Để doanh nghiệp kinh doanh đa cấp 'đi' đúng 'đường ray' pháp luật

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định khi trao đổi với phóng viên Báo TNVN.

 

“Việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi sẽ là cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp”, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Hãng luật TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định khi trao đổi với phóng viên Báo TNVN về việc Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP.

Hiện nay, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp. Theo ông, đây có là bằng chứng cho thấy hoạt động kinh doanh đa cấp ngày càng có biến tướng tinh vi, phức tạp?

Tiếp theo các hình thức đa cấp biến tướng dựa trên tâm lý hám lợi khiến hàng vạn người “tiền mất tật mang”, kinh doanh đa cấp biến tướng đã tiến thêm một bước mới khi xuất hiện các hình thức sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, khơi gợi lòng tham và sùng bái các mô hình đầu tư tiên tiến, thời thượng, nhưng lại yếu về công nghệ thông tin của đại bộ phận người dân. Điểm chung dễ thấy nhất của mô hình này là vẽ ra một viễn cảnh đầu tư đem lại lợi nhuận rất lớn, càng đầu tư nhiều thì lãi thu được càng cao. Các đối tượng này lôi kéo nhà đầu tư (NĐT) vào đường dây của mình để ăn tiền hoa hồng và thậm chí có thể lấy luôn tiền vốn của người đó.

Hầu hết những sàn forex đa cấp hiện nay đều có điểm chung là cho nhân viên môi giới mời chào lôi kéo, thu hút người chơi qua hình thức telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua Zalo, Facebook. Nhân viên của các sàn giao dịch này hằng ngày đăng tải trên mạng xã hội những lời mời gọi vô cùng hấp dẫn như: “đầu tư ít sinh lời cao”, “ngày nào cũng đều đều tiền về”, “giúp nhau tương tác tiền vào như mưa”. Nhiều người vì lóa mắt trước những khoản lãi suất đầy hứa hẹn này mà đã ném tiền thật vào tiền ảo, lôi kéo anh em, họ hàng vào cuộc chơi, cuối cùng mất trắng tất cả.

Cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt giữ nhiều đối tượng kinh doanh đa cấp tiền ảo.	Ảnh: K.T

Mặc dù ở Việt Nam nhưng các sàn đều giới thiệu có nguồn gốc từ nước ngoài, có hệ thống kỹ thuật giúp thực hiện giao dịch nhanh chóng, chính xác. Song thực chất các sàn này đều được thành lập tại Việt Nam. Đáng nói, tất cả các sàn forex được các đối tượng thiết kế đều có thể can thiệp vào tài khoản của khách hàng để đặt lệnh hay thậm chí thay đổi số dư tiền.

Sau một thời gian, khi NĐT yêu cầu rút tiền thì chủ sàn kéo dài thời gian và điều chỉnh chế độ giao dịch làm cho những người này liên tục bị lỗ, dẫn đến hết tiền trên tài khoản. Cuối cùng, khi đã chiếm đoạt tiền của các NĐT, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và NĐT không thể đi đòi tiền.

Bộ Công Thương đang công khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Theo ông, Dự thảo đã bám sát thực tiễn hay chưa và có những điểm mới nào?

Theo tôi, Dự thảo có nhiều điểm mới, quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp các cơ quan chức năng và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục không còn gặp vướng mắc. Một số điểm mới đáng chú ý như: Bổ sung, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác; Điều chỉnh giảm thời lượng đào tạo cơ bản bắt buộc, điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn; Làm rõ các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, qua đó giúp người dân xác định được rõ quyền lợi của mình trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý, hạn chế việc lãng phí thời gian, nguồn lực của cả người dân và chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp và sử dụng tiền ký quỹ.

Thúc đẩy hiệu quả quản lý tại địa phương thông qua việc làm rõ điều kiện, trách nhiệm của người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương. Đảm bảo người đại diện tại địa phương phải là người nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương theo yêu cầu.

Bổ sung quy định về tỉ lệ hoa hồng tối thiểu trên doanh số bán hàng cá nhân của người tham gia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động bán hàng của thành viên, hạn chế nguy cơ các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng phát triển theo hướng chỉ tuyển dụng và tiêu dùng hàng hóa trong nội bộ hệ thống.

Những điểm mới này liệu có giúp cho hoạt động kinh doanh đa cấp lành mạnh hơn, tránh được những biến tướng?

Dự thảo quy định rõ các nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp bao gồm nghĩa vụ trả thưởng theo kế hoạch, nghĩa vụ mua lại hàng hóa nếu người tham gia trả lại hàng theo đúng quy định. Các nghĩa vụ phát sinh không trên cơ sở hợp đồng, kế hoạch trả thưởng, ví dụ như trả lại hàng hóa mà người tham gia đã nhận rồi gửi tạm ở công ty, không được coi là nghĩa vụ liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp.

Giải pháp này có tác động tích cực trong giải quyết đề nghị sử dụng tiền ký quỹ, giúp xác định rõ nghĩa vụ nào của doanh nghiệp được giải quyết bằng tiền ký quỹ, giải quyết được tình trạng lúng túng như thực tiễn hiện nay.

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương giúp tạo điều kiện nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện doanh nghiệp tại địa phương, thúc đẩy các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn được thực hiện một cách tốt hơn.

Ngoài các đề xuất sửa đổi, bổ sung nêu trên, tại Dự thảo Nghị định cũng đã xây dựng những quy định mới như bổ sung, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; điều chỉnh giảm thời lượng và nội dung đào tạo cơ bản bắt buộc; điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế…, qua đó nhằm siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp.

Dự thảo đã góp phần giúp nâng cao tính minh bạch trong hoạt động bán hàng đa cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất và dễ hiểu, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam.

Việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung sẽ tác động như thế nào đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời gian tới, thưa ông?

Việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung sẽ vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong thời gian tới. Một ví dụ điển hình là việc Dự thảo bổ sung điều kiện doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trước khi tham gia thị trường Việt Nam phải hoạt động bán hàng đa cấp tối thiểu 3 năm ở một quốc gia khác.

Ngoài ra, Dự thảo có các điều kiện về đăng ký hoạt động bán hàng đối với các doanh nghiệp đa cấp - các điều kiện này giúp sàng lọc các doanh nghiệp tham gia thị trường, là cơ sở để doanh nghiệp được cơ quan chức năng và người tiêu dùng đánh giá uy tín. Đồng thời đây cũng được xem là cơ hội để các doanh nghiệp chân chính tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tránh tình trạng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc chấm dứt hoạt động do không hiệu quả bởi sự cạnh tranh không lành mạnh từ các hình thức đa cấp biến tướng. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ giúp các doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm hoạt động một cách hiệu quả và bài bản hơn, đem lại lợi nhuận kinh tế cao hơn. 

Có thể thấy so với Nghị định hiện hành, Nghị định sửa đổi bổ sung này có những điểm tích cực giúp cho các doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp hoạt động một cách hiệu quả hơn, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh và giảm rủi ro về kinh tế một cách thấp nhất. 

Ông có lời khuyên nào đối với người tham gia bán hàng đa cấp cũng như cảnh báo với người tiêu dùng để tránh “tiền mất tật mang” trước kinh doanh đa cấp biến tướng?

Đối với những người tham gia bán hàng đa cấp muốn tham gia kinh doanh cũng như người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm từ các doanh nghiệp kinh doanh  đa cấp trước tiên phải có sự tìm hiểu về doanh nghiệp đó. Cần nắm rõ các đặc điểm nhận dạng của hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng, lừa đảo để xác định uy tín, chất lượng của doanh nghiệp mình quan tâm.

Người dân cũng nên thường xuyên cập nhật thông tin về hình thức kinh doanh này thông qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. 

Khi phát hiện trường hợp dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu các khoản thu bất chính từ doanh nghiệp đa cấp phải báo ngay cho các cơ quan chức năng nắm rõ để có biện pháp xử lý kịp thời. Từ đó, phần nào bảo vệ mình cũng như những người xung quanh khỏi những “mánh khóe” lừa đảo tinh vi của các đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh đa cấp để trục lợi bất chính, gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Phương thực hiện








 


 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận