Giải ngân vốn đầu tư công 2021: 'Cỗ xe tam mã' thúc tăng trưởng kinh tế

Phóng viên VOV đã bàn luận cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương về hoạt động giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

 

Năm 2020, giải ngân đầu tư công “lập đỉnh” trong 5 năm khi đạt 82,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương 470.600 tỷ đồng. Việc thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công góp phần quan trọng tạo nên mức tăng trưởng GDP 2,91%, đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Phóng viên VOV đã bàn luận cùng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương về hoạt động giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Thưa Thứ trưởng, ông có thể lý giải về động lực nào khiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công năm 2020 cao nhất giai đoạn 5 năm qua?

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đã đạt con số hết sức ấn tượng - 97,46%. Để đạt được kết quả này, thứ nhất, liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Thứ hai là sự thay đổi về thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư công, tạo ra sự thông thoáng, phân cấp ủy quyền, tăng cường trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đối với các cấp thực hiện.

Điểm thứ ba là các cấp đã thực sự vào cuộc, nỗ lực, bám sát chỉ đạo, đôn đốc các dự án, bắt tay vào để tháo gỡ những điểm nghẽn ở các dự án lớn, dự án chậm tiến độ, dự án gặp khó khăn, nhờ đó nguồn vốn đầu tư công được giải phóng và thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho công tác giải ngân.

Thứ tư, năm 2020 là năm cuối cùng của một chu kỳ kế hoạch 5 năm, các cấp, các ngành đang bước vào giai đoạn tổng kết nhiệm vụ 5 năm và chuẩn bị xây dựng nhiệm vụ cho 5 năm mới, nên đã cố gắng tối đa để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ở các dự án dang dở, những dự án gần kết thúc để có một tâm thế tốt, điều kiện tốt bước vào nhiệm kỳ mới.

Thế nhưng sang đến những tháng đầu năm nay, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công bị chậm lại. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định ra sao về điều này?

Nhiều năm trở lại đây, công tác thực hiện đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công luôn đi theo một mô hình: Tốc độ tăng dần vào cuối năm. Đầu tư công là một quá trình, phải có quá trình thực hiện để có khối lượng hoàn thành, một hạng mục, công đoạn đầu tư, lúc đó mới có giá trị khối lượng để thanh toán, mới có thể làm thủ tục giải ngân được. Và thời gian hoàn thành thường rơi vào nửa cuối của năm kế hoạch. Do vậy, lượng vốn giải ngân thường rơi vào cuối năm cao hơn đầu năm.

Bên cạnh đó, khi mua sắm một gói giá trị hàng hóa nào đó thì chúng ta chỉ thanh toán 1 lần. Do vậy, thời gian để hoàn thành hồ sơ đấu thầu, lập các hợp đồng mua bán cũng phải mất hàng tháng và đến khi nhập thiết bị về thì lúc đó mới triển khai thanh toán và thanh toán đúng 1 lần. Như vậy, khối lượng thanh toán tại thời điểm đó sẽ tăng vọt, còn từ đầu năm cho đến thời điểm thanh toán thì gần như không đồng nào được giải ngân.

Về phía các nhà thầu và chủ đầu tư, bởi khối lượng hồ sơ giấy tờ để thanh quyết toán đối với dự án đầu tư công rất nhiều, nên thường có tâm lý tích lũy khối lượng thực hiện đến thời điểm nhất định nào đấy sẽ làm hồ sơ thủ tục một lần trong năm và giải ngân dứt điểm, như vậy tiết kiệm được công sức, nhân công làm hồ sơ giấy tờ, chứ tháng nào cũng làm hồ sơ sẽ rất tốn kém và không hiệu quả, hồ sơ thì có thể chưa đảm bảo vì khối lượng của một hạng mục chưa đủ để làm.

Việc thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư góp phần tạo mức tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020.

Đây cũng là lý do cho thấy, để khắc phục được câu chuyện đầu năm thong thả cuối năm vất vả, đòi hỏi phải có sự chuyển biến, đổi mới đồng bộ và có thời gian nhất định để làm quen với cơ chế mới. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị kế hoạch thật sự tốt và làm từ sớm để đến khi bước vào triển khai có thể làm được ngay và giải ngân được ngay. Chúng tôi rất kỳ vọng với những đổi thay của quy định pháp luật và sự chủ động cố gắng của các cấp thực hiện, chúng ta sẽ dần khắc phục được điều này.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Qua rà soát cắt giảm được gần 1.500 dự án để ưu tiên đầu tư cho các dự án cấp thiết hơn, hiệu quả hơn. Theo ông, ý nghĩa của việc cắt giảm này là gì?

Ngay sau khi Chỉ thị của Thủ tướng được ban hành thì các bộ, ngành và địa phương đã hưởng ứng rất tích cực. Con số cắt giảm khoảng hơn 1.000 dự án, cơ bản đạt mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Về con số cụ thể và chính xác, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật đến thời điểm cuối cùng trước khi báo cáo Chính phủ, và sẽ chốt con số cuối cùng để thực hiện cho được quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về khắc phục đầu tư dàn trải.

Việc cắt giảm đầu tư công dàn trải đạt được 2 ý nghĩa: Một là chúng ta sẽ giảm bớt được số lượng dự án và có cơ hội để tập trung vốn cho dự án lớn. Hai là tác động đến các vấn đề mang tính tư duy phát triển trong đầu tư công: Chỉ khi nào tập trung vào các dự án lớn, dự án trọng điểm, trọng tâm của cả nước thì lúc đó mới thể hiện quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là vốn đầu tư công là vốn mồi, cốt lõi để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác ngoài Nhà nước tham gia vào phát triển hạ tầng và phát triển kinh tế. Đây mới là ý nghĩa lớn hơn trong việc khắc phục đầu tư dàn trải, qua đó góp phần đi đến kết quả cuối cùng là nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Một vấn đề đáng chú ý là tổng mức vốn ngân sách dự kiến kế hoạch và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là trên 2.870.000 tỷ đồng, tức là đã tăng 120.000 tỷ đồng so với dự kiến trước đó. Sự tăng thêm này có ảnh hưởng đến nguồn chi ngân sách hay không, thưa ông?

Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện các báo cáo lớn để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội sắp tới. Trong đó có 2 báo cáo quan trọng là báo cáo về tài chính ngân sách 5 năm và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, bám sát định hướng chủ trương của Chính phủ về việc tăng cường đầu tư công, giảm chi thường xuyên để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước phục vụ cho tăng trưởng phát triển.

Qua quá trình rà soát, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hai Bộ thống nhất số liệu, trong đó có điều chỉnh con số tỷ trọng đầu tư công trong tổng chi ngân sách nhà nước, nâng con số từ 27% lên 28 - 29%, nâng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước thì không ảnh hưởng đến nguồn ngân sách nhà nước, bởi lẽ số vốn này đã nằm trong tổng chi ngân sách nhà nước. Đây chỉ là điều chỉnh cơ cấu giữa chi thường xuyên và chi đầu tư.

Định hướng về giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách nhà nước là chủ trương lớn, chủ trương đúng đắn trong cơ cấu lại ngân sách của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là bước lộ trình mang tính quyết liệt và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 năm 2021 - 2025 để tạo điều kiện có thêm vốn cho đầu tư công, đặc biệt là tập trung vào những công trình trọng điểm, các dự án hạ tầng mang tính kết nối lan tỏa, có ý nghĩa tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và không ảnh hưởng đến cân đối về ngân sách mà chúng ta đã dự kiến từ trước đến nay.

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã thực sự quyết tâm, nỗ lực để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Vậy Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đề xuất với Chính phủ một số cơ chế, chính sách ra sao để có thể đạt được hiệu quả cao nhất mục tiêu giải ngân trong năm nay, nhằm thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025?

Trong dự thảo báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2125, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, đề xuất một số cơ chế, chính sách, trong đó nổi bật nhất là cơ chế, chính sách mang tính phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, tạo sự chủ động linh hoạt trong việc điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của cả cấp Trung ương và địa phương. Một số quy định có liên quan đến luật pháp thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp để trình với Chính phủ cho phép báo cáo Quốc hội, Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện một cách thông thoáng, chủ động, linh hoạt, hiệu quả hơn trong cả giai đoạn 2021 - 2025.

Những cơ chế, chính sách này có ý nghĩa tác động đến công tác giải ngân hằng năm trong cả chu kỳ kế hoạch và đầu tư công trung hạn. Một giải pháp mang tính quyết liệt hơn nữa là Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn luôn đồng hành với các bộ, ngành và địa phương; thường trực, kịp thời đôn đốc, nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh chung, trong đó có cả đầu tư công; có thể là một điểm tựa vững chắc để các bộ, ngành và địa phương yên tâm triển khai các hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
PV thực hiện



 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận