Đón công dân về từ vùng dịch: Kiểm soát thế nào để dịch bệnh không lây lan?

Trao đổi với TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

 

Để giảm áp lực cho TP.HCM, đảm bảo an toàn cho người dân, nhiều địa phương đã lên kế hoạch đón người dân trở về từ vùng dịch. Song với đà lây lan rất mạnh của biến chủng Delta, công tác tổ chức đón công dân ở điểm đi và đến cần kiểm soát ra sao để dịch bệnh không lây lan ra cộng đồng và công dân trở về an toàn? 

Phóng viên VOV trao đổi với TS.BS Phạm Quang Thái, Phó Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Trong những ngày gần đây, nước ta liên tiếp lập kỷ lục về số ca mắc trong nước, đặc biệt là tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam. Ông nhận định thế nào về đà lây lan của biến chủng Delta trong đợt dịch này?

Đợt đầu, khi chúng ta muốn tìm ra 1 trường hợp dương tính thì phải xét nghiệm khoảng 1.000 trường hợp liên quan khác. Nhưng đến đợt dịch này, có khi một nửa số mẫu lấy về đều dương tính. Trước đây, một ổ dịch chỉ tìm thấy 1 - 2 người nhiễm, nhưng giai đoạn hiện tại, có khi 100% người trong ổ dịch đều dương tính.

Ví như trường hợp của Bệnh viện Tâm thần hoặc Trại cai nghiện trong TP.HCM. Điều đó cho thấy tốc độ lây lan rất mạnh và nhanh của chủng virus Delta.

Ca mắc mới tại TP.HCM và một số tỉnh phía Nam hiện chưa có dấu hiệu giảm. Rất nhiều người lao động đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không có việc làm, vì vậy nhiều địa phương đã tổ chức đón và lên kế hoạch đón công dân trở về. Trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh này, theo ông, việc các địa phương đón công dân trở về có ý nghĩa như thế nào?

Đón công dân trở về là một việc rất nhân văn vì công nhân, người lao động tại thành phố - nơi đang là vùng dịch - phần lớn đều đến từ các tỉnh, khi không có việc làm thì cuộc sống của họ sẽ rất khó khăn, chưa nói đến chuyện tại những khu vực có dịch thì nguy cơ lây nhiễm cao hơn rất nhiều.

Nếu các địa phương có thể tổ chức đón công dân về sẽ giúp giảm mật độ cư dân, giảm tải cho những khu vực có dịch. Việc này còn ý nghĩa quan trọng nữa là nếu có nơi tiếp nhận những người từ vùng dịch trở về thì sẽ giảm tư tưởng trốn về. Bởi người từ vùng dịch trốn về có thể dẫn đến chuyện lẩn khuất, trốn tránh cách ly, gây nguy cơ lây nhiễm ở địa phương.

Quảng Nam là một trong những tỉnh đầu tiên tổ chức các đoàn xe đón công dân trở về địa phương. Tỉnh đã chuẩn bị lực lượng sẵn sàng để thực hiện việc này và có sự phân luồng, cách ly người trở về từ vùng dịch. Theo ông, với quy trình như vậy đã đủ đảm bảo an toàn phòng dịch cho người dân từ điểm đón đến suốt hành trình trở về hay chưa?

Việc phân luồng, tính toán nguy cơ là việc cần phải tiến hành và chúng ta nhớ rằng sàng lọc là phải căn cứ vào yếu tố dịch tễ chứ không chỉ riêng xét nghiệm.

Tuy nhiên, việc sàng lọc hay xét nghiệm cũng chỉ nhằm giảm thiểu nguy cơ chứ không thể đảm bảo tuyệt đối được. Bởi có rất nhiều trường hợp hôm trước cho kết quả xét nghiệm âm tính nhưng hôm sau đã dương tính, thậm chí dương tính rất mạnh.

Những trường hợp như vậy, chúng ta phải sàng lọc bằng các hình thức khác. Và tất cả xét nghiệm chỉ đúng vào ngay thời điểm đấy chứ không phải có giá trị đến 72 tiếng.

Sàng lọc như vậy rồi vẫn phải kèm thêm một việc là trong quá trình di chuyển, xe phải an toàn chứ không thể để cái xe đó lại trở thành ổ lây nhiễm. Xe phải thoáng, không đóng kín để bật điều hòa, và khi về đến nơi rồi, hành khách cần được đánh giá,  xét   nghiệm  một lần nữa chứ không phải chỉ tin cậy ở các xét nghiệm đầu vào.

Đồng thời suốt quá trình đấy, người tham gia chuyến di chuyển này sẽ phải tự  theo dõi sức khỏe liên tục và thông báo ngay cho cơ quan chức năng nếu phát hiện dấu hiệu nguy cơ. Khi về đến địa phương còn phải tiếp tục sàng lọc, phân loại để nếu không may mắc Covid-19 thì có những biện pháp cách ly chủ động hơn và kịp thời điều trị.

Công dân về tới Phú Yên được xếp hàng chờ xét nghiệm.	Ảnh: K.T

Với hàng nghìn công dân đang có nhu cầu trở về địa phương thì tỉnh Đắk Lắk cũng cử những ê-kíp cán bộ y tế có kinh nghiệm về sàng lọc để đón công dân trở về và sẽ chia nhóm nghi ngờ theo các xe, chỗ ngồi khác nhau. Ông nhận xét như thế nào về cách làm của ngành y tế tỉnh Đắk Lắk?

Việc này đã được Đắk Lắk chuẩn bị khá kỹ, có kế hoạch phân loại, phân luồng công dân rất chi tiết, bài bản. Thế nhưng từ TP.HCM về đến Đắk Lắk là cả quãng đường dài, khi di chuyển có thể có những tình huống đặc biệt xuất hiện. Vì thế, Đắk Lắk chắc hẳn đã có phương án để ứng phó trong những tình huống đặc biệt.

Ngoài ra, đây mới chỉ nói đến người  được đón về, còn người đi đón cũng hết sức quan trọng bởi ngoài trang phục bảo hộ thì lý tưởng nhất vẫn là có một khoang riêng cho người đi đón.

Trong tình hình dịch bệnh hiện tại, chúng ta chưa có điều kiện để làm việc đó nên việc tổ chức đón công dân vẫn còn những hạn chế, chưa thể ngồi giãn cách một cách thoải mái nhất, hoặc là một xe chỉ đón vài người.

Ông có thể phân tích rõ hơn về các nhóm nguy cơ tại các tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16? Theo đó, tại các vùng dịch hiện nay còn có thể phân loại thành 3 nhóm nguy cơ như trước hay tất cả những người ở vùng dịch đều gọi chung là một nhóm nguy cơ?

Về nguyên tắc, tất cả những người trở về từ một tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16 đều bị tính là nguy cơ và phải cách ly tập trung.

Quy định này đến thời điểm hiện tại vẫn đang được áp dụng. Tuy nhiên, tại những vùng đó thì các tỉnh, địa phương - nơi đón người về - luôn phân ra thành các cụm, nhóm nguy cơ khác nhau: Cụm nguy cơ thấp sẽ tiến hành làm sạch, cụm nguy cơ cao thì tiến hành cô lập và xử lý dần cho đến khi tất cả các khu vực đều sạch nguy cơ.

Thưa ông, sau khi đã đón được công dân trở về thì việc tổ chức cách ly xét nghiệm cần tiếp tục được các địa phương thực hiện như thế nào để tránh lây nhiễm chéo trong khu cách ly cũng như tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng? Nhiều người dân lo ngại rằng khi vào khu cách ly thì số lượng F1 trở thành F0 rất lớn.

Bản thân các tỉnh khi chưa đón công dân trở về thì cũng đã có ca bệnh. Khi cùng lúc đón một loạt người về như vậy thì chắc chắn các khu cách ly bị đông.

Với những địa phương có sẵn nơi cách ly nhưng lại hết chỗ trống thì việc này sẽ tạo áp lực rất lớn cho khu cách ly, và như thế sẽ rất khó cho việc phòng chống lây nhiễm chéo. Bởi vậy, ngoài việc rà soát kỹ nguy cơ để phân thành từng khu vực thì các điểm cách ly phải phân khu theo ngày về.

Một điều nữa là giữa các nhóm tuyệt đối không được tiếp xúc với nhau vì nếu như thế thì nhóm đã cách ly gần xong, đến lúc ra khỏi khu cách ly lại mang theo các nguy cơ của nhóm vừa mới cách ly. Đấy là điều rất nguy hiểm.

Việc tuyên truyền, phổ biến cách thức để chống nhiễm chéo, chống nhiễm khuẩn trong khu cách ly phải được thực hiện hằng ngày. Thường ở các khu cách ly tập trung, điều kiện sẽ không được như khách sạn hay nhà nghỉ, nhiều khi 4 - 5 phòng chung nhau một nhà vệ sinh, nhà tắm thì đấy chính là khu vực có nguy cơ lây nhiễm.

Nếu không giải quyết triệt để những vấn đề như vậy thì chính khu cách ly sẽ là nơi gây lây nhiễm cho những người đến cách ly. Vì thế, bên cạnh việc chuẩn bị cơ sở vật chất thì việc hướng dẫn để người dân hiểu cách phòng chống lây nhiễm là hết sức quan trọng.

Tất nhiên, trước khi đón công dân về thì các địa phương đã lường trước được việc có thể sẽ có những ca dương tính, việc quản lý trong các khu cách ly cũng đã ngăn nguồn lây ra cộng đồng rồi.

Người tham gia chuyến di chuyển trở về quê cùng phải tự theo dõi sức khỏe trên suốt chặng đường về.

Nhiều người lo lắng lúc xét nghiệm thì công dân đó cho kết quả âm tính nhưng đến khi về tới nhà được khoảng 5, 7 ngày thì họ bị dương tính, lây ra trong cộng đồng. Ông nghĩ sao về khả năng này?

Theo nguyên tắc, hiện tại tất cả người về từ những địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 đều phải cách ly tập trung. Như vậy, ở trong khu cách ly và được xét nghiệm đầy đủ theo quy trình, đầu vào đầu ra thì nguy cơ lây ra cộng đồng là vô cùng thấp, bởi vì nếu có dương tính thì cũng chỉ trong khu cách ly thôi.

Công dân đó khi được về nhà cũng sẽ tiếp tục được kiểm tra, rà soát bằng xét nghiệm. Vì thế, sẽ hạn chế được tình trạng lây lan trong cộng đồng. 

Phần lớn công dân từ vùng dịch về đều gặp khó khăn trong đời sống do không có việc làm. Vậy sau khi trở về và đã thực hiện cách ly theo quy định các địa phương cần tạo điều kiện ra sao về đời sống cũng như về công ăn việc làm cho những công dân ấy trong điều kiện duy trì mục tiêu kép hiện nay?

Tất nhiên, tại địa phương đón công dân về chưa chắc đã có những ngành, nghề mà công dân đó đang làm thì lúc đấy cần có sự sáng tạo trong điều kiện của địa phương cũng như sự nỗ lực của bản thân những người trở về.

Những công dân này cũng biết rằng khi về như vậy thì điều gì đang chờ họ ở phía trước, nhưng ít nhất trong điều kiện ở địa phương mình, có hàng xóm láng giềng, có người nhà thì chuyện có một công việc nào đó để duy trì cuộc sống trong thời gian chờ đợi đến khi có thể quay trở lại nơi làm việc trước đây vẫn sẽ có nhiều cơ hội hơn là ở một nơi xa nhà.

Nếu tại địa phương đó có những công việc phù hợp cho những công dân trở về thì đấy cũng chính là cơ hội của địa phương trong chuyện dùng được những nhân lực trước đây vốn của địa phương; hoặc những lao động ấy hiện đã có kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm và giờ họ đem những phẩm chất ấy để tiếp tục làm việc tại địa phương thì cũng là đem lại lợi ích cho địa phương ở thời điểm này.

Trân trọng cảm ơn ông!
Thúy Ngà thực hiện




 












 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận