Tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi: Những điều kiện cần để đảm bảo an toàn

Phóng viên VOV bàn về câu chuyện này với TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

 

Trong tháng 3 này, nước ta sẽ nhập khẩu 7 triệu liều vaccine phòng Covid-19 của hãng Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết đồng ý mua 21 triệu liều vaccine để tiêm cho 11,9 triệu trẻ em ở độ tuổi này. Vậy ngành y tế đang triển khai những điều kiện gì để đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ? Phóng viên VOV bàn về câu chuyện này với TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Đến thời điểm này đã có gần 60 nước triển khai tiêm phòng vaccine Covid-19 cho nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi. Vậy các quốc gia đã thực hiện và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá như thế nào về việc tiêm ngừa vaccine cho lứa tuổi này, thưa ông?

Với kinh nghiệm triển khai từ hàng chục nước trên thế giới, người ta thấy rằng việc tiêm phòng vaccine Covid-19 cho trẻ em vẫn an toàn và hiệu quả. Ở đây, hiệu quả đặt ra là phòng tránh được tình trạng nhập viện, thể nặng, và hạn chế được tình trạng hậu Covid-19 đối với trẻ em.

Thưa bác sĩ, ông có thể thông tin thêm cho phụ huynh về tính an toàn và các tác dụng phụ có thể gặp khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi?

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đã triển khai và từ thử nghiệm lâm sàng cũng như thông tin từ hậu bán hàng của hãng, chúng ta thấy tỷ lệ phản ứng gặp phải ở nhóm trẻ từ 5 - 11 tuổi thấp hơn rất nhiều so với nhóm từ 12 tuổi trở lên và người lớn. Với liều lượng, mật độ vaccine đưa vào như vậy thì những phản ứng thông thường cũng thấp chứ chưa nói tới phản ứng bất lợi. 

Có nhiều bậc phụ huynh cho rằng, vaccine về lâu dài có tác hại cho trẻ nhỏ và rất lo lắng vì điều này. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Vaccine sau khi được tiêm vào cơ thể thì nó không đi vào trong nhân tế bào mà chỉ vào đến bào tương - tức là nơi sản xuất ra protein. Như vậy có nghĩa vaccine không thể ảnh hưởng đến di truyền của trẻ, không thể ảnh hưởng đến thế hệ sau. Ngoài ra, chỉ sau khoảng 10 - 14 ngày, toàn bộ những gì thuộc về vaccine đã được cơ thể giải phóng, phân hủy hoàn toàn và không còn ảnh hưởng gì đến cơ thể nữa. Lúc đấy chỉ còn miễn dịch để chống lại virus thôi.

Có chăng chỉ là một chút vấn đề liên quan đến sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể, có thể có những cơ thể đáp ứng hơi quá mức một chút đối với protein gai của virus, thế nhưng điều này còn thấp hơn rất nhiều so với việc nhiễm virus tự nhiên. Chính vì vậy, không có gì phải băn khoăn khi tiêm vaccine Covid-19.

Thời gian qua, số trẻ mắc Covid-19 đang tăng rất cao. Một số phụ huynh cho rằng khi con đã mắc Covid-19 rồi thì sẽ miễn dịch và không cần tiêm phòng nữa. Vậy với các em trong lứa tuổi từ 5 - 11 tuổi mà đã mắc Covid-19 thì có nên tiêm phòng trong thời gian tới nữa không, thưa ông?

Có một điều rất lạ ở con virus này là khả năng né tránh miễn dịch của nó. Sau khi nó gây nhiễm xong thì nhiều người cho rằng việc đáp ứng qua trung gian tế bào, đáp ứng miễn dịch là rất tốt và sẽ có ngay miễn dịch để phòng, thời gian miễn dịch cũng kéo dài hơn vaccine. Nhưng thực tế cho thấy điều đó chỉ đúng với người đã có 1 lần tiêm rồi thôi. Còn với những người chưa từng tiêm vaccine thì sau khi khỏi, lượng miễn dịch có ở trong cơ thể không cao. Và đấy là lý do tại sao vẫn có hiện tượng tái nhiễm, đặc biệt khi có chủng mới.

Bởi tính né tránh miễn dịch của virus này nên các nhà khoa học khuyên rằng chúng ta vẫn có 1 mũi tiêm nữa hoặc là tiêm lại theo phác đồ đang có của trẻ, như vậy mới đảm bảo rằng miễn dịch sinh ra đầy đủ. Điều này cũng đã được chứng minh trên thực tế - người nào đã được tiêm rồi sau đó nhiễm, hoặc nhiễm rồi sau đó lại tiêm thì miễn dịch có được cao hơn nhiều so với việc chỉ miễn dịch tự nhiên.

Hiện nay phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như viêm đường hô hấp trên, rối loạn tiêu hóa và hồi phục trong khoảng thời gian 1 - 2 tuần. Thế nhưng theo các chuyên gia y tế, có 4% trẻ có thể trở nặng hoặc nguy kịch và thời gian nguy cơ thông thường rơi vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Vậy việc tiêm vaccine sớm cho trẻ sẽ mang lại lợi ích gì cho trẻ và cộng đồng, thưa ông?

Ở những trẻ đã được tiêm (nhóm 12 - 18 tuổi) và ở các quốc gia khác, trẻ ở nhóm 5 - 11 tuổi cũng đã được tính vào đây thì đáp ứng của trẻ đối với virus cũng nhẹ nhàng, không có các biểu hiện sốt cao quá mức, không có tình trạng nguy kịch và tỷ lệ trẻ không phải đến cơ sở y tế, không phải nhập viện giảm rất nhiều. 

Như vậy, mặc dù vaccine không bảo vệ được chuyện lây từ trẻ này sang trẻ khác hoặc lây sang người lớn… nhưng chắc chắn vaccine giúp cơ thể đáp ứng một cách đúng mức, có trọng điểm đối với virus. Điều này rất tốt đối với bất cứ ai chứ không phải chỉ với riêng người lớn hay trẻ em.

Để đảm bảo sẵn sàng tiêm cho trẻ an toàn nhất thì theo ông, công tác tập huấn cũng như hướng dẫn tiêm chủng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi cần phải đặt trọng tâm vào các vấn đề gì?

Chúng tôi đặt trọng tâm vào vấn đề xử lý phản ứng tâm lý của trẻ. Đương nhiên bác sĩ nhi, bác sĩ về dịch tễ học, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đều cần có trong hội đồng, trong việc đưa ra những khuyến cáo, đưa ra tài liệu hướng dẫn trực tiếp hoạt động liên quan đến vấn đề tâm lý, giải thích, động viên để cho trẻ yên tâm. Ngoài ra, gia đình cũng rất quan trọng.

Ở đây chúng tôi muốn nói đến câu chuyện theo dõi sức khỏe của trẻ sau khi tiêm. Trẻ lớn có thể biết thông báo với chúng ta; người lớn thì đương nhiên biết mình như thế nào nhưng ở trẻ nhỏ thì việc tự theo dõi bản thân sẽ không bằng, vì vậy, người lớn phải luôn ở bên và theo dõi sát sao trẻ, không để trẻ vận động mạnh sau tiêm, đấy chính là cách chúng ta đảm bảo mũi tiêm an toàn cho trẻ. 

Ông vừa nhấn mạnh đến sự phối hợp của gia đình trong việc theo dõi và chăm sóc trẻ. Việc chăm sóc, theo dõi trẻ để nhận biết cũng như xử lý được những vấn đề sau tiêm nếu có, được ngành y tế khuyến cáo ra sao, thưa ông?

Thực ra việc này không khó. Những bất thường liên quan đến mũi tiêm không có gì phức tạp, chỉ là những dấu hiệu như sốt cao, quấy khóc hoặc những biểu hiện về tinh thần như có tình trạng lờ đờ, mệt mỏi, có tình trạng giảm đáp ứng hay không… Vấn đề là có nhiều phụ huynh không biết bình thường sức khỏe con mình như thế nào, không biết khi trẻ khó chịu sẽ có biểu hiện ra sao, để khi trẻ có dấu hiệu bất thường sẽ có thể nhận biết được và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Đấy chính là điều chúng ta muốn tập huấn cho cộng đồng để từng ông bố bà mẹ có sự theo dõi, chăm sóc trẻ tốt hơn, ngay cả trong những điều kiện bình thường. 

Việc phổ biến kiến thức trong cộng đồng không bao giờ thừa, nó sẽ có những điểm tốt trong lúc này và có cả những giá trị về sau này nữa bởi không phải chỉ có vaccine Covid-19 mà còn những vaccine khác nữa cũng cần phải theo dõi, thậm chí theo dõi kỹ hơn cả vaccine Covid-19.

Qua những phân tích này cho thấy rõ ràng việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường, cơ sở y tế là vô cùng cần thiết để đảm bảo mũi tiêm an toàn. 

Xin cảm ơn ông!
 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận