Thời gian gần đây, nhiều nền tảng công nghệ mới ra đời nhằm kết nối thông tin, hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong vùng dịch Covid-19. Làm thế nào để các nền tảng công nghệ phát huy hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong dịch bệnh? Phóng viên VOV đã trao đổi với ông Vũ Thế Bình (ảnh trên), Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Netnam về nội dung này.
Sau giai đoạn đầu tập trung với những nền tảng công nghệ hỗ trợ kiểm soát phòng chống dịch bệnh thì hiện nay nền tảng công nghệ đã được mở rộng sang lĩnh vực hỗ trợ cho người dân, những người yếu thế trong những vùng có dịch. Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của những ứng dụng này trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay?
Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 này rất dài và có những hệ quả rất lớn về tính mạng và kinh tế cho người dân ở nhiều nơi. Mặc dù Nhà nước đã rất cố gắng nhưng một mình Nhà nước thì không thể lo hết được mọi việc nên hoạt động hỗ trợ tự nguyện - trong đó có các ứng dụng công nghệ được ra đời trên cơ sở nhu cầu thực tiễn từ cả hai phía: Những người dân cần sự trợ giúp cũng như từ phía những người muốn góp một phần công sức của mình cho việc chống dịch, hỗ trợ những người khác. Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực và sáng kiến này. Dịch bệnh chắc chắn chưa thể hết ngay được, nên tôi nghĩ còn nhiều sáng kiến nữa sẽ được đưa ra để hỗ trợ người dân, đặc biệt những nhóm yếu thế trong xã hội.
Theo ông, những ứng dụng hỗ trợ người dân trong vùng có dịch hiện nay cũng như sẽ được phát triển trong thời gian tới cần phải xây dựng dựa trên những tiêu chí nào? Và với những ứng dụng đến thời điểm này thì đã bao phủ những lĩnh vực nào để người dân có thể tìm kiếm sự hỗ trợ?
Quan sát và theo dõi các ứng dụng được đưa ra để hỗ trợ người dân, đặc biệt trong vùng có dịch thì tôi thấy nó rất đa dạng. Các sáng kiến thì có thể rất đơn giản như việc thiết lập một trang thông tin hay một nhóm thông tin, nhóm người dùng ở trên các mạng xã hội như facebook, zalo, hoặc những ứng dụng có tính chất phức tạp hơn như cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh.
Qua đó chúng tôi cho rằng những ứng dụng hỗ trợ người dân trong vùng dịch nên được xây dựng trên cơ sở một số tiêu chí. Thứ nhất là nhắm vào thứ cần thiết nhất cho người dân như: Hỗ trợ thông tin, hỗ trợ sức khỏe hoặc hỗ trợ về những thứ thiết yếu. Thứ hai là cách sử dụng đơn giản. Thứ ba là làm sao để dễ được biết đến, dễ được tiếp cận và được truyền thông rộng rãi.
Qua theo dõi các nỗ lực này, chúng tôi thấy ngoài các hỗ trợ từ hệ thống của Nhà nước thì đã có những hỗ trợ từ y tế, từ các bác sĩ thiện nguyện, tình nguyện viên, đồng thời cũng có những hỗ trợ thiết yếu như trợ giúp khó khăn, giúp đi chợ.
Thậm chí gần đây còn có ứng dụng phát sinh từ thực tiễn cơ sở, ví dụ như việc quản lý tiêm vaccine ở cấp xã, cấp phường; rồi hỗ trợ việc giãn cách... Rõ ràng chúng ta thấy những ứng dụng được phát triển, mở rộng, gia tăng trên các nền tảng có nhiều người dùng như zalo, facebook thì sẽ có tính lan tỏa, dễ tiếp cận đến nhiều người.
Vậy theo ông, về tính đơn giản mà ông vừa đề cập thì với các ứng dụng hiện nay, tính đơn giản đó đối với đại chúng là như thế nào?
Chúng ta thấy một phần là do phát triển nhanh cho nên có một số ứng dụng cũng cần cải thiện để dùng đơn giản, đặc biệt là những ứng dụng mà người dân phải cài thêm phần mềm vào điện thoại của mình. Còn những thứ đơn giản nhất thì rõ ràng là những thứ nằm sẵn ở trong những ứng dụng mà người dân quen thuộc, quen dùng. Nhìn ở góc độ đó, các sáng kiến, ý tưởng từ các nền tảng lớn, từ các nền tảng có đông người sử dụng, mà mở rộng thêm cho người dùng những tính năng mới thì rõ ràng sẽ dễ tiếp cận hơn.
Thưa ông, tính chính xác của các thông tin kết nối trên các nền tảng hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong dịch bệnh cần phải được quan tâm như thế nào để từ đó chúng ta đảm bảo sự hỗ trợ đến được đúng người, đúng thời điểm và tránh vụ việc lùm xùm không đáng có?
Công nghệ dù giỏi đến đâu cũng chỉ là công cụ hỗ trợ. Nhiều nơi đang ở trạng thái dịch rất phức tạp, thậm chí ở tình trạng khẩn cấp, do đó các ứng dụng đều đặt ưu tiên về xử lý các tính khẩn cấp lên đầu tiên. Vì thế, việc kiểm định tính chính xác của thông tin thường là chưa được quan tâm lắm.
Việc kiểm định tính chính xác của thông tin nên thuộc về các cấp chính quyền hoặc những người đưa ra các sự hỗ trợ. Có thể hiện nay các ứng dụng chưa đưa ra được tính năng đảm bảo hoặc tính chính xác của thông tin nhưng điều đó có thể chấp nhận được trong tình trạng khẩn cấp này.
Và các ứng dụng sẽ cải thiện thêm các tính năng trong quá trình thực hiện đời sau.
Sự tham gia của các cấp chính quyền là cần thiết nhưng trong giai đoạn đầu khi yếu tố về tính trợ giúp khẩn cấp cao thì mình cũng phải chấp nhận một thực tế là có thể có những trường hợp thông tin không hoàn toàn chính xác nhưng chúng ta nên nghĩ rằng đó là số ít. Mục đích chính của việc hỗ trợ mang tính kịp thời và nhanh chóng là vẫn được thực hiện bình thường.
Trong số các nền tảng kết nối hỗ trợ người dân trong vùng dịch thì ứng dụng cho phép cập nhật thông tin của các F0 đang điều trị với người nhà được rất nhiều người quan tâm. Ông đánh giá thế nào về việc ứng dụng công nghệ trong xử lý nhu cầu rất cấp thiết này?
Trong tình hình F0 bị cách ly tập trung, hoặc cách ly tại nhà, và do điều kiện giãn cách xã hội, cách ly trên toàn địa bàn thì những gì gia đình có thể làm được cho họ cơ bản chỉ là nắm tình hình, động viên, hỗ trợ tinh thần.
Cho nên các ứng dụng cho phép mình cập nhật thông tin về các F0 một cách chính xác, rõ ràng là điều thực sự cần thiết đối với người nhà của F0.
Có nhiều trường hợp vì yếu tố khẩn cấp và khốc liệt của dịch nên người thân không nắm được tình hình của F0.
Rõ ràng công nghệ cũng giúp việc này đỡ vất vả hơn, thông tin được đầy đủ, rõ ràng hơn, vấn đề còn lại là chúng ta có thực thi được không, có đảm bảo được các bước cần thiết liên quan đến việc ghi nhận thông tin và trao đổi thông tin một cách đầy đủ và chính xác hay không thôi.
Liên quan đến câu chuyện thực thi chúng ta thấy có vấn đề là cần có sự phối hợp của lực lượng y tế để vừa đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác về F0 đến với người thân nhưng cũng phải tuân thủ quy định về cung cấp thông tin trong phòng chống dịch Covid-19 nói chung. Vậy theo ông, vấn đề này có thể được tiếp cận theo hướng như thế nào?
Trong câu chuyện về thông tin và truyền thông, theo chúng tôi, thứ nhất là đối với những bên liên quan, như người thân, gia đình, cơ quan chức năng, y tế, an sinh xã hội, thì thông tin phải được đầy đủ và minh bạch. Còn đối với việc lưu trữ, truyền tin , truyền thông ra bên ngoài thì các thông tin ấy phải giữ được sự riêng tư và bảo mật.
Nếu chúng ta đáp ứng được những yếu tố đó thì cách thực thực hiện việc cung cấp thông tin lưu trữ, thông tin liên quan đến các F0 sẽ được thực hiện một cách đầy đủ và tuân thủ các tiêu chí về minh bạch, riêng tư, bảo mật.
Để tiếp cận được các nguồn hỗ trợ qua nền tảng kết nối thông tin thì một yêu cầu bắt buộc là người dân phải có điện thoại thông minh và được kết nối mạng internet. Vậy vấn đề này sẽ được xử lý ra sao với những người dân ở những vùng khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển bởi họ cũng thuộc đối tượng yếu thế nhất, thưa ông?
Ngay tại Hà Nội, trong thời gian giãn cách, cách ly xã hội, một số nhóm người yếu thế ở Hà Nội khi không còn phương tiện liên lạc nữa thì thực sự rất khó khăn và chúng ta phải chấp nhận rằng đây là một thực tế. Khi đó, họ bắt buộc phải trông mong vào sự quan tâm của những người xung quanh.
Và khi đó ứng dụng công nghệ sẽ giúp mọi người xung quanh trong việc giúp đỡ những người yếu thế, có thể là thông qua việc lan tỏa thông tin, hoặc thông qua việc kêu gọi trợ giúp từ cộng đồng hoặc các nhóm thiện nguyện khác.
Việc có nhiều ứng dụng khiến người dân cảm thấy phức tạp. Từ đó đặt ra vấn đề tích hợp các ứng dụng hay liên thông cơ sở dữ liệu giữa các ứng dụng. Ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
Việc phát triển rất nhanh để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, dịch bệnh nhưng thiếu một định hướng rõ ràng cho nên vừa rồi dẫn đến tình trạng rối, phức tạp, hoặc có người nói là loạn ứng dụng. Giai đoạn đầu có tính tự phát thì điều này có thể chấp nhận được.
Nhưng tới đây, việc có định hướng cho các ứng dụng này là rất quan trọng, đương nhiên vai trò đó phải thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước. Bộ TT-TT đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia cố gắng để đồng bộ các nỗ lực chống dịch.
Và chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian tới, trước tiên là việc các cơ sở dữ liệu cần được kết nối, cần được liên thông, thậm chí cần dùng chung để giảm sự bất tiện cho người dùng và đồng thời cũng nâng cao hiệu quả của công tác dữ liệu cho việc hỗ trợ phòng chống dịch. Nếu công tác dữ liệu làm đầy đủ thì cũng giúp đưa ra các chính sách đúng đắn trên cơ sở khoa học và số liệu.
Xin cảm ơn ông!