Thu hẹp khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu: Làm cách nào?

Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam cùng bàn luận về câu chuyện này.

 

Xuất phát điểm chưa cao, trong khi lộ trình tăng lại kéo dài sau gần 10 năm, cộng với 2 năm lỡ hẹn vì dịch Covid-19, mức lương tối thiểu vẫn không đuổi kịp mức sống tối thiểu. Làm sao để khoảng cách giữa lương và mức sống tối thiểu thu hẹp? Giải pháp nào để cân bằng giữa người lao động và doanh nghiệp? Tiến sĩ Vũ Minh Tiến (ảnh nhỏ), Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao đông Việt Nam cùng bàn luận về câu chuyện này với phóng viên VOV.

Thưa ông, vì sao trong nhiều năm mức lương tối thiểu có tăng nhưng rất thấp, không như kỳ vọng?

Năm 2021 và 2022, chúng ta đang áp dụng mức lương tối thiểu của năm 2020. Hơn 1 năm vừa rồi chúng ta không điều chỉnh tăng lương tối thiểu, có nghĩa là lương tối thiểu đang bị giảm xuống. Thứ hai, trong nhiều năm qua, tuy chúng ta đã kịp thời điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhưng trong cách tính xác định mức sống tối thiểu chưa theo kịp giá cả của thị trường, vì thế, mức lương tối thiểu vùng đang thấp hơn thực tế rất nhiều.

Vậy theo ông, mức lương tối thiểu phải tăng lên bao nhiêu mới có thể tiệm cận với mức sống tối thiểu?

Một trong những bất cập nhất của việc xác định tiền lương tối thiểu vùng hiện nay là chúng ta đang tính toán mức sống tối thiểu không tiếp cận được với thực tế cuộc sống. Hiện nay, mức sống tối thiểu của NLĐ đã tăng lên, giá cả tăng cao, chi phí cho lương thực, thực phẩm, giáo dục, y tế,… rất lớn, thế nhưng trong cơ cấu để tính tiền lương tối thiểu lại đang để ở mức rất thấp.

Song song đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng rất mạnh, cộng thêm các yếu tố về thị trường, giá cả, sức lao động, quan hệ cung cầu, kể cả khả năng chi trả của DN, vì vậy, chúng ta nên sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu mà theo đúng luật, đáp ứng quy định của Bộ LĐ-TB&XH năm 2019, là làm sao tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ trong điều kiện làm việc bình thường của một lao động phổ thông ngày làm 8 tiếng. Tôi cho rằng chúng ta đang nợ mức lương tối thiểu với NLĐ khoảng 10%.

Thế nhưng lương tối thiểu chỉ là một phần trong câu chuyện thu nhập của NLĐ. Vấn đề lương của NLĐ còn liên quan tới sự đối thoại, thương lượng và yêu cầu của NLĐ đối với người sử dụng lao động phải trả lương xứng đáng, tương xứng với năng suất, chất lượng và đóng góp của NLĐ đối với DN đó.

Tại các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia nhiều năm qua đều chứng kiến những cuộc tranh luận không hồi kết. Có những năm giới chủ đề nghị giữ nguyên mức lương tối thiểu, còn công đoàn yêu cầu tăng 7%. Phải chăng do chúng ta chưa có một cơ quan độc lập xây dựng mức sống tối thiểu để tính toán mức lương tối thiểu phù hợp, thưa ông?

Không hẳn như vậy. Tinh thần chung là sẽ giao cho một cơ quan độc lập có đủ năng lực để tính toán, xác định mức lương tối thiểu của NLĐ. Trên cơ sở đó và căn cứ vào các yếu tố khác nữa như điều tra, khảo sát thì các bên quan hệ lao động sẽ đối thoại, thương lượng để tìm ra một mức lương tối thiểu vùng hợp lý nhất có thể.

Mức lương tối thiểu vùng cần phải điều chỉnh cho kịp với giá cả và mức sống tối thiểu.

Nhiều DN không muốn tăng lương. Phải chăng là do DN không muốn tăng mức đóng BHXH, thưa ông?

Nhiều DN dùng công cụ lương, tăng lương, tăng thu nhập cho NLĐ để thu hút được nhiều lao động đến với DN, phát huy được năng suất lao động và sự tích cực của NLĐ để tạo ra năng suất, chất lượng, từ đó tạo ra doanh thu. Trên thực tế, nhiều DN không đợi Chính phủ điều chỉnh tăng lương tối thiểu từng vùng mà chủ động tăng lương trước.

Tuy nhiên, cũng có một số DN chưa quan tâm, chú trọng vấn đề tăng lương. Lương thực tế thì DN có thể trả cao nhưng lương tối thiểu, lương cơ bản thì DN không điều chỉnh cao, có thể vì sợ mức đóng góp, trích nộp quỹ BHXH hoặc BHYT hoặc các trích nộp sẽ theo đó tăng cao. Thế nhưng với cách tiếp cận như vậy thì rất khó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và giúp DN phát triển.

Mức sống tối thiểu, khả năng chi trả của DN được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2019 cũng đã gây tranh cãi vì thiếu công cụ kiểm soát. Theo ông, cơ quan nào chịu trách nhiệm công bố khả năng chi trả của DN?

Vấn đề này nên thông qua các cuộc điều tra khảo sát của Hội đồng Tiền lương Quốc gia hoặc một cơ quan độc lập, ví dụ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Tổng cục Thống kê đánh giá thì khách quan hơn. Để xác định được khả năng chi trả của DN thì nên xác định khả năng chi trả theo từng ngành, từng vùng.

Bên cạnh đó là rất nhiều yếu tố đầu vào khác, nhưng để có thông tin chuẩn xác về những yếu tố này thì rất khó khăn bởi đó có thể là số liệu thuộc về bí mật kinh doanh, như vấn đề doanh thu, lợi nhuận, vấn đề trả phần trăm tiền lương, trả phần trăm cho môi giới. Như vậy, rất khó dùng một biện pháp hành chính để đo đếm được ngay mà nên có một cơ quan nghiên cứu độc lập để điều tra, đánh giá, khảo sát một cách khoa học sẽ chuẩn hơn.

Và cần có sự tham gia của cơ quan chức năng nhằm xác định được DN lời lỗ ra sao để làm cơ sở tính toán mức lương tối thiểu, đúng không thưa ông?

Khi nói chuyện điều chỉnh tiền lương tăng, các chủ DN bao giờ cũng nêu rằng rất khó khăn, không có khả năng chi trả thêm. Thế nhưng trong các báo cáo của ngành về xuất nhập khẩu đều rất tươi đẹp, và DN đó vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, tiếp tục tuyển lao động.

Vì thế, việc các DN đó nói rằng không có khả năng chi trả hoặc khả năng chi trả rất kém thì cần phải chứng minh bằng các con số đầu vào đầu ra cũng như cơ cấu tiền lương của NLĐ. Và quan trọng nhất là phải xác định tiền lương tối thiểu nói riêng và tiền lương chi trả cho NLĐ, tức là giá cả sức lao động là theo ngành và theo vùng thì mới chính xác.

Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã nêu rõ là đến năm 2020, lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu. Thế nhưng kỳ lương năm 2020 vừa qua không được như mong đợi và 2 năm sau đó thì trễ hẹn vì dịch Covid-19. Vậy cần tính toán mức lương tối thiểu thế nào để đảm bảo NLĐ vẫn sống được và phù hợp với khả năng chi trả của DN, thưa ông?

Tiền lương tối thiểu vùng là mức lương mà Chính phủ xác định ra làm căn cứ sàn, tức là mức lương thấp nhất mà NLĐ làm trong giờ tiêu chuẩn, trong điều kiện làm việc tiêu chuẩn thấp nhất thôi. Thế nhưng bây giờ hầu hết các DN lại căn cứ vào mức lương tối thiểu vùng công bố để xác định lương cơ bản, theo đó, lương cơ bản cao hơn lương tối thiểu vùng từ 7 - 10%.

Như vậy, lương tối thiểu vùng đang được khoác thêm vai trò khác với vai trò đầu tiên được định ra, tức là làm cơ sở cho các bên căn cứ thương lượng đối thoại. Lương cơ bản của các DN dường như đang bị khống chế, định đoạt bởi một nhóm DN nào đó theo ngành, theo vùng và thường người ta ngồi với nhau một cách không chính thức để xác định, thống nhất rằng lương ngành này ở vùng này thì chỉ chi trả cho NLĐ giới hạn ở một mức nào đó.

Vì thế, người ta xác định lương cơ bản chỉ ở mức thấp như vậy, để NLĐ nếu chỉ làm theo tiêu chuẩn giờ là 8 tiếng/ngày thì chỉ được mức lương cao hơn lương tối thiểu vùng 70%. Trên thực tế, hầu hết NLĐ phổ thông nếu không làm thêm giờ sẽ không đủ sống và rơi vào cảnh nghèo đói.

Câu chuyện ở đây là mức lương tối thiểu vùng cần phải điều chỉnh cho kịp với giá cả, xứng đáng với sức lao động, sự cống hiến của NLĐ trong DN. Cần tăng cường tiếng nói của NLĐ, tăng cường vai trò đối thoại của tổ chức công đoàn cơ sở đại diện cho NLĐ, làm sao phải thương lượng, thậm chí là đấu tranh để phản ánh mong muốn, nguyện vọng, cống hiến, công sức của NLĐ, từ đó yêu cầu DN điều chỉnh lương cơ bản cũng như tính đơn giá tiền công tiền lương tương xứng với công sức lao động. Có như vậy mới thu hút và khuyến khích NLĐ làm việc có năng suất, chất lượng và giúp DN phát triển, có lãi.

Nếu năm 2022 không điều chỉnh tăng lương tối thiểu, thì có nghĩa là 2 năm liên tiếp không điều chỉnh tăng lương. Theo ông, điều này tạo áp lực như thế nào đối với việc điều chỉnh lương tối thiểu vào năm 2023?

Việc không tăng lương tối thiểu trong 2 năm, và chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 được dự báo sẽ tăng rất cao, cộng thêm nhu cầu lao động rất lớn, như vậy cộng dồn lại sẽ tạo thành sức ép phải điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng rất cao.

Và nếu tăng đúng theo chúng ta mong muốn và đúng theo luật thì năm 2023, lương tối thiểu vùng phải tăng trên 10%. Nhân đây, tôi cũng kiến nghị sớm điều chỉnh lương tối thiểu ngay trong năm 2022, và nếu được thì tăng ngay từ tháng 7/2022. Đến năm 2023 chúng ta điều chỉnh tiếp, như vậy, chúng ta chia giai đoạn tăng lương tối thiểu vùng làm 2 kỳ sẽ đỡ chịu sức ép từ sự cộng dồn.

Xin cảm ơn ông!



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận