Hỗ trợ khó khăn trước mắt cho người lao động

TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xung quanh vấn đề này.

 

Số người lao động rút Bảo hiểm xã hội một lần đang gia tăng mạnh, điều này tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động và ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Giải pháp nào cho vấn đề này? Phóng viên Báo TNVN đã trao đổi cùng TS Vũ Minh Tiến (ảnh trên), Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm nay, số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là hơn 200 nghìn lượt người, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông, vì sao số lượng người lao động rút BHXH một lần lại gia tăng trong quý I này?

Theo quy định, sau 12 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà người lao động (NLĐ) không tìm được việc làm mới thì mới có đủ điều kiện để rút BHXH một lần. Như vậy, nếu NLĐ làm thủ tục rút BHXH một lần trong quý I năm nay, có nghĩa đây là những người đã chấm dứt HĐLĐ cách đây trên 12 tháng. Con số hơn 200 nghìn lượt NLĐ làm thủ tục rút BHXH một lần phản ánh về quan hệ việc làm cách đây 12 tháng.

So với năm ngoái và đặc biệt so với cách đây 3 năm thì con số này rất cao. Theo tôi dự đoán, năm nay số lượt người rút BHXH một lần có thể lên tới 900 nghìn đến 1 triệu, còn bình quân các năm trước là 600 nghìn đến 700 nghìn lượt người.

Quý I và quý II hằng năm là 2 tháng cao điểm NLĐ rút BHXH một lần bởi thông thường NLĐ sẽ làm đến Tết âm lịch, lấy tiền thưởng Tết, sau đó nghỉ Tết thì chấm dứt HĐLĐ. Bởi thế, tỷ lệ chấm dứt HĐLĐ vào quý I rất nhiều. Chính vì vậy, sau 12 tháng, tỷ lệ rút BHXH một lần sẽ tập trung vào quý I, II.

Tình trạng rút BHXH một lần hiện nay tăng mạnh bởi năm ngoái rất nhiều người bị mất việc làm do dịch Covid-19, thế nên sau 12 tháng sẽ có nhiều người rút BHXH. Những người rút BHXH một lần là những người đang rất khó khăn về kinh tế, đã vay nợ lãi suất cao, chơi họ để đi khám chữa bệnh, sửa nhà,… giờ cần có tiền để trả nợ và chỉ còn cách rút BHXH. Ngoài ra, còn có tình trạng NLĐ cắm sổ bảo hiểm để lấy tiền trang trải cuộc sống.

NLĐ rút BHXH một lần không phải do không nhận thức được lợi ích của BHXH, mà bởi NLĐ đang có thu nhập thấp, không có tích lũy ngoài BHXH, tính toán, cân đối mãi mà không còn cách nào tốt hơn là rút, cắm sổ BHXH. Quá khó khăn, quá cần tiền trước mắt nên người ta không thể lo đến tương lai 10, 20 năm sau.  Tất nhiên vẫn có một tỷ lệ nhất định nào đó NLĐ chưa nhận thức hết về vấn đề BHXH cũng như tính toán rằng để lại rất có lợi.

Theo ông, việc rút BHXH một lần gây ra những hệ lụy nào cho người đóng bảo hiểm và ảnh hưởng ra sao đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội? 

Thứ nhất, NLĐ để BHXH lại thì rõ ràng sau này có cơ hội đóng bảo hiểm tiếp để duy trì số năm đóng và được hưởng lương hưu mức cao. Tất nhiên hôm nay NLĐ có thể chấm dứt và một thời gian sau lại ký hợp đồng và đóng bảo hiểm nhưng tổng thời gian tham gia bảo hiểm sẽ rất ít, và sau này lương hưu thấp, không đảm bảo được cuộc sống.

Thứ hai, nếu không tham gia BHXH, ngoài không được hưởng lương hưu, NLĐ còn mất cả Bảo hiểm y tế, trong khi khám chữa bệnh rất tốn kém, và không được hưởng những điều chỉnh về chính sách an sinh xã hội sau này. Ví dụ như đợt vừa rồi hỗ trợ người mất việc do Covid-19 là chỉ những người tham gia BHXH.

Khi có công ăn việc làm mà không đóng góp vào quỹ an sinh thì lúc xảy ra chuyện sẽ rất khó để quỹ an sinh lo cho mình, bởi như vậy gây bất bình đẳng giữa người tham gia và không tham gia BHXH. Quyền và nghĩa vụ bao giờ cũng phải đi đôi với nhau. Đấy là những thiệt hại lớn nhất nếu rút BHXH một lần.

Cần bảo đảm việc làm thường xuyên, ổn định và tăng thu nhập, tiến tới có tích lũy cho người lao động.

Có những trường hợp NLĐ rút BHXH một lần bởi tính toán mức lương được lĩnh sau 20 năm quá thấp, không bù được sự trượt giá, hoặc mức bù trượt giá thấp hơn rất nhiều so với mức trượt giá trên thực tế. Ông nghĩ thế nào về câu chuyện này?

Lương hưu của NLĐ tham gia BHXH khi về hưu sẽ được tính trên cơ sở lương cơ sở và Nhà nước sẽ điều chỉnh để chống trượt giá. Còn nếu tính toán trượt giá như vậy thì đấy là tính theo gửi lãi suất ngân hàng, trong khi điều quan trọng ở đây là sự cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, người đóng cao sẽ bù cho người đóng thấp, đấy mới gọi là chính sách an sinh xã hội.

Hơn nữa, nếu sau này trượt giá nhiều thì Nhà nước sẽ điều chỉnh lương cơ sở để nhân với lương bảo hiểm. Có những người được hưởng lương hưu từ năm 1980 và bây giờ được tăng lương hưu, nên đây là chính sách an sinh xã hội và được nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, những chế độ, chính sách vẫn sẽ được tiếp tục sửa đổi theo hướng có lợi cho NLĐ. Chính sách của nhà nước là tiến tới an sinh xã hội toàn dân, BHXH toàn dân, thậm chí nhà nước còn phải bỏ thêm tiền hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, đóng BHYT cho người nghèo. Nếu nguy cơ thâm hụt quỹ thì ngân sách Nhà nước còn phải chuyển vào, tức là được nhà nước đảm bảo về nguồn chi trả.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, bởi chính sách hay thay đổi nên NLĐ không yên tâm mới rút BHXH một lần để đảm bảo quyền lợi của mình?

Đây là điều cần tuyên truyền cho rõ. Thực tế có rất nhiều người đang bị tin đồn từ mạng xã hội, từ truyền miệng dẫn dắt, còn thông tin chính thống bị lấn át. Khi chúng tôi đi điều tra thì NLĐ bảo họ nghe tin là rút năm nay được lợi, sang năm rút sẽ rất thiệt thòi, thậm chí người ta bảo bây giờ nhà nước đang sửa Luật BHXH theo hướng thắt chặt chuyện rút BHXH một lần, vì thế phải tranh thủ rút ngay. Tất cả những chuyện đó, truyền thông của cơ quan BHXH phải tuyên truyền, thông tin rõ tới NLĐ.

Theo cá nhân tôi, xu hướng có thể là thu hẹp đối tượng và điều kiện rút BHXH cũng bởi an sinh xã hội thôi, nhưng không đóng kênh rút tiền được bởi trước đây từng đóng và đã bị phản ứng rất nhiều. Hiện nay đang là thời điểm nóng về câu chuyện sửa BHXH. Sắp tới, BHXH sẽ giảm thời gian đóng (tất nhiên như thế thì lương hưu giảm), giảm thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương.

Ngày xưa phải đóng 20 - 25 năm, bây giờ có thể đóng 10 năm là đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Như vậy sẽ làm tăng cơ hội, tạo điều kiện cho những người tham gia BHXH được hưởng lương hưu. Đây là điều cần tuyên truyền cho NLĐ hiểu đúng và an tâm giữ lại BHXH. Việc tuyên truyền không phải chỉ là phân tích thiệt hơn khi rút BHXH mà còn đi sâu vào tuyên truyền định hướng sửa đổi Luật để NLĐ tính toán và đặc biệt là định hướng dư luận, có vậy mới không tạo nên trào lưu rút. Tất nhiên, tôi vẫn khẳng định tỷ lệ NLĐ chưa hiểu hết tính ưu việt của BHXH là không nhiều, chủ yếu vẫn là do NLĐ khó khăn về kinh tế.

Như ông cũng vừa phân tích, NLĐ hiểu được những hệ lụy mà họ phải đối mặt khi rút BHXH một lần, nhưng cực chẳng đã, họ vẫn phải rút. Vậy để giải bài toán rút BHXH một lần cũng như tình trạng mua - bán sổ BHXH, theo ông, cần những giải pháp nào? 

Giải pháp căn cơ số 1, lâu dài nhất vẫn là bảo đảm việc làm thường xuyên, ổn định và tăng thu nhập, tiến tới có tích lũy cho NLĐ, để NLĐ không nghĩ đến chuyện dừng hợp đồng để cắm sổ BHXH. Thứ hai là nên có các DN lớn, tiềm lực tài chính mạnh để giữ chân NLĐ.

Có thể có những quỹ tín chấp cho công đoàn cơ sở, đoàn thanh niên vay một khoản nóng nào đó trong vòng 3, 6 tháng hay 1 năm để giải quyết khó khăn trước mắt. Đồng thời nên tiếp tục phát huy mô hình tài chính vi mô, chuyên giải quyết những khó khăn cho NLĐ vay vài chục triệu, 100 triệu đồng với lãi suất phù hợp, hoặc không lãi suất.

Nếu bây giờ những người cắm sổ có chỗ nào tín chấp cho người ta vay thì chắc chắn người ta vay ngân hàng. Nhưng chẳng qua giờ đi vay ngân hàng thì thủ tục và điều kiện không đủ. Nếu có một tổ chức như công đoàn chẳng hạn đứng ra phối hợp với các tổ chức tài chính vi mô để cho NLĐ vay với lãi suất bằng ngân hàng nhà nước thì chắc chắn NLĐ sẽ không rút BHXH một lần hoặc cầm cố sổ BHXH.

Thứ ba là công tác tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ về lợi ích của việc tham gia BHXH, như vậy, họ không nghe dư luận đồn thổi nữa.

Về vấn đề niềm tin của NLĐ khi đóng BHXH, có nhiều ý kiến băn khoăn về tính minh bạch của Quỹ BHXH. Ông bình luận gì về điều này?

Một trong những nguyên tắc quản lý quỹ là phải công khai, đặc biệt là quỹ an sinh. Có lẽ trong Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới thì phải cụ thể hơn.

Ở cấp cơ sở thì NLĐ và công đoàn có quyền kiểm tra quá trình đóng bảo hiểm của mình, thế nhưng ở tầm vĩ mô thì hiện nay thu chi các quỹ này đang có kiểm toán nhà nước độc lập, chưa kể các giám sát bên Quốc hội và Thanh tra Chính phủ.

Hiện nay, việc này đang có sự tin tưởng nhưng vẫn nên công khai và phải công bố kiểm toán bởi lịch sử đã có tình trạng sử dụng quỹ này bị thất thoát. Tất nhiên Luật Kiểm toán có thể có những vấn đề về bí mật kinh doanh hoặc bí mật trong công bố, nhưng rõ ràng nên công khai, minh bạch ở mức cao nhất để NLĐ yên tâm.

Có những trường hợp NLĐ chưa kịp hưởng lương hưu thì qua đời. Từ đó nảy sinh thắc mắc, vậy họ sẽ bị thiệt thòi và số tiền đó đi đâu?

Có 2 trường hợp. Một là vẫn có khoản trợ cấp một lần, hoặc gọi là tiền tử tuất. Hai là có một số trường hợp chưa kịp hưởng BHXH hoặc hưởng BHXH trong thời gian ngắn do không may mất sớm, nhưng với BHXH ngoài nguyên tắc đóng - hưởng còn có nguyên tắc chia sẻ, có người đóng rất cao nhưng hưởng thấp, có người đóng nhiều nhưng hưởng ít, bù lại cho người đóng ít nhưng hưởng nhiều (người sống thọ).

Nhưng trong lần sửa Luật Bảo hiểm tới nên quy định nếu những trường hợp mất đột ngột thì ngoài tiền tử tuất nên giảm sự thiệt thòi của người đã mất bằng cách có thể tăng tiền tử tuất hoặc có phần chia sẻ cho thân nhân của họ.

Theo ông, vai trò của doanh nghiệp trong việc giảm tình trạng rút BHXH một lần là gì?

Khi NLĐ rút BHXH một lần là người ta đã ra khỏi DN, không làm ở đâu nữa nên vai trò của DN ở đây phải là vai trò trước khi chấm dứt HĐLĐ: giữ chân NLĐ bằng cách quan tâm đến việc làm, bằng đãi ngộ tiền lương. Khi đã chấm dứt HĐLĐ thì sự liên hệ với DN không còn nữa.

Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận