Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 41-QĐ/TW, ngày 3/11/2021 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Từ năm 2009, Bộ Chính trị đã có Quy định 260-QĐ/TW. Tuy nhiên, Quy định 41 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm nhằm tháo gỡ những bất cập, vướng mắc sau 12 năm thi hành Quy định 260. Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với PGS.TS Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) Trung ương - về những điểm mới đáng chú ý trong Quy định 41.
Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, ngày 3/11/2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Ông có bình luận gì về Quy định này?
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề từ chức, miễn nhiệm được nêu ra. Trước khi có quy định 41, Bộ Chính trị đã ban hành quy định 260-QĐ/TW năm 2009 về “việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”. Sau đó có quy định 08-QĐ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó quy định cán bộ, đảng viên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.
Trước đó nữa, năm 1997, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII của Đảng đã xác định “xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ...”. Trên thực tế, sự mất mát cán bộ do vi phạm các quy định thời gian qua cho thấy việc thực hiện các quy định ấy còn chưa tốt.
Mặc dù thời gian gần đây, số cán bộ vi phạm bị kỷ luật nặng gia tăng nhưng có rất ít cán bộ từ chức trong khi có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý không còn đủ uy tín để tiếp tục giữ vị trí công tác của mình. Từ chức là cách hành xử tốt nhất, nhân văn nhất, thể hiện tự trọng, tư cách và bản lĩnh của người cán bộ lãnh đạo, quản lý. Do đó đây là quy định cụ thể nhất từ trước tới giờ.
Chúng ta đã có nhiều hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi Đảng, rồi hạ cấp, hạ chức, nếu có vi phạm pháp luật thì sẽ khởi tố theo quy định của pháp luật. Thế nhưng sau khiển trách thì chúng ta chỉ rút kinh nghiệm sâu sắc, nhưng đó không phải là hình thức kỷ luật. Lần này tìm ra được mức độ, một là buộc miễn nhiệm, tức là ra quyết định miễn trách nhiệm ấy. Thứ hai là mức thấp hơn - buộc anh phải tự nguyện từ chức. Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, không phải chỉ nước phát triển, người ta đã thực hiện cho từ chức. Tôi thấy rất nhiều chính khách vô tình hoặc cố tình vi phạm, ở mức độ thấp, không gây tổn hại lớn nhưng tạo ra dư luận xấu thì tự nguyện từ chức. Thí dụ họ phụ trách một ngành mà ở ngành đó có những vụ việc tai tiếng thì họ cũng từ chức. Như vậy, ở đây chúng ta đã tiếp thu có chọn lọc trong quản lý của thế giới và xử lý vào tình huống của chúng ta.
Đúng là với miễn nhiệm thì không có gì nhiều để bàn. Nhưng từ chức thì lâu nay dư luận quần chúng cũng rất quan tâm đến cái gọi là “văn hóa từ chức” ở nhiều nước và kể cả trong lịch sử của nước ta cũng đã có câu chuyện văn hóa từ chức. Với Quy định 41 này liệu chúng ta có thể kỳ vọng là sẽ hình thành một “văn hóa từ chức” khi mà những người được giao nhiệm vụ, giao trọng trách nhưng không hoàn thành nhiệm vụ?
Đúng là Quy định 41 sẽ tạo ra một tiền đề để khuyến khích lòng tự trọng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ khi thấy cần phải chịu trách nhiệm và nó trở thành một nét văn hóa, một cách ứng xử có văn hóa, khi thấy mình vi phạm chưa đến mức gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng dư luận xấu thì cần từ chức. Tuy nhiên, để hình thành văn hóa từ chức trong đội ngũ cán bộ thì tôi nghĩ cần phải làm rõ một số vấn đề. Thứ nhất, đối với bãi nhiệm, cần xác định thôi chức vụ này thì có ở chức vụ nào nữa thấp hơn không? Hay được điều chuyển sang chức vụ tương đương hoặc cao hơn? Hay cán bộ đã bãi nhiệm là phải nghỉ hưu? Đội ngũ bộ máy cán bộ, công chức làm việc Nhà nước chuyên biệt, nếu không tiếp tục làm việc trong các cơ quan Nhà nước họ sẽ tiếp tục cuộc sống như thế nào? Nếu bãi miễn thì có cho về hưu và được hưởng lương theo chế độ không? Thứ hai, với từ chức thì có được coi là về hưu từ thời điểm đấy không? Như vậy, cần làm rõ hơn để đảm bảo quyền lợi của cán bộ từ chức hoặc bãi nhiệm, đồng thời khuyến khích văn hóa từ chức. Đây không phải “hạ cánh an toàn” theo cái nghĩa chúng ta vẫn hiểu (về hưu để trốn tránh trách nhiệm) mà đây là khi cán bộ có lương tâm và cảm thấy cần phải chịu trách nhiệm, cần từ chức vì không làm tròn nhiệm vụ, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, danh dự của cá nhân. Để khuyến khích văn hóa từ chức thì cần tính toán đến cuộc sống của cán bộ sau từ chức, lưu ý đến những vấn đề mà họ có thể phải đối mặt (ví dụ dư luận xã hội) khi từ chức…. Từ chức không nên bị đánh đồng với quyết định kỷ luật. Do đó các chính sách với người bị kỷ luật cách chức, với người bị miễn chức vụ và với người tự nguyện từ chức phải phù hợp, rõ ràng và thỏa đáng thì từ chức mới trở thành một văn hóa trong công sở.
“Để có văn hóa từ chức trong cán bộ, công chức, cần phát huy vai trò, trách nhiệm, tinh thần nêu gương, gương mẫu trước nhân dân, trước Đảng và Nhà nước, dưới sự giám sát của nhân dân”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (khi còn nắm vị trí Thủ tướng, trả lời tại phiên chất vấn cuối năm 2020)
|
Tuy nhiên điều chúng ta mong muốn nhất là sẽ không có cán bộ nào phải từ chức, bãi nhiệm hoặc là cách chức!?.
Không ai muốn thế cả. Mỗi cán bộ để có thể được bổ nhiệm vào một vị trí nào đó họ cũng tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu, được đào tạo, vận động. Hơn nữa, đây là đồng đội của mình, đồng chí của mình mà một người bị khuyết điểm thì rất đau xót, không ai muốn. Nhưng mà đúng là cuộc sống khi các quyết định dẫn đến hậu quả đối với tổ chức, đối với xã hội thì phải chịu trách nhiệm, mà như thế thì xã hội mới tiến lên. Do đó phải chấp nhận điều này, nhưng công tác tư tưởng, công tác tổ chức phải chính xác, đầy đủ thì mới trở thành văn hóa từ chức được.
Quy định 41 cũng đưa ra định lượng rất rõ ràng về mức độ là vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ bao nhiêu phần trăm mới bãi nhiệm hoặc từ chức, đồng thời quy định rõ vai trò của người đứng đầu. Theo ông, đối với người đứng đầu, yêu cầu đó đầy đủ chưa?
Nếu định lượng cụ thể hơn nữa thì phải là qua thực tiễn, chứ suy đoán cũng khó. Tôi lấy thí dụ, một năm kiểm điểm đánh giá mức độ chưa hoàn thành nhiệm vụ, thế thì sáu tháng sau lại tiếp tục kiểm điểm, đánh giá mức độ khắc phục một lần nữa. Nếu vẫn không hoàn thành thì dứt khoát phải có biện pháp. Đảng ta vừa rồi đã chỉ ra tệ chạy chức chạy quyền, bằng cách đánh giá đó cũng đẩy lùi, ngăn chặn “căn bệnh” cực kỳ nguy hiểm này. Việc đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ có thể giúp họ tránh những cuộc “chạy đua” như thế.
Khóa XII và đặc biệt khóa XIII, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực cũng tương đối quyết liệt nhưng vì sao người dân vẫn thấy chưa chặt chẽ? Ở nhiều nước khác cũng có tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thậm chí lên cả cấp tổng thống, nhưng họ xử lý rất nhanh. Còn ở Việt Nam tôi thấy không dễ, do đó phải xem xét hệ thống, cơ chế chính sách, thể chế, công tác cán bộ. Tôi lấy một thí dụ, quy trình tuyển chọn cán bộ được ban hành rất chặt chẽ, 5 bước, 7 bước càng ngày càng công khai nhưng vẫn nhiều tiêu cực.
Theo tôi, cần phải dựa vào dân, để dân lựa chọn, việc này cần được tổng kết kỹ. Ví dụ, trước khi Đại hội Đảng bầu thì hãy để cho nhân dân lựa chọn rồi mới bầu trong Đảng. Tư tưởng của Bác Hồ, của Đảng là dựa vào dân trong xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Dựa vào dân có thể chặn tận gốc tiêu cực. Tôi nghĩ là phải theo hướng đó, đúng tinh thần “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra”. Như vậy đến phần Đảng quyết định sẽ đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Thùy thực hiện