Người lao động về quê tự phát: Giải pháp nào đảm bảo an sinh?

Phóng viên VOV trao đổi cùng ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.

 

Làn sóng người lao động (NLĐ) rời TP Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở về quê do dịch bệnh đang là một vấn đề nan giải. Giải pháp nào để đảm bảo an sinh cho NLĐ tự về quê? Phóng viên VOV trao đổi cùng ông Đặng Thuần Phong (ảnh nhỏ), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội về nội dung này.

Ông nhìn nhận thế nào về việc những ngày gần đây, NLĐ đã rời TP.HCM một cách tự phát để di chuyển về quê?

Đó là điều đáng buồn. Không ai hình dung nổi có một cuộc di dân với quy mô lớn như vậy. Tại sao họ lại bỏ đi trong khi mong muốn của họ là ở đó lập thân, lập nghiệp, để được trưởng thành? Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 khiến họ không còn gì để đảm bảo cuộc sống.

Trước sức ép của đại dịch, trước mưu cầu sự sống và ranh giới của sống chết nên họ buộc phải trở về quê, muốn có sự đùm bọc, đảm bảo được phần nào cuộc sống hiện tại để chờ cơ hội.

Theo ông, việc trở về quê của những NLĐ có phải là giải pháp tốt nhất trong bối cảnh hiện nay không?

Đây là lựa chọn cuối cùng của NLĐ rồi. Họ nói không phải họ phũ phàng với nơi họ muốn gắn bó để lập nghiệp, nhưng bây giờ mơ ước đó bị dập tắt, nguồn lực không còn, điều kiện sống không còn, ranh giới giữa sống và chết hiện hữu trước mặt, vì thế, họ xem việc về quê là lối thoát tối ưu nhất hiện nay.

Và đó như hiệu ứng đám đông, người này về tác động đến người kia, họ kéo nhau về không hứa hẹn có trở lại hay không. Đây chính là thách thức cho nguồn lực lao động, cho phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch.

Trước sức ép từ số lượng quá lớn người dân trở về quê, lãnh đạo 12 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đã kiến nghị đến Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, đề nghị tạm ngưng cho người dân về quê. Theo ông, lý do gì khiến các địa phương này phải đề xuất như vậy?

Phải đặt mình vào vai trò quản lý ở địa phương mới thấy mối lo lắng khi số lượng NLĐ về quá lớn và có thể mang theo mầm bệnh khiến dịch bùng phát.

Và nếu không lo được công ăn việc làm, an sinh cho những NLĐ này sẽ rất dễ phát sinh tệ nạn xã hội. Nguồn lực địa phương thì thời gian qua chống dịch cũng đã cạn kiệt, không đảm bảo yêu cầu để xử lý số lượng người về đông với nguy cơ dịch bệnh rất cao như vậy.

Nguồn vaccine ngừa Covid-19 ở ĐBSCL rất ít. Chính vì thế nên các địa phương lo sợ dịch bùng phát, mới có kiến nghị ấy chứ không phải họ vô cảm. Nếu thiếu sự lãnh đạo quyết liệt, thiếu sự hỗ trợ thì các địa phương rất nguy hiểm.

Ý kiến của ông như thế nào về cách các địa phương tiếp nhận những NLĐ trở về quê hương?

Câu chuyện trở về của NLĐ, tôi thấy các địa phương cũng lo lắng, trách nhiệm lắm. Có những tỉnh tổ chức từng đợt đưa người dân về quê hương trên cơ sở kiểm soát chặt mầm bệnh và về cách ly ở tại địa phương một số ngày rồi sau đó mới về cách ly ở tại gia đình theo quy định.

Mỗi một đợt đón như vậy được vài trăm người và với 3, 4 đợt thì đến nay mỗi tỉnh cũng đón được khoảng trên dưới 1.000 người. Nhưng bây giờ NLĐ về tự phát như vậy thì một tỉnh thấp nhất cũng tới 5.000 - 7.000 người về, có tỉnh tới 20.000 - 30.000 người.

Với con số rất lớn như thế, người mang mầm bệnh ai test? Chi phí test ai chịu? Khi cách ly NLĐ thì nguồn lực ở đâu? Rồi vấn đề an sinh, đảm bảo ổn định cuộc sống lâu dài cho NLĐ ai lo?

Trường hợp nếu họ có bệnh, phải đưa đi điều trị thì kinh phí ở đâu?... Những vấn đề này nằm ngoài suy tính của từng địa phương, họ không lường trước được số lượng người về lớn như vậy nên không có sự chuẩn bị trước, bị động hoàn toàn, không có nguồn lực để thực thi các vấn đề này.

Trước tình hình này, chỉ đạo mới đây nhất của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh là các địa phương cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội. Để thực hiện chỉ đạo này, theo ông, các địa phương cần lên một kịch bản cụ thể, lâu dài như thế nào cho câu chuyện này?

Tôi nghĩ phải có kịch bản thống nhất cấp Quốc gia để dự phòng, hỗ trợ cho từng địa phương trong hoàn cảnh này.

Còn địa phương, trên các kịch bản chung đó có sự phối hợp để tạo cơ sở vững chắc cho việc kiểm soát được dịch bệnh và giải quyết được bài toán an sinh cho NLĐ, giúp họ an lòng, ổn định và khi kinh tế phục hồi thì họ vững tin để quay lại thị trường lao động.

Đây mới là điều quan trọng. Nếu để NLĐ sợ, không muốn quay lại thì doanh nghiệp sẽ thiếu nguồn nhân lực, khi đó muốn khôi phục cũng không khôi phục được, kinh tế có muốn không đứt gãy cũng không thể. Các địa phương nếu không sử dụng các giải pháp để chia sẻ và an dân thì khó mà thực hiện được mong muốn khôi phục kinh tế sau dịch.

Theo ông, các địa phương ở ĐBSCL cần có những dư địa như thế nào để phát triển kinh tế cho người dân khi mà họ không muốn quay trở lại TP.HCM nữa?

Đây là bài toán khó nhất, bởi các tỉnh ĐBSCL chủ yếu làm nông nghiệp, sản xuất công nghiệp rất ít. Những người trở về từng là công nhân ở các doanh nghiệp, bây giờ chấp nhận quay về làm nông nghiệp nhỏ trong điều kiện tư liệu sản xuất chỉ có một số công đất thôi, như vậy họ chỉ tạm đủ sống chứ không thể khá lên và về lâu dài đó thực sự trở thành gánh nặng của địa phương.

Còn chuyển công nghiệp về các tỉnh ĐBSCL thì giai đoạn này là việc không thể. Vì thế, làm sao để NLĐ được tiêm ngừa 2 mũi, được đảm bảo các biện pháp để không bị lây dịch, và khi họ trở lại thị trường lao động, cuộc sống của họ cũng phải được đảm bảo, an tâm về nơi ăn chốn ở họ mới tin tưởng trở lại.

Về câu chuyện an sinh xã hội, theo ông, vấn đề đầu tiên đặt ra cho các địa phương là gì?

Các địa phương phải “nắm” được họ. “Nắm” không đơn thuần là lập danh sách, theo dõi dịch bệnh đối với NLĐ mà phải rà soát và tạo sự ổn định cho cuộc sống của họ.

Ngoài gói bảo hiểm thất nghiệp như gói 38 nghìn tỷ kết dư từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho NLĐ và người sử dụng lao động, và Nghị quyết 68 của Chính phủ cho 12 đối tượng thì có những người không nằm trong đối tượng thụ hưởng đó nên phải rà soát, hỗ trợ các đối tượng này. Nguồn lực địa phương không có thì huy động xã hội hóa hoặc Trung ương phải hỗ trợ.

Còn nếu thả lỏng, chỉ nắm danh sách, rà soát khoanh vùng dịch thôi thì NLĐ về vẫn đói, khó khăn sẽ dẫn tới tệ nạn xã hội.

Trong khi đó, chúng ta đang cố gắng khôi phục kinh tế sau dịch, từng bước vận động NLĐ trở lại thị trường lao động trên cơ sở thuyết phục để giúp họ hiểu là sự cống hiến của mình rất có giá trị. Nếu họ bỏ ngang về lại quê hương bám đất, bám nông nghiệp thì cuộc đời vẫn mãi nghèo như cha ông trước đây.

Đây là cơ hội để đổi đời và bây giờ cuộc sống đã ổn định lại rồi, dịch bệnh có thể qua rồi, an toàn rồi… để NLĐ an tâm.

Việc tuyên truyền vận động thay đổi nhận thức rất quan trọng và cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để chia sẻ, bù đắp, củng cố niềm tin và thay đổi hành vi của NLĐ. Nếu thiếu các động tác cơ bản này khó mà khôi phục lòng tin của NLĐ.

Tiếp xúc cử tri tại ĐBSCL, ông nắm bắt suy nghĩ, trăn trở của lãnh đạo địa phương cũng như cử tri về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, lãnh đạo địa phương mong có một kịch bản chung của Quốc gia, có sự chỉ đạo thống nhất, hướng dẫn rõ ràng để giúp địa phương có nguồn lực hỗ trợ cho đối tượng này.

Từng địa phương tùy theo điều kiện của mình rà soát đối tượng để có sự hỗ trợ phù hợp. Có như vậy mới hy vọng phục hồi niềm tin của NLĐ, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để có thể chuẩn bị đón nhận một thời cơ mới, để họ an tâm trở lại thị trường lao động.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là củng cố, phát triển y tế cơ sở và tăng cường y tế lưu động để người dân có thể tiếp cận sớm y tế từ xa. Đây cũng là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng. Theo ông, các địa phương cần chuẩn bị như thế nào để thực hiện việc cách ly, điều trị tốt nhất nếu xảy ra lây lan dịch từ làn sóng di dân như thế này?

Hệ thống y tế cơ sở hiện quá yếu. Mặc dù mỗi xã có một bác sĩ và một số nhân viên y tế khác để đáp ứng yêu cầu này nhưng gần như bị quá tải so với những yêu cầu chống dịch hiện nay. Toàn bộ hệ thống trang thiết bị của tuyến y tế cơ sở không đáp ứng được yêu cầu chung.

Thời gian qua, đối với hạ tầng cơ sở của y tế cấp huyện thì từ trái phiếu Chính phủ chúng ta đã xây dựng cơ bản rồi, nhưng còn tổ chức y tế cơ sở và bộ máy con người để phục vụ, đáp ứng yêu cầu thì hiện nay chưa đạt.

Việc này đòi hỏi phải có sự đào tạo, quy hoạch và chuẩn bị các nguồn lực, đặc biệt là hệ thống trang thiết bị để giúp hệ thống y tế cơ sở thực hiện được nhiệm vụ của mình, nhất là dự phòng, chống dịch bệnh, thì hiện nay đang thiếu trầm trọng.

Tại sao không phát động một đợt trái phiếu Chính phủ mới để sau này hỗ trợ xây dựng hoàn thiện các trang thiết bị và cả tổ chức bộ máy cho hệ thống y tế cơ sở, đó mới là bài toán đáp ứng được yêu cầu lâu dài.

Từ câu chuyện NLĐ tự phát di chuyển về quê đã gây khó khăn không nhỏ cho các địa phương liên quan. Vậy TP.HCM và các tỉnh, thành này cần phải có sự bàn thảo thế nào để không xảy ra tình trạng bị động tương tự, thưa ông?

Các địa phương cần phải có sự liên kết, ngồi lại với nhau dưới sự điều hành của Chính phủ, lên kịch bản hẳn hoi. Giờ đón nhận NLĐ về, cách ly, chăm sóc, an sinh để họ ổn định, sau đưa họ trở lại thành phố thì bố trí cho họ ăn ở, chỗ làm thế nào.

Và Chính phủ cũng phải có chỉ đạo chứ không phải mạnh ai nấy làm. Chỉ giúp dân sống tốt thì mới lấy lại được lòng tin, mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, NLĐ về quê mưu sinh thì TP.HCM hoặc các tỉnh công nghiệp có hỗ trợ gì cho địa phương đón lao động trở về hay không để có thể đảm bảo cuộc sống cho NLĐ trong một vài tháng và khi hết dịch thì địa phương sẽ đưa lao động trở lại thành phố.

Xin cảm ơn ông!
 


 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận