàn cảnh mới thì chúng ta cũng cần có những quy định mới phù hợp hơn.

Và với điều kiện, hoàn cảnh quản lý trong giai đoạn hiện tại thì điều này càng trở nên cần thiết. Khi chúng ta làm tốt được điều này thì không chỉ giúp cho hoạt động công đức, tài trợ tốt hơn, minh bạch hơn mà còn giúp cho lĩnh vực di tích, văn hóa nhận được thêm nhiều sự quan tâm, có thêm nguồn lực để phát triển.

Bản chất của tiền công đức và tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội là khác nhau nên phải có hình thức quản lý khác nhau.

Tiền công đức là tiền của dân, có xu hướng ngày càng lớn, nhất là ở những di tích nổi tiếng. Mà đã là tiền của dân thì cần được kiểm toán minh bạch, công khai. Ông nghĩ sao về điều này và liệu rằng việc đưa tiền công đức vào quản lý có ảnh hưởng gì đến tín ngưỡng, tôn giáo không?

Trong dự thảo Thông tư có quy định việc quản lý, thu chi tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích. Ở đây, chúng ta cần làm rõ khái niệm tiền công đức và tiền tài trợ. Về phương diện quản lý và thực tiễn, tiền công đức và tiền tài trợ cho hoạt động di lích, lễ hội có bản chất pháp lý khác nhau và chịu sự điều chỉnh của 2 hệ thống văn bản pháp luật khác nhau.

Chẳng hạn như tiền công đức là tài sản của tổ chức tôn giáo thuộc quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo nên được tổ chức tôn giáo tự mình quyết định việc quản lý, sử dụng hay định đoạt theo khoản 5 điều 21 và điều 56 của Luật Tín ngưỡng tôn giáo. Quyền đối với tài sản thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo được nhà nước bảo hộ theo các quy định tại Khoản 3 Điều 3 hay Khoản 6 Điều 7 của Luật Tín ngưỡng tôn giáo và nguyên tắc về bảo hộ quyền tài sản tại Bộ luật Dân sự hiện hành.

Còn việc tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội là các khoản quyên góp, tài trợ hay đóng góp tự nguyện của các cá nhân tổ chức cho mục đích bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, của các di tích lịch sử thuộc sự quản lý của cơ quan quản ý nhà nước về hoạt động văn hóa và di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa năm 2001 và được sửa đổi năm 2009 cũng như các văn bản hướng dẫn khác. Việc kiểm soát, giám sát chi phí đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì di tích đã có quy định chi tiết của Luật Di sản văn hóa, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tôi cho rằng Nhà nước cần tăng cường chức năng kiểm tra, giám sát theo đúng thẩm quyền khi xảy ra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tức là đối với các cơ sở tôn giáo đã tự chủ hoàn toàn hay thậm chí tự chủ được cả nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động lễ hội và các hoạt động thiện nguyện khác mà không cần sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì việc kiểm soát trực tiếp vấn đề thu - chi và hoạt động là không cần thiết và có thể gây ra những phản ứng trong dư luận.

Như vậy có thể thấy tiền công đức và tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội có bản chất khác nhau. Vậy theo ông, có nên quy định riêng để điều chỉnh việc quản lý đối với mỗi loại tiền này hay không?

Chắc chắn cần có quy định riêng vì bản chất của 2 loại tiền khác nhau nên phải có hình thức quản lý khác nhau để phù hợp với thực tiễn, tránh gây ra những mâu thuẫn, hiểu nhầm, tranh chấp như trong thời gian qua. Trên các phương tiện truyền thông hay các tổ chức tôn giáo tín ngưỡng cũng đã có những ý kiến liên quan đến câu chuyện này. Phải giải quyết những rắc rối trong thực tiễn cũng là mục đích của Thông tư lần này.

Trong truyền thống văn hóa của Việt Nam luôn luôn có câu chuyện công đức đối với các di tích, chùa chiền và khi điều này đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc rồi thì chúng ta mong muốn truyền thống tốt đẹp đó được phát huy.
Trong dự thảo thông tư lần thứ 3 có đưa ra quy định về việc các đơn vị tiếp nhận tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội phải mở một tài khoản riêng tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Sử dụng tiền công đức tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo phương thức thanh toán điện tử. Vậy quy định này có tác động như thế nào đến việc minh bạch tiền công đức, tiền tài trợ cho các di tích và lễ hội, thưa ông?

Ở đây chúng ta thống nhất là tiền công đức, tiền tài trợ thì phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch và không vụ lợi. Chính vì thế nên chúng ta cần phải có công cụ để thể hiện những nguyên tắc này. Các công cụ đó thì kho bạc, ngân hàng với hệ thống kiểm soát của mình có thể giúp chúng ta thực hiện được các nguyên tắc này. Chúng ta đang ở trong bối cảnh của xã hội số, nền kinh tế số, công dân số thì những câu chuyện liên quan đến các yếu tố đó cũng cần phải được thể hiện trong văn bản của thông tư, trong quy định cụ thể của Thông tư này. Vì thế, tôi nghĩ rằng đây là một điều phù hợp.

Khi tính minh bạch được đề cao thì những cá nhân đóng góp thấy yên tâm hơn bởi biết tiền của họ được sử dụng đúng mục đích. Tuy nhiên, quy định này có phù hợp, có tính khả thi và có thực sự quản lý được dòng tiền công đức, tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng minh bạch, hiệu quả hay không thưa ông, vì thực tế tâm lý của người dân hiện nay là thường vẫn có xu hướng công đức trực tiếp tại các di tích lễ hội, thưa ông?

Việc công đức trực tiếp tại các lễ hội thì chúng ta vẫn tiến hành bình thường. Điều quan trọng là toàn bộ số tiền đó sẽ được chuyển vào kho bạc, ngân hàng, sau khi được tập hợp lại với sự giám sát của các bên liên quan đến việc quản lý, tổ chức các lễ hội, di tích để từ đó có cách quản lý tiền chuyên nghiệp, minh bạch hơn chứ nó không vi phạm bất kỳ nguyên tắc nào và cũng không ảnh hưởng đến hành vi, thói quen công đức của người dân.

Trên thực tế chúng ta đã làm câu chuyện này từ trước đến giờ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, điều kiện của một Thông tư mới, có thể trong thời gian sắp tới, khi Thông tư được đưa vào thực tiễn thì cần có sự kiểm nghiệm, đánh giá trong thực tiễn, vì thực tiễn rất phong phú, đa dạng, có thể có những khác biệt so với tính toán của những người ban hành Thông tư, mặc dù khi ban hành Thông tư thì chúng ta rất cầu thị, đã soạn thảo lần này là lần thứ ba, lấy ý kiến của rất nhiều bên có liên quan, lắng nghe ý kiến của dư luận xã hội.
Xin cảm ơn ông!


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận