Có nên luật hóa đạo đức nghệ sĩ?

Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15.

 

Mới dây, dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi đã được thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 15, trong đó đề xuất: Dừng chiếu phim nếu có diễn viên vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, đang nhận được sự quan tâm và ý kiến nhiều chiều của dư luận. Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 15.

Luật Điện ảnh sửa đổi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Ông trực tiếp ở nghị trường hẳn sẽ cảm nhận được “độ nóng” này?

Tại nghị trường hôm ấy thực sự rất nóng và có nhiều ý kiến trái chiều, có đến 56 người muốn phát biểu, trong khi một ngày thì không quá 30 người được phát biểu. Điều đó cho thấy điện ảnh đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người và cũng chứng tỏ điện ảnh rất quan trọng với xã hội ngày nay.

Tôi lúc ấy muốn phát biểu ý kiến về quỹ điện ảnh vì điều này rất quan trọng với sự sống còn của nền điện ảnh Việt Nam. Nếu không có quỹ điện ảnh thì rất nguy hiểm vì điện ảnh Việt Nam sẽ chạy theo thị trường, chỉ làm các dòng phim thị trường, như vậy các dòng phim khác sẽ ở đâu nếu không có sự tài trợ, điều tiết của Nhà nước, của một quỹ nào đó.

Chúng ta cần có sự đa dạng trong điện ảnh. Nếu có được một quỹ như vậy, chúng ta có thể điều tiết được sự phát triển điện ảnh, có thể khuyến khích các tài năng, các dòng phim độc lập, tạo ra một nền điện ảnh đa dạng, từ đó thúc đẩy sự phát triển điện ảnh nói chung. Chúng ta từng gặp vấn đề này trong lịch sử, đó là dòng phim mì ăn liền và sau đó phim Việt bị khủng hoảng trong một thời gian rất dài. 

Công chúng đang kỳ vọng dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi lần này phải thực sự cởi trói cho điện ảnh nước nhà cất cánh, khơi nguồn mỏ vàng đang ngủ quên, thay vì để các sản phẩm điện ảnh nước ngoài chiếm lĩnh thị trường, thị hiếu của người Việt trẻ, thưa ông?

Chắc chắn là vậy. Chúng ta đang chuyển cách nghĩ trong việc phát triển điện ảnh, không coi điện ảnh chỉ là một ngành giải trí đơn thuần mà phải là một ngành công nghiệp văn hóa, sử dụng tài năng của các nghệ sĩ, vốn văn hóa của dân tộc kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm điện ảnh. Trên thế giới, câu chuyện này đã khá phổ biến.

Những bộ phim giúp quảng bá hình ảnh dân tộc ra thế giới, hình thành nên sức mạnh mềm quốc gia, từ đó lan tỏa sang các lĩnh vực khác và quốc gia đó có được một sức mạnh tổng hợp từ một tác phẩm điện ảnh cụ thể.

Vậy vì sao chúng ta không làm được như thế với nền điện ảnh của mình khi mà có khá nhiều nghệ sĩ tài năng và rất nhiều tiềm năng về văn hóa, bề dày lịch sử... Chính điều đó là trăn trở khiến việc sửa đổi Luật Điện ảnh nóng lên, chúng ta muốn làm một cuộc cách mạng điện ảnh, tạo ra một sân chơi, một luật chơi, từ đó giúp những người thực hành trong lĩnh vực điện ảnh có những điều kiện tốt hơn để vươn ra thị trường thế giới.

Nhiều người cho rằng nghệ sĩ là người của công chúng, vì vậy họ phải là người nêu gương, nhưng có không ít ý kiến ngược lại: Tuy nghệ sĩ phải có trách nhiệm trước cộng đồng, nhưng bắt dừng phim bởi một diễn viên vi phạm đạo đức là không hợp lý lắm. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Ý kiến nào cũng có sự hợp lý của nó. Trong thời gian vừa qua, phong trào phong sát tại Trung Quốc có tác động khá lớn đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh không ít nghệ sĩ của ta có hành vi lệch chuẩn khiến chúng ta nghĩ nhiều hơn đến câu chuyện chấn chỉnh hoạt động này.

Các nghệ sĩ là người của công chúng, họ có tác động rất lớn tới thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống, suy nghĩ của công chúng, thậm chí với nghệ sĩ nổi tiếng thì giới trẻ nhìn vào như một tấm gương. Cách sống, hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ sẽ có tác động rất tiêu cực đến xã hội.

Bởi vậy, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trách nhiệm đạo đức đối với xã hội, với cộng đồng, với chính bản thân mình. Đó là lý do tại sao chúng ta nghĩ tới việc luật hóa đạo đức nghệ sĩ khi sửa đổi Luật Điện ảnh. 

Không coi điện ảnh chỉ là một ngành giải trí đơn thuần mà phải là một ngành công nghiệp văn hóa.

Việc trong luật có một điều khoản liên quan đến đạo đức của nghệ sĩ không phải là một điều mới lạ, hay chỉ ở Việt Nam mới có. Trong điều 9 của Luật Xúc tiến công nghiệp điện ảnh Trung Quốc có ghi rõ, đạo diễn, diễn viên và những cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh cần sáng tạo nghệ thuật theo đúng chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật, tôn trọng đạo đức xã hội, tuân theo đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kỷ luật tự giác và thiết lập một hình ảnh xã hội tích cực.

Luật hóa đạo đức nghệ sĩ là điều hợp lý nếu những điều này được sự thừa nhận của tất cả mọi người, sự tôn trọng của các bên liên quan. Tuy nhiên, mỗi tác phẩm điện ảnh là sản phẩm của tập thể, vốn bỏ ra làm phim rất lớn, một hành vi lệch chuẩn của cá nhân tác động rất lớn đối với tập thể.

Vì thế, chúng ta phải cân nhắc kỹ lưỡng. Theo tôi, cần có giải pháp trung hòa. Chúng ta đang sống trong một bối cảnh xã hội mà nền kinh tế thị trường chi phối rất lớn nhưng cũng không phải vì thế mà có thể lờ đi những vấn đề về đạo đức.

Các nhà sản xuất, các công ty tổ chức sự kiện cần phải chú ý đến trách nhiệm xã hội, trách nhiệm đạo đức, phải bảo vệ thương hiệu của mình trước khán giả, đừng để hạt sạn nào tồn tại trong những tác phẩm của mình.

Chính vì thế, việc chúng ta có một hợp đồng đạo đức, chế tài, một quy chế ràng buộc giữa đoàn làm phim đối với các diễn viên trước khi quay phim là vô cùng quan trọng, để diễn viên có trách nhiệm giữ gìn tác phong đạo đức trong quá trình làm phim và cả sau này nữa, đảm bảo trong quá trình làm phim không có phát ngôn bừa bãi trên mạng xã hội, không có tác phong lối sống lệch chuẩn, để tác phẩm ra với công chúng một cách sạch sẽ, định hướng sự phát triển đạo đức, nghệ thuật, hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ.

Trở lại câu chuyện có nên luật hóa đạo đức nghệ sĩ hay không, hay chỉ nên quy định ở bộ quy tắc ứng xử, trên nữa là nghị định, thông tư để có sự linh hoạt nhất định. Ông nghĩ sao về điều này?

Để điều chỉnh hành vi của một con người cần phải có rất nhiều giải pháp khác nhau. Có giải pháp tác động về nhận thức, có giải pháp tác động vào hành vi, có giải pháp tác động vào yếu tố môi trường xung quanh. Ở đây chúng ta phải kết hợp tất cả những yếu tố ấy.

Chúng ta làm luật không phải để đi xử phạt, không mong muốn hành vi đó xảy ra để xử phạt mà chúng ta phòng ngừa thôi. Vậy nên cần phải có nhiều lớp văn bản khác nhau để tạo ra một hệ sinh thái giúp giữ gìn đạo đức, hình ảnh, uy tín cho các nghệ sĩ. Lớp đầu tiên là bộ quy tắc ứng xử tác động vào sự nhận thức cho các nghệ sĩ biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, cái gì được làm, cái gì không được làm, để từ đó họ có được nhận thức và hành vi đúng.

Sau tầng nhận thức này là tầng đánh vào hành vi, thì đó là nghị định, là những chế tài khi mà vi phạm thì sẽ bị xử phạt như thế nào. Ví dụ trong nghệ thuật biểu diễn chúng ta có Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Tầng thứ 3 là luật. Và sự từ chối của khán giả là án phạt nghiêm khắc nhất đối với nghệ sĩ nếu nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực.

Khi hình thành nhiều lớp để bảo vệ hành vi đúng đắn của nghệ sĩ, để các nghệ sĩ không lệch ra khỏi các lớp đó, không bị lệch chuẩn thì chúng ta hình thành được một môi trường lành mạnh cho các nghệ sĩ, từ đó họ có cống hiến tốt hơn cho nghề, cho xã hội.

Nhưng ở nước ta, nghệ sĩ dính scandal có khi lại càng nổi tiếng và đắt show hơn. Ông có bình luận nào về thực trạng này? Có phải khán giả đôi khi quá dễ dãi?

Ở nước ta đúng là có nghịch lý ấy và muốn nổi tiếng thì không khó. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân chứ không nên đổ lỗi hoàn toàn cho khán giả. Điều đầu tiên đến từ môi trường truyền thông. Truyền thông bây giờ khá phức tạp.

Chúng ta sống trong một xã hội mà thông tin quá đa dạng, thậm chí trái chiều, không có sự định hướng của truyền thông khiến công chúng nhiều khi bị lạc hướng trong truyền thông, tức là họ không xác định được đây là truyền thông tốt hay truyền thông xấu.

Công chúng cũng bị thiếu sự định hướng từ cơ quan nhà nước hay các thể chế khác nữa, vì thế nhiều khi họ chạy theo những hiện tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, nghệ sĩ của chúng ta cũng chưa chuyên nghiệp trong cả nghề và kỹ năng kinh doanh, giữ gìn hình ảnh, xây dựng thương hiệu. 

Theo ông, đâu là giải pháp để vừa có những tác phẩm điện ảnh hay, đáp ứng được nhu cầu của thị trường nhưng cũng đảm bảo tính chân - thiện - mỹ?

Chúng ta cần có nhận thức tốt hơn về vị trí, vai trò của người nghệ sĩ. Thứ hai, cần có hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp để tạo điều kiện cho việc uốn nắn, điều chỉnh được hành vi, và chúng ta cũng cần có những hành động làm gương từ các nghệ sĩ, từ những người tham gia làm nghệ thuật, và cả người quản lý văn hóa.

Từ hành động làm gương này truyền cảm hứng cho nghệ sĩ, cho xã hội, cho khán giả để chúng ta định hướng sự phát triển nghệ thuật.

Luật Điện ảnh quan trọng nhưng đó chỉ là hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn, còn các nghệ sĩ phải cố gắng, có trách nhiệm công dân, trách nhiệm với xã hội, đất nước, dù tự do đến mấy vẫn phải có lằn ranh đỏ.

Xin cảm ơn ông!
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận