Kiểm soát quyền lực để chống tham nhũng: Đâu là điểm nghẽn cần tháo gỡ?

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.

 

Đã có hàng nghìn tỷ đồng được cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý, thu hồi. Hàng trăm vụ án với hàng nghìn bị can phạm tội về tham nhũng bị điều tra, truy tố, xét xử được nêu ra trong báo cáo hằng năm của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng. Vậy nhưng không ít địa phương lại thông tin, qua tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý trường hợp tham nhũng nào, hoặc không có trường hợp nào vi phạm quy định về kê khai tài sản, thu nhập... 

Thực tế này cho thấy công tác tự kiểm tra nội bộ nói riêng và vấn đề kiểm soát quyền lực trong phòng chống tham nhũng hiện nay đang có những điểm nghẽn, điểm yếu cần khắc phục. Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên VOV về vấn đề này.

Tham nhũng là sản phẩm của sự tha hóa quyền lực, hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Vậy muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì việc kiểm soát quyền lực là yêu cầu tất yếu, thưa tiến sĩ?

Đúng vậy. Kiểm soát quyền lực Nhà nước là một yêu cầu khách quan và tự thân của Nhà nước pháp quyền, trong đó có Việt Nam. Không có kiểm soát quyền lực thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng, phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Quyền lực bị tha hóa, dẫn đến quan liêu, tiêu cực, tham nhũng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thấp kém. Vì vậy, kiểm soát quyền lực Nhà nước có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và được quy định trong Hiến pháp và các đạo luật. Việc xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn, kể cả cấp cao trong thời gian qua đã phản ánh rõ Nhà nước ta chưa làm tốt công tác kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng.

Thưa ông, thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng được pháp luật nước ta quy định như thế nào?

 Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ta trong phòng, chống tham nhũng đã được quy định và từng bước hoàn thiện trong Hiến pháp, Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Tuy nhiên, tham nhũng ở Việt Nam, theo tôi, nó được phát sinh trong thể chế, trong cơ chế, chính sách, trong chỉ đạo, quản lý, điều hành, trong tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, trong thực hiện trách nhiệm công vụ, trong cả các công cụ kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo vệ pháp luật như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán điều tra, truy tố xét xử… Do đó có thể nói toàn bộ thiết chế về tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước và hoạt động của công dân đều có liên quan mật thiết đến việc hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Vì vậy, nếu chỉ tập trung hoàn thiện Luật Phòng, chống tham nhũng mà không hoàn thiện, đồng bộ tất cả các thể chế pháp luật khác thì sẽ không thể chống tham nhũng được.

Ông đánh giá thế nào về kiểm soát quyền lực, đặc biệt là kiểm soát nội bộ trong phòng, chống tham nhũng?

Tôi cho rằng kiểm soát quyền lực Nhà nước hiện nay vẫn chưa đạt được như mong muốn, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Mặc dù đã rất nỗ lực về mọi mặt nhưng cho đến nay tình trạng tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, nghiêm trọng và rất tinh vi. Cả 3 phương diện kiểm soát quyền lực như vừa nêu trên thì hiệu lực, hiệu quả vẫn chưa cao, mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã tiến hành rất quyết liệt. 

Kiểm soát quyền lực nội bộ được thể hiện trên các phương diện sau đây:

Thứ nhất, xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, từng người giữ chức vụ, quyền hạn.

Thứ hai, kiểm tra, thanh tra và xử lý trách nhiệm công vụ.

Thứ ba, kiểm soát xung đột lợi ích.

Thứ tư, kiểm soát tài sản thu nhập của mọi thiết chế trong xã hội, trong đó có tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Thứ năm, thực hiện công khai, minh bạch trong tổ chức hoạt động của Nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức của người có chức vụ, quyền hạn. Thứ sáu, giải quyết khiếu nại, tố cáo giám sát, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thứ bảy, loại bỏ cơ chế xin cho trong hoạch định chính sách pháp luật, trong quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật. Tất cả phương diện kiểm soát quyền lực nội bộ trên đây Nhà nước ta đã thực hiện nhưng để có hiệu quả còn rất nhiều việc phải làm, từ hoạch định chính sách pháp luật cho đến tổ chức thực hiện đưa pháp luật vào cuộc sống.

Thực tế chứng minh kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng đang là khâu yếu. Và với 7 phương diện kiểm soát quyền lực nội bộ như ông vừa nêu thì những thiết chế để tự phát hiện nội bộ, kiểm soát nội bộ cũng đang là một khâu còn rất nhiều điều phải bàn. Vậy những khó khăn, điểm nghẽn, bước cản trong quá trình thực hiện các thiết chế này là gì?

Có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thiết chế này, nhưng theo tôi có 4 vấn đề quan trọng cần quyết liệt làm ngay, làm một cách toàn diện để nâng cao hiệu lực hiệu quả. Một là, cần xác định rõ trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó. Trách nhiệm công vụ đang là điểm yếu trong nền công vụ của Việt Nam.

Hai là, phải kiểm soát được tài sản thu nhập của mọi thiết chế trong xã hội, trong đó có tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ, quyền hạn. Đây là khâu yếu nhất trong phòng, chống tham nhũng, trong kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng. Muốn vậy phải xây dựng một đề án cấp nhà nước với những giải pháp rất đồng bộ để thực hiện vấn đề này một cách kiên trì, kiên quyết, vì không thể kiểm soát được tài sản thu nhập thì rất khó để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.

Ba là, phải quy định thật cụ thể rõ ràng, đầy đủ về nội hàm của việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, xã hội và công dân, và phải có tổ chức thực hiện cho được thiết chế này. Muốn vậy, phải bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, của báo chí và thực hiện tốt các thiết chế dân chủ, nhất là dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, phải làm tốt kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, nếu vẫn để tình trạng ngồi sai vị trí, giao sai nhiệm vụ, sai thẩm quyền, sai trách nhiệm, sai năng lực, sai chuyên môn, không đúng người, không đúng vai thì không thể có một nền công vụ tốt, không thể kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng.

Một nền công vụ trong sạch, hiệu quả thì không chỉ trông chờ vào ý thức tự giác của cán bộ công chức. Ông cũng từng đề xuất phải xây dựng luật trách nhiệm công vụ. Theo ông, trách nhiệm công vụ liên quan thế nào đến kiểm soát quyền lực?

Thực chất của kiểm soát quyền lực Nhà nước chính là kiểm soát trách nhiệm công vụ. Một khi trách nhiệm công vụ không minh bạch, không cụ thể, không được kiểm soát một cách chặt chẽ thì quyền lực sẽ bị tha hóa, biến chất dẫn đến tiêu cực, tham nhũng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Mọi chuẩn mực trong hoạch định chính sách cũng như trong tổ chức thực hiện đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước đều bị méo mó, lệch chuẩn vì nó không phục vụ cho lợi ích công, lợi ích của nhân dân, lợi ích của Nhà nước. Do đó, tôi vẫn thiết tha đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là Chính phủ, Quốc hội sớm nghiên cứu để ban hành luật về trách nhiệm công vụ nhà nước. Điều này cách đây hơn chục năm tôi đã đề nghị nhưng rất tiếc cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu để ban hành.

Như ông vừa nói, ngoài thiết chế kiểm soát nội bộ thì còn những thiết chế kiểm soát quyền lực bên ngoài, như từ nhân dân hoặc báo chí. Vậy để nâng cao hiệu lực của các thiết chế kiểm soát quyền lực bên ngoài này, còn những hạn chế nào cần phải giải quyết?

Kiểm soát quyền lực từ bên ngoài là kiểm soát quyền lực giữa các nhánh quyền lực với nhau: Quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Biểu hiện rõ nhất là thẩm quyền của Quốc hội, của HĐND trong việc thực hiện chức năng giám sát của mình. Đây là hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội và HĐND.

Nhưng chúng ta còn rất trăn trở về hiệu lực, hiệu quả này, về thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân đối với các hành vi hành chính, đối với quyết định hành chính của công chức, viên chức trong việc thực hiện quyền hành pháp. Đây là kiểm soát quyền lực từ phía của tư pháp đối với hành pháp.

Ngoài ra, còn kiểm soát quyền lực từ các thiết chế chính trị của Đảng, của các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, của báo chí, của nhân dân đối với quá trình thực hiện quyền lực Nhà nước. Để nâng cao hiệu quả quyền lực Nhà nước trên các phương diện này, bên cạnh những quy định mang tính nguyên tắc, chúng ta hiện nay có một hạn chế là rất nhiều quy định chỉ dừng lại ở những nguyên tắc về thể chế, chính sách pháp luật chung chung. Chúng ta thiếu cơ chế vận hành, quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch và các điều kiện bảo đảm trên thực tế để vận hành các nguyên tắc, thể chế, pháp luật vào cuộc sống một cách có hiệu quả. Đây là hạn chế, yếu kém của hệ thống pháp luật hiện nay.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền thực hiện











 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận