Cuộc sống bình thường mới đang trở lại ở nhiều địa phương, nhưng giao thông vận tải - huyết mạch của nền kinh tế vẫn chưa được khơi thông hoàn toàn. Giải pháp nào để các địa phương, doanh nghiệp cùng phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất, thực sự tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải đường bộ? VOV bàn luận về vấn đề này cùng ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Quan điểm của ông như thế nào về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quyết định của Bộ GT-VT được đưa ra vào cuối tuần vừa qua về việc cho tiếp tục hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh và nội tỉnh?
Những quy định của Bộ GT-VT rất sát, hợp với tình hình, tức là Bộ đã cho phép đối với những khu vực ở mức nguy cơ bình thường được hoạt động vận tải một cách bình thường.
Đối với vùng nguy cơ cao và rất cao được hoạt động vận tải với tỷ lệ cho phép. Những điều kiện trong quy định đó rất phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch cũng như nhu cầu lưu thông đi lại của hành khách hiện nay.
Như ông vừa nói đó là những quy định khá chi tiết và cụ thể, tuy nhiên khi vận hành lại phụ thuộc vào các địa phương. Vận tải hành khách chiếm hơn 90% nhưng do mỗi địa phương có những quy định khác nhau dẫn đến doanh nghiệp vận tải gặp rất nhiều khó khăn. Ông chia sẻ gì với những khó khăn đã đè nặng lên doanh nghiệp và người dân suốt thời gian qua?
Trong thời gian vừa qua, vận tải hành khách bị tạm ngưng nhưng vận tải hàng hóa vẫn được phép hoạt động và Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ GT-VT đã rất nhiều lần yêu cầu các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải hàng hóa, thế nhưng mỗi địa phương vẫn đưa ra những điều kiện chặt chẽ hơn so với quy định chung dẫn tới những ách tắc trong vận tải hàng hóa.
Chúng tôi rất mong muốn các địa phương thực hiện thống nhất theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GT-VT để đảm bảo hoạt động vận tải hành khách được thông suốt.
Tôi tin tưởng rằng lần này Bộ GT-VT và Bộ Y tế đã ban hành những văn bản hướng dẫn tương đối chi tiết, về cơ bản là phù hợp. Những nội dung nào địa phương muốn quy định thêm thì phải báo cáo về Chính phủ và Bộ chứ không thể tùy tiện đặt ra những điều kiện trong quản lý hoạt động vận tải.
Ông vừa nói có nhiều quy định của các địa phương do thận trọng quá mức mà gây khó khăn cho doanh nghiệp. Vậy cần tháo gỡ như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, trong vận tải hành khách, chúng tôi đang lo ngại các địa phương đặt thêm các điều kiện, ví dụ yêu cầu hành khách đi từ những vùng có nguy cơ cao về địa phương mình phải cách ly tập trung.
Điều đó rất khó khăn cho hành khách. Hoặc quá trình lưu thông phương tiện trên đường, nếu các địa phương đặt thêm nhiều các trạm kiểm soát và các trạm kiểm soát này lại chưa áp dụng công nghệ, phải kiểm soát thủ công sẽ gây mất nhiều thời gian cho việc vận tải.
Chúng tôi rất mong muốn các địa phương phải quán triệt một cách đầy đủ và thực hiện rất nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của Bộ GT-VT.
Trong khi Thủ tướng yêu cầu phải thống nhất trong các phương án vận tải để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh thì thực tế tại các địa phương thời gian vừa qua đối với vận tải hàng hóa đã có những sự thiếu nhất quán, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Qua phản ánh của các DN tại Hiệp hội, ông thấy đâu là những bất cập chính đang tồn tại và cần phải sửa đổi?
Ví dụ trong vận tải hàng hóa vừa qua, giữa các địa phương không thống nhất với nhau việc thực hiện thời hạn có hiệu lực của xét nghiệm hay loại hình xét nghiệm.
Ngoài ra, có những địa phương đặt ra quy định là yêu cầu phải đổi lái xe của địa phương khi phương tiện đi vào địa bàn của mình, rồi chuyển tải hàng hóa… thì những cái đó gây rất nhiều ách tắc, khó khăn.
Còn hiện nay, trong vận tải hành khách, về tính chất và quản lý vận tải hành khách đều liên quan đến đối tượng quản lý rất nhiều.
Nếu các địa phương không thực hiện các quy định của Chính phủ cũng như Bộ GT-VT, Bộ Y tế một cách nghiêm túc mà vẫn tiếp tục đặt ra những điều kiện khác ở địa phương mình thì vận tải hành khách còn phức tạp hơn so với vận tải hàng hóa.
Việc thực hiện thí điểm vận tải hành khách đường bộ đã bắt đầu từ ngày 13/10. Ông thấy cách nào giúp các cơ quan chức năng thực hiện thống nhất đồng bộ trong quản lý, tránh tình trạng trống đánh xuôi kèn thổi ngược làm khó cho người dân và doanh nghiệp?
Đó là việc thực hiện thống nhất theo nguyên tắc mà Thủ tướng đã chỉ đạo, các địa phương chỉ nên tập trung vào những biện pháp để tổ chức thực hiện những quy định của Chính phủ và Bộ GT-VT. Ví dụ, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương quản lý việc tổ chức tại các đầu mối như ở các bến xe, cần phân luồng người đi lại trong bến một cách khoa học; bố trí việc khai báo y tế, bố trí chỗ và đưa lực lượng làm công tác xét nghiệm vào các khu vực bến xe; phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát và tổ chức cho những người theo quy định là phải có khai báo, cách ly thì phải tổ chức làm sao cho chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi và thống nhất.
Với phương tiện đã lưu thông ở trên đường rồi chúng ta cần quản lý điều kiện đó tại nơi xuất phát. Nếu chúng ta kiểm tra, kiểm soát trên đường thì trong vận tải hành khách rất phức tạp và nguy cơ lây lan, lây nhiễm dịch bệnh sẽ tăng lên. Công tác tổ chức hoạt động này ở các địa phương phải bàn và chỉ đạo một cách rất cụ thể, chi tiết mới có thể triển khai được.
Để tháo gỡ những vướng mắc trong việc kiểm soát hành khách trên tuyến phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Vậy theo ông, cách phối hợp trong điều hành tổ chức vận tải như thế nào để có thể đáp ứng được những yêu cầu của hành khách và DN vận tải?
Về mặt quản lý, các sở GT-VT nên có hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị vận tải phải đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của Bộ GT-VT thì mới cho tham gia hoạt động vận tải đối với những khu vực có nguy cơ cao và rất cao. Đối với bến xe cũng tương tự như vậy.
Chúng tôi cũng đề xuất lực lượng y tế và chính quyền địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ thì tổ chức mới thuận lợi.
Người dân có nhu cầu đi lại rất cao nhưng với những chi phí xét nghiệm như hiện nay cũng là một khó khăn rất lớn. Theo ông, có cách nào để giảm bớt gánh nặng chi phí tiền bạc và thời gian cho người dân và DN trong trường hợp này?
Về phía người dân, khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới thích ứng với Covid-19, sẽ gia tăng nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, xã hội, giáo dục, nhưng với vùng nguy cơ thấp, bình thường, việc đi lại đã được bình thường, nhưng với vùng nguy cơ cao và rất cao thì việc đi lại vẫn phải có điều kiện như trong quy định của Bộ GT-VT và Bộ Y tế.
Và 2 trung tâm có lượng hành khách lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM, hầu như tất cả tuyến vận tải liên tỉnh chủ lực đều nối về Hà Nội và TP.HCM với lưu lượng, tần suất chạy xe rất lớn và có thể tới hàng trăm chuyến xe mỗi ngày. Nhu cầu đi lại như thế nhưng điều kiện đi lại thì lại phải theo quy định của Bộ GT-VT, Bộ Y tế, cho nên hiện nay lượng hành khách có đủ điều kiện đi lại trên những tuyến chính này tôi nghĩ cũng chỉ chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng nhu cầu đi lại. Với mức độ Bộ GT-VT cho phép tối đa không quá 30% trong 1 tuần trong giai đoạn thử nghiệm này, tôi cho đó cũng là tỷ lệ phù hợp.
Như ông vừa nói, trong quyết định 1777 của Bộ GT-VT mới ban hành, chỉ tiêu là doanh nghiệp chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày. Ông có thể bình luận kỹ hơn về hạn ngạch này?
Hạn ngạch này là quy định chung, là tổng số. Trong quá trình triển khai thực hiện có thể sẽ có một số đơn vị vận tải đăng ký tham gia và họ chuẩn bị đủ điều kiện để tham gia nhưng cũng có những đơn vị vận tải hoặc là còn nghe ngóng, hoặc chưa có đủ điều kiện để tham gia, ví như điều kiện về lái xe phải tiêm đủ 2 mũi vaccine thì đối với tuyến vận tải nối đến khu vực miền núi phía Bắc, tỷ lệ tiêm vaccine hiện nay còn thấp.
Tôi nghĩ lực lượng lái xe ở từng khu vực có khác nhau nhưng không phải đơn vị nào cũng có đủ lực lượng lái xe để tham gia vận tải này, vì vậy, trong các chỉ đạo cũng nên xem xét cụ thể, có đơn vị đủ điều kiện thì có thể thực hiện trên tỷ lệ này, đối với những đơn vị chưa có đủ điều kiện thì việc quản lý của các Sở GT-VT nên xem xét có điều hòa chung, căn cứ theo khả năng đáp ứng cũng như căn cứ theo nhu cầu để có điều phối cho phù hợp trên tinh thần linh hoạt và tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, tránh việc thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.
Việc mở cửa đường bộ là chủ trương đúng nhưng ý thức của nhà xe và lái xe rất quan trọng bởi họ không đón khách ở bến xe mà đón ở dọc đường và khách cũng không đến bến mà xuống dọc đường nên việc kiểm tra xét nghiệm Covid-19 rất khó. Trong trường hợp này nên làm như thế nào, thưa ông?
Trong quy định tạm thời của Bộ GT-VT có quy định các doanh nghiệp vận tải phải chịu trách nhiệm quản lý và theo dõi.
Và phương tiện xuất phát từ bến không được dừng để đón trả khách dọc đường. Việc giám sát này thông qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình trên xe; đồng thời giám sát việc ngồi cách nhau ở trên xe, việc đeo khẩu trang của hành khách.
Các doanh nghiệp được giao phải chịu trách nhiệm giám sát việc đó và những nội dung có liên quan đến quản lý ở hai đầu bến.
Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ giám sát tốt việc này.
Quyết định của Bộ GT-VT mới là thí điểm vận tải hành khách liên tỉnh, trong khi còn các loại hình vận tải khác như taxi. Vậy ông có phân tích thế nào đối với nhu cầu đi lại ở các loại hình vận tải khác?
Với vận tải taxi thì Bộ GT-VT đã cho phép chủ trương tổ chức thực hiện, tuy nhiên hiện nay ở các địa phương, khu vực thì mức độ triển khai khác nhau.
Ví dụ ở TP.HCM đã có chủ trương cho taxi hoạt động trở lại với tỷ lệ nhất định nhưng ở Hà Nội hiện nay vẫn đang xem xét, chủ trương cũng chưa rõ.
Tôi nghĩ những việc này thì các địa phương nên nghiên cứu bởi nguy cơ về lây nhiễm dịch bệnh đối với vận tải taxi không cao do lượng khách đi lại trên một xe ít và nếu có nhóm khách đi thì thường cũng là những người thân trong một gia đình, trong một đoàn nhóm nên họ sẽ biết người trong cùng chuyến xe.
Với nhu cầu đi taxi, theo tôi nên tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại ở đô thị, để khơi thông vận tải đường bộ.
Xin cảm ơn ông!