Trục lợi trong đấu thầu vật tư, thiết bị y tế: Ngăn chặn thế nào?

Phóng viên VOV và Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh nhỏ), Điều hành Công ty Luật TNHH ANVI cùng bàn luận về câu chuyện này.

 

Liên quan đến vụ án bắt tay nâng khống giá bộ kit xét nghiệm Covid-19, dư luận cho rằng, đây là những hành vi trục lợi bất nhẫn, không thể chấp nhận trong khi cả nước đang vất vả chống dịch. Những vi phạm này cần được xử lý ở mức độ nào? Để tránh những sự việc tương tự tái diễn, cơ quan quản lý cần có chế tài gì? 

Từ góc độ là luật sư, ông nhìn nhận như thế nào về hành vi nâng khống giá các bộ test, thu lợi bất chính hàng nghìn tỷ đồng của bị can Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á?

Vụ việc với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng này phát hiện ở Hải Dương là khởi đầu thôi. Dù mở rộng ra hay chỉ dừng lại ở Hải Dương thì cũng là vụ trục lợi rất lớn, rất nghiêm trọng và khả năng rất cao là còn nhiều đối tượng khác liên quan. Đây là câu chuyện rất nhẫn tâm, đau lòng trong bối cảnh đại dịch vô cùng nguy hiểm, người dân và doanh nghiệp hoang mang, Nhà nước thì lo tìm mọi cách để chống dịch. Những vi phạm này không chỉ là vi phạm về tiền bạc, mà nó đánh vào niềm tin, sức khỏe, tính mạng của con người.

Chúng tôi cũng được biết, bộ kít này của Việt Á thì chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép, kiểm định, mặc dù doanh nghiệp này đã viết thư cho WHO để xin cấp phép. Theo ông, nếu các cơ quan chức năng quản lý kiểm soát tốt quá trình hậu cấp phép thì Việt Á liệu có vi phạm được ở quy mô và mức độ lớn như vậy không? Liệu ở đây có sự lập lờ cấp phép lưu hành ở trong nước hay không?

Đấy là một trong những mấu chốt của vấn đề. Nếu sản phẩm thực sự tốt, đạt yêu cầu thì cũng phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp, nhiều sản phẩm khác để có thể đưa được vào các tỉnh xét nghiệm rộng rãi với quy mô lớn như vậy. Trường hợp này còn nhiều ẩn khuất, nhiều nghi ngờ, WHO chưa thừa nhận sản phẩm kít của Việt Á đảm bảo chất lượng, như vậy phải có sự tiếp tay như thế nào thì Việt Á mới có thể làm được như vậy. 

Khi làm thủ tục cấp phép, người ta sẽ đăng ký giống như chúng ta gửi công văn đi thì các cơ quan khác sẽ vào sổ là tiếp nhận được vào ngày bao nhiêu, số bao nhiêu, chỉ đơn thuần vậy thôi chứ chưa ghi nhận bất cứ một giá trị pháp lý gì cả, thế nhưng truyền thông đã tuyên truyền rằng sản phẩm đã được cấp phép, được chấp nhận. Giai đoạn đầu thì có thể sơ sót, nhầm lẫn, nhưng các bộ chức năng lại công nhận rằng sản phẩm đã hợp pháp, hợp lệ, đã đủ điều kiện rồi và đến khi WHO thông báo rất rõ ràng là sản phẩm này chưa được chấp nhận thì vẫn không có một lời nào thay đổi, đính chính. Bản thân công ty là một chuyện, nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng Nhà nước còn nặng nề hơn trong vụ việc này.

Cơ quan điều tra đã xác định từ tháng 2 đến tháng 11/2021, CDC Hải Dương đã hợp thức ký kết và thanh quyết toán cho Công ty Việt Á 5 hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị y tế với tổng số tiền gần 152 tỷ đồng và Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tiến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng. Những hành vi như vậy sẽ bị xử lý theo mức độ nào, thưa luật sư?

Giám đốc CDC Hải Dương là một cán bộ công chức Nhà nước cho nên hành vi nhận tiền như vậy đã đủ dấu hiệu về tội nhận hối lộ. Theo quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu nhận hối lộ chỉ cần từ 2 triệu đồng trở lên đã bị phạt tù rồi. Nếu nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp này gấp 30 lần con số 1 tỷ đồng, vậy có thể lên mức án cao nhất. Người đưa hối lộ trong trường hợp này phạm tội nhưng mức độ nhẹ hơn so với người nhận hối lộ.

Bộ kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á.

Trong thời gian ngắn và với một sản phẩm đặc thù mà có thể bán được tới 62/63 tỉnh, thành với doanh số lớn như vậy thì chắc phải có sự ủng hộ, tiếp tay, giúp sức của ai đó, của nhiều người, của nhiều cơ quan thì mới có thể làm được việc sai trái lớn đến thế. Cơ quan chức năng cần phải tìm ra tận gốc tất cả những người liên quan đứng sau vụ việc nghiêm trọng này.
Sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 thuộc danh mục của Bộ Y tế thì việc chỉ định thầu đối với Việt Á dựa trên cơ sở nào và đơn vị nào thẩm định công ty cung cấp dịch vụ này? Ngoài Bộ Y tế ra, cơ quan nào trực tiếp chỉ định và chịu trách nhiệm?

Trong trường hợp này, sản phẩm đã được nghiệm thu, được đánh giá ở các cơ quan chức năng. Ngoài Bộ Y tế, còn có Bộ KHCN đã thừa nhận sản phẩm này đủ điều kiện, tiêu chuẩn, thậm chí gần đây Công ty này còn được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba về thành tích nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm này trong phòng chống dịch. Và đương nhiên có những công văn hướng dẫn về nghiệp vụ chỉ đạo các địa phương về các sản phẩm được phép lưu hành, sử dụng.

Việc sản phẩm có đảm bảo chất lượng hay không, DN này có đảm bảo tiêu chí, điều kiện sản xuất thiết bị trong lĩnh vực dược hay không thì cơ quan bộ, ngành quản lý chứ địa phương chỉ là nơi tiếp nhận và nơi mua bán sản phẩm. Và qua một phóng sự trên VOV thì tôi cũng thấy rất nghi ngờ về năng lực, trình độ của Công ty Việt Á - thiết bị lạc hậu, nhà xưởng, máy móc, nhân sự rất bình thường mà sản xuất những sản phẩm công nghệ cao như thế này thì cũng phải đặt dấu hỏi người nào đảm bảo cho việc lưu hành, lưu thông, đưa vào sử dụng sản phẩm này.

Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu thiết bị y tế gây hậu quả nghiêm trọng thì không chỉ bây giờ mới xảy ra. Có 2 nguyên nhân được dư luận chỉ ra, đó là lòng tham của cán bộ và cơ chế đấu thầu còn nhiều kẽ hở. Luật sư có thể phân tích thêm về khía cạnh này?

Cũng bị khởi tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu nhưng ở vụ khởi tố và bắt tạm giam ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội danh vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, sau khi xét xử xong thì không có yếu tố hối lộ. Còn vụ này ngay từ đầu đã nhận 30 tỷ đồng thì mức độ, tính chất là khác hẳn và sau này khả năng sẽ thay đổi thành tội nhận hối lộ. Như vậy, căn nguyên của mọi sai phạm ở đây xuất phát từ lòng tham không được kiểm soát, không có cơ chế để khống chế.

Cơ chế đấu thầu vẫn còn kẽ hở nhưng đó chỉ là những yếu tố phụ, còn 90% tôi cho là do thực thi, là những con người tham gia trực tiếp vào quá trình đấu thầu, và gián tiếp còn có các cơ quan, cá nhân khác. Ngoài ra, đó còn là việc buông lỏng trách nhiệm giám sát, xử lý kịp thời của cơ quan chức năng. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi, nhiều năm rồi và nguy cơ ngày càng phổ biến hơn. Vì thế, phải có lực lượng, cách thức để giám sát, cảnh báo, hạn chế vi phạm.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn gửi các bí thư tỉnh ủy, thành ủy, UBND về công tác phòng chống tham nhũng trong đấu thầu, mua sắm sinh phẩm, vật tư trang thiết bị y tế. Với yêu cầu này của ngành y tế, luật sư có cho rằng sẽ góp phần minh bạch vào việc mua sắm trang thiết bị y tế trong thời gian tới hay không?

Công văn này cần thiết nhưng nó chỉ là việc nhắc lại những quan điểm, yêu cầu từ trước tới nay của Đảng, Chính phủ. Mấu chốt của đấu thầu phải là câu chuyện công khai minh bạch, và công khai minh bạch cũng chỉ là điều kiện, cách thức thôi chứ cái cuối cùng vẫn phải là thực chất, khách quan và cạnh tranh, để đảm bảo chất lượng nhất, giá cả phải hạ thấp nhất và mọi điều kiện khác phải đáp ứng một cách tốt nhất, chứ không phải công khai minh bạch nhưng chỉ là diễn bên ngoài. 

Thông báo của WHO về việc không chấp nhận kit test của Công ty Việt Á.

Trong việc này, không thể không xem xét trách nhiệm của các cơ quan có ảnh hưởng đến việc đấu thầu. Bộ Công an phải có trách nhiệm trả lời trước công luận, tìm ra con người đứng sau nâng đỡ, bao che, tiếp tay và thậm chí là bảo kê, chứ một mình Tổng Giám đốc Việt Á không thể làm được một việc như vậy.

Những hành vi tham nhũng, trục lợi, bất nhẫn trên mồ hôi, nước mắt của người dân trong đại dịch cần phải được xét xử nghiêm minh và xử lý ở mức cao nhất. Luật sư có ý kiến gì?

Nếu chỉ giải quyết phần nổi thì hết người này bị tù tội, bị xử lý, bị cách chức thì lại có người khác, nguy cơ sẽ tái diễn. Căn nguyên của chuyện này phải ở cơ chế, chính sách, quản lý, bổ nhiệm, xử lý cán bộ. Nếu làm được việc đấy thì sẽ trong sạch từ tận gốc và từ những cấp cao hơn, từ người có trách nhiệm lớn hơn thì mới lan tỏa, mới đảm bảo được cái chung, cái đồng bộ, đảm bảo giảm thiểu, hạn chế những vi phạm, sai trái.

Không những CDC Hải Dương, mà sẽ phải kiểm tra lại tất cả tỉnh, thành; không những bộ kit nhanh mà còn là thuốc và các chi phí khác liên quan đến phòng chống dịch. Điều này liên quan đến ngân sách, trách nhiệm và giải quyết được tâm lý, niềm tin, tư tưởng của người dân trong bối cảnh hiện nay.

Cán bộ công chức phải tuân thủ pháp luật và làm việc hết lòng vì cái chung. Bởi vậy, nếu như có những sai phạm nhưng không cố ý, không vì lợi ích tư túi, không tham nhũng, không vì cá nhân mà vì trách nhiệm chung nên vô tình để xảy ra sai phạm hoặc làm không tốt dẫn đến kết quả không được như ý muốn, thậm chí là gây thiệt hại nghiêm trọng thì chúng ta cũng phải xem xét miễn trách nhiệm, chỉ không khen thưởng, không bổ nhiệm, không đánh giá cao thôi.

Vừa rồi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết liên quan đến việc này để bảo vệ cán bộ, khuyến khích những người dám nghĩ dám làm và dám nhận trách nhiêm, dám hành động. Còn bất kể người nào có những sai trái, lạm dụng trục lợi thì sẽ phải xử lý nặng.

Xin cảm ơn luật sư!

Minh Khánh thực hiện
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận