Cần 'vaccine ý thức' để giữ vững thành quả chống dịch

Phóng viên VOV trò chuyện, với Ths.Bs Phan Ngọc Huy, đang công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 về nội dung này.

 

Bằng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều địa phương trên cả nước đã từng bước khống chế được dịch bệnh, dần phục hồi trạng thái bình thường mới sau nhiều ngày thực hiện “ai ở đâu ở yên đó”. Nhưng để kéo dài niềm vui này, ngoài nỗ lực của lực lượng tuyến đầu và chính quyền các cấp thì phụ thuộc rất lớn vào ý thức và trách nhiệm của mỗi người.

Phóng viên VOV trò chuyện với thạc sĩ, bác sĩ Phan Ngọc Huy, đang công tác tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 do Bệnh viện Da liễu TP HCM phụ trách, về nội dung này.

Công tác phòng chống dịch Covid-19 đã đạt được những thành quả ban đầu. Nhịp sống của người dân đang dần trở lại bình thường. Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi TP.HCM đang từng bước nới lỏng sau hơn 100 ngày căng thẳng chiến đấu với đại dịch?

Tôi và các đồng nghiệp đều có chung cảm xúc hân hoan bởi chúng ta có thể bước vào một chu kỳ bình thường mới sau khi phải chịu một trận đại dịch Covid-19 bùng phát nặng nề.

Trong chuỗi ngày căng thẳng vừa qua, ngoài việc tham gia theo dõi, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 thì mỗi ngày vào lúc 18 - 19h, chúng tôi lại theo dõi những ca nhiễm mới, số ca tử vong mỗi ngày. Khi thấy số ca bệnh và số ca tử vong giảm mỗi ngày thì đó là niềm vui to lớn của tất cả chúng ta.

Hiện tại tôi và các đồng nghiệp vẫn ở tại bệnh viện và rất ít khi về thăm gia đình bởi sợ nguy cơ lây nhiễm cho người nhà.

Chúng tôi rất quan tâm, chú ý xem cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường chưa, họ có đảm bảo 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế không. Vì thế, tôi thường xuyên theo dõi các kênh thông tin truyền thông để xem ngày trở lại bình thường như thế nào.

Nhịp sống dần trở lại bình thường mới không chỉ là mỗi người được tự do làm công việc cá nhân, được sản xuất - kinh doanh, mà đó là tín hiệu cho việc chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và tiến tới sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19 này.

Hiện nay, công việc của ông và các đồng nghiệp tại Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 số 12 đã vơi bớt áp lực chưa?

Để nhìn rõ hơn về tình hình hiện tại phải nói về giai đoạn đầu tiên khi dịch bùng phát lần thứ 4 từ đầu tháng 7.

Chỉ trong rất ít ngày, chúng ta đã xây dựng được Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 12 (Bệnh viện dã chiến số 12). Và sau 1 - 2 ngày, Bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân Covid-19.

Kể từ lúc đó, trong khoảng 2 tháng, Bệnh viện dã chiến số 12 lúc nào cũng trong tình trạng quá tải, từ khu khám sàng lọc (khu nhận bệnh nhân từ các trung tâm y tế cho đến những bệnh nhân có nhu cầu nhập viện cấp cứu) tới những khu lâm sàng - nơi số lượng bệnh nhân lúc nào cũng khoảng từ 1.200 - 1.500 người với nhân lực chỉ 30 - 40 người.

Khi những bệnh nhân ở khoa lâm sàng có vấn đề gì đó như khó thở, sốt không hạ, người lờ đờ, chỉ số SpO2 thấp sẽ được chuyển vào Khoa cấp cứu. Khoa cấp cứu hồi đầu tháng 7 và tháng 8 không lúc nào có giường trống.

Khi số ca bệnh Covid-19 bắt đầu giảm dần, nhất là trong 1 - 2 tuần gần đây thì đây một tín hiệu rất đáng mừng.

Số ca phải nằm ở Khoa cấp cứu cần can thiệp như thở ô-xy, truyền kháng sinh hoặc kháng viêm, kháng đông đã giảm 60 - 70%. Ở các bệnh viện dã chiến khác tình trạng này cũng tương tự. Bệnh nhân nặng không còn nhiều như trước, số ca tử vong giảm dần. Vì thế áp lực công việc cũng giảm khá nhiều. Chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Ai trong chúng ta cũng mong dịch bệnh Covid-19 giảm để các bác sĩ và lực lượng tuyến đầu sớm được trở về với gia đình. Mong muốn là vậy nhưng được hay không lại phụ thuộc vào ý thức của mỗi người khi chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới đúng không thưa bác sĩ?

Chúng ta đã có những động thái, chính sách rất tích cực như lập bệnh viện dã chiến, những trung tâm điều trị, chiến lược tiêm vaccine thần tốc... Bên cạnh đó, việc truyền thông liên tục trên các báo đài rất tốt nhưng chúng ta không thể chiến thắng được đại dịch nếu ý thức người dân không tốt, đặc biệt khi chúng ta đang bước vào trạng thái bình thường mới - nghĩa là chưa thể trở về trạng thái hoàn toàn bình thường như trước đây được, và có rất nhiều thứ thay đổi trong thời gian này.

Chúng ta phải có độ trễ trong việc mở cửa bởi có thể có những ca nhiễm mới.

Thông thường trong 2 - 4 tuần tiếp theo là thời gian quan trọng để chúng ta có thể đánh giá được có mở cửa tiếp hay không. Và việc chúng ta có mở cửa được nhiều hơn hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người dân. Chúng ta không nên lơ là, chủ quan mà phải tuyệt đối tuân thủ theo nguyên tắc 5K.

Thế nhưng chúng ta cũng không nên quá lo lắng bởi đỉnh dịch tạm thời đã bước qua được rồi.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là thích ứng với trạng thái bình thường mới thì phải tạm bỏ thói quen cũ.

Chúng ta có những quy định, những nội quy, sự điều chỉnh của pháp luật, sự quản lý của chính quyền nhưng ý thức của người dân vẫn là quan trọng nhất trong việc phòng chống và sống chung với Covid-19 nói riêng và trong tất cả các hoạt động khác nói chung.

Ngay cả khi chúng ta được tiêm đủ 2 mũi vaccine, khi chúng ta mở cửa, khi chúng ta được trang bị rất nhiều cách bảo vệ cho bản thân thì vẫn phải có ý thức trong việc phòng chống dịch Covid-19, chứ không phải tiêm đủ vaccine, xét nghiệm âm tính rồi thì không cần đeo khẩu trang, tiếp xúc gần quá nhiều.

Những việc ấy chúng ta làm có thể trở thành nguy cơ lây nhiễm bệnh khiến thành quả chống dịch sụp đổ. Nếu chúng ta chủ quan sẽ rất dễ thất bại.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới chúng ta phải tạm bỏ thói quen cũ trong một thời gian nhất định, nhất là khi vaccine chưa đủ. Vậy thưa bác sĩ, đâu là những thói quen mà chúng ta buộc phải tạm quên đi để bảo vệ được tốt nhất thành quả chống dịch?

Chúng ta đã xác định dịch Covid-19 còn kéo dài và buộc phải sống chung với dịch. Như vậy, để có thể quay về cuộc sống bình thường, thì chúng ta cần bỏ đi một số thói quen, nhất là thói quen tụ tập đông người.

Có như vậy chúng ta mới giảm được nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch Covid-19. Thói quen thứ 2 cần thích nghi là hạn chế di chuyển khi không cần thiết.

Trong cuộc sống hằng ngày ở trạng thái bình thường mới, chúng ta cần tạo dựng các thói quen mới.

Nếu trước đây chỉ rửa tay trước khi ăn thì bây giờ làm gì cũng phải rửa tay sát khuẩn. Luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà dù đi gần hay xa.

Tuyệt đối tránh tụ tập đông người. Chúng ta làm việc ở nhà với thời gian và nề nếp làm việc như khi đi làm ở cơ quan. Vì xác định phải sống chung với Covid-19 nên buộc phải tập những thói quen mới đó. Với tâm thế đó, mọi thứ sẽ trở nên rất bình thường.

Bên cạnh đó, chúng ta phải thích nghi và tập cho mình nhiều thói quen mới như đeo khẩu trang thường xuyên, rửa tay.

Sau này khi dịch Covid-19 ổn rồi thì phải tiêm vaccine phòng chống Covid-19 lặp lại. Và khi dịch Covid-19 chỉ còn như một loại bệnh cúm thì chúng ta đã có phác đồ tiêm vaccine bệnh cúm mỗi năm.

Như vậy, chúng ta phải có thói quen tiêm vaccine mỗi năm để phòng chống dịch Covid-19.

Việc giữ vững thành quả chống dịch Covid-19 không phải chỉ của riêng ngành y tế mà chống dịch thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, lực lượng khác.

Lấy ví dụ như lực lượng tình nguyện viên, họ làm việc rất tích cực, hăng say, đáng nể, không đòi hỏi lợi ích, hy sinh quyền lợi cá nhân vì cộng đồng. Và hàng loạt lực lượng khác như công an, dân quân tự vệ - chính họ giúp cộng đồng hạn chế tối đa sự lây nhiễm. Đây là điều vô cùng quan trọng trong phòng chống đại dịch.

Và không thể thiếu lực lượng truyền thông bởi đưa được thông tin đến với người dân, giúp dân biết được bệnh dịch này nguy hiểm như thế nào.

Cả nước đang nỗ lực tiêm vaccine ngừa Covid-19 và thực hiện các biện pháp giãn cách để ngăn chặn sự lây nhiễm của dịch. Vaccine dù rất khan hiếm nhưng Nhà nước vẫn đang cố tìm mọi cách nhập về để tiêm cho người dân. Nhưng có một loại vaccine khác rất cần và luôn có trong mỗi người, đó là vaccine ý thức.

Hãy khơi dậy vaccine ý thức phòng bệnh để bảo vệ chính mình và gia đình, rộng ra là bảo vệ cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Trường thực hiện
 






 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận