Tinh thần đoàn kết, đồng lòng từ người dân, cùng quyết tâm chống dịch từ bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước là bài học lớn nhất và vô giá - là dấu ấn Việt Nam trong nỗ lực chung phòng chống dịch Covid-19 toàn cầu. Làm thế nào để dấu ấn đó, sức mạnh nội sinh ấy được khơi dậy mạnh mẽ, để cùng với sự “lột xác” trong tư duy - tầm nhìn chính sách, hành trình khôi phục kinh tế đất nước bớt gian nan hơn và hiệu quả, bền vững như kỳ vọng?
Phóng viên VOV bàn luận về vấn đề này với PGS.TS Vũ Minh Khương (ảnh nhỏ), Giảng viên cao cấp Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore.
Gần 2 năm Covid-19 xuất hiện, tính bền vững của sàn an sinh và sức đề kháng của nền kinh tế nước ta đặt trong tình trạng báo động. Nhưng chúng ta cũng đã có những kinh nghiệm quý được thế giới đánh giá rất cao. Cá nhân ông cho rằng đó là những bài học, kinh nghiệm nào, thưa ông?
Dịch Covid-19 có những tác động lớn đồng thời đem lại những bài học quý cho Việt Nam và thế giới. Theo tôi, có 3 bài học lớn chúng ta cần chiêm nghiệm. Thứ nhất, chống dịch Covid-19 không phải là một quy trình mà là một sự ứng đáp linh hoạt trên một hành trình bất trắc, rủi ro. Thứ hai, từ đại dịch, mỗi dân tộc đều bộc lộ điểm mạnh và điểm yếu của mình.
Với Việt Nam, điểm mạnh được bộc lộ rất rõ là tính bản lĩnh, kiên cường của cả một dân tộc và sự đồng lòng vượt qua đại dịch. Thế nhưng điểm yếu cũng bộc lộ rất rõ, đó là sự xơ cứng về tư duy và hệ thống quản lý, đặc biệt ở cấp độ các địa phương, tạo nên sự tổn thất khá lớn mà lẽ ra chúng ta có thể giảm thiểu được.
Bài học thứ ba, thế giới vẫn đang nhìn vào Việt Nam và có dự cảm là Việt Nam sẽ mạnh lên chứ không bị yếu đi mặc dù chịu tổn thất lớn ở đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Và những biểu hiện mới đây của TP.HCM - nơi chịu sự tổn thất lớn nhất - đang bắt đầu có bước đi để vượt qua đại dịch và tôi hy vọng đó cũng là một dấu ấn mà Việt Nam có thể đạt được.
Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tập trung trong khoảng 6 tháng trở lại đây kể từ khi biến chủng Delta xuất hiện và TP.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Vậy đâu là nguyên nhân chính gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất lẫn sinh mạng cho đầu tàu kinh tế ở giai đoạn này, thưa ông?
Tổn thất và thách thức mà TP.HCM vừa trải qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, chủng Delta có độc dược rất cao và tốc độ lây lan cực mạnh, gây tổn hại lớn với những quốc gia chưa từng trải qua hơn 6 tháng trước đó, cho nên Việt Nam khó mà tránh được tác động nghiêm trọng này.
Về chủ quan, TP.HCM có những khó khăn mang tính chất cấu trúc, hạn chế về mặt điều hành nên bị tổn thất lớn hơn. Nếu ta không dùng những cách thức cũ, quy trình cũ thì có thể giảm thiểu được thiệt hại.
Điều đáng ghi nhận là Bí thư với Chủ tịch mới của TP.HCM rất có lòng với dân. Cái đó là điểm sáng, thế nhưng chiến lược để đưa TP.HCM vượt lên, trở thành một thành phố toàn cầu sau đại dịch là thông điệp rất lớn mà Việt Nam sẽ phải gửi ra thế giới.
Bởi vậy, TP.HCM phải có nỗ lực vượt bậc, xứng tầm vì hội tụ rất nhiều điều kiện trở thành một thành phố đẳng cấp toàn cầu trong thời gian tới.
TP.HCM chỉ là ví dụ điển hình để nói lên vấn đề chưa hợp lý trong tư duy, hành động trong toàn hệ thống ở giai đoạn vừa qua. Xét trên bình diện chung, theo ông đâu là nguyên nhân gây ra ngưỡng chịu đựng?
Chúng ta chống dịch chưa thật tốt một phần do tư duy. Chúng ta thường chỉ nói đến mục tiêu kép, tức là cân đối giữa sinh mạng và sinh kế (tăng trưởng), sẵn sàng hy sinh sinh kế để người dân được an toàn mà bỏ qua yếu tố sinh tồn - tức là làm sao để dân tộc có thể mạnh lên, vững vàng hơn trong mọi vấn đề bất trắc chứ không phải cứ đóng cửa chờ đấy là dịch sẽ qua đi, mà chủng Delta thì len lỏi khắp nơi, có đóng cửa cũng không ngăn được.
Tư duy của chúng ta vẫn mang tính chất hệ thống, mệnh lệnh, kiểm soát một cách cứng nhắc, ít tư duy về cách tiếp cận thành công trong năm 2020 nhưng lại khó khăn trong năm 2021, vì vậy, bây giờ phải nói đến sinh tồn, tức là phải vượt lên, đảm bảo an toàn cho người dân nhưng đồng thời cả đất nước phải tiếp tục phát triển trong mọi tình thế.
Giãn cách xã hội diện rộng kéo dài chính là làm “đau” kinh tế và suy thoái kinh tế là cái giá không thể tránh khỏi khi chống dịch. Đây là quan điểm của khá nhiều người. Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này trong bối cảnh mục tiêu kép tiếp tục được Chính phủ duy trì song song?
Suy thoái kinh tế, tăng trưởng âm là không tránh khỏi, ở nước nào cũng vậy thôi, nhưng có những cái làm đứt gãy hệ thống sản xuất thì chúng ta cần phải suy nghĩ và thích ứng lại, tức là làm sao việc sản xuất vẫn được tiếp tục. Có người bị mắc Covid-19 thì cũng không nên cho nghỉ toàn bộ, mà ai bị bệnh thì rút ra, người nào không bị bệnh vẫn tiếp tục làm và xúc tiến tiêm vaccine.
Thời gian qua, Việt Nam có tốc độ phủ vaccine rất nhanh. Bây giờ quan trọng nhất là tư duy sống chung với Covid-19 và cả mục tiêu sinh mạng, sinh kế cho tốt nhưng mục tiêu sinh tồn phải đặt lên hàng đầu, tức là để dân tộc mạnh lên, có thể vượt qua những thách thức. Bởi vậy, phải trang bị cho thật tốt và ý thức của người dân phải rất cao.
Chống dịch là phải dựa vào người dân chứ không phải chỉ dựa vào hệ thống mệnh lệnh. Đó là vấn đề rất quan trọng.
Nói sống chung với Covid-19 mà vẫn áp dụng những chính sách cũ thì sẽ loay hoay không thể bước vào giai đoạn bình thường mới được. Ông có cho rằng Nghị quyết 128 mới được Chính phủ ban hành về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là giải pháp cho vấn đề?
Tôi thấy đấy là giải pháp bước đầu mà có thể coi như khoán 10 thời kỳ chúng ta xóa bỏ quan liêu bao cấp, tức là thích ứng linh hoạt, sẵn sàng chấp nhận những rủi ro và cùng toàn dân tìm mọi cách để vượt qua đại dịch.
Việt Nam yếu đi hay mạnh lên không phải do thiếu nỗ lực, năng lực, nguồn lực mà chủ yếu là do tư duy và chúng ta có thể phát động sức mạnh của toàn dân để trỗi dậy, cho nên Nghị quyết 128 là giải pháp đầu tiên, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, chưa thật thông thoáng, dễ dàng, dễ hiểu.
Đơn giản như việc hạn chế các nhà hàng, đám cưới, hội nghị không được tập trung bao nhiêu người thì các địa phương hoàn toàn có thể làm, nhưng mạch máu thông suốt của nền kinh tế và hoạt động cá nhân của người dân không được ngăn cản. Người ta đi tập thể dục, đi lại và không tập trung đông người thì hoàn toàn được.
Về cách quản lý tôi thấy cách của quốc tế rất hay là làm sao để tin rằng 99% người dân là rất tốt, nếu có thì hệ thống chỉ tập trung quản lý 1% người dân có ý thức kém, có nguy cơ vi phạm, làm sai. Còn nếu ta đưa ra chính sách để kiểm soát, kiểm tra đến 99% hay 100% dân thì sẽ không thể nào làm được.
Cho nên phải dựa vào sự tương tác rất cao của người dân và khuyến khích họ, tìm mọi phương thức truyền thông để khuyến khích họ làm tốt và vươn ra đóng góp cho xã hội. Đây là nền tảng để dân tộc có thể đi xa được.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng ý thức của người dân còn kém, buông lỏng sẽ phải đánh đổi, trả giá đắt. Ông suy nghĩ như thế nào?
Đấy là một nghệ thuật về làm chính sách. Khi mà anh luôn phàn nàn về ý thức người dân kém thì chắc chắn có vấn đề chính sách chưa tốt. Có kém thì tại sao cái kém lan tràn làm hỏng cái tốt?
Bài toán quản lý chính sách là làm sao tạo ra động lực cho mọi người dốc lòng, dốc sức phấn đấu đi đôi với sự phát triển của đất nước và sự an toàn của người dân. Hiện giờ chúng ta vẫn còn tránh chịu trách nhiệm, vẫn chỉ coi trọng làm sao đào tạo cái đức, còn động lực, sự thôi thúc để làm việc thì vẫn yếu.
Chủ trương, chính sách nào mà muốn khẳng định hiệu quả thực tiễn thì đều cần thời gian triển khai và xác thực, nhưng tựu trung lại, nếu niềm tin trong dân không cao, nếu thiếu sự đồng thuận thì tính hữu dụng sẽ không lớn, kỳ vọng mãi sẽ chỉ là kỳ vọng.
Đây là một bài toán khó nên phải dựa vào dân và bàn luận sâu sắc với dân, coi đây là sứ mệnh của người dân giúp đất nước, dân tộc chống dịch. Thứ hai, cần gia cường lại hệ thống thể chế thật vững mạnh, nhạy bén, linh hoạt. Đây cũng là thước đo để thấy người lãnh đạo nào xứng đáng, còn nếu lãnh đạo mà tư duy xơ cứng, sợ trách nhiệm và thiếu tấm lòng với dân thì nên loại bỏ dứt điểm lúc này.
Thứ ba là hệ thống y tế rất vững mạnh, từ nhân viên y tế tới hệ thống dược phẩm sản xuất thuốc chữa bệnh phải được ưu tiên đặc biệt để Việt Nam trở thành một trung tâm y tế và dược phẩm của khu vực.
Tôi rất thích phương cách liên minh hành động, tức là Chính phủ giao cho nhóm doanh nghiệp, cơ quan chính phủ bàn luận về từng vấn đề, chủ đề để tạo ra sự phát triển vượt bậc cho Việt Nam trong thời gian tới. Đây là một cách ứng đáp linh hoạt nhưng đồng thời là những quyết sách chiến lược ta cần phải có.
Hiện nay những quyết sách chiến lược của Việt Nam còn hạn chế, chưa thành một làn sóng để vượt qua đại dịch, chưa tạo ra liên minh hành động của từng lĩnh vực. Cán bộ Việt Nam năng lực không yếu nhưng động lực còn hạn chế, vẫn là hình thức thôi chứ chưa thấy sự sục sôi để vượt qua.
Nhìn lại cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam với rất nhiều khó khăn, thách thức cùng những thay đổi tư duy ở tầm chiến lược. Ông kỳ vọng gì vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV cho cuộc chiến với Covid-19 thiết thực, hiệu quả hơn và Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu tăng trưởng khác nữa cho tương lai?
Khi đất nước đứng trước khủng hoảng về vaccine trong đại dịch Covid-19, lãnh đạo đất nước và ngành ngoại giao đều ráo riết tiến hành để đảm bảo đủ vaccine cho Việt Nam.
Nhưng đấy vẫn là vấn đề điều hành chứ chưa phải là vấn đề phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Tôi rất hy vọng Quốc hội sẽ họp bàn những vấn đề quyết sách có tính chiến lược hơn, những quyết sách tạo phấn chấn lòng người, tạo niềm tin vào tương lai cũng như bước đi sắp tới của toàn xã hội, đặc biệt của các doanh nghiệp và người lao động.
Gần 700 ngày chống dịch chính là thước đo tinh thần về sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả nước. Theo ông, cụ thể cần những quyết sách gì khác nữa để lòng người dân Việt phấn chấn hơn, từ đó không chỉ giúp kinh tế phục hồi sớm hơn kỳ vọng mà còn có thể trở thành nền tảng thật vững chắc cho tương lai của Việt Nam hậu đại dịch?
Muốn người dân phấn chấn hơn nữa, theo tôi phải có những quyết sách mà người dân mong đợi. Điều này cần có khảo sát đánh giá, nhưng làm sao để mọi người trở thành chủ thể của xã hội.
Tôi mong muốn Quốc hội đặt niềm tin vào người dân. Ta phải có cách tư duy để làm sao mọi người đều có thể tham gia vào những chính sách của xã hội, được cảm nhận trách nhiệm mà mình đóng góp vào sự phát triển của đất nước, theo đuổi khát vọng mà họ mong muốn nhất. Mọi điều trái với quy luật, những hủ tục của quá khứ phải được loại bỏ.
Song song đó, truy tìm tri thức nhân loại trên khắp thế giới để xây dựng đất nước. Nên có những tuyên ngôn mang chính chất gây phấn chấn lòng người như vậy để đem lại cảm xúc và sức mạnh của sự phục hưng.
Xin cảm ơn ông!