Việc khôi phục đường bay quốc tế được kỳ vọng sẽ tạo đà phục hồi của ngành hàng không cũng như toàn bộ nền kinh tế. Vậy thời điểm này đã thích hợp để ngành hàng không Việt Nam mở cửa trở lại đường bay quốc tế hay chưa? Việc mở lại đường bay quốc tế cần kiểm soát ra sao? Vấn đề này được phóng viên VOV bàn luận cùng ông Hồ Quốc Cường, Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam.
Theo ông, việc mở lại đường bay quốc tế ở thời điểm này có phù hợp không?
Hiện vẫn đang có các chuyến bay quốc tế đi và đến Việt Nam. Từ tháng 3/2020 đến nay, toàn bộ đường bay quốc tế đi và đến Việt Nam đều được cấp phép bay theo hình thức chiều từ Việt Nam đi được cấp phép chở khách và hàng hóa, còn chiều đi vào Việt Nam thì chỉ được phép chở hàng hóa và chở hành khách được cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận và phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, trong đó có việc thực hiện cách ly 14 ngày hoặc cách ly 7 ngày đối với những trường hợp có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc chứng nhận khỏi bệnh.
Ngoài ra còn có các chuyến bay giải cứu công dân và gần 150 chuyến bay theo hình thức công dân tự chi trả toàn bộ chi phí (chuyến bay combo). Toàn bộ các chuyến bay đều được thực hiện cách ly theo quy định, công dân về nước nghiêm túc tuân thủ các chương trình do hãng hàng không xây dựng, không có vấn đề nào phát sinh đáng kể.
Tuy nhiên, đấy chỉ là những chuyến bay thuê chuyến trọn gói chứ chưa phải là chuyến bay quốc tế thương mại hai chiều như bình thường mới. Giai đoạn này ta đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về sự an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Chúng tôi cho rằng, việc mở lại các chuyến bay quốc tế hai chiều đi và đến Việt Nam ở thời điểm này - khi dịch bệnh đã được kiểm soát - là phù hợp.
Có ý kiến cho rằng, việc mở lại đường bay quốc tế của chúng ta còn phải tùy thuộc vào các quốc gia khác. Ông nghĩ sao về câu chuyện này?
Tôi đồng ý với ý kiến này. Việc mở lại đường bay quốc tế phải có sự đàm phán và phối hợp với các quốc gia, các vùng, lãnh thổ liên quan. Hiện tại chúng tôi đang làm việc với các quốc gia, nhưng trước hết chúng ta phải có kế hoạch đón khách quốc tế đến Việt Nam như thế nào. Hiện tại các chuyến bay từ Việt Nam đi đến nhiều vùng, lãnh thổ, quốc gia vẫn chở khách bình thường theo các quy định của quốc gia đối tác. Còn vấn đề mở lại đường bay quốc tế ở đây phải nói đến chính sách nhập cảnh của Việt Nam.
Muốn mở được đường bay quốc tế thường lệ hai chiều ở Việt Nam, ngoài các quy định về kiểm soát xuất nhập cảnh như phải có visa, chúng ta phải có các quy định rõ ràng của Bộ Y tế và các địa phương về điều kiện, quy định về phòng chống dịch đối với hành khách. Vấn đề được quan tâm nhất trong phương án mở lại đường bay quốc tế thường lệ chính là chính sách nhập cảnh và cách ly.
Hiện nay, chính sách cách ly tại khu tập trung hay tại nhà 7 ngày chỉ thu hút khách hồi hương. Nếu muốn thu hút khách du lịch, theo ông có cần thay đổi chính sách cách ly này không?
Vừa rồi chúng ta đã thí điểm đón khách du lịch với chính sách cách ly 7 ngày đối với những hành khách đã được tiêm đủ mũi vaccine hoặc khỏi bệnh Covid-19. Bây giờ, một trong những yếu tố để có thể mở lại đường bay quốc tế và kiểm soát dịch bệnh tốt là việc tiêm chủng đủ liều cho cộng đồng Việt Nam và phát triển các cơ sở y tế để sẵn sàng chữa bệnh.
Chúng ta cũng không đi theo chiến lược “zero Covid-19” nữa mà là linh hoạt. Hơn nữa, thời điểm quý I và quý II của năm 2022, tỷ lệ tiêm vaccine sẽ nhiều hơn so với hiện nay. Như vậy, rõ ràng thời hạn cách ly cũng phải linh hoạt cho phù hợp. Chúng tôi muốn kiến nghị rằng tùy theo tình hình chống dịch và kiểm soát dịch bệnh - nếu tốt thì chúng ta nên rút ngắn hơn nữa thời gian cách ly để phát triển và tạo thuận lợi hơn cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Nhưng cũng có ý kiến lo ngại rằng, việc mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ sẽ gia tăng áp lực đối với các địa phương trong công tác phòng chống dịch và thời gian cách ly 7 ngày chưa đủ để khẳng định một người nhập cảnh vào Việt Nam có an toàn hay không?
Vấn đề này là chuyên môn sâu của Bộ Y tế. Theo tôi, Bộ Y tế đã đưa ra mốc thời gian như cách ly 7 ngày, 14 ngày hoặc các tần suất xét nghiệm khi ở trong khu vực cách ly là Bộ đã nghiên cứu và có những cơ sở khoa học nhất định. Ở đây chúng ta nói đến vấn đề lo ngại của các địa phương và thời gian cách ly như vậy đã hợp lý chưa.
Vừa rồi chúng ta đã tổ chức trở lại các đường bay nội địa. Thời điểm ấy, tình hình dịch bệnh ở khu vực phía Nam như TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn phức tạp, nhưng chúng ta đã tổ chức đường bay nội địa rất thành công. Ta có thể dùng kinh nghiệm này để áp dụng vào các đường bay quốc tế. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải có các quy trình, biện pháp để sẵn sàng đón nhận khách quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Ngoài ra có các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, phòng chống dịch cho tốt.
Theo ông, cần có sự thống nhất như thế nào giữa các bộ, đặc biệt là Bộ Y tế, Bộ GT-VT và Bộ VH-TT&DL, để có một quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh?
Việc thống nhất giữa các bộ và địa phương rất quan trọng. Vừa rồi chúng ta đã tổ chức thực hiện thành công một số chuyến bay thí điểm chở khách du lịch đến: Ngày 17/11, chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines chở du khách quốc tế từ Seoul (Hàn Quốc) đến TP Đà Nẵng. Ngày 20/11, Vietjet Air cũng thực hiện chuyến bay đưa 204 hành khách từ Seoul hạ cánh xuống Phú Quốc (Kiên Giang).
Đây là đoàn du khách mang “hộ chiếu vaccine” đầu tiên đến Phú Quốc trong giai đoạn “bình thường mới” sau gần 2 năm du lịch “đóng băng” do dịch Covid-19. Chương trình này do Bộ VH-TT&DL chủ trì.
Chuyến bay quốc tế thường lệ rất cần các tiêu chí, điều kiện rõ ràng để công bố cho hành khách được biết. Bộ tiêu chí ấy phải được Bộ Y tế xây dựng và có sự phối hợp của các bộ, ngành khác, khi đó việc triển khai đường bay quốc tế vào Việt Nam sẽ thuận lợi hơn. Mà muốn có được bộ tiêu chí ấy, trước tiên phải là câu chuyện kiểm soát dịch bệnh như thế nào.
Dịch Covid-19 tại Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Trên thế giới lại xuất hiện biến chủng mới Omicron được đánh giá khá nguy hiểm. Vậy Cục Hàng không đã có phương án ứng phó và truyền thông thế nào để không chỉ du khách nước ngoài mà cả người dân trong nước yên tâm trong bối cảnh như vậy?
Khi còn dịch bệnh thì các biến chủng sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện. Vấn đề ở chỗ khi mở đường bay quốc tế, chúng ta phải linh hoạt, liên tục đánh giá tình hình, diễn biến của dịch bệnh trên thế giới để xem xét du khách đến từ quốc gia, khu vực nào mới được vào Việt Nam, từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Truyền thông và các cơ quan cũng phải có thông điệp rõ ràng về tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới để chúng ta tiếp tục điều chỉnh cho linh hoạt, phù hợp, đảm bảo phòng chống dịch được hiệu quả.
Về việc mở lại đường bay quốc tế, các hãng hàng không đều tỏ rõ sự sốt ruột và lo mất cơ hội cạnh tranh điểm đến, mất đi thị trường trọng điểm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Đây là những lo ngại rất có căn cứ. Hiện tại nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là Đông Nam Á, đã bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế trở lại. Chúng ta chậm mở lại đường bay quốc tế thì rõ ràng việc cạnh tranh điểm đến sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, chính sách của Chính phủ là việc chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn phải là ưu tiên cao nhất. Nếu muốn kết hợp với việc mở đường bay để phát triển kinh tế thì chúng ta phải có giải pháp hài hòa.
Nhu cầu mở lại các đường bay quốc tế đang rất cấp thiết, nếu chậm chân không chỉ ngành hàng không suy kiệt mà còn ảnh hưởng tới sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế. Thế nhưng các bộ, ngành cũng cần phải thống nhất sớm có quy định cụ thể hơn đối với khách nhập cảnh, đồng thời lựa chọn thị trường từ các quốc gia kiểm soát dịch bệnh tốt, có tỷ lệ khách tới Việt Nam cao, nhu cầu du lịch và đi lại làm việc lớn.
Tháo gỡ những vấn đề vướng mắc về nhập cảnh sẽ khơi thông luồng khách tới Việt Nam và chúng ta sẽ không bị lỡ nhịp đón các nhà đầu tư, du khách, dịch chuyển lao động và du học sinh đi đến các nước.
Xin cảm ơn ông!