Thực hiện Luật Cư trú, trong đó có việc cấp căn cước công dân gắn chip và Quản lý công dân bằng thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, không ít người lo ngại bị lộ thông tin cá nhân, khiến kẻ gian lợi dụng để thực hiện các hành vi lừa đảo. VOV bàn luận vấn đề này với Thượng tá Vũ Văn Tấn (ảnh nhỏ), Giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/7/2021 với rất nhiều quy định liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân. Vậy những nội dung đó cụ thể là gì, thưa thượng tá?
Việc sửa đổi Luật Cư trú năm 2020 là rất cần thiết. Thứ nhất, đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do của công dân. Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới. Đặc biệt là thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác quản lý cư trú và đáp ứng được yêu cầu khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú. Ngoài ra, trong Luật Cư trú thể hiện rất rõ quyền tự do cư trú của công dân.
Trên cơ sở rất nhiều điểm mới, có thể tựu trung lại một số điểm như sau: Thứ nhất, thay thế cho việc đăng ký quản lý cư trú từ phương thức thủ công sang một phương thức hoàn toàn mới là trên nền công nghệ. Thứ hai là thay đổi thẩm quyền giải quyết đăng ký cư trú. Sau ngày 1/7, tất cả nghiệp vụ cư trú được thực hiện ngay ở cấp xã, phường, thị trấn. Thứ ba, bác bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Đấy chính là một điểm mới, khẳng định quyền tự do cư trú của công dân.
Thưa ông, cùng với việc thực thi Luật Cư trú năm 2020, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC) cũng chính thức đi vào hoạt động. Điều này mang lại những thuận lợi gì cho người dân, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm thiểu chi phí?
Luật Cư trú có rất nhiều nội dung mang lại lợi ích thực tiễn cho người dân. Trong đó cơ bản là thay đổi từ phương thức hoạt động thủ công của các cơ quan nhà nước sang một trình tự làm trên nền công nghệ, được kết nối với (CSDLQGVDC. Qua chiến dịch làm căn cước công dân (CCCD) vừa rồi, chúng ta thấy được ngay lợi ích này. Trước đây công dân làm căn cước phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ, nhưng với bộ dữ liệu này thì công dân không phải mang theo giấy tờ nào nữa mà có thể đến làm CCCD ngay.
Thứ hai, trước đây công dân phải ra nơi đăng ký thường trú để làm CCCD, nhưng bây giờ dù tạm trú hoặc lưu trú ở bất cứ đâu đều có thể vào các dịch vụ để làm CCCD. Như vậy, bộ dữ liệu dân cư khi Luật Cư trú ra đời, cộng với trên nền tảng Luật Cư trú thì ngay trước mắt đã thấy được lợi ích của người dân trong việc làm CCCD, và sau này còn rất nhiều nội dung khác nữa. Thứ ba, giảm thiểu được rất nhiều thời gian, công sức đi lại của người dân. Thứ tư, cắt giảm được chi phí của người dân, của Nhà nước nhờ giảm các thủ tục giấy tờ. Đặc biệt, nhiều nguy cơ về tham nhũng vặt được giải quyết.
Việc cấp CCCD gắn chip và quản lý công dân bằng thông tin trên CSDLQGVDC khiến không ít người lo lắng về việc bảo mật và bảo vệ đời tư cá nhân. Ông có thể chia sẻ những lo ngại này của người dân?
Sự lo ngại của người dân là hoàn toàn có cơ sở và là điều tất yếu. Tuy nhiên, Nhà nước khi thực hiện nội dung này đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và điều chỉnh những vấn đề để đảm bảo cho công dân. Ví dụ như Luật Cư trú thì tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 quy định rõ công dân hoàn toàn có quyền được đảm bảo bí mật cá nhân. Tại Điều 6 của Luật này cũng quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải đảm bảo an toàn bí mật, an toàn thông tin của công dân trong CSDLQGVDC và CCCD. Khoản 5 Điều 7 cũng quy định nghiêm cấm hành vi làm lộ thông tin trong hệ thống CSDLQGVDC. Đặc biệt trong Luật An toàn thông tin mạng có rất nhiều nội dung quy định trách nhiệm và xử lý những hành vi làm lộ thông tin cá nhân. Hiện nay Chính phủ giao Bộ Công an tiếp tục xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho công dân. Đấy là về vấn đề quy định của pháp luật.
Về vấn đề kỹ thuật, chúng ta thiết kế để bảo đảm việc giữ bí mật thông tin cá nhân. Đối với 2 dữ liệu CSDLQGVDC và Cơ sở dữ liệu CCCD thì ngay từ khi triển khai, Bộ Công an đã chỉ đạo thiết kế xây dựng hạ tầng đường truyền riêng, thông suốt từ Trung ương đến địa phương và có phương án để kết nối, chia sẻ thông tin từ các bộ, ban, ngành liên quan và hệ thống được trang bị bảo mật tiên tiến, nhiều lớp, ví dụ như là chia vùng phần cứng, phần mềm chuyên dụng, bảo mật đường truyền, mã hóa dữ liệu thông tin công dân... Do vậy, việc bảo vệ bí mật thông tin của công dân vừa có cơ sở pháp luật, vừa có cơ sở kỹ thuật trên nền quy định của pháp luật hiện hành.
Cùng với những lo ngại về việc lộ lọt thông tin cá nhân, nhiều người dân cũng băn khoăn về việc gắn chip lên thẻ CCCD thì cơ quan nhà nước sẽ theo dõi và định vị được vị trí của công dân. Vậy điều này có khả năng xảy ra hay không, thưa ông?
Việc triển khai CCCD có gắn chip không có gì mới so với trên thế giới. Rất nhiều nước đã sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chip. Thẻ CCCD của Việt Nam được triển khai theo các tiêu chuẩn bảo mật của Ban Cơ yếu Chính phủ và nó được thực hiện theo tiêu chuẩn bảo mật quốc tế cao nhất của ICAO (một tổ chức hàng không dân dụng quốc tế) bao gồm chống bắt trộm, chống nghe lén, chống nhân bản dữ liệu bên trong thẻ chip và chống theo dõi.
Từ tháng 8/2019, cộng đồng chung châu Âu đã yêu cầu tất cả thành viên trong EU phải triển khai thẻ CCCD điện tử theo tiêu chuẩn ICAO để bảo vệ dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của công dân. Đối với thẻ CCCD gắn chíp, muốn để theo dõi thì phải có nguồn điện. Nguyên lý để theo dõi thì con chip phải hoạt động, mà để con chip hoạt động thì phải có nguồn điện.
Trong khi đó, các thẻ căn cước của chúng ta không có nguồn điện, vì thế, không thể theo dõi các vị trí này được.
Để đọc được thông tin của công dân qua thẻ CCCD thì phải nhập 6 số cuối của thẻ CCCD vào đầu đọc thẻ. Trong quá trình công dân giao dịch hành chính, nhân viên có thể sử dụng đầu đọc thẻ và quét mã để bảo mật. Người dân hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng thẻ CCCD, vì cơ quan chức năng cũng đã tính đến chuyện làm sao để khi thẻ đến tay người dân, khi giao dịch thì đảm bảo được độ an toàn nhất, tránh lộ lọt thông tin.
Hiện nay Bộ Công an đang nghiên cứu xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, có biện pháp quản lý và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Vậy trong nghị định này sẽ có những quy định cụ thể ra sao để việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của công dân thực sự có hiệu quả, thưa ông?
Chúng ta có rất nhiều văn bản luật, trong đó có một nghị định mà Chính phủ giao cho Bộ Công an xây dựng - đó là Nghị định bảo vệ bí mật cá nhân và đang trong giai đoạn dự thảo. Nghị định này có rất nhiều nguyên tắc: Thứ nhất, xác định rất rõ việc bảo vệ bí mật cá nhân và xử lý vi phạm quy định đối với bảo vệ cá nhân. Thứ hai, giải thích các khái niệm cá nhân - là người trực tiếp có thông tin, đơn vị quản lý dữ liệu và đơn vị có thể sử dụng dữ liệu công dân. Nghị định quy định rất cụ thể vai trò của 3 đối tượng này.
Ở đây có một điều căn bản là khi bên thứ ba sử dụng dữ liệu thông tin của công dân thì phải được sự đồng ý của công dân, được công dân xác thực. Với những hành vi vi phạm, tiền phạt lên tới 100.000.000 đồng. Thậm chí đối với những lỗi cố ý và chứng minh được những hậu quả gây ra có liên quan tới pháp luật hình sự thì chúng ta có thể truy cứu cả trách nhiệm hình sự.
Thưa ông, công dân có thể sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong CSDLQGVDC. Thế nhưng trong quá trình này người dân cần lưu tâm những vấn đề gì để có thể tự bảo vệ thông tin cá nhân một cách tốt nhất, tránh kẻ gian lợi dụng và thực hiện các hành vi lừa đảo?
Luật pháp đưa ra để chúng ta xử lý những hành vi vi phạm, còn công nghệ áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ tốt nhất dữ liệu cho công dân. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. Người dân phải xác định rất rõ dữ liệu của mình vô cùng quan trọng, không những quan trọng cho chính mình mà nếu như tổng thể đông người thì đó là cả một vấn đề an ninh Quốc gia để bảo vệ đất nước trên nền dữ liệu này. Hiện nay, trên môi trường mạng, người dân tham gia rất nhiều hoạt động, vì thế, người dân phải tính toán thật kỹ khi người ta đưa ra các yêu cầu thông tin của mình thì mình phải cân đối, tính toán rất kỹ để quyết định có đưa ra hay không. Không có gì bằng chính mình tự bảo vệ mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Anh thực hiện