Nhà báo Trần Mai Anh: Người Việt Nam rất giàu sự sẻ chia

Nhà báo Trần Mai Anh, một thành viên của Nhóm, cũng là người sáng lập chương trình'Thiện Nhân và những người bạn'.

 

Với thông điệp “Mỗi chiếc máy có thể cứu sống ít nhất 1 mạng người”, Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng, Soha, Quỹ Thiện Nhân đã cùng kêu gọi chiến dịch cộng đồng mạng chung tay ủng hộ tiền để mua những thiết bị y tế như: máy thở, máy tạo ô-xy, máy sốc tim… gửi tặng các bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Tính đến ngày 28/7, Nhóm Hạt Vừng đã quyên góp và đang trao tặng 69 máy thở HFNC - CPAP, 90 máy tạo ô-xy, 76 bộ vật tư thay thế... cho các bệnh viện. Nhà báo Trần Mai Anh, một thành viên của Nhóm, cũng là người sáng lập chương trình“Thiện Nhân và những người bạn”, đã chia sẻ với Báo TNVN về câu chuyện làm thiện nguyện của Nhóm Hạt Vừng.

 

Qua lời kêu gọi cộng đồng mạng, Nhóm thiện nguyện Hạt Vừng đã mua và trao tặng khá nhiều máy thở cho các bệnh viện ở TP.HCM - nơi dịch Covid-19 đang hoành hành. Ủng hộ máy thở - một việc không dễ dàng về cả tài chính và chuyên môn, phải không chị?

Khi dịch xảy ra thì tất cả mọi thứ đều rất cần nhưng mỗi nhóm, mỗi cá nhân sẽ có một lựa chọn riêng trong việc làm thiện nguyện. Việc mỗi nhóm làm chuyên sâu một công việc thiện nguyện sẽ đem lại hiệu quả cao hơn. Thế nhưng như vậy không có nghĩa các nhóm mạnh ai nấy làm, mà có sự kết nối, hỗ trợ nhau cả về vật chất, thông tin, công sức. Sự kết nối này ngoài giúp tiết kiệm sức người và chi phí cho các nhóm thiện nguyện, còn giúp tình hình ổn định hơn, không bị rối loạn bởi sự chồng chéo công việc.

Với Nhóm Hạt Vừng, khi số ca nhiễm Covid-19 ở TP.HCM ngày một tăng, các bệnh viện thiếu máy thở thì chúng tôi quyết định bước vào chiến dịch kêu gọi quyên góp ủng hộ để mua máy thở.
Chúng tôi đã liên lạc với các bệnh viện, trao đổi với các bác sĩ để nắm được nhu cầu về từng loại máy thở ở mỗi bệnh viện tại thời điểm đó.

Sau đó, chúng tôi đi tìm các nhà cung cấp. Trên thị trường hiện nay nhiều khi không có máy thở để mua, việc di chuyển cũng rất khó khăn do giãn cách xã hội nên để tìm mua được máy thở và vận chuyển tới bệnh viện không phải điều dễ dàng. Chưa kể có những bệnh viện hệ thống đầu nối ô-xy không tương thích với máy thở được tặng nên chúng tôi tặng máy sẽ phải đổi cổng chuyển của thế hệ máy mà mình mua tặng.

Các thành viên đại diện Nhóm Hạt Vừng đã lắp ráp hoàn chỉnh 10 máy thở HFNC tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Các thành viên đại diện nhóm Hạt Vừng tặng 5 máy thở không xâm nhập (CPAP MMD-V1) cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM.

Tuy công việc đòi hỏi thần tốc nhưng chúng tôi hiểu rõ sự nhạy cảm của việc thiện nguyện nên đã phải thực hiện từng bước rất chắc chắn: Nhờ nhiều chuyên gia y tế và người có kinh nghiệm kiểm tra về thông số kỹ thuật, cấu hình và giá cả của máy, để sao cho mua được máy với giá rẻ nhất mà chất lượng lại đảm bảo nhất.

Đơn vị bán máy cũng sẵn sàng giảm giá mấy chục triệu đồng/máy để máy đến được bệnh viện nhiều nhất có thể.

Trong bối cảnh này, quá trình đi mua máy thở hẳn có nhiều câu chuyện để kể, thưa nhà báo Trần Mai Anh?

Chính các bác sĩ đã chủ động tìm đến mình bởi bệnh viện của họ quá thiếu thiết bị y tế. Có những bác sĩ nhắn tin khẩn cấp tới Nhóm là thiếu một chiếc máy thở mà không thể chia sẻ giữa các bệnh nhân được, nếu không có ngay để cấp cứu bệnh nhân thì bệnh nhân sẽ chết. Vậy là nhóm chạy đôn chạy đáo để có được một chiếc máy thở ngay trong buổi sáng hôm ấy.

Và chính những bác sĩ sau khi thấy nhóm có khả năng đáp ứng được nhu cầu của bệnh viện đã trở thành đầu mối kết nối nhóm tới các bác sĩ, bệnh viện khác.

Từ đấy hệ thống liên lạc với các bệnh viện, các bác sĩ được mở dần ra. Tôi nghĩ rằng nếu con người thực sự cần nhau, muốn thấu hiểu và chia sẻ và thì sẽ tự khắc biết mọi con đường để tìm đến được với nhau.

Trong khi liên lạc với nhiều bệnh viện cùng lúc, chúng tôi biết được có bệnh viện thiếu loại máy thở này, trong khi ở bệnh viện kia lại tạm thời chưa sử dụng đến loại máy thở đấy, vậy là Nhóm Hạt Vừng kiêm luôn cả việc điều chuyển máy thở giữa các bệnh viện.

Nhóm Hạt Vừng trao tặng 7 máy thở cho Bệnh viện Quân dân y miền Đông.

Thật may mắn là chúng tôi đã gặp được những nhà cung cấp rất tốt. Có những trường hợp đã ký hợp đồng mua bán máy thở với mức giá rất thấp rồi, nhưng hôm sau có nơi khác bán giá rẻ hơn thì khi nghe chúng tôi nói lại tình hình, nhà cung cấp sẵn sàng hủy hợp đồng mua bán, vui vẻ bảo chúng tôi mua máy ở nơi có giá rẻ hơn bởi bây giờ các bệnh viện đều rất cần máy nên ai làm được điều gì thì cứ làm.

Mỗi một nhà cung cấp máy lại trở thành một nguồn ủng hộ bằng cách bán máy với mức giá rất thấp; chính người bán lại cố gắng làm sao để người mua mua được với giá rẻ nhất. Và lúc ấy không còn phân biệt giữa người mua - người bán - người nhận - người đóng góp nữa, mà cùng chung mục đích là đưa được nhiều máy thở nhất đến các bệnh viện.

Trên Facebook cá nhân, tôi và các thành viên của Nhóm Hạt Vừng đăng cả hình ảnh hợp đồng mua bán máy.

Để minh bạch thông tin là một chuyện, nhưng còn một mục đích khác là sẽ có những nhóm cũng đang cần mua máy và đấy sẽ là một kênh để tham khảo, giúp họ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, cũng tránh tình trạng hỗn loạn, rối bời tâm lý, chạy loạn lên làm cho thị trường máy thở rối loạn. Và cũng giúp các bác sĩ đỡ phải trả lời, giải thích quá nhiều câu hỏi.

Còn cái khó trong việc đi quyên góp thì sao, thưa chị? Nhất là sau 4 đợt bùng phát dịch thì nguồn lực tài chính của mỗi người đã gần như cạn kiệt.

Khó khăn luôn xuất hiện trên mọi hành trình và chúng tôi cũng đã nghĩ đến điều đó ngay từ khi mới bắt đầu kêu gọi ủng hộ. Có một sự thật là dòng tiền ủng hộ đang dần ít hơn rồi.

Lực mà Nhóm Hạt vừng có thể kêu gọi gần như đã chạm đến mức giới hạn, bởi lượng người theo dõi, lượng bạn của Nhóm đã ủng hộ mình nhiều rồi nên cũng sẽ hết, trong khi đó các bệnh viện vẫn đang rất cần máy thở, vì thế, chúng tôi cần người khác tiếp sức bằng cách chia sẻ lời kêu gọi này.

Và sắp tới sẽ có những ý tưởng khác, như mở Hiệu “Tạp hoá Tình yêu” mời các KOLs tham gia gây quỹ bằng cách kể câu chuyện riêng của từng đồ vật, livestream bán gây quỹ các quà tặng cộng động gửi tới... Và sẽ có nhiều chiến dịch khác nữa cho tới khi nào TP.HCM, khu vực miền Nam và các tỉnh khác yên ổn.

Nhóm Hạt Vừng trao tặng 5 máy thở cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM.

Nhưng điều đáng mừng là người Việt Nam rất giàu sự sẻ chia. Nhiều tài khoản chuyển số tiền ủng hộ là 20.000, 50.000 đồng hoặc một số tiền rất lẻ. Điều đấy cho thấy những người ủng hộ không phải người giàu có, nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ cho một người khác đang cần hơn.

Có những người mỗi đợt chúng tôi kêu gọi đều chuyển tiền ủng hộ. Có những người đầu tiên chuyển số tiền vừa phải nhưng sau một thời gian thấy chúng tôi làm gọn gàng ngăn nắp, rõ ràng nên lần sau họ chuyển số tiền ủng hộ nhiều hơn.

Để có được số tiền mua ngần ấy máy là phải có hàng ngàn tài khoản chuyển tiền gom góp lại. Ngay cả tại Bắc Giang - nơi vừa trải qua đợt dịch lớn, còn đang liêu xiêu như thế, nhưng mọi người vẫn chung tay đóng góp. Qua đó cũng cho thấy mọi người không cần giàu có mới đóng góp mà điều cần thiết là phải có nhiều những địa chỉ, những cách làm để họ chọn lựa trao gửi. 

Nhóm Hạt Vừng nói chung và chị nói riêng đến nay đã tặng cho bệnh viện nhiều máy thở và các thiết bị y tế khác. Nhóm đã làm như thế nào để có được niềm tin của mọi người, từ đó nhận được số tiền ủng hộ lớn như vậy?

Điều quan trọng là cho mọi người có được niềm tin, để họ thấy được số tiền mà họ đóng góp tới nơi cần tới và đến một cách nhanh nhất, không kéo dài từ đợt nọ sang đợt kia, nhìn thấy mình bỏ tiền mua vào số máy này thì chỉ nay mai cái máy đó xuất hiện tại bệnh viện. Điều này tạo động lực và khiến người ủng hộ thấy việc làm của mình thực sự hữu ích cho ai đó.

Để làm được điều này, chúng tôi đã phải chia thành nhiều đợt và đợt nào cuốn gọn đợt ấy. Ví dụ ngay đợt đầu tiên mục tiêu của Nhóm là ủng hộ 7 máy thở cho Sài Gòn, và chỉ sau 10 tiếng kêu gọi thì Nhóm đã vượt quá mục tiêu đấy. Và chúng tôi đã mua và trao tặng ngay 10 máy tới bệnh viện Chợ Rẫy và kết thúc đợt 1, sau đó mới bắt đầu kêu gọi sang đợt 2.

Tất cả đường đi nước bước của số tiền quyên góp được, nhóm đều chia sẻ công khai, đầy đủ, rõ ràng trên faceboook.

Và nhóm có đường link Excel mỗi ngày cập nhật số liệu ít nhất 2 lần để mọi người ủng hộ xong lúc nào cũng có thể vào đấy tìm thấy số tiền ủng hộ của mình. Nhóm cũng đặt mã QRcode kèm theo clip hướng dẫn cách tra cứu bằng QRcode để ai cũng có thể quét mã đọc được thông tin mình cần.

Như chị vừa chia sẻ, có những người đã ủng hộ tất cả những gì họ có, thậm chí dùng đồng tiền cuối cùng trong tài khoản của mình để ủng hộ. Cảm xúc của chị mỗi khi nhận được những tin nhắn gửi tiền ủng hộ ra sao?

Trước nay, chưa bao giờ nhận được tiền ủng hộ mà tôi thấy vui trọn vẹn, bởi tôi hiểu những người cho đi không phải ai cũng khá giả. Tôi nghĩ là tại mình kêu gọi mà người ta phải cho đi số tiền ít ỏi có được. Lòng tôi nặng trĩu.

Và tôi phải làm cách nào đấy để số tiền ấy được sử dụng có ý nghĩa nhất, và để người ủng hộ thấy vui vì đã ủng hộ mình chứ không phải kêu gọi người ta cho một số tiền đi là thôi.

Làm cầu nối không phải chuyện dễ dàng. Với mỗi một lời kêu gọi quyên góp là nhận vào mình một trách nhiệm. Thế nên phải trong trường hợp rất cần thiết, khi trái tim tôi thực sự rung động thì lúc đấy tôi mới đứng ra kêu gọi.

Những việc thiện nguyện đã lấy đi của chị rất nhiều thời gian, sức lực. Vậy chị lấy động lực ở đâu để tiếp tục hành trình thiện nguyện ấy?

Cùng trong một nước, mọi người đều là người thân của nhau. Đối với tôi, không có ai là người lạ. Thấy một người chưa thở được là chúng tôi cũng như bị nghẹt thở, hụt hơi.

Nếu ta có thể giúp ai đó, nhất là về tính mạng, để họ được sống thì sao có thể nỡ không làm. Cuộc sống là một dòng chảy, mọi người đều có liên quan đến nhau.

Nơi này bị tắc, nơi khác sẽ tắc theo. Sài Gòn mà tắc nghẽn thì kinh tế cả nước cũng tắc nghẽn. Mỗi người trong chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Mình làm những việc này vì mọi người, nhưng thực ra cũng là vì bản thân nữa. 

Bốn thành viên đầu tiên của nhóm Hạt Vừng: Nhà văn Hoàng Anh Tú, nhà báo Bùi Ngọc Hải, đạo diễn Việt Tú, nhà báo Trần Mai Anh (từ trái qua phải).

Mỗi người sẽ có cách giúp đỡ người khác theo cách riêng của mình. Ví dụ các cầu thủ thì tặng áo bóng đá để gây quỹ, nghệ sĩ sẽ giúp bằng cách biểu diễn, hoạ sĩ thì vẽ tặng tranh, nhiều người khác thì nấu hàng nghìn suất ăn mỗi ngày để đi tặng… Làm sao để mỗi người chung tay đóng góp bằng sở trường của họ thì lúc ấy năng lượng mà người ta đóng góp sẽ mạnh nhất.

Tôi may mắn cũng có một lượng bạn trên faceboook, lượng follower và họ nằm trong vệt người đã theo dõi và yêu quý tôi từ Hành trình Thiện Nhân, là những người quan tâm đến những vấn đề xã hội và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác, thế nên khi có một vấn đề cần đến sự ủng hộ thì tôi nhận được sự hưởng ứng và mình có cơ hội làm việc thiện nhiều hơn.

Trân trọng cảm ơn chị!

Ngọc Vũ thực hiện


 













 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận