Lừa đảo đầu tư tiền ảo dưới hình thức đa cấp diễn ra “âm thầm” từ nhiều năm nay với nhiều thủ đoạn tinh vi. Loại tội phạm này hiện đã len lỏi tới các bản làng ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, gây nhiều hệ lụy. Nhận diện lừa đảo đầu tư tiền ảo như thế nào và giải pháp ngăn chặn là vấn đề được phóng viên VOV trao đổi cùng chuyên gia công nghệ Nguyễn Minh Đức (ảnh nhỏ), Giám đốc Công ty cổ phần an toàn thông tin CyRadar.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ lừa đảo người dân vùng sâu, vùng xa đầu tư tiền thật mua tiền ảo trên các trang web, sàn giao dịch ảo với những lời mời có cánh như sinh lời cao, lãi suất lên tới vài chục phần trăm một năm, thế nhưng lãi không thấy đâu, chỉ thấy mất tiền thật. Ông có thể phân tích rõ hơn về cách thức mà các trang web, các sàn giao dịch ảo thực hiện để lừa đảo người dân?
Đây là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng. Kẻ xấu lừa đảo bằng cách cấp tài khoản cho người dân trên những website hoặc app điện thoại, nhưng thực chất hệ thống này đều bị chúng thao túng, số liệu ở tài khoản đó hoàn toàn thay đổi được, lãi suất nhìn thấy trên web hoặc app nhưng thực tế là những con số ảo. Số tiền kẻ xấu mời gọi người dân đầu tư lần đầu có thể chỉ vài triệu đồng và sau một thời gian ngắn là rút được tiền lãi ngay.
Thấy lợi nhuận đến quá dễ dàng, người dân sẽ ham và đầu tư vào nhiều tiền hơn, thậm chí đi vay để đầu tư.
Tôi lấy ví dụ kịch bản lừa đảo tại địa phương như sau. Bước một, nhà đầu tư, chính là những nạn nhân chuyển tiền cho trưởng nhóm (kẻ lừa đảo) để nộp vào sàn.
Sau đó trưởng nhóm gửi lại thông tin tài khoản cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể xem thông tin trên đấy. Mỗi sàn lừa đảo có một nhóm, gọi là ban chuyên gia, chuyên đi đầu tư giúp cho nhà đầu tư. Ban chuyên gia này thực hiện các giao dịch và sau khi giao dịch thành công, lợi nhuận mà chúng ta nhìn thấy là tiền được chuyển về tài khoản của mình.
Đấy là các bước của quy trình lừa đảo.
Người dân chỉ nhìn thấy số tiền trên app, trên web chứ không thể biết đằng sau đó là gì. Các nhóm môi giới mời gọi người dân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo với lợi nhuận cao thì các dấu hiệu có liên quan đến cả đa cấp, tức là người này giới thiệu cho người khác thì được thêm lợi nhuận của người mình giới thiệu.
Hình thức đầu tư tiền ảo không rõ ràng, chủ sàn có thể can thiệp vào phía sau hệ thống và thay đổi kết quả. Giai đoạn đầu nạn nhân thấy lãi nhưng về sau sẽ bị mất trắng tiền.
Người dân vùng sâu vùng xa đang trở thành đối tượng của kiểu lừa đảo tiền ảo này. Ngoài nguyên nhân chưa am hiểu về công nghệ, còn nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Tội phạm nhắm đến những người dân ở vùng sâu vùng xa chưa có đủ thông tin về các hình thức lừa đảo này. Tất nhiên hình thức lừa đảo này cũng chỉ thực hiện được 1 - 2 lần tại mỗi địa phương, địa điểm. Hết địa điểm này, kẻ xấu sẽ chuyển sang địa điểm khác.
Bản chất sự việc ở đây là người dân chưa biết về sự lừa đảo đó, chưa có kiến thức về tiền ảo và lại thấy số tiền tăng cao rất nhanh nên càng ham.
Vì thế, chính họ sẽ chủ động lôi kéo họ hàng, bạn bè, người thân, hàng xóm tham gia chỉ với mục đích tạo thành mạng lưới để tăng lợi nhuận cho mình nhưng cuối cùng lại trở thành người đi lừa đảo.
Thậm chí một vài người có uy tín ở địa phương cũng tham gia vào đường dây đầu tư tiền ảo này và khi họ hướng dẫn thì người dân ở đó dễ dàng nghe theo.
Đây là 2 yếu tố dẫn đến người dân ở những nơi hẻo lánh dễ bị lừa đảo.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia công nghệ, theo ông các hoạt động này sẽ còn gây ra những hệ lụy gì cho xã hội?
Những nạn nhân vùng sâu vùng xa không có nhiều tiền nên khi bị lừa, họ sẽ bị cạn kiệt tài sản. Với những người đi vay tiền để đầu tư, họ trở thành con nợ.
Khi họ mất hết tiền, bị túng quẫn thì khó có thể lường được việc gì sẽ xảy ra với những hộ gia đình, những cá nhân ấy. Chưa kể trong mỗi cộng đồng, địa phương, chuyện lừa đảo có tính chất đa cấp, tức là chính người dân vô tình đi lừa nhau, dẫn tới những xung đột giữa các người thân trong gia đình, hàng xóm láng giềng.
Những mối quan hệ này về sau rất khó có thể trở lại bình thường như trước. Vấn đề nữa là tiền ảo không phải xấu. Tuy nhiên, chưa có nhưng quy định rõ ràng và có nhiều hình thức lừa đảo trong việc đầu tư tiền ảo dẫn đến sự e dè của người dân về sau với những công nghệ mới, giao dịch mới. Như vậy cũng có thể hạn chế tốc độ tăng trưởng về mặt công nghệ cũng như các giao dịch tài chính thế hệ mới ở Việt Nam.
Quan điểm của ông như thế nào về việc chúng ta cần thiết phải sớm có những quy định pháp lý để điều chỉnh và giám sát các hoạt động tiền ảo, thậm chí các quy định này phải đi trước một bước để tạo điều kiện cho công nghệ phát triển?
Trên thực tế, để giải quyết nạn lừa đảo này chúng ta cần thực hiện theo 3 hướng. Thứ nhất là vấn đề pháp lý và thực thi các quy định về pháp lý.
Các cơ quan chức năng cần mau chóng ban hành các quy định về tiền ảo và đầu tư tiền ảo. Tôi thấy những đề tài nghiên cứu của chúng ta về quy định này đến tận năm 2023, chưa kể để những quy định này đi vào cuộc sống phải mất một thời gian nữa, như thế khá chậm trễ so với thực tế phát triển của tiền ảo.
Các quy định liên quan đến xử lý tội phạm lừa đảo trực tuyến thì đã có ở Luật Hình sự. Việc xử lý tội phạm này cần mang tính chất răn đe đối với một vài trường hợp điển hình để từ đấy trở thành bài học với những kẻ có ý định lừa đảo tiếp theo.
Về vấn đề công nghệ thì các nhà cung cấp dịch vụ internet cung cấp dịch vụ máy chủ, tên miền và cơ quan chủ quản là Bộ Thông tin Truyền thông cần phối hợp triển khai các hệ thống giám sát và cảnh báo sớm các hệ thống website, app lừa đảo đang được ra đời nhanh và liên tục. Công nghệ cũng sẽ hỗ trợ cho cơ quan điều tra trong việc truy vết tìm thủ phạm.
Thứ ba là vấn đề tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Các vấn đề pháp lý và công nghệ chỉ hỗ trợ phần nào trong việc ngăn ngừa tình trạng lừa đảo đầu tư tiền ảo.
Nếu tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thì ý thức về cảnh giác và hiểu biết về pháp luật của người dân cũng cao hơn. Thủ đoạn của tội phạm cho dù ngày càng tinh vi nhưng nếu nắm bắt theo một số nguyên tắc thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ rủi ro.
Việc tuyên truyền này không dễ và cần thời gian, đồng thời cần tuyên truyền cả ở cấp Trung ương và địa phương, đa dạng các hình thức tuyên truyền thì mới gia tăng sự hiểu biết của người dân được.
Chúng ta cũng có thể phát động phong trào để người dân nhanh chóng tố giác các tội phạm. Thực tế cho thấy có nhiều người trong cộng đồng cũng có hiểu biết nhưng họ rụt rè chưa cảnh báo, vì thế đã để cho hiện tượng tội phạm diễn ra trong một thời gian nữa ở địa phương.
Chúng ta có thể phối hợp 3 giải pháp vừa nêu trên để hạn chế nạn lừa đảo trực tuyến.
Ông có thể nêu một vài cách thức dễ hiểu để người dân có thể nhận diện trang web, một sàn giao dịch đang có dấu hiệu lừa đảo?
Chúng ta nên tuân thủ một số nguyên tắc như sau: Thứ nhất, chỉ nên đầu tư vào lĩnh vực mà mình có đủ hiểu biết nhất định. Khi không có chút kiến thức nào về tiền ảo thì việc đưa tiền cho người khác để đầu tư, hy vọng có lợi sẽ có độ rủi ro rất cao.
Thứ hai, phải tỉnh táo trước các lợi ích do người khác vẽ ra. Không dễ có loại đầu tư nào sinh lời nhanh chóng được, và nếu có thì tất yếu phải đi kèm với mức rủi ro rất cao.
Nếu chấp nhận rủi ro ấy thì hãy thực hiện. Thứ ba, phải chủ động, độc lập tìm hiểu qua mạng internet thông tin về các sàn, các loại tiền ảo, thay vì chỉ nghe một người nào đó, rồi họ đưa các tài liệu và nói rất hay về hệ thống ấy. Việc đầu tư tiền ảo hoàn toàn giao dịch qua mạng chứ không cần qua bất cứ ai.
Vì thế, càng nhiều người gặp trực tiếp chúng ta và bảo ta đưa tiền cho họ để đầu tư thì đó chính là dấu hiệu rất rõ ràng của việc họ lợi dụng, có ý đồ lừa đảo.
Xin cảm ơn ông!