Tận dụng thời điểm vàng trong thực hiện kéo dài giãn cách xã hội cần áp dụng nhiều biện pháp, mở rộng vùng xanh mới mong sớm kiểm soát dịch bệnh. Đây là điều mà PGS.TS.BS Đinh Vạn Trung, nguyên Chủ nhiệm khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trăn trở khi trao đổi với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam.
Thưa ông, việc xét nghiệm (test) nhanh trên diện rộng tại Hà Nội để phát hiện người nhiễm Covid-19 đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Quan điểm của ông về biện pháp này như thế nào?
Để việc xét nghiệm trên diện rộng đạt hiệu quả cần có chỉ định đúng và trúng vào những vùng nguy cơ cao, đối tượng nguy cơ cao.
Hiện nay, các nước trên thế giới, đơn cử như Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng đang thực hiện xét nghiệm đại trà do số ca mắc trong ngày của họ rất cao (trên 16.000 trường hợp), nhưng họ cũng chỉ tập trung vào nhóm có nguy cơ cao.
Hà Nội đang chia ra vùng: xanh, da cam và vùng đỏ để kiểm soát dịch bệnh. Việc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu thực hiện test trên diện rộng chỉ nên thực hiện tại vùng đỏ (vùng dịch) và theo chỉ dấu tại vùng da cam (nguy cơ). Ngay tại những vùng đặc biệt này, số người nhiễm cũng không cao.
Thực tế sau 3 ngày xét nghiệm diện rộng tại Hà Nội, kết quả cho thấy, tỷ lệ khoảng 1 vạn dân có 1 ca F0 (0,01%). Đây là tỷ lệ rất thấp.
Nhiều ý kiến cho rằng, chính những điểm lấy mẫu xét nghiệm này cũng có nguy cơ trở thành ổ dịch.
Do vậy theo tôi để giữ được an toàn, các khu vực nằm trong vùng đỏ và da cam cần lên kế hoạch chi tiết từ khâu xác định đối tượng, chuẩn bị nhân lực và trang thiết bị y tế, chuẩn bị địa điểm xét nghiệm có phân luồng vào/ra một chiều, danh sách người cần xét nghiệm chia ra theo giờ để không tập trung đông người, giữ khoảng cách 2m giữa mỗi người đến xét nghiệm, mang khẩu trang đầy đủ.
Tại khu vực xét nghiệm, các nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm phải đảm bảo tốt các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định 5188 của Bộ Y tế.
Khu vực đỏ và da cam, quan trọng nhất vẫn là các biện pháp giãn cách xã hội, đó là: Hạn chế ra ngoài và di chuyển khi không cần thiết; Không tập trung đông đúc; Hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại nơi làm việc và ăn uống; Hạn chế tối đa việc di chuyển từ khu vực này sang khu vực khác.
Trong trường hợp buộc phải di chuyển, cùng với việc áp dụng triệt để các biện pháp phòng chống lây nhiễm, cần chủ động xét nghiệm trước khi rời đi hoặc xét nghiệm tại nơi đến; Thực hiện 5K mọi lúc mọi nơi.
Để nhanh chóng đưa F0 ra khỏi cộng đồng, theo ông cần phải tiến hành như thế nào?
Vấn đề này nhiều cổng thông tin cũng đã nói rồi. Về nguyên tắc phải dùng các biện pháp quyết liệt như sàng lọc, truy vết và chủ động xét nghiệm.
Đặc biệt, cần triển khai xét nghiệm tất cả những đối tượng có yếu tố nguy cơ như những người có triệu chứng ho, sốt,… những người nằm lâu trong bệnh viện, xét nghiệm chủ động định kỳ những người làm việc tại nhà máy, vận chuyển hàng hóa và đặc biệt là các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong khu vực có F0 phải yêu cầu nhân dân tự giác hợp tác trong việc hạn chế ra ngoài và di chuyển khi không cần thiết. Thực hiện ngay các biện pháp như của vùng đỏ.
Còn những “vùng xanh” có cần thiết test nhanh? Và người dân cần tiến hành thực hiện test nhanh như thế nào?
Vùng xanh đang được bảo vệ và là vùng không có dịch thì không nên xét nghiệm đại trà diện rộng vừa tốn sức người, sức của. Còn nếu làm, nguy cơ mang dịch vào vùng này sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến mục tiêu là mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ.
Trong các khu vực này, từng bước thực hiện nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Nếu phát hiện dịch bệnh lây lan trở lại, nhanh chóng thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và hiệu quả như ở vùng đỏ để phòng chống dịch bệnh.
Trong trường hợp sử dụng đến test nhanh, người dân phải tuyệt đối chấp hành mọi yêu cầu của cơ sở y tế địa phương, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của nhân viên y tế trước và sau khi lấy mẫu như khai báo y tế, mang khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách, không nói chuyện...
Một số chuyên gia lo ngại việc test nhanh này chính là nguyên nhân lây nhiễm từ nhân viên y tế, từ việc vi phạm nguyên tắc 5K… dẫn đến “vỡ trận” như đã xảy ra tại TP.HCM. Xin ông nói rõ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn này?
Những lo ngại như vậy là có cơ sở, hãy nhìn lại cảnh sáng 21/7, tại Viện Kiểm định quốc gia vaccine và Sinh phẩm y tế (Bộ Y tế), hàng trăm người đã chen chúc xếp hàng trước cổng cơ quan này để chờ xét nghiệm Covid-19, quá nguy hiểm nếu như trong số đó có một vài người đã nhiễm virus nhưng không có triệu chứng.
Tuy nhiên, hiện tượng này đã được chấm dứt kịp thời. Vấn đề đặt ra bây giờ là nếu xét nghiệm có sàng lọc, có chỉ dấu rõ ràng thì nhân viên y tế đi lấy mẫu thực hiện các quy trình kỹ thuật có chuẩn mực không? Quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn có chặt chẽ không? Từ trước đến nay, các nhân viên y tế luôn là trung gian truyền bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh nếu như họ chỉ cần có sơ suất bỏ qua một khâu nào đó trong quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Do ảnh hưởng từ biến thể Delta khiến nhiều nước gặp khó khăn trong việc kiểm soát dịch bùng phát trở lại, trong đó có Việt Nam. Việc tận dụng “thời điểm vàng” trong thời gian kéo dài giãn cách xã hội nhằm kiểm soát dịch tốt hơn, theo ông, bước tiếp theo chúng ta cần triển khai như thế nào?
Tận dụng thời gian vàng trong thời gian giãn cách xã hội với mục tiêu là thu hẹp vùng đỏ để phủ xanh dần dần toàn địa bàn. Giãn cách xã hội bằng các biện pháp cách ly, phong tỏa chỉ có tác dụng giảm tải cho hệ thống y tế, giảm đỉnh dịch và giãn làn sóng dịch.
Vaccine hiện là vũ khí duy nhất nếu độ bao phủ đạt 70 - 80% dân số được tiêm chủng, để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, nhưng cần ưu tiên người lớn tuổi.
Bởi bất cứ nơi nào trên thế giới, nếu những người lớn tuổi chưa được tiêm đều phải đối mặt với rủi ro cao và khó có thể kiểm soát được dịch. Vì thế, khẩn trương mua vaccine để tiêm chủng miễn phí cho toàn dân.
Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta không nên nhìn vào các nước Âu, Mỹ để đánh giá là tại sao họ được bao phủ vaccine nhưng tỷ lệ nhiễm vẫn cao.
Lý giải cho điều này là do dân họ thích tự do, thích tụ tập, thậm chí họ có những cuộc biểu tình cả trăm ngàn người, chủ yếu là giới trẻ nhằm phản đối, chống lệnh phong tỏa, mặc cho lây nhiễm.
Vì thế, chúng ta phải coi cuộc chiến chống Covid-19 là của toàn dân, dân hiểu biết, dân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước.
Thứ nữa, tất cả mọi F0 thể nhẹ đều có thể điều trị tại nhà. Bệnh viện chỉ điều trị thể nặng.
Tất cả F1 đều tự cách ly tại nhà, không gom lại để cách ly tập trung. Song song với đó, Bộ Y tế cung cấp đầy đủ những thông tin kiến thức liên quan đến cách ly, phòng bệnh, tự chữa bệnh nhẹ cho người dân; Coi truy vết tiếp xúc là quan trọng hàng đầu trong việc xác định các F1 và F2.
Ngay khi một ai đó được xác định F0, việc phải làm sớm nhất là xác định những nơi mà F0 đến và danh sách các F1 để chuyển cho công an địa phương để quản lý.
Điều nữa tôi muốn nói là, ngừng ngay việc phun thuốc khử khuẩn rộng rãi khắp nơi và phun lên quần áo vì tốn kém, hủy hoại sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
Trân trọng cảm ông!
Lưu Hường thực hiện