Mùa khuyến mại - mùa 'cân não' người tiêu dùng

Doanh nhân Hà Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Vinalink - một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử đã chia sẻ

 

Có rất nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá của các doanh nghiệp, cửa hàng đưa ra để kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm online, cũng góp phần phòng chống dịch. Những chương trình này nghe rất hấp dẫn nhưng có làm cho khách hàng hài lòng hay vẫn là “mua ảo” - mất tiền thật - nhận bực vào mình?

Doanh nhân Hà Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Vinalink - một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử đã chia sẻ với phóng viên VOV xung quanh câu chuyện này.

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang khiến thu nhập của đa số người dân trở nên eo hẹp hơn. Tuy vậy, mua sắm vào dịp cuối năm vẫn là một nhu cầu thiết yếu. Tôi nghĩ anh cũng không là ngoại lệ. Vậy anh đã chọn mua cho mình những sản phẩm nào trong mùa mua sắm cuối năm?

Mùa cuối năm bao giờ cũng là dịp để mua sắm rất nhiều sản phẩm có khả năng được khuyến mại lớn. Đây là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà đã diễn ra trên khắp thế giới rất nhiều năm. Trên thế giới, chúng ta nghe rất nhiều tới những sự kiện khuyến mại điện tử nổi tiếng, đơn cử như Black Friday vào cuối tháng 11. Ở Việt Nam, Bộ Công Thương đã triển khai Tháng khuyến mại tập trung quốc gia hay Ngày hội mua sắm online được gần 10 năm rồi. Tôi tham gia chương trình này từ những năm đầu tiên. Năm nay, tôi có mua một số sản phẩm cần thiết và khá hài lòng vì đã mua được kha khá.

Là một chuyên gia về thương mại điện tử, có bao giờ anh chịu thiệt thòi đôi lần trong cách thức mua sắm này rồi mới rút được kinh nghiệm?

Có chứ! Tôi mua giống hoa và có những năm mua hạt bị lép, gieo không lên cây; hoặc tôi mua đồ điện tử, dùng được mấy ngày đã bị hỏng. Có những sản phẩm nhìn trên ảnh rất đẹp nhưng về mở ra thì khá thất vọng. Có lần tôi mua chăn đắp văn phòng nhìn trên ảnh rất đẹp và giá chỉ hơn 200.000 đồng nhưng khi hàng đến nơi thì nó chỉ bé như cái khăn. Những cái dở khóc dở cười khi chúng ta mua sắm online là vậy.

Ở nước ngoài, trên các trang mạng mua sắm, chất lượng sản phẩm được ghi ngay trên mỗi sản phẩm, nhưng ở Việt Nam vẫn gặp những tình huống như anh vừa chia sẻ. Rõ ràng mua sắm online ở Việt Nam có khác với mua sắm online ở nước ngoài?

Ở nước ngoài, thương mại điện tử phát triển nhiều năm rồi nên những trang thương mại điện tử họ có chính sách đánh giá về gian hàng với tiêu chuẩn rất kỹ. Ở Việt Nam cũng áp dụng như vậy, trên các nền tảng thương mại điện tử hiện nay cũng có đánh giá xếp hạng gian hàng, nhưng lại có hiện tượng: Gian hàng thuê người mua sắm giả, đánh giá giả (fake view), dùng một số các chiêu để đưa gian hàng đó lên trên top đầu nhưng thật ra chất lượng của các gian hàng ấy không hẳn đúng như đánh giá đó.

Nếu chương trình khuyến mại quá nhiều thì niềm tin về khuyến mại sẽ giảm.

Đặc biệt, ở Việt Nam còn có sự dễ dãi trong ngày Online Friday, tức là bất cứ doanh nghiệp nào đăng ký đều được tham gia chứ không cần phải có bao nhiêu năm kinh nghiệm, uy tín, chất lượng sản phẩm như thế nào. Ban tổ chức nhắc nhở người tiêu dùng mua sắm những sản phẩm uy tín - tức là mọi người phải tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua. Ngay cả khi chúng ta mua sản phẩm trên các gian hàng nước ngoài thì không phải lúc nào cũng mua được những sản phẩm đúng ý. Tôi từng mua sắm ở nước ngoài rất nhiều và khi đưa về Việt Nam thì sản phẩm có khi cũng không đúng như kỳ vọng.

Trong thời gian này có nhiều ngày hội mua sắm như: Ngày hội mua sắm độc thân, ngày Black Friday, Online Friday, Tháng mua sắm… với những thông điệp rầm rộ khuyến mại lớn lên đến 100%. Anh nghĩ sao về điều này?

Thứ nhất, tôi thấy thời gian khuyến mại khá dài nhưng cũng rất thông minh. Black Friday diễn ra có 1 ngày và khi người ta biết thì đã trôi qua rồi. Còn Ngày hội mua sắm độc thân thì chỉ có ở Trung Quốc. Vì thế, Online Friday là dịp để người tiêu dùng mua các sản phẩm đang bán ở Việt Nam, còn sản phẩm ở nước ngoài thì phải có thẻ tín dụng, đi săn sale của các trang thương mại điện tử quốc tế và phải chờ rất lâu thì hàng mới về. Đấy là điểm yếu của những chương trình khuyến mại trước cho nên Bộ Công Thương đưa ra chương trình Online Friday diễn ra trong suốt 1 tuần là rất hợp lý.

Còn câu chuyện 100% là như thế này: Trước đây Bộ Công Thương có quy định khuyến mại không được quá 50%, nhưng với chương trình Online Friday, chúng ta cho phép trong thời gian ấy khuyến mại lên đến 100%. Thật ra điều này cũng có điểm mạnh, điểm yếu. Nếu chúng ta khuyến mại quá nhiều thì niềm tin về khuyến mại không còn nhiều bởi khách hàng sẽ thấy những ngày giảm 20 - 30% sẽ quá bình thường, nhưng có cái hay là mở rộng biên khuyến mại cho doanh nghiệp trong ngày hôm đó bởi nhiều doanh nghiệp muốn khuyến mại lên tới 70 - 80%.

Có 2 lý do để khuyến mại lớn như vậy. Một là doanh nghiệp không bán được hàng và muốn đẩy hàng đi để gỡ gạc ít nhiều. Ví dụ trời lạnh mà bán hàng mùa hè thì không được nên phải bán gấp cho hết; hoặc những sản phẩm mà sắp hết hạn; và nguyên nhân nữa là doanh nghiệp chấp nhận bán lỗ, giảm sâu để có cơ hội tư vấn khách hàng các sản phẩm khác. Với trường hợp này, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

Do dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu mua sắm, chỉ mua những thứ cần thiết và khuyến mại cuối năm cũng đã không còn cảnh chen lấn, xô đẩy phải không ạ?

Đúng vậy. Năm nay dịch bệnh nặng nề và kéo dài khiến chúng ta cảm thấy không mua sắm nhiều cũng không sao và cái gì thiết yếu thì mới mua. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nên tập trung khuyến mại những sản phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu thực sự thì vẫn có lượng khách hàng ổn định.

Có những khách hàng rơi vào cảnh dở khóc dở cười bởi muốn tranh thủ thời gian khuyến mại đỉnh điểm, săn hàng được mọi lúc, mọi thời điểm nên cứ thế chốt đơn hàng và sau đó đã phải vay mượn mới trả được. Với những câu chuyện như thế này, theo tôi, chúng ta cố gắng mua sắm rất ít trong năm để dồn tiền mua vào ngày Online Friday. Và mua sắm những gì đã có trong kế hoạch.

Bên cạnh những người “săn sale” thành công hay “săn sale” đến mức chi tiêu quá đà thì còn có nhiều chuyện khác dở khóc dở cười như mua hàng giảm giá nhưng giá còn đắt hơn giá bình thường, hoặc lợi dụng chương trình giảm giá để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào bán. Ông có suy nghĩ thế nào về việc “săn sale” không thành công như vậy?

Hiện tượng đó khá phổ biến. Có nhiều sản phẩm nghe sale hấp dẫn nên mua về nhưng sau đó phát hiện giá đắt gấp đôi giá ở cửa hàng khác. Những doanh nghiệp lớn họ rất giữ uy tín và để có chương trình giảm giá thì phải có quyết định của Ban Giám đốc và xác định mức giá giảm bằng văn bản rõ ràng nên ít khi thay đổi. Thế nhưng ở cửa hàng cá nhân thì có khi họ tranh thủ dịp này để đẩy hàng đi, nghe thì có vẻ giảm giá nhiều nhưng thực chất họ tăng giá lên xong giảm chứ không phải giảm giá nghiêm túc.

Theo tôi, những chương trình giảm giá thì khách hàng phải tìm hiểu thị trường về giá cả trước đó khoảng 1 - 2 tuần, có thể lên mạng tìm hiểu, thậm chí đến đúng cửa hàng ấy để hỏi, chứ không phải đến ngày săn sale mới tìm hiểu giá. Như vậy sẽ rất dễ để có được mức giá tốt và không bao giờ bị mua hớ.

Hiện tại có rất nhiều chương trình khuyến mại kéo dài cả năm. Nhiều người e ngại rằng với nhiều chương trình khuyến mại như thế thì chất lượng hàng hóa có được đảm bảo hay không. Theo ông, đây có phải lo lắng thái quá và điều này có ảnh hưởng đến nỗ lực kích cầu tiêu dùng trong dịp này hay không?

Hình thức kích cầu liên tục thực ra không tốt cho các doanh nghiệp. Tôi cũng khuyên các doanh nghiệp không nên có chương trình giảm giá liên tục và kéo dài vì điều quan trọng ở đây là người tiêu dùng có tin là anh giảm giá thật hay không. Nếu anh cứ giảm giá liên tục, cứ treo biển giảm giá cho hợp thời hoặc treo theo cửa hàng bên cạnh để hy vọng không bị mất khách thì dẫn đến khách hàng mất niềm tin và khi có chương trình khuyến mại thật thì khách hàng không ai tin nữa.

Vì thế, doanh nghiệp nên tập trung vào một chiến dịch, một chương trình giảm giá thật sự. Nếu muốn khuyến mại dài hơi, kích cầu liên tục thì nên có những chương trình tặng quà khác nhau cũng rất hữu ích.

Xin cảm ơn ông!




 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận