Chăm lo cho người lao động, chuẩn bị nhân lực tái sản xuất

Phóng viên VOV trao đổi với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

 

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người lao động nghỉ việc về quê. Tình trạng này tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động, nhiều khu sản xuất tập trung kiểm soát được dịch bệnh bắt đầu tái sản xuất bị thiếu lao động nghiêm trọng, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Phóng viên VOV trao đổi với bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này.

Thưa bà, tình hình công nhân lao động đang gặp khó khăn ra sao, đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19?

Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của công nhân lao động (CNLĐ).

Trong khoảng 700.000 ca dương tính ngoài cộng đồng thì hơn 56.000 ca dương tính là CNLĐ, chiếm gần 8% tổng số các ca nhiễm ngoài cộng đồng, và đã có một số CNLĐ tử vong.

Trường hợp F1 là CNLĐ lên đến khoảng 126 nghìn, F2 là gần 243 nghìn và số CNLĐ có thể bị ngừng việc trong các khu vực bị phong tỏa là trên 200 nghìn.

Khoảng trên 18 nghìn doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và cùng với đó là gần 2,5 triệu lao động phải luân chuyển, luân phiên lao động, ngừng việc và đi tìm việc làm mới. Việc CNLĐ quay lại sản xuất cũng gặp khó khăn bởi dù các địa phương - đặc biệt là khu vực miền Nam - đã nới lỏng từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15 nhưng việc đi lại cũng chưa dễ dàng.

Một trong những chính sách lớn của Chính phủ là Nghị quyết 68/NĐ-CP hỗ trợ người lao động (NLĐ), DN khó khăn do dịch Covid-19. Sau hơn 2 tháng triển khai, bà nhận thấy việc thực hiện Nghị quyết này ra sao, đã đạt được kết quả như thế nào?

Nghị quyết 68/NĐ-CP góp phần giúp các DN và NLĐ giảm bớt khó khăn trong tình hình dịch bệnh, đảm bảo đời sống, việc làm cũng như an sinh xã hội cho NLĐ.

Theo số liệu các cấp công đoàn tổng hợp được, Nghị quyết 68/NĐ-CP đã hỗ trợ 1.163.017 đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền 1.677 tỷ đồng và có trên 170 nghìn DN được giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp tái sản xuất đang khát lao động.	Ảnh: gia Hân

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có một số bất cập khiến các DN và NLĐ phản ứng. Ví dụ một số DN thực hiện “3 tại chỗ”, có nghĩa đang duy trì sản xuất được cho 30 - 50% lao động, thế nhưng theo điều kiện ở Quyết định 23/2021/QĐ-TTg hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68/NĐ-CP thì những DN ấy phải là những DN dừng hẳn sản xuất hoặc nằm trong khu phong tỏa.

Như vậy, số lao động do DN không thể bố trí “3 tại chỗ” sẽ bị tạm dừng lao động hoặc nghỉ không lương thành ra chưa thể đáp ứng được điều kiện để có thể được hưởng hỗ trợ.

Bên cạnh đó, mọi người lại hiểu rằng tất cả đối tượng lao động tự do đều được hưởng chính sách, nhưng Nghị quyết 68 đã nói rất rõ là tùy từng địa phương trên cơ sở cân đối ngân sách của mình thì có lộ trình thực hiện việc hỗ trợ cho những đối tượng khó khăn nhất.

Như TP.HCM ban đầu hỗ trợ cho 6 đối tượng ngành, nghề; đợt 2 mở rộng thêm một vài ngành, nghề nữa và từ 13/9 tới nay mới mở rộng cho toàn bộ đối tượng lao động. Ngoài ra còn một vài vấn đề khác nữa nên vẫn có những kiến nghị điều chỉnh chính sách.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có kiến nghị nào tới các cấp chính quyền nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay để kịp thời giải ngân cho những NLĐ đúng đối tượng, thưa bà?

Bất kể chính sách nào cũng đều được xây dựng trên cơ sở thực tiễn, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn phải tiếp tục nghe ý kiến từ cơ sở để điều chỉnh cho phù hợp. Việc chúng ta vừa chống dịch, vừa phải đảm bảo thực hiện hỗ trợ cũng khiến cho việc tổ chức thực hiện có những khó khăn.

Với những vướng mắc của NLĐ, chúng tôi đã kịp thời ghi nhận và phản ánh các ý kiến đó tới các cấp có liên quan. Ví dụ, liên quan tới việc tháo gỡ chính sách, thủ tục hồ sơ thì chúng tôi đề nghị với Bộ LĐ-TB&XH là có thể thay thế bản sao có công chứng bằng bản sao số, văn bản chứng từ số gửi qua thư điện tử hoặc zalo, hoặc những xác nhận của DN để đảm bảo đúng đối tượng.

Đối với việc xác định đối tượng được hỗ trợ thì các cấp công đoàn cũng kiến nghị phân cấp cho các địa phương để giảm bớt thủ tục cho NLĐ. Thời gian thực hiện chính sách đến tháng 12/2021 nên chúng ta vẫn kịp thời điều chỉnh những vướng mắc ấy.

Chiều 24/9 vừa qua, UBTVQH đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ NLĐ đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới 30 nghìn tỷ đồng. Bà đánh giá thế nào về quyết sách này và làm thế nào để triển khai hiệu quả gói giải ngân đó?

Đây là chính sách rất kịp thời góp phần hỗ trợ những NLĐ khó khăn. Để ra được chính sách này, UBTVQH phải có quyết tâm rất lớn bởi mỗi quỹ đều có quy định về mục tiêu huy động quỹ cũng như đối tượng của các quỹ đó; Đồng thời phải bàn rất kỹ để đảm bảo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng được đúng mục tiêu là hỗ trợ đúng đối tượng.

Chúng ta đã có chủ trương đúng thì trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, các địa phương phải hiểu rõ về mục tiêu của chính sách và phương thức thực hiện phải đơn giản, thuận tiện, linh hoạt, thống nhất và đồng bộ để hỗ trợ kịp thời cho NLĐ tiếp tục quay trở lại với công việc, khôi phục sản xuất, để có thể ứng phó được với tình hình dịch bệnh, không chỉ làn sóng thứ tư mà còn có thể những làn sóng tiếp theo nữa.

Cùng với những chính sách từ Chính phủ, công đoàn các cấp đã có nhiều giải pháp sáng tạo và huy động các nguồn lực xã hội chung tay giúp những đoàn viên không đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quy định. Bà có chia sẻ gì khi hàng nghìn cán bộ công đoàn vẫn đang ngày đêm sát cánh hỗ trợ công nhân?

Mỗi cán bộ công đoàn khi tham gia vào công đoàn, kể cả chuyên trách hay không chuyên trách vẫn luôn xác định sứ mệnh là chăm lo và bảo vệ quyền lợi của NLĐ, làm mọi cách để có thể hỗ trợ được cho NLĐ.

Không chỉ là chính sách của các cấp công đoàn mà mỗi công đoàn viên ở vị trí, vai trò của mình họ luôn luôn lắng nghe ý kiến của NLĐ và tùy tình hình ở tại địa phương mà có cách hỗ trợ, từ bữa cơm đến phương tiện đi lại, nhu yếu phẩm, thuốc men và hỗ trợ NLĐ là F0, F1…

Các cấp công đoàn luôn trăn trở, cố gắng hết mức trong khả năng, nguồn lực của mình để bảo vệ, hỗ trợ cho NLĐ một cách tốt nhất.

Hiện Chính phủ và các địa phương đang nới lỏng giãn cách và sẵn sàng khôi phục sản xuất. Vậy công đoàn sẽ góp phần thúc đẩy việc này như thế nào, thưa bà?

Với việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho DN, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có Quyết định 3089/QĐ-TLĐ về hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ đang thực hiện “3 tại chỗ” của DN tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Chúng tôi tổng hợp số liệu của các DN thực hiện “3 tại chỗ”, “3 cùng”, DN có những phương án sản xuất khác như “1 cung đường 2 điểm đến”, hay những DN xanh... Trên cơ sở nắm được tình hình của những DN đang cần hỗ trợ để khôi phục sản xuất, Tổng Liên đoàn đang lấy ý kiến của các cấp công đoàn về một gói an sinh công đoàn để hỗ trợ kịp thời những đối tượng mà có thể chưa được hưởng gói hỗ trợ nào, hoặc thậm chí những đối tượng đã được hưởng gói hỗ trợ rồi nhưng thời điểm này vẫn chưa tìm được việc làm.

Tổng Liên đoàn cũng đã giao cho Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động khảo sát các DN thực hiện các gói an toàn sản xuất ở các địa phương, lắng nghe ý kiến của các DN để tiếp tục hỗ trợ DN khôi phục sản xuất và NLĐ quay trở lại thị trường lao động trong thời gian tới.

Khó khăn nhất hiện nay là nhiều DN tái sản xuất đang khát lao động mà công nhân thì chưa thể đến các nhà máy, xí nghiệp được bởi có quá nhiều rào cản trong phòng chống dịch. Nút thắt cần được tháo gỡ ở đây là gì, thưa bà?

Khi khôi phục sản xuất, chúng ta phải lắng nghe các chuyên gia kinh tế và DN để đưa ra được giải pháp tốt nhất. Việc lắng nghe thể hiện ở chỗ các phương thức phòng, chống dịch của chính quyền địa phương phải đồng bộ, thống nhất để việc giao thông, giao thương, đi lại của NLĐ, của DN được thông suốt để các DN có thể vận hành, chứ không phải mỗi địa phương lại đưa ra những quy định khác nhau, gây khó khăn cho NLĐ và DN.

Việc cấp thẻ xanh, thẻ vàng đối với người đã tiêm vaccine Covid-19 và tăng cường xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm thấp, thực hiện triệt để hơn nữa phương châm “sống chung với dịch bệnh Covid-19” cũng là những giải pháp tốt.

Chúng ta phải thấy rằng, có nguy cơ nhưng chúng ta có giải pháp bảo vệ thì vẫn có thể đi lại và làm việc được chứ không phải cứ cách ly tại nhà, ai ở đâu ở yên đấy mới là chống dịch hiệu quả.

Diễn biến của dịch đang thay đổi, điều kiện của chúng ta cũng đang thay đổi khi mà đã có vaccine và việc tuân thủ, sự hiểu biết của người dân về dịch cũng đã tốt lên thì phương thức của chúng ta cũng phải thay đổi để làm sao vừa chống được dịch vừa khôi phục được sản xuất, không để đứt gãy chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng lao động.

Dịch Covid-19 cũng để lộ ra bất cập lâu nay là khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nhà ở công nhân. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kiến nghị nào để thúc đẩy chính sách này, vì Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị định và các hướng dẫn thực hiện nhưng việc triển khai trên thực tế vẫn chậm chạp?

Mới đây, Tổng Liên đoàn đã kiến nghị với Chính phủ về các thiết chế cho các địa phương có khu công nghiệp, đông CNLĐ.

Một trong những thiết chế đó là xây dựng khu nhà ở cho CNLĐ. Tuy nhiên, thiết chế này còn phụ thuộc vào nhiều chính sách và điều kiện khác nhau ở từng địa phương nên việc thúc đẩy nhà ở cho CNLĐ hiện vẫn có những khó khăn nhất định.

Chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ và TTCP cũng đã ban hành Chỉ thị 16 về việc đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh lao động và nâng cao đời sống cho NLĐ, trong đó có những chỉ đạo đối với các bộ, ngành liên quan, ví dụ như đối với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Xây dựng cùng phối hợp với những địa phương, DN và tổ chức công đoàn để thời gian tới sẽ thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện thiết chế cho công nhân trong các khu công nghiệp.

Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Trường thực hiện

















 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận