Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát tại nhiều địa phương, tỷ lệ người dân tiêm đủ các mũi vaccine phòng bệnh cao nên lượng người dân đến các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, tham gia lễ hội xuân có xu hướng gia tăng. Làm thế nào để đảm bảo đời sống tinh thần, tâm linh cho người dân dịp đầu xuân mà vẫn an toàn trong phòng chống dịch? Phóng viên VOV bàn luận vấn đề này với ông Lương Đức Thắng (ảnh nhỏ), Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL.
Trong 2 năm qua, nhiều địa phương đã phải dừng các hoạt động lễ hội để phòng chống dịch Covid-19. Điều này tác động ra sao đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thưa ông?
Nước ta có truyền thống tốt đẹp là vào đầu năm mới đi cầu cho quốc thái dân an, mọi người mạnh khỏe, hạnh phúc, đất nước phát triển, yên bình. Đây cũng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Đi lễ - hiểu sâu hơn là chúng ta tri ân những người có công với đất nước, dân tộc, qua đó nhìn lại chính mình để ngày càng hoàn thiện bản thân. Khi dịch bệnh xuất hiện, đời sống tâm linh của người dân bị thay đổi đột ngột, đứt đoạn. Thế nhưng điều này cũng giúp ta có thời gian nhìn lại, bình tĩnh suy xét về những ứng xử với lễ hội, việc thực hành tín ngưỡng bắt đầu có những thay đổi căn bản. Đây là sự chuyển biến, thay đổi theo hướng tích cực.
Ngay trong và sau Tết Nguyên đán, Cục Văn hóa cơ sở đã có những chuyến khảo sát tại một số điểm lễ hội lớn. Vậy so với những năm trước thì năm nay việc tổ chức lễ hội tại các địa phương như thế nào, thưa ông?
Qua nắm bắt tình hình thực tế tại đền Trần và phủ Giầy (Nam Định) và báo cáo của các địa phương, chúng tôi thấy tình hình lễ hội năm nay có những chuyển biến rất tích cực. Thứ nhất, các địa phương quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng. Thực hiện Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư và Chỉ thị 35 của Thủ tướng Chính phủ về việc thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh, trong 2 năm qua, chúng ta đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt ý thức phòng chống dịch khi đi hội, đi lễ của người dân có sự thay đổi mạnh mẽ. Năm nay, dù số lượng khách đến lễ hội đông nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn, nhốn nháo, tranh cướp lộc.
Thứ hai là sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền địa phương. Trước đó, chúng tôi đã có những cuộc trao đổi với địa phương về việc căn cứ vào tình hình thực tế, đồng thời nghe khuyến cáo của ngành y tế để ban hành các văn bản chỉ đạo nhưng quyết định của địa phương không được trái hoặc cao hơn các quyết định của Trung ương hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành. Điều quan trọng nhất là chúng ta vừa phải đảm bảo phòng chống dịch vừa đảm bảo đời sống tâm linh, văn hóa, tinh thần của người dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ông đánh giá như thế nào về tâm thế tham gia lễ hội của người dân?
Về mặt nhận thức, người dân đã có thay đổi căn bản, tích cực. Chỉ có lòng dân và sự đoàn kết, thống nhất để hành động cùng với Đảng và Nhà nước, Chính phủ thì chúng ta mới có thể chiến thắng đại dịch một cách bền vững và phục hồi phát triển kinh tế mạnh mẽ. Không chỉ trong lễ hội mà ngay đợt Tết Nguyên đán vừa qua, chúng tôi thấy hầu hết các gia đình đều hạn chế đi tiếp xúc bên ngoài, giao lưu, chủ yếu chỉ trong phạm vi gia đình.
Đây là chuyển biến căn bản trong ý thức của người dân và là biện pháp góp phần thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh hiện nay.
Hôm 16/2, chùa Hương đã chính thức mở cửa đón khách trở lại sau 20 ngày tạm dừng khai hội vì dịch Covid-19 và 5 ngày chạy thử nghiệm. Qua các cuộc khảo sát tại nhiều địa phương trên cả nước nói chung cũng như ở chùa Hương nói riêng, ông đánh giá như thế nào về sự vào cuộc của các địa phương trong vấn đề quản lý và tổ chức lễ hội?
Năm nay có sự chuyển biến từ nhận thức của các cấp chính quyền, đặc biệt là các địa phương đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND ban hành các văn bản để quản lý tốt các hoạt động lễ hội đầu năm. Ngành y tế cũng đưa ra các khuyến cáo với người dân từ trước khi diễn ra lễ hội.
Tại Nam Định, từ cách đây 1 tháng, tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo năm nay sẽ tạm dừng phần lễ, đồng thời làm tốt công tác truyền thông để người dân thập phương biết rằng năm nay sẽ không tổ chức phần lễ, chỉ trong nội tự làm công tác đó, như thế, người dân sẽ hạn chế đến. Còn việc thành tâm lễ kính Ngài thì chúng ta có thể đến vào bất cứ thời điểm nào vẫn thể hiện được tấm lòng đối với những bậc có công với đất nước, với dân tộc.
Đối với chùa Hương, năm ngoái chúng tôi đã thành lập đoàn đi kiểm tra, thì thấy UBND huyện Mỹ Đức đã làm rất tốt ngay từ khâu phân luồng giao thông tới phòng chống dịch bệnh. Trên đoạn suối Yến, rất nhiều các bảng biển hướng dẫn hành khách tuân thủ quy định phòng chống dịch bệnh, rồi cách xử lý của ngành y tế nếu có những tình huống phát sinh.
Đấy là một sự đồng bộ. Và tại rất nhiều sự kiện, lễ hội, chúng tôi đều thấy có được sự đồng bộ như thế này. Tôi cho rằng đây là biện pháp căn cơ để thực hiện tốt việc phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Thời gian tới, Cục Văn hóa cơ sở có định hướng, giải pháp cụ thể như thế nào trong việc kiểm tra, giám sát các địa phương tổ chức lễ hội sao cho vừa đảm bảo cho nhân dân vui Xuân, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, thưa ông?
Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để qua đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, một trong những giải pháp căn cơ mà chúng tôi đang triển khai, là phải truyền thông, tuyên truyền để người dân hiểu biết, nâng cao nhận thức về việc thực hành các tín ngưỡng làm sao cho đúng, tránh những hành động phản cảm như chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, qua đó chúng ta chấn chỉnh lại việc đi lễ hội cho đúng, văn minh, thực hiện tâm tốt, tâm sáng, hướng về những điều tốt đẹp trong xã hội. Có như vậy chúng ta mới giải quyết được cái gốc của vấn đề.
Sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư và kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, năm nay, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ chọn chủ đề là Năm Văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ. Về công tác văn hóa cơ sở, xây dựng đạo đức lối sống, trong đó có việc thực hành tín ngưỡng thì chúng ta phải bắt đầu từ cơ sở để chấn hưng lại văn hóa.
Chúng tôi sẽ tổ chức một hội nghị dự kiến vào ngày 4 hoặc mùng 5/3 tại Nghệ An có sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh, thành. Tại hội nghị này, chúng tôi sẽ phát động cuộc chấn hưng văn hóa bắt đầu từ cơ sở. Chúng tôi cũng gửi văn bản cho UBND tỉnh để quán triệt, chỉ đạo đến tất cả các cấp, các ngành để nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt trong vấn đề về tín ngưỡng.
Mùa lễ hội Xuân Nhâm Dần 2022 đã bắt đầu khởi động. Ông có lời nhắn nhủ gì tới người dân cả nước khi tham gia lễ hội và du xuân?
Trước hết, chúng tôi vẫn muốn nhắn nhủ là người dân cả nước phải thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi phòng chống dịch.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định đi lễ, đi chùa, an toàn giao thông, không sử dụng bia rượu.
Thứ ba, nâng cao nhận thức về thực hành tín ngưỡng để làm sao cho đúng, văn minh, lịch sự, an toàn, tiết kiệm. Đây mới là cái chân - thiện - mỹ mà chúng ta hướng tới ở lễ hội.
Xin cảm ơn ông!