Khơi dậy khát vọng phát triển quốc gia, dân tộc

Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

 

Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt mới trong vấn đề phát triển sức mạnh nội sinh của Việt Nam. Vậy làm thế nào để khơi dậy khát vọng dân tộc, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới? Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với TS Nguyễn Viết Chức (ảnh phải), Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam).

Thưa Tiến sĩ, theo ông, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào trong việc khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?

Đây là một sự kiện rất đặc biệt và ý nghĩa. 75 năm rồi mới có một hội nghị toàn quốc về văn hóa - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, hay nói cách khác, đấy là chuyện của con người. Hội nghị về văn hóa thường được mở ra khi đất nước đang có một vận hội hoặc những vấn đề cần phải giải quyết một cách rất đặc biệt, rất lớn, cần khơi dậy niềm tự hào dân tộc.

Cách đây 75 năm chúng ta kháng chiến trường kỳ toàn dân, toàn diện, lúc đó nhất thiết phải khơi dậy ý chí độc lập, tự cường. Giai đoạn này thể hiện một bước phát triển mới, đánh dấu một thời kỳ phát triển mới và cũng đang cần phải khơi dậy ý chí độc lập, tự cường, phát triển vươn lên ngang tầm với thời đại, ngang tầm với các nước khác, chống tụt hậu.

Theo phân tích của ông, phải chăng Hội nghị lần này sẽ mở ra những vận hội mới cho thời kỳ phát triển mới của đất nước?

Đúng vậy. Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định và thể hiện niềm tin của một vị lãnh tụ với nhân dân, với truyền thống của đất nước, đó là nhân dân có thể làm được tất cả mọi việc. Trong lịch sử đã chứng minh điều ấy. Và bây giờ ở trong một điều kiện mới, Đảng và Nhà nước mở ra một hội nghị văn hóa thể hiện tinh thần tin vào nhân dân và muốn khơi dậy ý chí độc lập, tự cường, khơi dậy sức mạnh của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ mới để xây dựng đất nước.

Xây dựng văn hóa chính là xây dựng giá trị cốt lõi cho con người, trong đó tình yêu Tổ quốc, khát vọng dân tộc phải là những yếu tố được đặt lên hàng đầu. Ông có bình luận như thế nào về câu chuyện này?

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường và Phát triển cộng đồng đã nói rằng, khi khó khăn thì nhân dân ta lại đoàn kết, gắn kết muôn người như một và vượt qua khó khăn đó. Còn GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là một giai đoạn phát triển mới, nối tiếp một giai đoạn mà chúng ta đã thành công ngoạn mục - đó là xóa đói giảm nghèo ở mức rất tốt và đất nước đang chuyển mình sang giai đoạn mới để phát triển cao hơn, yêu cầu cao hơn nhằm thực hiện khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam là độc lập, tự cường.

Đảng ta đã đặt yêu cầu này vào chương trình nghị sự, kế hoạch rõ ràng đến năm 2030 và 2045. Yêu cầu ấy phải đặt con người vào trung tâm, khi con người có khả năng thích ứng, có lòng yêu nước, ý chí độc lập tự cường, kiên quyết không chịu tụt hậu thì nhất định người Việt Nam sẽ làm nên những kỳ tích.

Hình ảnh tại triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đang diễn ra tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Số 2 Hoa Lư, Vân Hồ, Hà Nội).

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa qua, Đảng ta đã đặt ra một nhiệm vụ trọng tâm, đó là xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm với nhiệm vụ. Điều này thể hiện việc xác định đúng đắn và mang tính văn hóa rất nhiều. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta đặt ra tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII là hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù không nhắc tới từ “văn hóa” nào cả nhưng yêu cầu phải đủ phẩm chất, năng lực, uy tín - như vậy đã hàm ý nhất định phải có văn hóa thì mới có được những phẩm chất đó.

Ý chí, năng lực thể hiện qua cả tri thức để làm những điều tốt đẹp và như thế, yếu tố văn hóa có thể nói là được đặt lên hàng đầu trong công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ chiến lược và những người đứng đầu. 

Qua đợt dịch vừa rồi cho thấy không chỉ doanh nghiệp mà cả những người dân cũng thể hiện khát vọng chung tay xây dựng đất nước bằng những hành động hết sức cụ thể. Cảm nhận của ông như thế nào, thưa TS?

Cuộc sống thực tế đang diễn ra đã chứng minh những điều ấy. Trong khó khăn, tất cả những điều tốt đẹp nhất của nhân dân đã hiển hiện trước mắt chúng ta. Ngay cả những người mà kinh tế còn đang khó khăn cũng sẵn sàng cho đi dù chỉ là cân gạo, mớ rau.

Chính tinh thần đoàn kết, bản sắc văn hóa ấy của dân tộc giúp chúng ta khắc phục được những khó khăn trong đại dịch, từ đó khôi phục kinh tế một cách nhanh chóng để phát triển, để bắt đầu một thời kỳ mới - thời kỳ khẳng định khát vọng của dân tộc ta là phát triển đất nước.

Nói tới phát triển, chúng ta không thể không nói tới nhân tố con người. Vậy làm thế nào để văn hóa trở thành nguồn lực chấn hưng đất nước và khơi dậy khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam, đặc biệt đối với giới trẻ, thưa ông?

Giới trẻ Việt Nam bây giờ học hành đến nơi đến chốn, tài giỏi, có ý chí, tìm tòi, sáng tạo, có nhiều khát vọng. Chính họ sẽ phát huy tối đa nguồn lực nội sinh của dân tộc, phát huy những truyền thống của cha ông đã để lại trong đấu tranh dựng nước và giữ nước để xây dựng Việt Nam phát triển hùng cường trong thời đại mới. Giới trẻ hôm nay nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung chắc chắn sẽ thành công trong thời kỳ mới - thời kỳ đem đến một sự phát triển bền vững và rực rỡ của dân tộc.

Để biến khát vọng phát triển thành hành động cụ thể trong từng người, từng tổ chức, doanh nghiệp cũng như các địa phương và trong bình diện Quốc gia, chúng ta cần làm như thế nào?

Điều rõ ràng là ai, tổ chức nào, cá nhân nào đã làm tốt rồi phải làm tốt hơn, đã quyết tâm rồi phải quyết tâm hơn bởi giai đoạn mới thì cơ hội lớn lắm. Chưa khi nào đất nước ta có một gia tài lớn như hôm nay - đó chính là lòng tin của bạn bè thế giới. Thương hiệu Quốc gia đang lớn lắm.

Đại dịch Covid-19 là khó khăn phi truyền thống, không phải nước nào cũng đặt ra được giải pháp hữu hiệu, nhưng chúng ta đã thích ứng dần và bây giờ đang là thích ứng an toàn, linh hoạt, có hiệu quả. Tôi tin rằng đất nước ta sẽ khắc phục được khó khăn và vươn lên.

Muốn phát triển kinh tế phải đi đôi phát triển văn hóa - một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Trên thực tế, hiện nay có một vài nơi đang đi lệch điều này. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là bệ đỡ của cả nước nhưng thiết chế văn hóa còn thấp, cần thiết phải xây dựng văn hóa nông thôn cho đồng đều.

Hiện Đảng ta đã nhìn ra rất rõ, không chỉ thành tựu mà cả những khiếm khuyết của mình trong thời gian qua. Bởi thế, trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra rất rõ là việc quan tâm, đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với chính trị và kinh tế, thậm chí có những chỗ còn thiên lệch về vai trò giải trí đơn thuần.

Vì thế, việc mở ra Hội nghị văn hóa lần này chính là để khẳng định việc sẽ phát huy những gì làm được, khắc phục những gì chưa làm được và quan tâm, đầu tư cho văn hóa phải xứng tầm, nếu không sẽ không phát triển được. Một trong những sự quan tâm cần được chú trọng là quan tâm đến đời sống của nhân dân ở cơ sở, như vậy sẽ khơi dậy được sức mạnh nội sinh của dân tộc trong thời kỳ mới.

Rất nhiều quốc gia đã tạo dựng được bước nhảy thần kỳ từ văn hóa dân tộc, từ chính nguồn nội lực, nội sinh và khát vọng vươn lên của đất nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… Theo ông, Việt Nam có thể học được gì từ những quốc gia đó để có thể tăng tốc phát triển và để uy tín, vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế?

Tôi nghĩ ngay trong quan điểm có tính chiến lược của chúng ta cũng thể hiện rõ cách học như thế nào, đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa của tất cả các nước trên thế giới. Những nước chúng ta vừa nhắc tới là những mô hình phát triển rất đáng để học tập và chúng ta cũng đang học tập.

Ví dụ, Nhật Bản từng nghiên cứu kỹ thuật phương Tây kết hợp với văn hóa Nhật Bản. Đó là những bài học lớn để chúng ta có thể tiến nhanh nhưng bền vững trong thời kỳ mới.

Xin cảm ơn ông!
 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận