Nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp: Đồng tâm vượt khó!

Phóng viên VOV trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

 

Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết người dân, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề. Nhằm hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân - người lao động, nhiều chủ trương, chính sách mới đang và sẽ được triển khai. Làm thế nào để sự hỗ trợ này trở thành động lực lan tỏa nhằm kiểm soát và hạn chế tối đa thiệt hại do Covid-19? Phóng viên VOV trao đổi với ông Nguyễn Quang Huân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam.

Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về các hoạt động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua nhằm hạn chế những tác động tiêu cực do Covid-19?

Chúng tôi rất phấn khởi, cảm động khi Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị đã tập trung rất cao để ngăn chặn đại dịch, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) bằng những việc làm rất cụ thể, như các gói cứu trợ liên tiếp. Điều quan trọng là tìm ra cách hỗ trợ tới DN, tới người dân một cách nhanh nhất.

Vì vậy, các bộ, ban, ngành, Chính phủ đã phải làm việc cật lực để đạt được mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, vừa phát triển kinh tế. Chính phủ đang nỗ lực, đang đi đúng hướng để cùng nhân dân, DN vượt qua đại dịch này. 

Theo ông, chúng ta nên nhìn nhận thế nào trong bối cảnh nguồn lực không dư dả và từng có những sơ suất khi triển khai thực hiện những gói tài chính hỗ trợ, thế nhưng hiện vẫn tiếp tục có những gói tài chính, những chủ trương, chính sách để hỗ trợ cho người dân, người lao động trong thời gian tới?

Chúng ta phải nhìn nhận thực tế là Việt Nam vừa mới thoát nghèo. Vì thế, ngân sách của Nhà nước để hỗ trợ cho các công tác khẩn cấp không được dư giả như các nước giàu.

Thế nhưng chúng ta phải nhìn thấy quan điểm rất nhân văn của Đảng, Nhà nước là phải hỗ trợ, cứu trợ người dân trước, tập trung mọi nguồn lực và trong giai đoạn này, chúng ta phải đưa sự an toàn của người dân lên trên hết. Mặt khác, chúng ta còn phải phát triển kinh tế sau này và còn nhiều công tác khác.

Bởi vậy, nếu chỉ tập trung quá mạnh vào dịch thì đến lúc hết dịch, chúng ta sẽ bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngay trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ cũng đã đưa ra các biện pháp cắt giảm chi tiêu.

Những quỹ tồn dư của những năm trước được chuyển ngay sang phòng chống đại dịch, trong đó có cả việc mua vaccine và hỗ trợ; Hay là Chính phủ quyết tâm cắt giảm 10% chi tiêu thường xuyên để chuyển tiền ấy ra phòng chống dịch, thì đề nghị đó đã được Quốc hội đồng ý và đưa vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Tôi đánh giá những hành động ấy rất kịp thời.

Những gói hỗ trợ  trước có thể có những cái sai, chưa đạt được kết quả như mong muốn  bởi đây là lần đầu tiên chúng ta gặp, thì Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận, thấy những khiếm khuyết, sai sót, cách tiếp cận chưa đúng và đã sửa chữa ngay trong đợt cứu trợ lần này.

Bộ Tài chính kết hợp với các bộ, ngành khác làm rất tốt công tác giải ngân gói cứu trợ này. Việc giải ngân đợt này tốc độ rất nhanh.

Quan điểm của ông như thế nào về những chủ trương, chính sách sẽ được triển khai thực hiện từ tháng này?

Các DN đầu đàn cũng chung tay cùng Chính phủ dẫn dắt nền kinh tế. Việc hỗ trợ giảm giá điện, nước... nằm ngoài các gói trợ giúp của Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn, DN cũng đang cần được hỗ trợ mà các DN lại có động thái hỗ trợ như vậy là rất đáng trân trọng.

Là DN rõ ràng phải đạt được mục tiêu trong kinh doanh nhưng song song với đó cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội. Tôi thấy DN lớn làm, DN nhỏ cũng làm và có những đóng góp thiết thực cho quỹ vaccine, hỗ trợ trực tiếp cho một số nơi. DN cùng với Chính phủ chia sẻ trách nhiệm trong những lúc như thế này thì người dân cũng rất trân trọng và ghi nhận.

Hiện có người băn khoăn về chất lượng vaccine và mức độ tiêm vaccine giữa các DN lớn và DN nhỏ và vừa có khác nhau hay không?

Đảng, Nhà nước rất quan tâm việc phân bổ nguồn vaccine cho từng nơi, trước hết là cho người dân và sau đó là những vùng trọng điểm, như vừa rồi là Bắc Giang, TP.HCM - nơi tập trung công nhân và DN. Nhưng trên bình diện cả nước, chúng ta đang mong muốn phải miễn dịch đạt cộng đồng, tức là phải tiêm tới 70% dân, như vậy phải có 150.000.000 liều vaccine.

Hiện nay, Chính phủ đang rất nỗ lực. Các nhà khoa học đánh giá mức độ tác động của vaccine khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau.

Thế nhưng tất cả vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới cấp bằng, nghĩa là được phép lưu hành, cho phép sử dụng thì chúng ta cứ có vaccine và được Bộ Y tế cấp giấy phép thì đấy là loại vaccine an toàn. Vùng nào gấp quá, đang có dịch thì cần được ưu tiên trước.

Còn đối tượng nào được ưu tiên thì Chính phủ, Thủ tướng ký Nghị định ban hành rất rõ ràng, chúng ta cứ theo chỉ dẫn của Chính phủ để thực hiện cho tốt.

Quan điểm của ông thế nào khi có ý kiến cho rằng những chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giai đoạn này của Đảng và Chính phủ không đơn thuần là giải pháp tình thế, mà sẽ tác động lan tỏa tới người dân cả nước?

Về vấn đề này, tôi xin chia sẻ thêm một chút. Chúng ta quay trở lại thời kỳ chiến tranh khốc liệt từ những năm 1954 thì thấy Đảng và Nhà nước đã có chính sách đưa các con em trong Nam ra ngoài Bắc học tập để khi hòa bình lập lại thì đấy là lực lượng sẵn sàng quay trở lại quản lý, phát triển sản xuất kinh tế; Hay một số cán bộ sĩ quan quân đội đang trong quân ngũ cũng được rút về cử đi nước ngoài học tập.

Đây là chính sách của Bác Hồ và của Đảng vào đúng thời điểm như thế, tức là trong chiến tranh đã phải nghĩ đến lúc hòa bình phải xây dựng kinh tế. Những việc mà các vị lãnh đạo tiền bối đã làm thì bây giờ chúng ta tiếp tục kế thừa. Và giờ chúng ta cũng đang chống dịch, tất nhiên không kéo dài như trước đây nhưng có thể là 1 năm, 2 năm... sau đấy chúng ta sẽ phải phát triển kinh tế.

Bởi vậy, bây giờ các nguồn lực cần tập trung ưu tiên nhanh cho việc giữ an toàn cho người dân và đảm bảo hỗ trợ cho DN, nhưng chúng ta cũng phải xây dựng các kịch bản, lựa chọn những DN cần được ưu tiên.

Một số DN đầu tàu, ví dụ như Vincom nghiên cứu sản xuất vaccine rất đáng hoan nghênh; Hay là những DN khác có thể không làm được những công việc lớn như thế thì cũng hỗ trợ về nguồn lực tinh thần. Những điều đấy bản thân các DN và người dân phải luôn luôn có ý thức thực hiện.

Khi thấy Đảng, chính quyền quyết tâm ngăn chặn đại dịch thì đáp lại người dân và DN chúng ta cũng phải đồng lòng với Chính phủ, thực hiện triệt để các biện pháp mà Chính phủ đưa ra. Đây là kế sách lâu dài, phải thực hiện được mục tiêu kép: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở nhiều nơi và công cuộc phòng, chống dịch được dự báo còn kéo dài và gian nan thì theo ông, doanh nhân và doanh nghiệp nên thể hiện tinh thần trách nhiệm như thế nào?

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Quốc gia đã nêu một cách rất mộc mạc, đơn giản là trong 15 ngày sẽ cố gắng chung tay, đây là thời điểm vàng để dập dịch. Chúng ta có thể sẽ không chết đói trong 15 ngày nhưng chúng ta có thể chết vì dịch nếu dịch bùng phát.

Nếu chúng ta ở vùng dịch mà chưa được xét nghiệm, chưa được kiểm soát nhưng đã vội vàng rời về quê thì biết đâu lại mang mầm bệnh về quê hương của mình, lại lan tràn dịch. Phải tránh điều đó.

Chúng ta lo lắng về phòng, chống dịch nhưng đừng mất tinh thần thì đấy cũng là cách ngăn chặn dịch bệnh.

Thứ hai, trong DN phải tuyên truyền thật tốt. Vừa rồi có một số doanh nghiệp thiếu kiểm soát nên để một số công nhân ở vùng dịch đi ra ngoài làm cho công tác phòng, chống dịch đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Việc phòng chống dịch phải có sự cố gắng, chung tay bởi công cuộc chống dịch rất lớn, một người hoặc một lực lượng nào cũng không thể làm được mà phải đồng lòng nhất trí, của toàn dân.

Chúng ta làm, chúng ta quyết tâm, chúng ta sẽ dập được dịch.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Trang thực hiện














 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận