Tháo gỡ điểm nghẽn thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao đổi với phóng viên VOV

 

Chỉ trong vòng 2 tháng qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những điểm nghẽn gây khó khăn, cản trở cho DN, nhất là các thủ tục hành chính. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã trao đổi với phóng viên VOV xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá như thế nào về các nghị quyết của Chính phủ nhằm hỗ trợ cộng đồng DN cũng như các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4?

Những chính sách để hỗ trợ DN và người lao động là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ và các bộ, ngành. Qua các cuộc điều tra, khảo sát của chúng tôi vào đầu năm 2020 cho thấy các DN đều nhìn nhận rằng phản ứng chính sách của Việt Nam rất kịp thời.

Năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về những chính sách hỗ trợ cho người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Gần đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105 về hỗ trợ DN, HTX và hộ kinh doanh.

Và hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Các giải pháp đưa ra trong Nghị quyết này tương đối toàn diện, hữu ích với doanh nghiệp.

So với giai đoạn trước, quy mô, giải pháp trong giai đoạn này mở hơn, chẳng hạn chúng ta đã có đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cho một số ngành; miễn một số khoản phải thu như tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất trong năm 2021, giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

Diện được hỗ trợ cũng được mở rộng hơn, hộ kinh doanh, HTX đã được đưa vào chương trình hỗ trợ trong năm 2021 này. Đây là những điểm rất tích cực.

Cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ đã có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, việc thực hiện các nghị quyết này ở nhiều tỉnh, thành phố trong thời gian qua không đồng bộ, gây cản trở hoạt động sản xuất của DN. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nhiều tỉnh bị thụt lùi, nhiều thủ tục được “đẻ” ra khiến khó khăn của DN thêm chồng chất. Vậy Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có những kiến nghị nào về vấn đề này, thưa ông?

Trong thời gian vừa rồi, điểm nóng của nhiều tỉnh, thành phố là việc DN gặp khó khăn trong lưu thông và không có sự thống nhất trong việc tổ chức sản xuất. Việc lưu thông hàng hóa rất quan trọng, nếu không vận hành được thì DN cũng không thể hoạt động.

Sự lúng túng trong việc tổ chức lưu thông gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu của mọi chính sách hỗ trợ là người dân, doanh nghiệp phải được thụ hưởng thực tế các hỗ trợ này.	ảnh: k.t

Việc cải cách thể chế thủ tục hành chính vẫn luôn được Chính phủ ưu tiên hàng đầu. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì một hội nghị về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Thời gian qua, mặc dù đã có cố gắng nhưng những đề xuất trong phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 vẫn chưa có tính đột phá. Đây là một yêu cầu cấp bách trong thời gian tới bởi DN đã rất khó khăn vì dịch rồi nên những giải pháp cải cách, thay đổi cần phải được thực hiện mạnh mẽ, thực chất hơn nữa.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đã có, thế nhưng để những chính sách đó đến được với DN thì cần nhiều giải pháp thúc đẩy. Một trong những giải pháp quan trọng là giám sát xem chính sách đã đến được với các DN chưa. Ông có đồng tình với những quan điểm này?

Suy cho cùng, mục tiêu của mọi chính sách hỗ trợ là người dân, DN phải được thụ hưởng thực tế các hỗ trợ này chứ không phải chỉ ban hành chính sách hỗ trợ với nội dung, thông tin, định hướng rất tốt nhưng việc triển khai trên thực tế thì chậm, muộn và không có nhiều ý nghĩa.

Một trong những kiến nghị của tôi về giải pháp để thực hiện tốt chính sách là việc ban hành chế độ hỗ trợ phải luôn đi kèm với tổng kết, đánh giá - đặc biệt là những đánh giá độc lập - xem hiệu ứng của chính sách hỗ trợ ấy như thế nào và gắn với trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Chúng tôi tin rằng, Chính phủ và các bộ, ngành trong năm 2021 sẽ thực hiện tốt việc đánh giá, theo dõi việc thực hiện các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đã đưa ra.

Rõ ràng chúng ta đã thấy rõ mong muốn của các DN là cởi các nút thắt thủ tục hành chính cho DN, mà ở đâu đó, những nút thắt này do chính các cơ quan quản lý cũng như chính quyền tạo ra, thưa ông?

Điều lo lắng, trăn trở của nhiều người là sự thay đổi quá nhanh, không nhất quán và độ tin cậy thấp của các thủ tục mà nhiều cơ quan đã ban hành trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh những chính sách tốt, vẫn có nhiều chính sách mà các cơ quan cấp địa phương ban hành thể hiện sự thiếu cân nhắc và tùy tiện trong việc ban hành.

Nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư nước ngoài rất lo ngại khi có thực trạng một lãnh đạo cấp sở, cấp huyện có thể tự ra quyết định đóng cửa DN mặc dù DN đã nỗ lực đáp ứng các điều kiện. Tôi cho rằng cần phải có những khuyến nghị bài bản hơn, thống nhất hơn để trong giai đoạn tới thích nghi với dịch.

Còn nếu đưa ra một quy trình thủ tục thì cần phải có những tiêu chí khoa học, rõ ràng, tính tin cậy cao, giảm tính xin cho. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải cải thiện được điều này.

Theo ông, để giảm các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh thì cần phải thay đổi điều gì?

Tôi cho rằng đối với cộng đồng DN và rất nhiều người, điều kỳ vọng, quan tâm đầu tiên trong thời gian tới là phải khống chế dịch bệnh thành công, chiến dịch vaccine phải được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa và cần nhanh chóng tổ chức để đưa hoạt động sản xuất trở lại.

Đối với các thủ tục hành chính khi đưa ra cần phải tính đến chuyện vừa đủ để phòng chống dịch bệnh mà không tạo ra những thiệt hại về kinh tế quá lớn.

Về mặt tổ chức thực hiện các thủ tục này thì cần có những chuẩn mực, hướng dẫn thống nhất và sự giám sát, đánh giá kịp thời. Biết là dịch bệnh sẽ rất khó khăn nhưng chúng ta cũng phải cố gắng tạo ra một môi trường kinh doanh để DN sản xuất thuận lợi và nhanh chóng phục hồi.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đánh giá lại kịch bản tăng trưởng và dự báo GDP năm nay sẽ chỉ tăng 3,5 - 4%. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh điều kiện để đạt được tăng trưởng này là Việt Nam phải kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9 để chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV; đồng thời đề nghị các địa phương phải đảm bảo tính thân thiện, đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ, lắng nghe DN chứ không phải chỉ là những chỉ thị hành chính nhũng nhiễu, gây khó khăn. Ông nghĩ sao về thông điệp này của người đứng đầu Bộ KH-ĐT?

Tôi hoàn toàn nhất trí với thông điệp mà Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đưa ra. Bên cạnh việc chống dịch cấp bách, chúng ta cũng phải chia sẻ, đồng hành, giảm hiệu ứng không tích cực đối với việc tồn tại của mỗi DN - các chủ thể quan trọng của nền kinh tế.

Cần phải tăng cường gặp mặt, đối thoại, lắng nghe để làm sao vừa đưa ra những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, nhưng cũng có thể tận dụng nguồn lực từ các DN và giảm những TTHC nhũng nhiễu gây hiệu ứng tiêu cực và nghiêm trọng lâu dài về mặt kinh tế.

Có thể có lúng túng trong giai đoạn đầu, nhưng các văn bản chỉ đạo cũng như cách thức điều hành của các bộ, ngành địa phương cần phải thay đổi theo hướng bài bản, đồng bộ, khoa học và hợp lý hơn để giảm được sự chỉ đạo mỗi nơi một kiểu, mỗi địa phương áp dụng một cách, bớt những thủ tục phiền hà, giúp các DN trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh nhanh và thuận lợi nhất.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Long thực hiện













 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận