Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng nào?

Phóng viên VOV cùng Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật An Vy, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực luật kinh tế tài chính - phân tích cụ thể.

 

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành được Quốc hội thông qua từ tháng 11/2007 và có hiệu lực từ năm 2009. Trong hơn 10 năm qua, Luật Thuế thu nhập cá nhân đi vào cuộc sống đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng cũng bộc lộ những bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới. 
Vấn đề này được phóng viên VOV cùng Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật An Vy, chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực luật kinh tế tài chính - phân tích cụ thể.
Bộ Tài chính đang tiến hành rà soát và lấy ý kiến rộng rãi đối với việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông đánh giá như thế nào về yêu cầu sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân ở thời điểm này?
Việc phải sửa đổi là chuyện thường xuyên đối với các luật, đặc biệt với những luật có nhiều biến động trên thực tế về kinh tế - xã hội. Riêng Luật Thuế thu nhập cá nhân, thời gian gần đây có nhiều ý kiến, quan điểm cho rằng cần có những sửa đổi nhỏ. Nhiều luật thuế khác cũng cần đồng thời sửa đổi bởi sẽ có sự liên quan nhất định. Cần sửa đổi sớm để đảm bảo sự công bằng, một mặt nguồn thu của Nhà nước cũng sẽ ổn định, chất lượng hơn.

Bất chấp sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, thu nhập giảm, thế nhưng tổng số tiền thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này được nhắc đến rất nhiều để minh chứng cho sự bất cập, không theo kịp diễn biến thực tế của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Ông có bình luận như thế nào về câu chuyện này?

Nếu xét câu chuyện này theo mức thu nhập của mỗi cá nhân giảm do tình hình kinh tế khó khăn thì đúng là có bất ngờ. Thế nhưng nếu xét toàn cục, kỹ lưỡng thì đây là câu chuyện không có gì bất thường bởi ít nhất có 4 yếu tố:

Thứ nhất, thị trường chứng khoán rất sôi động, quy mô tăng trưởng rất lớn, mà chứng khoán thì không cần quan tâm đến thu nhập, cứ có giao dịch là phải nộp thuế 0,1%. Vì thế, số tiền thuế thu được từ thị trường chứng khoán đương nhiên tăng rất nhiều so với trước đó.

Thứ hai, thị trường bất động sản cũng sôi động trong mấy năm vừa qua, như vậy, phần thuế từ bất động sản cũng tăng lên. Đối với các cá nhân tham gia mua bán đều được tính một mức thuế cố định là 2% chứ không tính mức thu nhập của người đó. Thứ ba, về đầu tư kinh doanh trên mạng online của cá nhân, nghệ sĩ hay một số người viết phần mềm thời gian qua cũng có sự tăng trưởng rất lớn.

Cuối cùng mới đến thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công và từ những thu nhập khác.

Mấy năm qua, mặc dù khó khăn nhưng nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng. Người nghèo bị giảm thu nhập, nhưng người khá thì mức thu nhập vẫn tăng, bởi thế, tổng số tiền thuế thu nhập cá nhân tăng là hợp lý, thể hiện mặt bằng về kinh tế và thu nhập thực sự của những đối tượng bị thu thuế, trong đó có cả phần có thể không có thu nhập nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập.
Những phân tích trên cho thấy tổng số tiền thuế thu nhập cá nhân tăng nhưng không phải do tăng thu, lạm thu mà do tỷ lệ, do phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những lý do để chúng ta xem xét, cân đối lại thuế thu nhập cá nhân cho cân đối, đồng bộ. 
Theo ông, cần phải xác định nguyên tắc, định hướng như thế nào trong việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân?
Đối với các luật thuế thì điểm mấu chốt là phải tìm ra được triết lý của từng đạo luật, từng sắc thuế, từ đó chúng ta mới có thể tìm ra được giải pháp hài hòa để đi tới sửa đổi những chi tiết, điều khoản cụ thể. Khi đã thông suốt nguyên lý, nguyên tắc thì chúng ta có tăng - giảm hay điều tiết một chút cũng sẽ dễ dàng được chấp nhận bởi nó hợp lý. Ngay từ đầu, chúng ta phải xác định rõ tại sao thu mức thuế đó và thuế đó nhằm vào đối tượng nào, khấu trừ ra sao.

Mặc dù tên Luật không còn là thu nhập cao nhưng bản chất vẫn là đánh vào thu nhập cao. Về lý, dù có thu nhập chỉ 1 đồng cũng là thu nhập nên phải có kê khai, khai báo, có số liệu. Thế nhưng mục tiêu của việc thu thuế thu nhập cá nhân là để điều tiết xã hội, bảo vệ người nghèo, người yếu thế, vì vậy, nếu thu thuế của người có thu nhập thấp rồi lại đầu tư, bảo vệ trở lại cho họ thì điều đó không còn ý nghĩa nữa.

Do đó, phải thu thuế của những người có thu nhập trên trung bình, thu nhập cao và mức thu vừa phải, hợp lý thì người ta dễ dàng chấp nhận, nhà nước sẽ dễ dàng thu được thuế. Nếu chúng ta đặt ra những luật, quy định quá bất hợp lý, mức thu cao thì đối tượng phải nộp thuế thu nhập sẽ tìm cách lách thuế, trốn thuế, không có ý thức tự nguyện tuân thủ nộp thuế và đây sẽ trở thành rào cản trong việc thu thuế thu nhập cá nhân.

Việc xác định mức thuế hợp lý cũng rất khó. Vậy theo ông, để xác định mức thuế thu nhập cá nhân hiện nay đang cao hay thấp so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cần dựa trên cơ sở nào?

Việc xác định mức thuế đó là cao hay thấp phải dựa trên căn cứ, cơ sở khoa học, cân bằng giữa lợi ích của người nộp thuế và lợi ích của Nhà nước. Nếu chúng ta không tìm được cơ sở để tính mức thuế thu nhập theo lương tối thiểu hay thu nhập bình quân, chi phí tối thiểu của đời sống, mức chi tiêu khác nhau giữa các vùng, không tính toán đến mức lương tối thiểu khác nhau giữa các khu vực mà cứ cào bằng thì sẽ ngày càng gây ra những bức xúc và không tìm ra được vấn đề cốt lõi nằm ở đâu.

Cần có mức thuế bao phủ được các nhóm đối tượng khác nhau, bởi nếu chỉ có một mức cứng cho tất cả các nhóm đối tượng thì sẽ phát sinh câu chuyện mức thuế đó là cao ở chỗ này nhưng là thấp ở chỗ kia; mọi người sẽ luôn thấy mức thuế thu nhập cá nhân không hợp lý và dù tăng phần khấu trừ lên bao nhiêu cũng không hài lòng, vẫn sẽ có người phản ứng. Thuế suất cần vừa phải, đặc biệt ở mức khởi đầu, bước thuế không quá dày, phần khấu trừ có lý thay vì cào bằng.

Ngoài ra, cần có tin nhắn thông báo tới người nộp thuế số tiền phải nộp, để họ không mất quá nhiều thời gian vào thủ tục giấy tờ mỗi khi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu nhà nước có chính sách đúng sẽ hạn chế sự gian lận thuế, từ đấy thu được nhiều thuế hơn, quan trọng là tạo ra môi trường bình đẳng, công bằng, minh bạch hơn.
Việc phân chia mức lũy tiến thu nhập cá nhân thành 7 bậc như hiện nay được cho là quá nhiều bậc và khá rắc rối. Theo ông, cấp bậc để thu thuế nên được điều chỉnh theo hướng nào?
Tôi cho rằng cái gì đơn giản, đỡ phức tạp sẽ dễ hiểu, dễ được thực hiện và kết quả sẽ tốt hơn. Thuế thu nhập cá nhân từ lúc là Pháp lệnh sang làm Luật, tôi từng đề nghị phân chia tối đa làm 4 bậc thôi vì khi chúng ta cân đối tổng thể thì bản chất nguồn thu vẫn không biến động nhiều.

Nếu chia ra nhiều bậc không những phức tạp, rắc rối thêm mà còn khiến mọi người có cảm giác rằng mình sắp phải nhảy bậc mới và sẽ tìm cách tránh để không phải nộp thuế cao hơn, trong khi thực chất không phải như vậy bởi đấy chỉ là lũy tiến, tăng ở phần thêm, còn phần gốc vẫn như cũ.

Nếu chỉ chia thành 3 bậc thì rất đơn giản. Bậc thứ nhất thậm chí tôi đề xuất 2% thì tất cả mọi người sẵn sàng nộp ngay vì nó rất thấp, có ý nghĩa là để thống kê và tăng thêm ý thức của người nộp thuế, đặc biệt có rất nhiều khoản thu nhập thì lúc ấy cộng dồn vào có thể sẽ ở mức cao hơn. Bậc thứ hai là 5 - 10%. Bậc 3 tối đa là 20% và bậc này chỉ để cho những người có thu nhập thật sự cao, khoảng vài trăm triệu trở lên.

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện nay chủ yếu kiểm soát nhóm đối tượng là người lao động ăn lương với mức thu nhập trung bình, nhưng lại bỏ lọt một số nhóm đối tượng thu nhập cao, thậm chí rất cao. Vậy theo ông, vấn đề này cần có hướng tiếp cận thế nào khi chúng ta sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân?

Đấy chính là điểm khiến mọi người cảm thấy việc nộp thuế thu nhập cá nhân không công bằng. Những quan chức, nghệ sĩ, người làm nghề tự do khác có mức thu nhập hằng tháng và tài sản rất lớn nhưng cuối cùng tổng số thuế người ta nộp để có được tài sản ấy lại không đáng là bao.

Trong khi đó, những người làm công ăn lương thấy mình còn thiếu trước hụt sau nhưng vẫn phải nộp số thuế tương đối lớn. Hiện nay chúng ta đang từng bước thay đổi, có được dữ liệu, kể cả đầu tư kinh doanh nước ngoài, đầu tư kinh doanh trên mạng thì mới nói câu chuyện thu được thuế và công bằng. Còn tham nhũng, thu nhập bất hợp pháp là câu chuyện riêng, chỉ một chính sách thuế thì không làm được, phải là đồng bộ chính sách.

Và đấy mới là vấn đề lớn mà chúng ta mong muốn được giải quyết ở Luật Thuế thu nhập cá nhân mới. Chứ nếu chỉ tính câu chuyện chia làm mấy bậc, khấu trừ khoản nào và khấu trừ ở mức bao nhiêu thì đấy chỉ là bề nổi, còn bản chất chúng ta đã có thu nhập thì phải nộp thuế, thu nhập cao phải nộp cao, thu nhập thấp nộp thấp, nó công bằng, không bỏ sót.
Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận