Giải quyết chất thải liên quan đến Covid-19: Trách nhiệm chính thuộc về địa phương

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam.

 

Rác thải sinh hoạt chưa xử lý của những người mắc Covid-19 tự cách ly, điều trị tại nhà là nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh cho cộng đồng khi chưa được phân loại, xử lý đúng. Mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý loại rác thải lây nhiễm này nhưng trên thực tế việc này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Cần làm gì để xử lý triệt để rác thải liên quan đến dịch Covid-19?

Phóng viên VOV trao đổi vấn đề này với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh (ảnh nhỏ), Viện trưởng Viện Chính sách kinh tế môi trường, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam.

Thưa PGS.TS, theo quy định, rác thải từ những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà là chất thải lây nhiễm độc hại, phải được phân loại, thu gom, xử lý riêng, thế nhưng việc thu gom, xử lý rác thải này gặp rất nhiều khó khăn. Ông nhìn nhận thực tế này như thế nào?

Đây là điều đáng lo ngại bởi hiện chưa thấy có động thái gì trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của F0 điều trị tại nhà theo nguyên tắc xử lý chất thải độc hại. Chúng ta cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài để chất thải này được xử lý theo đúng quy định của Nhà nước đối với chất thải độc hại, tránh tối đa việc lây lan Covid-19 trong cộng đồng, đồng thời để cộng đồng có nhận thức đầy đủ về loại rác thải nguy hại này nếu bị phát thải ra môi trường.

Trên thực tế, có những gia đình có F0 đã khai báo với y tế địa phương nhưng vẫn không được hướng dẫn cách thu gom và xử lý rác thải trong quá trình điều trị cho F0 tại nhà. Trong trường hợp nếu có hướng dẫn thì rác thải của những hộ có F0 vẫn được đổ chung với các loại rác thải thông thường và đưa ra bãi chôn lấp. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Với một khối lượng lớn chất thải như vậy mà không được thu gom, xử lý theo đúng quy định thì sẽ đe dọa tới sức khỏe con người và môi trường. Lẽ ra chúng ta phải điều tra xem tại sao dịch Covid-19 lại lây lan trong cộng đồng nhanh như vậy, biết đâu chính rác thải từ những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà là nguyên nhân làm phát tán virus trong môi trường. Vì thế, việc xử lý rác thải này là rất quan trọng và cấp bách. Thường thì chất thải này có cơ chế thu gom riêng, thùng đựng riêng, xử lý riêng.

Rác thải của F0 cần được thu gom riêng.

Theo tôi, có 2 nguyên nhân chính khiến loại rác thải này chưa được xử lý tốt, đó là từ cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan quản lý trực tiếp xem lại việc chỉ đạo từ trên xuống như thế nào và ý thức của người dân. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ phía cơ quan thu gom rác. Những người trực tiếp đi thu gom rác phải được hướng dẫn cách thu gom và có phương tiện để thu gom loại rác thải này. 

Chính vì coi đây là rác thải nguy hại nên ngay từ khi bùng phát dịch Covid-19, Bộ Y tế và Bộ TN-MT đều đã có các văn bản hướng dẫn cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý. Hướng dẫn thì đã có, vậy tại sao tình trạng này không được cải thiện? Do năng lực hay do ý thức, thưa ông?

Ngay từ khi xuất hiện dịch này, Bộ trưởng Bộ TN-MT rất quyết tâm và chỉ đạo, thế nhưng chỉ đạo thì dựa trên các văn bản cũng như các nguyên tắc mà trước đấy chúng ta đã xử lý chất thải độc hại rồi và trách nhiệm này không thuộc về Bộ TN-MT hay cơ quan y tế khi đã có hướng dẫn rồi, mà thuộc về chính quyền địa phương.

Người dân chờ chính quyền địa phương triển khai thực hiện và hướng dẫn đối với trường hợp nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà thì cách thu gom chất thải của F0 như thế nào, để vào đâu. Ở trên đã có chỉ đạo mà sao chính quyền địa phương không triển khai? Lẽ ra ở địa phương phải triển khai và có vướng mắc gì thì phản hồi.

Thế nhưng trong khi cơ quan Trung ương rất sốt ruột thì dưới cơ sở lại “bình chân như vại”. Trong khi lúc cách ly thì làm rất quyết liệt, giờ lại bỏ lỏng tất. Tại sao vẫn đội quân ấy, con người ấy, phường ấy mà không tiếp tục chỉ đạo việc thu gom rác này như thế nào và ngay lập tức có kênh thu gom riêng.

Thứ hai nữa là ý thức người dân. Những hộ có F0 phải báo cho cơ quan y tế. Và cơ quan y tế phải có trách nhiệm chứ nếu báo rồi mà không nhận được sự chỉ đạo nào thì người dân sẽ không báo lên nữa. Vì thế, chính quyền địa phương và người dân phải phối hợp với nhau, nhưng trách nhiệm, vai trò chính vẫn là ở chính quyền địa phương, phải có chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra.

Và chính quyền địa phương cũng cần kiểm tra rõ xem cơ quan cấp trên như huyện, tỉnh có làm hay không để quy rõ trách nhiệm, chứ nói chung chung thế này rất khó. Để giải quyết việc này thì phải có sự thông suốt từ sự chỉ đạo của cơ quan chuyên môn tới địa phương. Và chính quyền cơ sở phải thấy mình là người trong cuộc, phải thấy đấy là việc của mình, từ đó thực hiện quyết liệt.

Vì vậy, đây vẫn là vấn đề ở nơi thực thi chứ không phải là ở văn bản, chỉ đạo. Có những phường rác thải để ngay ngoài cửa mỗi nhà dân nhưng cũng không ai có ý kiến. Đây là vấn đề cần phải chấn chỉnh ngay để góp phần vào việc thu gom, xử lý rác thải từ những người mắc Covid-19 điều trị tại nhà, nhất là trong tình trạng hiện nay, dịch bệnh lây lan rất nhanh và rộng trong cộng đồng.

Để giải quyết tình trạng lơ là, thờ ơ từ cấp cơ sở trong việc triển khai, xử lý rác thải cần phải có những giải pháp như thế nào, thưa ông? 

Vấn đề rác thải phải được phối hợp giữa chính quyền, người dân và cơ quan thu gom rác. Theo tôi, điều cơ bản nhất vẫn là hệ thống quản lý ở địa phương, mà địa phương cấp gần dân nhất vẫn là chính quyền phường xã. Đầu tiên là chính quyền cơ sở có làm không? Làm đúng quy trình chưa? Nắm bắt được chưa?

Thứ hai là cấp dưới làm thì phải có chỉ đạo ở trên. Vậy việc chỉ đạo ở cấp trên rõ ràng chưa? Nếu có chỉ đạo thì phải có văn bản chỉ đạo xuống. Nếu có chỉ đạo, có văn bản mà địa phương không triển khai thì trách nhiệm thuộc về địa phương.

Thứ ba, khi chính quyền từ trên xuống dưới đã chỉ đạo, triển khai thực hiện mà dân không có ý thức thực hiện thì trách nhiệm thuộc về dân. Người dân có trách nhiệm thì phải báo lại cho tổ nơi mình ở, và tổ báo lại cho phường, xã.

Cơ quan thu gom rác cũng phải được tập huấn đào tạo cách thu gom rác thải độc hại để ngay người đi thu gom rác trực tiếp cũng hiểu và tránh được nguy cơ, bản thân họ cũng không bị nhiễm Covid từ rác thải này.

Một điều rất quan trọng là phương thức tuyên truyền thông tin đại chúng. Ví dụ thông tin về quy định chất thải của F0 phải để riêng vào túi màu gì, có gắn giấy ghi là rác thải của F0 và phải có nơi tập kết rác thải đó. Và nếu được tuyên truyền, người dân biết điều này có ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân, gia đình mình thì sẽ thực hiện nghiêm túc. Phải thực hiện tuyên truyền ngay và cách tuyên truyền nhanh nhất, hiệu quả nhất là từ hệ thống loa phường.

Theo Tổ chức Y tế thế giới thì hàng nghìn tấn rác thải y tế từ đại dịch Covid-19 đang gây áp lực lớn đối với hệ thống rác thải y tế toàn cầu và đe dọa sức khỏe con người trên toàn cầu cũng như môi trường. WHO đã đưa ra những giải pháp hạn chế rác thải y tế như chất liệu và thiết kế đồ bảo hộ cá nhân hợp lý hơn, có thể tái sử dụng; hạn chế bao bì nhựa... Với Việt Nam, những giải pháp này có khả thi không, thưa ông?

Để trả lời có khả thi hay không thì không thể trả lời ngay được nhưng theo tôi, những gì thế giới đã làm thì phần lớn mình cũng có thể học cách làm của họ. Ví dụ như đồ đựng rác thải được làm từ chất liệu sử dụng một lần nhưng dễ phân hủy, đồ bảo hộ được làm bằng chất liệu thân thiện với môi trường, thiên nhiên.  

Vấn đề là trong điều kiện thực tiễn ở Việt Nam thì áp dụng như thế nào vào thực tế. Điều này là do từng cơ quan, địa phương có cơ chế khuyến khích, biện pháp thông minh khôn khéo để đưa vào vận hành trong thực tế.

Xin cảm ơn ông!


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận